THÁNG BẢY – NƯỚC MẮT NGƯỜI Ở LẠI



Nguyễn Thị Hậu

Năm nay mới đầu tháng Bảy mà ông Ngâu bà Ngâu đã gặp nhau và mang lại cho trần gian những cơn mưa như trút. Khi thì do ảnh hưởng bão ngoài biển Đông, khi thì do áp thấp nhiệt đới… Những ngày mưa lớn ngập đường xen với những ngày nắng oi bức đưa con người đến với tháng Bảy, cũng là tháng của những tai nạn mà người ta tin rằng do những “cô hồn” trở lại trần gian.

Ngỡ rằng tháng Bảy mang lại cho vợ chồng Ngâu cơ hội vài ngày bên nhau, mang lại cho trần thế mùa Vu lan báo hiếu, mùa từ bi hỉ xả và tưởng nhớ những người đã khuất… lòng người hướng thiện và thanh thản hơn, như một khoảng lặng bình yên trong bề bộn cuộc sống khó khăn. Vậy mà mới vài ngày thôi xã hội đã choáng váng vì nhiều việc đau lòng và bất nhẫn, càng đau lòng và bất nhẫn hơn khi những việc xảy ra đã hủy hoại cuộc sống của trẻ nhỏ cả về thể xác và tinh thần.

***

Buổi chiều, lướt qua báo mạng tôi bắt gặp tin một nhà sư đã bạo hành và lạm dụng tình dục một bé trai 11 tuổi, khi em được mẹ gửi đến “chùa” để tham gia “khóa tu mùa hè”. Nhìn hình ảnh khắp thân hình nhỏ bé của em tím bầm, đọc những lời em nhắn về cho mẹ xin không “học tu” nữa... Ai mà không đau xót...
Hiện nay đang có hiện tượng khá phổ biến là vào thời gian nghỉ hè, một số gia đình cho các con tham gia “học kỳ quân đội” do một vài nơi tổ chức, hoặc theo học “khóa tu mùa hè” ở một số ngôi chùa. Những người đưa con đến tham gia cho rằng, mùa hè là thời gian để các con vừa học vừa chơi, học tính kỷ luật tự phục vụ, sinh hoạt cộng đồng... (như học kỳ quân đội) hay học giáo lý Phật giáo bồi dưỡng đạo đức, lòng từ bi cho con trẻ (như khóa tu mùa hè)... Bên cạnh đó không thể không thấy, khi gửi con học tập trung một thời gian thì gia đình cũng đỡ lo lắng vì nếu không có người trông nom các con phải ở nhà một mình.

Tất cả những khóa học như vậy đều có ích lợi nhất định. Tuy nhiên, không phải nơi nào cũng tùy tiện tổ chức mà cũng như mọi hình thức giáo dục trẻ em khác, các khóa học như vậy phải được những nơi có chức năng và cơ sở vật chất phù hợp, được người có chuyên môn nghiệp vụ về các lĩnh vực cùng với kỹ năng sư phạm tốt mới có thể dạy cho trẻ tiếp thu những nền nếp sinh hoạt và ứng xử mới, nhất là những yếu tố mới về tinh thần.
Với trẻ còn nhỏ như học sinh tiểu học, cần thiết nhất là việc dạy con tự phục vụ bản thân và có thể giúp đỡ cha mẹ việc vặt. Để trẻ có thể tự giác làm việc đó thì sự dạy dỗ hàng ngày của cha mẹ là yếu tố quyết định. “Kỷ luật” mà cha mẹ đặt ra phù hợp với từng đứa con vì hiểu tâm tính mỗi đứa, các con thực hiện đúng “kỷ luật” không chỉ vì sợ cha mẹ mà vì hiểu rằng việc đó có ích cho bản thân, hơn nữa là mang lại niềm vui cho cha mẹ, gia đình.

Cũng vậy, giáo dục đạo đức cho trẻ nhỏ bắt đầu từ sự thương yêu con người, thương yêu thiên nhiên. Có tình yêu thương sẽ biết đối xử nhân ái, không làm tổn hại, tổn thương con người, không tàn ác với động vật, không hủy hoại thiên nhiên... Những điều đó được truyền đạt hàng ngày, đơn giản từ những ví dụ sinh động trong cuộc sống... có ở đâu và có ai làm việc đó thuận lợi hơn, có hiệu quả hơn là cha mẹ và ngay trong môi trường gia đình? Nếu học điều tốt ở “quân trường” hay “nhà chùa” mà về gia đình không giáo dục hay duy trì thói quen tốt thì khóa học ngắn ngủi cũng chẳng có tác dụng gì. Chưa kể những bất trắc khó lường ở nơi “tập thể”.
Sống tự lập, không ngại lao động, yêu thương con người, đó là hành trang quan trọng và thiết thực nhất gia đình mang theo cho mỗi đứa trẻ. Thiếu cái đó cuộc sống của người trưởng thành sẽ khó khăn nhất là về tinh thần. Khi gia đình là tổ ấm, mọi người có trách nhiệm và tình yêu thương thì con trẻ lớn lên sẽ trở thành người nhân ái và có trách nhiệm với gia đình, với xã hội.

***
Nửa đêm tôi trở dậy làm việc và đọc ngay những dòng tin về cái chết thương tâm của em bé học lớp một. Em mới bước vào ngày thứ hai đi học nhưng sự vô trách nhiệm của người lớn đã cướp đi cuộc sống của em. Có lẽ không cần nói gì thêm về sự tắc trách của nhiều người trong sự việc này, từ người lái xe đến cô giáo nhận trẻ từ cha mẹ, từ cô chủ nhiệm điểm danh đến người có trách nhiệm thông báo với gia đình sự vắng mặt của em, và hơn hết là nhà trường nơi cha mẹ em đã tin tưởng cho con vào học. Với mức học phí cao như vậy chắc chắn gia đình không chỉ kỳ vọng vào kiến thức con mình được dạy dỗ, mà còn tin tưởng vào sự an toàn và chu đáo của nhà trường.

Những gương mặt trẻ con thảng thốt trước tai nạn của bạn, tiếng khóc uất nghẹn của cha mẹ em, những dòng tiếc thương và phẫn nộ tràn ngập facebook... nhắc chúng ta nhớ lại cũng vào tháng bảy vài năm trước đã xảy ra việc những trẻ sơ sinh chết vì “sốc phản vệ thuốc” sau khi tiêm vacxin ngừa bệnh. Hơn chín tháng mang nặng đẻ đau, sinh con ra vuông tròn rõ ràng, vậy mà chỉ tích tắc con bỏ cha mẹ mà đi… Rồi một đoàn học sinh đi du lịch ở Cần Giờ, cũng chỉ sơ sảy phút chốc mà mấy em nhỏ đã bị sóng cuốn ra xa... Và hầu như năm nào cũng xảy ra bao nhiêu cái chết thương tâm của trẻ vì tai nạn giao thông, vì chết đuối, vì những tai bay vạ gió không ai có thể hình dung...

Nhưng sau sự chịu trách nhiệm “chung chung” của vài cá nhân, vài cơ quan... là trẻ em vẫn chết vì sự vô trách nhiệm của người lớn! Sự vô cảm ấy hình như không có điểm dừng! Thế nên các thiên thần xấu số đã phải ra đi ngay trong cái mùa mà cả người ở âm phủ cũng còn có cơ hội “quay về” dương thế.

Nước mắt vợ chồng Ngâu có nhiều hơn nước mắt những người ở lại…?

Sài Gòn 7.8.2019

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỖI ÁM ẢNH CỦA QUÁ KHỨ

  Trần Quốc Vượng   Nước Việt Nam ta hiện là một quốc gia kém phát triển về mọi mặt, vừa lạc hậu, vừa lạc điệu với một thế giới nhìn chung...