THÁNG BẢY – NƯỚC MẮT NGƯỜI Ở LẠI



Nguyễn Thị Hậu

Năm nay mới đầu tháng Bảy mà ông Ngâu bà Ngâu đã gặp nhau và mang lại cho trần gian những cơn mưa như trút. Khi thì do ảnh hưởng bão ngoài biển Đông, khi thì do áp thấp nhiệt đới… Những ngày mưa lớn ngập đường xen với những ngày nắng oi bức đưa con người đến với tháng Bảy, cũng là tháng của những tai nạn mà người ta tin rằng do những “cô hồn” trở lại trần gian.

Ngỡ rằng tháng Bảy mang lại cho vợ chồng Ngâu cơ hội vài ngày bên nhau, mang lại cho trần thế mùa Vu lan báo hiếu, mùa từ bi hỉ xả và tưởng nhớ những người đã khuất… lòng người hướng thiện và thanh thản hơn, như một khoảng lặng bình yên trong bề bộn cuộc sống khó khăn. Vậy mà mới vài ngày thôi xã hội đã choáng váng vì nhiều việc đau lòng và bất nhẫn, càng đau lòng và bất nhẫn hơn khi những việc xảy ra đã hủy hoại cuộc sống của trẻ nhỏ cả về thể xác và tinh thần.

***

Buổi chiều, lướt qua báo mạng tôi bắt gặp tin một nhà sư đã bạo hành và lạm dụng tình dục một bé trai 11 tuổi, khi em được mẹ gửi đến “chùa” để tham gia “khóa tu mùa hè”. Nhìn hình ảnh khắp thân hình nhỏ bé của em tím bầm, đọc những lời em nhắn về cho mẹ xin không “học tu” nữa... Ai mà không đau xót...
Hiện nay đang có hiện tượng khá phổ biến là vào thời gian nghỉ hè, một số gia đình cho các con tham gia “học kỳ quân đội” do một vài nơi tổ chức, hoặc theo học “khóa tu mùa hè” ở một số ngôi chùa. Những người đưa con đến tham gia cho rằng, mùa hè là thời gian để các con vừa học vừa chơi, học tính kỷ luật tự phục vụ, sinh hoạt cộng đồng... (như học kỳ quân đội) hay học giáo lý Phật giáo bồi dưỡng đạo đức, lòng từ bi cho con trẻ (như khóa tu mùa hè)... Bên cạnh đó không thể không thấy, khi gửi con học tập trung một thời gian thì gia đình cũng đỡ lo lắng vì nếu không có người trông nom các con phải ở nhà một mình.

Tất cả những khóa học như vậy đều có ích lợi nhất định. Tuy nhiên, không phải nơi nào cũng tùy tiện tổ chức mà cũng như mọi hình thức giáo dục trẻ em khác, các khóa học như vậy phải được những nơi có chức năng và cơ sở vật chất phù hợp, được người có chuyên môn nghiệp vụ về các lĩnh vực cùng với kỹ năng sư phạm tốt mới có thể dạy cho trẻ tiếp thu những nền nếp sinh hoạt và ứng xử mới, nhất là những yếu tố mới về tinh thần.
Với trẻ còn nhỏ như học sinh tiểu học, cần thiết nhất là việc dạy con tự phục vụ bản thân và có thể giúp đỡ cha mẹ việc vặt. Để trẻ có thể tự giác làm việc đó thì sự dạy dỗ hàng ngày của cha mẹ là yếu tố quyết định. “Kỷ luật” mà cha mẹ đặt ra phù hợp với từng đứa con vì hiểu tâm tính mỗi đứa, các con thực hiện đúng “kỷ luật” không chỉ vì sợ cha mẹ mà vì hiểu rằng việc đó có ích cho bản thân, hơn nữa là mang lại niềm vui cho cha mẹ, gia đình.

Cũng vậy, giáo dục đạo đức cho trẻ nhỏ bắt đầu từ sự thương yêu con người, thương yêu thiên nhiên. Có tình yêu thương sẽ biết đối xử nhân ái, không làm tổn hại, tổn thương con người, không tàn ác với động vật, không hủy hoại thiên nhiên... Những điều đó được truyền đạt hàng ngày, đơn giản từ những ví dụ sinh động trong cuộc sống... có ở đâu và có ai làm việc đó thuận lợi hơn, có hiệu quả hơn là cha mẹ và ngay trong môi trường gia đình? Nếu học điều tốt ở “quân trường” hay “nhà chùa” mà về gia đình không giáo dục hay duy trì thói quen tốt thì khóa học ngắn ngủi cũng chẳng có tác dụng gì. Chưa kể những bất trắc khó lường ở nơi “tập thể”.
Sống tự lập, không ngại lao động, yêu thương con người, đó là hành trang quan trọng và thiết thực nhất gia đình mang theo cho mỗi đứa trẻ. Thiếu cái đó cuộc sống của người trưởng thành sẽ khó khăn nhất là về tinh thần. Khi gia đình là tổ ấm, mọi người có trách nhiệm và tình yêu thương thì con trẻ lớn lên sẽ trở thành người nhân ái và có trách nhiệm với gia đình, với xã hội.

***
Nửa đêm tôi trở dậy làm việc và đọc ngay những dòng tin về cái chết thương tâm của em bé học lớp một. Em mới bước vào ngày thứ hai đi học nhưng sự vô trách nhiệm của người lớn đã cướp đi cuộc sống của em. Có lẽ không cần nói gì thêm về sự tắc trách của nhiều người trong sự việc này, từ người lái xe đến cô giáo nhận trẻ từ cha mẹ, từ cô chủ nhiệm điểm danh đến người có trách nhiệm thông báo với gia đình sự vắng mặt của em, và hơn hết là nhà trường nơi cha mẹ em đã tin tưởng cho con vào học. Với mức học phí cao như vậy chắc chắn gia đình không chỉ kỳ vọng vào kiến thức con mình được dạy dỗ, mà còn tin tưởng vào sự an toàn và chu đáo của nhà trường.

Những gương mặt trẻ con thảng thốt trước tai nạn của bạn, tiếng khóc uất nghẹn của cha mẹ em, những dòng tiếc thương và phẫn nộ tràn ngập facebook... nhắc chúng ta nhớ lại cũng vào tháng bảy vài năm trước đã xảy ra việc những trẻ sơ sinh chết vì “sốc phản vệ thuốc” sau khi tiêm vacxin ngừa bệnh. Hơn chín tháng mang nặng đẻ đau, sinh con ra vuông tròn rõ ràng, vậy mà chỉ tích tắc con bỏ cha mẹ mà đi… Rồi một đoàn học sinh đi du lịch ở Cần Giờ, cũng chỉ sơ sảy phút chốc mà mấy em nhỏ đã bị sóng cuốn ra xa... Và hầu như năm nào cũng xảy ra bao nhiêu cái chết thương tâm của trẻ vì tai nạn giao thông, vì chết đuối, vì những tai bay vạ gió không ai có thể hình dung...

Nhưng sau sự chịu trách nhiệm “chung chung” của vài cá nhân, vài cơ quan... là trẻ em vẫn chết vì sự vô trách nhiệm của người lớn! Sự vô cảm ấy hình như không có điểm dừng! Thế nên các thiên thần xấu số đã phải ra đi ngay trong cái mùa mà cả người ở âm phủ cũng còn có cơ hội “quay về” dương thế.

Nước mắt vợ chồng Ngâu có nhiều hơn nước mắt những người ở lại…?

Sài Gòn 7.8.2019

 


MÙA VỊT CHẠY ĐỒNG



Mùa này đường về quê trải giữa những cánh đồng lúa chín. Lúa tăng vụ thân thấp trĩu nặng hạt vàng, máy gặt đập chạy qua để lại hàng rơm ngắn và những gốc rạ sát mặt ruộng. Trên cánh đồng đàn vịt đua nhau rúc mỏ nhặt lúa rơi và khoan khoái rỉa lông khi cơn mưa chiều vừa qua. Xa xa mây xám còn vần vũ mà tia nắng cuối ngày đã rực lên, bóng người chăn vịt ngả dài trên mặt ruộng loang loáng nước...

Từ thời xa xưa khi những người lưu dân khai phá vùng châu thổ Cửu Long, mỗi năm vào mùa nước nổi trên cánh đồng mênh mông có giống lúa trời lớn đua với nước. Lúa chín mà nước còn chưa rút, người ta bơi xuồng len lỏi cắt lúa trên ngàn. Những hạt lúa rơi rụng trong nước phù sa, ẩn mình trong đất mùa sau lại mọc lên những đám lúa trời như  thương người xa xứ lạc loài tới đây. Tại vùng đất phèn sông rạch chằng chịt, mùa nắng cháy da mùa mưa nước ngập trắng trời, con người phải lựa chọn vật nuôi nào có ích cho nghề nông nhưng phải biết “sống chung với nước”. Và họ đã tìm thấy hai con vật phù hợp nhất với đồng ruộng miền Tây: gia súc thì có con trâu còn gia cầm là con vịt.

Con trâu khi cày ruộng lầy, khi kéo cộ* lúa trên đường gập ghềnh hay lầy lội, mùa nắng một cái đìa cạn cũng đủ cho trâu dầm mình tránh nóng. Khi nước về cũng là “mùa len trâu”, từng bầy trâu bơi trên biển nước về nơi gò cao tránh lũ. Còn giống vịt là giống dễ nuôi, ăn khỏe, lớn nhanh, đẻ nhiều, thích nghi nhanh với thời tiết ngày khi nắng nóng tối gió lạnh se se, đặc biệt là luôn cần môi trường nước. Vì vậy nghề nuôi vịt ở miền Tây chắc đã có từ rất sớm.

Cánh đồng miền Tây sau mùa gặt đây đó những bầy vịt chạy đồng lang thang. Vịt bầy thường có lông màu trắng, vào đầu mùa lúa chúng còn khá nhỏ, bộ lông chưa mướt mát, nhưng chỉ sau một tuần mươi ngày ăn lúa mót, ăn con ốc con tép... chúng thay đổi hẳn, lớn mập từng ngày. Bộ lông được tỉa rửa thường xuyên trở nên mượt mà, sau mỗi trận mưa lại trắng tinh, cả bầy như những đứa trẻ vừa được tắm rửa sạch sẽ trông rất đáng yêu. Mỗi đêm bầy vịt tụm lại rúc mỏ vào nhau thiếp đi, đến hừng đông nhộn nhạo theo người băng ruộng đến cánh đồng khác.

Những chuyến đi khảo sát miền Tây của tôi vào nhiều thời điểm khác nhau trong năm, mỗi mùa là một nỗi nhớ nhưng hình ảnh bầy vịt chạy đồng luôn mang lại cảm giác nao nao... Những buổi chiều hôm khi ngọn khói đốt đồng thơm mùi rơm mới lan theo gió, khi bầy vịt thong thả nghỉ ngơi sau một ngày “vất vả” kiếm ăn thì người chăn vịt cũng nhóm bếp bên cái lều nhỏ che tạm. Hoàng hôn xuống rất nhanh, bóng người chập chờn bên ngọn lửa rồi từ từ nhòe vào đêm. Đi theo bầy vịt chạy đồng thường là những người đàn ông, họ trông giống nhau trong bộ quần áo sẫm màu và chiếc khăn rằn cột ngang trán, đầu trần, vai đeo giỏ bàng đựng mấy đồ dùng đơn sơ, điếu thuốc vấn trên môi, tay cầm chiếc cần câu hay cây sào dài buộc mấy cành lá.  họ toát ra vẻ cô đơn mà phóng khoáng Ra đi gặp vịt cũng lùa, gặp duyên cũng kết gặp chùa cũng tu. Mấy trăm năm khai khẩn như vẫn còn ngưng đọng trong hình ảnh họ...

Ở miền Tây thịt vịt là món ăn rất phổ biến, ai về đây mà không từng thưởng thức thịt vịt luộc chấm nước mắm gừng, lai rai ba xị đế không thể thiếu gỏi vịt luộc hoa chuối. Nồi cháo vịt nấu bằng gạo rang và đậu xanh, điểm mấy miếng huyết vịt nâu nâu, ăn chén cháo nóng hơi loãng cho thêm miếng bún và nắm giá sống mới đúng kiểu miền Tây. Miền Tây còn có cà ri vịt, vịt nấu chao bùi bùi miếng khoai cao** hay vịt nấu khóm*** chua chua ngọt ngọt ăn hoài không ngán. Rồi vịt bọc đất sét nướng rơm, vịt khìa nước dừa... Chiều tối tiếng rao hột lộn ơ...**** từ chiếc xuồng nhỏ trên có bếp cà ràng lập lòe than hồng bán trứng vịt lộn trứng vịt vữa, mùi rau răm quyến rũ... Có lẽ nghề ấp trứng vịt lộn cũng có từ lâu lắm, vì phải biết ấp trứng thì mới có vịt bầy mà lùa ra đồng chứ loài vịt có biết tự ấp đâu? Chén cháo trắng thơm mùi lá dứa với trứng vịt muối cũng là món ăn quen thuộc lúc đêm hôm hay sáng sớm. Mỗi mùa bánh trung thu tiêu thụ hàng trăm ngàn quả trứng muối. Và có thể nào quên nồi thịt kho hột vịt nước dừa, món khổ qua xào trứng hay trứng hấp nấm rơm... quen thuộc trong bữa cơm của người miền Tây?

Bữa hôm ăn cơm với đám học trò đang đi khai quật khảo cổ ở vùng tứ giác Long Xuyên - vùng trồng lúa lớn nhất nước - thấy có món trứng vịt chiên, tôi hỏi: mùa này trứng vịt tươi ngon quá, mà có rẻ không? Mấy đứa con gái nhanh nhẹn trả lời:

D   Dạ rẻ rề cô ơi... mà trứng này không phải mua.
-       Ủa chớ đâu có?
-       Dạ tụi em đi theo bầy vịt chạy đồng lượm trứng rớt, nhìn thấy ông chủ tụi em chạy quá trời, mà ổng cũng chạy theo... kêu lại cho thêm một mớ trứng nữa, còn dặn bữa nào muốn ăn thịt vịt thì nói, ổng lựa cho mấy con mập mập...

Trước đây vào mùa vịt chạy đồng, từ miền Tây rất nhiều ghe lớn chở đầy vịt và những cần xé đầy trứng vịt ra các chợ đầu mối hay lên thành phố. Nhưng dịch bệnh cúm gia cầm một dạo đã tiêu diệt hàng ngàn bầy vịt hiền lành, rồi vịt nuôi trang trại “siêu thịt” và trứng vịt “an toàn” bán đầy siêu thị và quán ăn... món thịt vịt đồng săn chắc mà xương mềm ngày càng ít gặp nơi phố thị.
Thiên truyện nổi tiếng Cánh đồng bất tận của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư như đã đánh dấu một khúc quanh buồn của nghề nuôi vịt chạy đồng. Mỗi năm đi về những con đường miền Tây vào mùa này lại thấy bầy vịt chạy đồng vắng hơn năm trước...

An Giang 19.7.2019
* Xe thô sơ
**Một loại khoai sọ nhưng củ lớn.
*** Dứa, thơm
**** Người miền Tây thường gọi là hột vịt

 




LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...