Trang phục công sở, trong đó có đồng phục, và những phụ kiện như giày dép, bảng tên… là dấu hiệu nhận biết nhân viên của một cơ quan công quyền, đồng thời thể hiện hình ảnh công sở văn minh. Trang phụ phù hợp với nơi làm việc giúp công chức tự tin hơn khi giao tiếp, giúp người dân tin tưởng vào người đang thực hiện nhiệm vụ, tạo nên sự thống nhất và bình đằng nơi công sở.
Với ý nghĩa đó, mới đây Sở Nội Vụ TP. Hồ Chí Minh vừa trình dự thảo về Bộ qui tắc ứng xử công chức, trong đó có điều khoản về trang phục. Dự thảo đề xuất khi thực hiện nhiệm vụ, công chức phải đầu tóc gọn gàng, lịch sự, đi giày hoặc dép có quai hậu. Trang phục được quy định đối với nam, mặc quần tây, áo sơmi. Đối với nữ, mặc quần tây hoặc váy dài (qua đầu gối), áo sơmi có tay hoặc comple hoặc bộ áo dài truyền thống, đặc biệt là đề xuất “cấm công chức không được mặc quần jeans, áo thun” ở công sở.
Nếu phần lớn những quy định trong bộ quy tắc này về ứng xử, thái độ tiếp dân và tinh thần trách nhiệm được công chức và người dân tán thành thì quy định về trang phục lại gây ra những ý kiến tranh luận. Nhiều ý kiến cho rằng, “bộ quần áo không làm nên thầy tu”, quan trọng là tinh thần thái độ làm việc, trách nhiệm với người dân chứ không cần phải quy định hay khắt khe về trang phục. Trước đó, từ hồi tháng 9.2017 trên mạng xã hội facebook đã có ý kiến đả phá việc “cấm công chức mặc quần jeans áo thun” khi thành phố Cần Thơ có quy định này.
Những ý kiến đồng tình thì cho rằng, đúng là không chỉ “nghiêm túc” ở trang phục nhưng trang phục công sở là thể hiện đầu tiên của sự nghiêm túc. Quần jeans áo thun là trang phục gọn gàng, trẻ trung, thể hiện sự năng động nhưng phù hợp ở môi trường ngoài công sở như đi chơi, hoạt động dã ngoại hoặc những công việc nặng nhọc khác… Ngay ở nhiều nước Đông Nam Á và phần lớn các nước trên thế giới, công chức không mặc quần jeans áo thun tại công sở, thậm chí người ta cũng không mặc trang phục này khi tham dự những buổi hòa nhạc, biểu diễn trong Nhà hát lớn hay đến những nơi trang trọng như đám hiếu, đám hỷ, đám tiệc…
Sự phân biệt này không phải là chê bai về nguồn gốc hay coi thường quần jeans áo thun (nhiều nhãn hiệu nổi tiếng của loại trang phục này mắc không thua những trang phục khác), mà thể hiện sự phù hợp với nơi chốn của trang phục, cũng là một yếu tố văn hóa trong ứng xử.
Thật ra những quy định về trang phục phù hợp nơi công sở không phải là điều gì mới mẻ. Còn nhớ ở Sài Gòn trước năm 1975 công chức đi làm luôn trong trang phục lịch sự: Nam áo sơ mi dài tay, hoặc bộ đồ vét và thắt cravat, nữ áo dài truyền thống hoặc đồ tây (quần và áo sơ mi, áo đầm). Nhiều công sở dịch vụ như ngân hàng, bưu điện… có đồng phục có khi theo từng ngày. Công chức cơ quan hành chính là nơi thường xuyên tiếp xúc và phục vụ người dân càng cần có trang phục phù hợp. Điều đó thể hiện việc xác định vị trí chức năng của công chức, xây dựng tác phong chuyên nghiệp, đồng thời tạo ra hình ảnh kỷ luật và nền nếp nơi công sở.
Một thời gian dài sau 1975, do kinh tế khó khăn (và cũng từ quan niệm “phải có tác phong quần chúng” tức là ăn mặc theo kiểu của phần lớn người dân lúc đó) nên những thói quen nề nếp cần thiết này dần bị lãng quên nơi công sở. Công chức ăn mặc xuề xòa có khi là bộ quần áo còn nhiều nếp nhăn, đi dép lê loẹt quẹt… cùng với đó là tác phong lề mề hoặc không tập trung vào công việc. Rồi ngay cả người dân đến công sở cũng trong trang phục lôi thôi, phụ nữ mặc đồ bộ nam giới quần lửng áo thun… Nhiều khi không phân biệt được công chức và khách đến công sở. Tình trạng này cùng với thói làm việc “cửa quyền” của thời bao cấp đã góp phần làm cho công chức và người dân không tôn trọng nhau, thể hiện qua thái độ, lời nói, tác phong làm việc…
Hiện nay phần lớn công chức – nhất là cơ quan hành chính thường xuyên tiếp dân, đã có trang phục lịch sự tại công sở. Tuy nhiên chưa phải tất cả đều như vậy. Vẫn còn xuất hiện quần jeans áo thun, váy đầm quá ngắn hoặc kiểu dáng rườm rà màu sắc lòe loẹt, thậm chí xuất hiện trong một số việc quan trọng hay tiếp khách quốc tế. Điều này làm giảm đi sự chuyên nghiệp và lịch sự nơi công sở. Mặt khác, trang phục công sở hiện nay giá cả cũng phù hợp với đồng lương công chức viên chức, vì vậy những quy định về trang phục trong Bộ quy tắc ứng xử của công chức nên được ủng hộ và sớm thực hiện.
Nhân đây cũng nêu một đề nghị: phóng viên, nhà báo của các cơ quan truyền thông khi tham gia những sự kiện hoặc cuộc họp quan trọng, tác nghiệp ở nơi trang trọng cũng cần có trang phục và tác phong phù hợp. Điều đó thể hiện sự tôn trọng chủ thể công việc và tính chuyên nghiệp của người làm truyền thông.
Đúng là “Chiếc áo không làm nên thầy tu” nhưng chắc chắn, khi thầy tu làm chức trách của mình tại cơ sở tôn giáo thì phải xuất hiện trước mọi người trong trang phục như quy định. Việc công chức có trang phục phù hợp nơi công sở vừa là sự xác tín về chức trách vừa là đòi hỏi người khác tôn trọng chức trách của mình.
Nguyễn Thị Hậu
Sài Gòn 23.10.2017
Sài Gòn 23.10.2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét