CHỢ TẾT

Tạp bút. Nguyễn Thị Hậu

Nhà tôi ở vùng Phú Nhuận. Gần nhà, giữa xóm lao động và vài chung cư của công chức có một chợ nhỏ hình thành từ lâu rồi, có đến hơn sáu bảy chục năm. Chợ nhỏ nhưng cũng đủ thứ hàng hoá: trong nhà lồng là những sạp vải vóc quần áo giày dép đồ khô nhang đèn… Bên ngoài, trên bốn con đường nhỏ là khu vực bán đồ tươi sống: thịt cá tôm cua ếch, rau xanh, đậu hũ, rồi người ta dựng thêm hàng dù, dưới đó là mấy hàng quần áo con nít, vớ tất đồ lót, hàng “xuất khẩu”, chén bát bằng nhựa, hàng đồ khô hành tỏi nấm… Mặt tiền chợ là mấy quầy mỹ phẩm, vàng bạc, mấy hàng hoa tươi… rồi những hàng khác theo nhau mọc lên bao quanh nhà lồng, có thêm vài cửa tiệm uốn tóc, cắt may sửa quần áo, tiệm bánh ngọt, nơi rửa xe máy, nơi gửi xe… chợ nhỏ thành “chợ lớn” hồi nào không hay, nhất là vào ngày chủ nhật và lễ tết.

Bình thường chợ chỉ bán vào buổi sáng. Từ khoảng 5g là xe ba gác, xe máy chở thịt cá rau xanh đã chạy ào ào vô chợ. Những nhà quanh chợ hoặc mở cửa hàng, cho thuê mặt tiền cũng lục tục dọn hàng. Đến khoảng 10 giờ sáng thì chợ vắng dần, đến trưa thì tan chợ, chỉ còn mấy quầy mỹ phẩm, quầy vàng bạc (kiêm đổi tiền “chui”) và những nhà bán hàng đồ khô thì mở cửa cả ngày.
Một năm chỉ vài ngày giáp tết là chợ tấp nập suốt ngày, chỗ gửi xe máy đông nghẹt, chờ gửi chờ lấy xe lâu gần bằng đi chợ.

Năm nay được nghỉ tết sớm hơn mọi năm, chợ tết cũng tấp nập sớm hơn. Từ sáng 28 tết những con đường quanh tết đã không còn chỗ chen chân. Hàng trái cây rau xanh hàng đồ gốm bình bông tiền vàng mã… Hoa vàng khắp nơi, ừ, Tết phương Nam mà thiếu cúc vàng mai vàng thì cũng giống như Tết miền Bắc mà thiếu cành đào, đâu còn là tết.

Và bánh tét bánh chưng cũng tràn khắp nơi: bánh tét Trà Vinh, Cần Thơ nếp xanh màu lá dứa có trứng vịt muối bùi bùi cùng miếng mỡ mềm rục, bánh chưng Bắc vuông vắn được ép trong nilon hút chân không, để lâu vẫn mềm, không lại gạo không thiu trong tiết trời nắng phương Nam. Giò chả thịt nguội các loại, dưa cải kim chi dưa kiệu dưa món… từng hũ nhỏ lớn xếp cao hình tháp bên cạnh những hũ tôm khô từng con đều nhau đỏ au, nhìn đã thấy những cuộc nhậu tưng bừng.

Đi chợ Tết những bà nội trợ thường đến ngay những quầy hàng quen, mua hàng ngày tết khỏi trả giá, chỉ có hỏi giá, lựa hàng rồi tính tiền. Có than mắc hơn thì cũng nhận được câu trả lời như nhau “tết mà”! Sáng 29 tết còn được dặn, bữa nay chị mua đi, nếu không đặt cọc cho em, chứ tới mai là lên 1,2 giá nữa đó. Khủng hoảng lạm phát gì không biết, lương chậm thưởng ít đâu không biết, chợ tết vẫn đông nghẹt, vẫn mua bán ào ào… Những gói quà biếu chủ yếu cũng là đồ ăn uống: bánh mứt kẹo rượu cà phê… Đúng là dân Việt mình “ăn tết” thật.

Trưa Ba mươi, chợ vắng dần, chỉ còn mấy anh chị công nhân vệ sinh dọn dẹp hàng đống rác. Chợ sẽ nghỉ ngơi đến sáng mùng Ba sẽ lác đác có người bán hoa, bán thức ăn tươi nấu bữa ăn cúng tiễn ông bà.

Hai mẹ con đi chợ về tay xách nách mang. Bên đường một bà già ngồi bán mấy loại trái cây mỗi thứ vài trái, chắc là hái từ vườn nhà lên chợ bán kiếm tiền ăn tết. Con gái nói: mẹ, hỏi mua giùm bà đi mẹ, chắc không nhiêu tiền. Ừ, mấy trái mận, bốn năm trái xoài, vài trái hồng xiêm… chỉ hai chục ngàn, không biết có đủ tiền xe ôm cho bà về tận Hóc Môn? Thôi, con biếu thêm cho bà vài chục, bà về sớm ăn tết với con cháu.

Gần cổng chợ có đoạn đường xe lửa chạy qua. Trưa 30 tết đoàn tàu vẫn mệt mài chạy, vẫn còn những hành khách cuối cùng về miền Trung hay ra miền Bắc sum họp với gia đình. Sài Gòn có hơn  hai triệu người nhập cư, cũng gần chừng ấy người về quê vào dịp đó, để lại Sài Gòn những ngày vắng vẻ, yên tĩnh hơn, bắt đầu từ khi tàn phiên chợ Tết.

Sài Gòn, chiều 30 Tết Giáp Ngọ 2014.


Linh tinh lang tang (72)

Nhân chuyện bác Thái Bá Tân bị chê là dịch thơ Haiku sai, lại còn đem bác Nhật Chiêu ra để so sánh, mình nhớ tới buổi giới thiệu sưu tập tác phẩm của Phan Khôi do nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân sưu tầm và chỉnh lý.
Trong buổi đó, khi lý giải vì sao ông Phan Khôi có thể viết những bài báo phản biện, đấu tranh mạnh mẽ như thế, viết nhiều lĩnh vực như thế… nhiều người tham dự đã nêu những lý do, như thời đó là thời thuộc Pháp nhưng dù sao chính quyền Pháp vẫn thực hiện tự do báo chí, có dân chủ nhất định, do sự dũng cảm “dám nói” của Phan Khôi và kiến thức tri thức vững chắc của ông trên nhiều lĩnh vực…
Mình thì nghĩ thêm một lý do, đó là, đọc những bài trao đổi của ông và các bậc thức giả thời đó, có khi nội dung tranh luận thật là gay cấn nhưng lời lẽ thì thật là ôn tồn, đúng mực, không gay gắt không ám chỉ hay phê phán cá nhân xúc phạm đời tư của nhau, không miệt thị kiểu như “ông biết gì về lĩnh vực này mà nói”, không đả kích kiểu “cái ông này chỗ nào cũng xía vô”…
Trong cuộc sống cũng như trong học thuật, tranh luận, phản biện, đối thoại là chuyện cần và phải được coi là bình thường. Mỗi người có quyền tự do bày tỏ chủ kiến của mình và để người khác tự do “mở miệng”.  Ai cũng vậy, có nói ra mới biết mình đúng sai thế nào. Trong môi trường văn hoá tranh luận tôn trọng nhau, người ta có thể và dám nói. Bằng không, người ta không dám hoặc chán chả buồn nói! Tệ hơn nữa, người ta “mở miệng” là chỉ chửi nhau, nhục mạ nhau.

Khi không ai nói gì thì có vẻ như yên ổn, nhưng là sự yên ổn của mặt ao tù nước đọng.

Linh tinh lang tang (71) Ngày cuối năm...

Hiển thị ảnh.JPG

Ngày cuối năm, nhìn lại timeline FB, thấy mình đi nhiều, làm được nhiều việc, mà nói nhảm cũng nhiều khiếp J
Ngày cuối năm, xem lại danh bạ điện thoại, thêm nhiều số, mất đi vài số. Có số xóa hẳn rồi mà như vẫn rõ ràng trước mắt.
Ngày cuối năm… đâu đó bắt gặp cái tên bằng những chữ cái quen thuộc, vẫn thấy nhói lòng… dù biết người ấy đã rất xa.
Ngày cuối năm, nhìn những tấm hình những nơi đã qua những người đã gặp…Có những nơi những người mình đã muốn quên. Mà có quên được không, khi đấy là một phần ký ức đẹp nhất…
Ngày cuối năm, tin nhắn viber: một lúc nào đó anh gọi em, được không? Không trả lời. “Khi thấy buồn anh cứ đến chơi”, ngày ấy em đã trả lời anh như vậy rồi mà…
Ngày cuối năm, vòng quay đời người cứ ngắn dần, vòng quay tình người vẫn dài không dứt.
Ngày cuối năm…

Vụn vặt đời thường (31) - Nhịp cầu Hoàng Sa

 

@ MỜI ĐẤU GIÁ THƯ PHÁP


Bức thư pháp chữ Nôm “BỀN GAN VỮNG CHÍ” với dòng lạc khoản “Phạm Hoàng Quân viết ở đường Hoàng Sa, đầu năm 2014” và “ủng hộ quỹ Nhịp cầu Hoàng Sa” của nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân tặng cho chương trình Nhịp cầu Hoàng Sa để bán đấu giá.
Mời các bạn xem thêm về chương trình này tại đây
http://nhipcauhoangsa.blogspot.com/2014/01/danh-sach-ong-gop-quy-nhip-cau-hoang-sa.html

Nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân là người đã có nhiều công trình nghiên cứu về cổ sử và thư tịch cổ liên quan đến Biển Đông và chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông. Ông hiện cư trú ở Cái Bè, Tiền Giang. Ngày giáp Tết ông lên Sài Gòn “tặng chữ” cho bạn bè. Nhân dịp này ông đã viết bức thư pháp trên và trao tặng chương trình. Nhà báo Huy Đức thay mặt những người tổ chức chương trình đã tiếp nhận tặng phẩm này.
Giá khởi điểm của bức thư pháp là 3.000.000 (ba triệu VNĐ)
Kích thước: 115 x 55cm.
Hôm nay, 25/1/2014 bức Thư Pháp này đã được trả giá 8.000.000 (tám triệu) VNĐ
Trân trọng kính mời anh chị em và các bạn tiếp tục tham gia đấu giá đến hết ngày 27/1/2014
 "Hoàng Sa là nơi mà ngay khi đất nước còn chia cắt, người Việt đã không bắn vào nhau. Hoàng Sa là nơi suốt 40 năm qua, người Việt hiểu rõ ai mới thực sự có dã tâm xâm lược. Mỗi người Việt đều có thể chọn một cách riêng để tưởng nhớ Hoàng Sa" - nhà báo Huy Đức

 @Sài Gòn vẫn se lạnh... Mình đã yêu Sài Gòn đủ đến độ không so sánh vẻ đẹp của Sài Gòn những ngày này với bất cứ nơi nào nữa. Sài Gòn đẹp như Sài Gòn, vậy thôi :)

@ Mềnh nghe dư luận bẩu là hồi xưa sinh đến 150 trứng cơ: 50 xuống biển thành Thủy tinh, 50 lên núi thành Sơn Tinh, còn 50 đi bụi đời thành ra yêu tinh. Về sau con cháu đám yêu tinh này nhiều quá nên đám sử(a) gia bèn viết lại, chỉ biên chép chẵn trăm theo kiểu bách gia chư tử thập toàn đại bổ :D

@ Có hai thứ thuộc về con người cá nhân không ai giống ai, đó là trí tưởng tượng và ký ức. Giàu tưởng tượng và mơ ước bao nhiêu thì cũng cần làm giàu ký ức và biết quý trọng quá khứ bấy nhiêu. Người đánh mất quá khứ, vứt bỏ ký ức thì trí tưởng tượng và mơ ước chỉ loanh quanh và nếu có "bay" cũng chỉ bay như... loài gà mà thôi.
Đã có những "con gà" như thế nhưng luôn nghĩ mình là đại bàng


@Nhân chuyện mấy người bạn của mình "than thở" rằng, FB là nơi nói vui đùa giỡn cho đỡ mệt nhọc vì công việc, thế mà có người cứ nhảy vào nhà "dạy dỗ" chủ nhà vì câu đùa vì chuyện vui. Mình bèn "khuyên nhủ": thôi em ạ, bỏ qua đi. FB cũng như ngoài đời, người như thế là đã vô duyên giai đoạn 3 rồi, chấp gì!
Nhưng thật tình, FB ko phải là nơi bạn đóng vai BTG đi soi từng nhà đâu, bạn nhé!

Vụn vặt đời thường (29) - bạn hiền viết chữ











Gần Tết, bạn hiền Phạm Hoàng Quân từ Cái Bè, Tiền Giang lên Sài Gòn, ngồi vỉa hè viết chữ tặng bạn bè . Đây là thông lệ của nhóm anh chị em chơi với nhau từ nhiều năm nay. Chỉ là những nhữ Nôm na thôi nhưng đầy tình nghĩa, và đậm chất dân dã của người Nam bộ :)

Trò chuyện với tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu

BÁO LAO ĐỘNG ĐỒNG NAI, XUÂN GIÁP NGỌ 2014


Một lần cà phê trong quán Bố Già trên đường Điện Biên Phủ, qua lớp kính cửa, nhìn lá vàng rơi xuống những dòng xe chen kín, hối hả lúc tan tầm, ánh mắt của chị như đang đắm chìm hoài niệm về Sài Gòn của một người thường nhận ra sự thay đổi quá nhanh chóng của “Hòn Ngọc Viễn Đông”. Ở chị có sự mâu thuẫn như thế: một con người luôn mẫn cảm với những giá trị nhân văn lưu dấu thời gian, đau đáu nhớ về khung cảnh trên bến dưới thuyền dọc bến Bình Đông những ngày giáp tết rồi sẽ không còn, nhưng chị cũng là một người đang làm công việc góp phần cho Sài Gòn trở nên hiện đại hơn với những khu đô thị mới, nhà cao tầng, cầu vượt, đường giao thông tám, mười làn xe thênh thang…

Những gì mà khi mới tiếp xúc người ta nhìn thấy ở chị dễ cho cảm giác đấy là một người phụ nữ đa cảm, yếu đuối, nhưng chị - tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu–Hậu khảo cổ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM, bảo “mình rất là.. đàn ông”.

@ Nói thật, chị có mi dài, môi cong, mắt lúng liếng, giọng thiết tha... đặc trưng rất đậm nữ tính, vậy tính đàn ông dễ thấy nhất ở chị là gì?
- Cá tính. Tính tôi khá năng động và thẳng thắn, đôi khi còn nóng tính nữa . Trong công việc những gì tôi nghĩ đúng thì sẽ làm và cố gắng để làm tốt. Tôi không chịu được sự không trung thực. Tôi biết, nói thẳng rất dễ đụng chạm, nhưng quan trọng là cách nói thế nào. Mấy chục năm đi làm tôi hiểu là trong một cơ quan luôn có người thế này, người thế khác, nếu mình nói kiểu gì mà đồng nghiệp, thủ trưởng không hiểu thì mình rất dễ bị hiểu sai, suy diễn… như vậy muốn làm được việc cũng khó. Có những lúc tôi tưởng mình không vượt qua được khó khăn trong các mối quan hệ ở cơ quan. Các ông khi ấm ức, bức xúc... thì có thể kéo nhau đi nhậu để xả ra, thậm chí mang bực bội về nhà “trút xuống” vợ con. Còn phụ nữ bọn tôi không thể như thế. Bức xúc đến mấy tôi cũng tự chịu, cắn răng chịu mà không kể với ai cho đến khi giải quyết xong, không muốn để người nhà nhức đầu vì chuyện công việc của mình.

@ Nói đến khảo cổ, người ta thường hình dung đến sự cũ kỹ, xấu xí, khô khan... trong khi phụ nữ thường là người thích sự mềm mại, quan tâm đến cái đẹp, dành nhiều thời gian cho son phấn quần áo… Còn chị lại có vẻ thích “soi mói” vô chén bể lu cũ di cốt chìm sâu dưới đất một cách rất tự hào và... bền vững? Nguyên nhân của niềm đam mê mang tính bền vững đó là gì?
- Tôi đâu phải là người không thích phấn son quần áo . Bước ra khỏi nhà tôi cũng có thói quen chấm chấm, phết phết lên mặt chút son, chút phấn, cũng biết “diện” quần này áo kia đó chứ. Nhưng những thứ ấy chỉ vừa đủ, hợp với mình, làm cho mình thoải mái tự tin hơn. Tôi nghĩ đó cũng là thể hiện sự tôn trọng người khác.

Những ai đã từng học lịch sử từ các giáo sư Trần Quốc Vượng, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn... thì không thể không nhận thấy kiến thức uyên thâm và tình yêu đối với sử học qua sự truyền đạt của các thầy rất hấp dẫn, đây là điều quan trọng trong việc định hướng nghề nghiệp cho sinh viên. Nhiều người nghĩ, theo chân Chúa Nguyễn, vùng đất phía Nam có niên đại khoảng 300 năm và mặc định đây là vùng đất trẻ. Nhưng những gì được phát hiện cho thấy vùng Đông Nam bộ đã có một nền văn hóa cổ tồn tại ít nhất là 3500 năm tương đương với nền văn hóa Đông Sơn ở Bắc bộ. Những phát hiện mới, có giá trị đã củng cố tình - yêu - lòng - đất của tôi.

@ Chị nói đến từ củng cố, dễ nghĩ rằng chị đã từng xao động trước vấn đề một bên là tình yêu nghề nghiệp và một bên là chuyện cơm áo gạo tiền. Với phụ nữ, người mặc nhiên được xem là nội tướng của gia đình, là người giữ tay hòm chìa khóa... nói không lăn tăn việc chuyển nghề khác để lo chuyện nhà có lẽ hơi cường điệu. Nhưng đến giờ, khi đã có một gia đình bình yên, hạnh phúc với chồng con, chị lại được bạn bè, đồng nghiệp gán luôn nghề nghiệp vào cái tên: Hậu khảo cổ. Thành quả này có được phải là một quá trình bền bỉ? 
- Năm 1981 đến năm 1994 tôi dạy ở đại học Tổng hợp, bây giờ là ĐH KHXH&NV, những năm đó thu nhập của giáo viên rất thấp, lại không có kinh phí đào tạo nghề khảo cổ, tôi gần như phải “bỏ nghề” vì không được đi khai quật, không có sinh viên để hướng dẫn thực tập. Nhưng ngoài việc dạy thêm, làm thêm nhiều việc khác thì chuyển nghề nào cũng khó. Lúc đó chỉ chuyển sang làm kinh tế thì có thu nhập khá hơn nhưng mình không có chuyên môn, sẽ làm việc không bằng người ta. Thôi thì ráng theo nghề.
Sau đó tôi về làm ở Bảo tàng lịch sử TP.HCM. Ở Bảo tàng ngoài thu nhập chính còn có thêm dịch vụ đám tiệc cải thiện đời sống nhân viên. Đời sống khá hơn một chút, công việc chuyên môn, nghề nghiệp lại gắn bó với kiến thức khảo cổ, vì vậy cũng yên tâm.
Năm 2006 tôi về Viện, công việc dù có khác nhưng nhìn chung tôi thích nghi được, nhiều công việc mang lại hứng thú. Còn thu nhập, đời sống thì Viện nghiên cứu nhưng cũng như mọi cơ quan hành chính khác… Việc không bỏ nghề một phần cũng do “sĩ diện” không muốn bị người khác coi thường vì chỉ biết chạy theo đồng tiền.

@ Chị là thành viên của câu lạc bộ nữ trí thức. Thành viên câu lạc bộ này đa số là những người người có học vị cao và đây có phải là một trong những tiêu chí phấn đấu để trở thành một người phụ nữ thành đạt?
- Tôi nghĩ, nhiều phụ nữ khi cố gắng làm việc, học hành thì không nghĩ để mình trở thành trí thức, không coi đó là mục đích cần phải vươn tới. Thực tế, khi học để có một trình độ nhất định như thạc sĩ, tiến sĩ thì mục đích đầu tiên là nâng cao trình độ chuyên môn, khoa học, để làm việc có hiệu quả hơn. Tôi nhận thấy việc đánh giá ai là trí thức ai không, hiện nay bên cạnh bằng cấp, trình độ, quan trọng hơn là thái độ và hành xử của người đó đối với các vấn đề quan trọng của xã hội, với cộng đồng.
Nói thật, tôi không mấy cảm tình với cụm từ “phụ nữ thành đạt”, bởi vì, sau nó người ta luôn lý giải nguyên nhân thành đạt của phụ nữ bằng thái độ phân biệt giới một cách vô tình hay hữu ý. Cứ như thành đạt là đặc quyền của nam giới, buồn hơn tâm lý này còn phổ biến ngay trong giới nữ. Họ cũng đòi hỏi người phụ nữ thành đạt là người tuyệt vời từ dưới bếp lên tới giường, từ trong nhà cho ra ngoài ngõ, là người hoàn hảo trong vai vợ ngoan, mẹ giỏi, con dâu thảo hiền... Nhưng tôi thực sự thán phục và quý trọng những người phụ nữ thành đạt, đồng thời cũng vô cùng thông cảm vì sức ép từ xã hội mà họ luôn phải chịu.

Tôi không đặt sự thành đạt là mục tiêu cho mình phấn đấu, tôi chỉ muốn là một người phụ nữ bình thường: Có một nghề tử tế để làm, kiếm được ít tiền để khỏi quá phụ thuộc vào người khác, thi thoảng có vài niềm vui nho nhỏ, giản dị từ gia đình, con cái, bạn bè, có thời gian mỗi ngày lướt mạng, cà phê với bạn chia sẻ vui buồn. Và khi cáu giận, bực bội thì có thể “dang tay giữa trời mà... hét”. Tôi luôn hài lòng là người phụ nữ bình thường.

@ Không thấy chị nhắc đến cụm từ công ngôn dung hạnh trong tiêu chí người phụ nữ thành đạt, lại thấy chị có vẻ rất thảnh thơi để lang thang vỉa hè với bạn bè, thỉnh thoảng chị lại in sách tản văn, truyện cực ngắn... Áp lực làm vợ, làm mẹ, làm người nội trợ trong gia đình cứ nhẹ như cơn gió thoảng, nhưng gia đình chị lại là mẫu gia đình mà nhiều người mơ ước. Hạnh phúc với chị là gì?
- Những khó khăn đến rồi cũng đã qua, than thở kể lể làm gì nữa. Các thành viên trong gia đình đều có quan niệm rất đơn giản: thu nhập sao thì chi tiêu vậy, chỉ cần nhà vừa đủ để mọi người có thể có một góc nhỏ riêng tư. Nói chung là cả nhà không quá câu nệ theo kiểu phụ nữ phải làm chuyện này thì đàn ông phải làm chuyện kia... Tôi đi công tác thường xuyên thì ông xã, con gái lo được việc bếp núc. Ông xã đi vắng thì chuyện của đàn ông như xây nhà, sửa chữa điện nước... mình cũng lo được. Vì vậy, những lúc khó khăn nhất cũng không cằn nhằn, cắn đắng nhau, mọi thứ trở nên nhẹ nhõm. Sống không quá thiếu thốn về vật chất, thanh thản tinh thần là hạnh phúc rồi.

@ Bây giờ cái gì cổ cũng đáng quý. “Phận đàn bà” được nhiều người, kể cả phụ nữ xem là khái niệm cổ. Bản thân từ “Phận” bao hàm sự nhẫn nhịn chịu đựng của đàn bà? Là người phụ nữ của thời hiện đại, hiểu rõ các giá trị cổ, chị nghĩ gì về “phận đàn bà”?
- Khi nói đến “Phận đàn bà” người ta thường nghĩ đến nghĩa vụ, bổn phận trách nhiệm đã định sẵn cho nữ giới trong phạm vi gia đình. Thực tế, tôi thấy rằng giữ được gia đình hay không phụ thuộc nhiều vào ý chí của phụ nữ, nhất là thế hệ trên tôi và thế hệ của tôi. Người phụ nữ giữ là được, không giữ thì mất. Nhưng tôi rất không đồng tình với quan niệm, trong gia đình có chuyện gì thì người phụ nữ phải là người chịu đựng, nhẫn nhịn, phải “xem lại mình trước”. Với tôi, gia đình không thể thiếu phụ nữ nhưng phụ nữ cũng cần tạo cho mình một nghề nghiệp tốt, những quan hệ xã hội khác để cuộc sống phong phú hơn. Và nếu thực sự có khả năng và điều kiện thì nên tham gia một số hoạt động xã hội, chính trị…

Nguyễn Thiện thực hiện
 — 

Vụn vặt đời thường (28) . Báo tết (3)

 TẠP CHÍ SỐ 6 (4/2013)


NGƯỜI ĐÔ THỊ TẾT GIÁP NGỌ, RA NGÀY 18.1.2014


DOANH NHÂN SÀI GÒN TẤT NIÊN, RA NGÀY 15-21/1/2014


 HOA TẾT , LÀNG HOA CÁI MƠN, BẾN TRE



CHIỀU QUÊ, BÁNH PHỒNG, BÁNH TRÁNG DỪA NƯỚNG BẰNG CỦI DỪA, BẾN TRE


Chọn nghề hay nghề chọn?


Tạp bút, Nguyễn Thị Hậu

Thỉnh thoảng, tôi nhận được những câu hỏi muốn tìm hiểu về nghề khảo cổ của tôi. Phần lớn những câu hỏi này bắt đầu từ thông tin trên báo chí về những phát hiện khảo cổ học và thường kết thúc bằng một câu hỏi đại khái là “vì sao chị là phụ nữ lại đi theo nghề… đào bới?”
Những câu hỏi như thế luôn làm tôi phải suy nghĩ: Vì sao và từ khi nào chúng ta mặc định rằng, nghề này của nam giới còn nghề kia thì của phụ nữ? Và  “khi người ta trẻ” có bị những định kiến xã hội hướng dẫn chọn nghề hay không?Yếu tố nào quyết định khi người trẻ chọn ngành nghề?

Vào những năm 1970 khi còn học cấp ba, tôi lần lượt thích các ngành khác nhau do mỗi năm học lại thích các môn học khác nhau. Lúc đó chẳng có khái niệm “hướng nghiệp”cũng chẳng có ai tư vấn cho chúng tôi theo con đường nào trong những năm dài phía trước. Thời chúng tôi xã hội phổ biến quan niệm “nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách khoa, ngoài ra Sư phạm”, nói chung đó là những ngành có nghề cụ thể: bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư, giáo viên. Còn trường Tổng hợp không nằm trong top này, lý do đơn giản: các ngành học Tổng hợp ra thườnglàm nghiên cứu khoa học, sáng tác (nhà văn nhà thơ), phiên dịch (ngoại ngữ)… công việc mà nhiều người không - hiểu - là - nghề gì? Người ta còn hay khuyên: con gái học Y, Dược hay Sư phạm thì phù hợp, bởi vì sau này có chồng thì các nghề ấy có lợi cho việc chăm sóc con cái, gia đình.Nhiều gia đình “cha truyền con nối” cùng làm một nghề, trong đó có nghề đặc thù như nghệ thuật thì con cái từ nhỏ đã theo học các trường chuyên môn như trường âm nhạc, sân khấu.

Mọi việc dường như đơn giản hơn bây giờ. Có lẽ vì mức sống của cả xã hội hầu như không có sự chênh lệch lớn giữa các ngành nghề, tuy có những nghề - theo truyền thống - được trọng vọng hơn như Bác sĩ, Giáo viên. Học xong đại học hầu như đều vào làm cơ quan nhà nước.Xã hội với nền kinh tế bao cấp, thương nghiệp quốc doanh nắm hầu bao mọi gia đình, nhà ai có “cô mậu dịch viên” thì… hàng xóm kính nể vì mua được hàng hoá khan hiếm, vì có thể nhờ vảkhi khó khăn. Thế nhưng, nghề “mậu dịch” thì không đâu dạy cả, cũng chẳng cần trình độ văn hoá cao, chỉ có quen biết mới xin xỏ được vào làm ở cửa hàng bách hoá hay cửa hàng thực phẩm.

Từ thập kỷ 80 của thế kỷ XX đến nay, cơ cấu kinh tế xã hội đã thay đổi. Kinh tế tư nhân phát triển,các ngành nghề dịch vụ, nhiều nghề mới xuất hiện…Nhu cầu xã hội thay đổi nhanh nhưng việc đào tạo ngành nghề thì thay đổi chậm.Rồi ào ào các trường có thêm những ngành mới: luật ư, maketinh ư, tin học ư, rồihàng loạt trường mới ra đời: ngân hàng, ngoại ngữ tin học, ngoại thương, du lịch…rồi con cái gia đình khá giả ùn ùn đi nước ngoài học về thời trang, quản lý nhà hàng khách sạn, truyền thông… Toàn những ngành/ nghề HOT nên HÚT các bạn trẻlao vào học. Mục tiêu đầu tiên và rất rõ ràng: học những ngành dễ kiếm tiền, không quan trọng sẽ làm việc trong hay ngoài nhà nước; rồi mục tiêu ở mức cao hơn: học để mở công ty hay để tiếp tục quản lý công ty của gia đình; học để làm cho công ty nước ngoài hay ở lại nước ngoài làm việc. Học những ngành có thu nhập cao lúc này phần lớn là những ngành kinh tế.
Những mục tiêu này khiến các bạn trẻ phải nỗ lực nhiều hơn trong học tập vì phải có kiến thức thật sự của mình, phải giỏi ngoại ngữ (yếu điểm của thế hệ trước), giỏi về những kỹ năng sống; các bạn phải năng động hơn, bản lĩnh hơn vì trước mắt là môi trường cạnh tranh về công việc. Và nhiều bạn đã thành công do kịp thời thích ứng và đáp ứng môi trường sống mới.
Những mục tiêu này cũng khiến nhiều bạn trẻ luôn bị sức ép từ sự kỳ vọng của gia đình, người thân, việc “chạy sô” học thêm từ thời phổ thông đến những năm đại học, chưa kể phải đi làm thêm lấy tiền trang trải cuộc sống, lấy kinh nghiệm để có thể dễ dàng hơn chút khi đi xin việc.Cũng từ lúc này việc phân biệt nam nữ với ngành nghề đã có sự thay đổi, nữ có khả năng kiếm việc làm nhiều hơn trước, thậm chí nhiều nghề chỉ tuyển “nữ có ngoại hình”.
Từ nhiều năm nay, những ngành xã hội nhân văn, kể cả sư phạm, bị xếp vào cuối bảng lựa chọn, nguyên nhân đơn giản: khó xin việc làm, mà có việc thì lương thấp, lương thấp… thì khó sống, khó lập gia đình, khó thăng tiến… nói chung là khó đủ thứ. Thậm chí, bạn trẻ nào muốn học những ngành này cũng… khó ăn khó nói với gia đình, với bạn bè.

Tóm lại, tuy có “hướng nghiệp” nhưng vẫn là “hướng” các bạn trẻ vào những “nghiệp” từ quan niệm của xã hội, từ nhu cầu vật chất của cuộc sống. Mặc nhiên cả xã hội, nhà trường, gia đình đều coi “kiếm tiền” là quan trọng nhất của việc chọn ngành nghề, tuy rằng luôn dạy các em hô những khẩu hiệu đầy vẻ giáo dục lý tưởng. Sở thích cá nhân, năng lực bẩm sinh, xu hướng tự nhiên… của mỗi con người hầu như bị bỏ qua, không được tôn trọng.Đây chính là một di chứng của xã hội “bao cấp” chỉ thấy đám đông mà không biết từng cá nhân.Cá tính, sở trường cá nhân không có điều kiện vận dụng vào nghề nghiệp vì không được phát hiện, có khi còn phải quên đi, dẹp bỏ vì phải sống cho người khác. Không hiểu sao tôi cứ có liên tưởng đến việc những em bé bẩm sinh thuận tay trái luôn bị người lớn gò ép sử dụng tay phải “như mọi người”, một sự cưỡng ép tưởng là mang lại điều tốt nhưng thật ra là “giết chết” sự riêng biệt độc đáo và tự do của mỗi người.

Quay trở lại chuyện nghề của tôi. Khi nghe câu hỏi trên, tôi thật tình trả lời:
Nghề nào cũng có những đặc thù riêng.Hầu hết những người theo nghề khảo cổ, nam hay nữ, đều do yêu thích công việc này, và khi đã theo nghề rồi thì quen dần và chấp nhận những khó khăn vì đó là “nghiệp” của mình. Nhưng không thể phủ nhận,  làm nghề nào cũng cần có tố chất phù hợp nghề đó. Với nghề khảo cổ là sự say mê những chuyến đi, tỷ mỉ trong công việc và cần có tính đồng đội cao.Nếu bạn nào thích nghề khảo cổ thì cứ theo học đi, đây là một ngành học rất thú vị! Thú vị vì được đi nhiều nơi, trải nghiệm nhiều. Ông bà mình đã dạy “đi một ngày đàng học một sàng khôn” mà.Riêng các bạn nữ thì yên tâm, phụ nữ làm khảo cổ không ai lo lắng vì chuyện “ế chồng” cả, và thực tế hầu như đều có gia đình.Đừng nghĩ khảo cổ là lúc nào cũng bụi bặm xấu xí. Tuy vất vả thật đấy nhưng các bạn nữ làm khảo cổ vẫn  “điệu” và rất nữ tính, tất nhiên không phải “điệu” lúc đang ở công trường khai quật.

 Khuyên ai theo một nghề nào đó giống như mình đang “làm mai làm mối” vậy. Tôi không nghĩ một công việc hấp dẫn là một công việc nhàn nhã hay kiếm được nhiều tiền.Quan trọng là các bạn hãy tự hỏi mình yêu thích nghề nào, vì sao?Mỗi nghề có sự hấp dẫn riêng cũng như khó khăn riêng, nếu thích thú thì cứ làm và đừng nghĩ, đừng cho rằng mình phải “hy sinh” vì nghề nghiệp – cũng như khi kết hôn với người mình yêu đâu ai gọi đó là “hy sinh”, phải không? Nghề nào cũng vậy, nếu mình làm tốt công việc dù nhỏ thì mình đã “được” thêm nhiều thứ: thỏa mãn sự ham mê, có thêm kiến thức, thêm hiểu biết, cuộc sống sẽ phong phú hơn, và quan trọng nhất là mình được sống thật với chính con người mình


 DOANH NHÂN SÀI GÒNSỐ TẤT NIÊN ngày 15/1/2014

VỀ MIỀN TÂY, THƯƠNG…

(báo Pháp Luật TPHCM tết Giáp Ngọ)                             
Tản văn, Nguyễn Thị Hậu

Quê tôi ở miền Tây.Còn tôi sống ở Sài Gòn.
Quê ngoại tôi chỉ cách quê nội một nhánh Tiền Giang nối liền nhau bằng bến đò Mỹ Hiệp, xưa ghe chèo nay là chiếc phà có thể chở xe tải nhẹ hay xe hơi 16 chỗ. Mỗi ngày hàng chục lượt phà qua lại nối liền Cù Lao Giêng với thành phố Cao Lãnh, dân cù lao buôn bán quanh năm hay chợ búa hàng ngày từ lâu đã quen thuộc với thị tứ bên này. Nhiều gia đình kết sui gia với nhau, ngày rước dâu chiếc phà rực rỡ sắc màu chạy trên sông, lẫn trong tiếng máy nổ đều đều là tiếng nhạc rộn rã và tiếng con nít chỉ trỏ í ới...
Những đám rước dâu, đưa dâu trên sông gợi nhớ bài hát “Ngẫu hứng Lý qua cầu” của nhạc sĩ Trần Tiến. Người nhạc sĩ tài hoa của Hà Nội đã cảm nhận đượcsự bình dị và lời ăn tiếng nói của người miền Tây để chuyển thành những câu ca nghe chạm vào tận đáy lòng “bằng lòng đi em về với quê anh, một cù lao xanh một dòng sông xanh… Đóa hoa tím trôi líu riu, dòng sông nước chảy líu ríu… anh thấy em nhỏ xíu anh thương… Những đêm ngắm sông nhớ em buồn muốn khóc…”.Có một thời tôi đã thầm nghĩ, nếu có ai đó chỉ cần nói với mình một câu giản dị “anh thương em” thì mình sẽ bỏ tất cả mà theo.Lúc đó tôi còn chưa hiểu vì sao chữ “thương” của người miền Tây lại làm mình nao lòng đến thế.

Sau này, mỗi lần về quê hay đi công tác miền Tây là đi qua vô số những cây cầu dọc theo quốc lộ, nhìn những con sông, dòng kinh, con rạch… xanh mướt hai bờ, ghe xuồng xuôi ngược, chợ búa ở đầu cầu tấp nập, trái cây rau cải tôm cá tươi chong… Bỗng thấy thương quê mình gì đâu!Mới hiểu, chữ thương của miền Tây ngọt ngào, nặng tình nặng nghĩa biết bao, bởi vì thương không chỉ là thươngyêu cha mẹ anh em, mà còn là thương nhớngười dưng, thương xótthân phận ghe xuồng trên sông,thương những gì gắn bó cả đời như thương chính mình.… Chữ thương bao dung và nhân hậu, nhẹ như hơi thở mà người miền Tây chỉ buông ra khi dằn lòng không được …

Về miền Tây thương đất hè nắng nứt, thương đất vàng phèn mặn, thương những dòng sông mùa nước nổi mang phù sa về tưới tắm cho những cánh đồng lúa mới, mang cá tôm về làm mắm làm khô nuôi sống dân miền Tây trong những tháng mùa khô sau đó; thương những mái nhà lá lô nhô trong nước, thương đồng lúa chín gặt vội chạy cho kịp mùa nước nổi, thương bầy trâu lặn lội mùa “len”, thương đàn vịt đồng ốm nhom mùa nắng tới…
Về miền Tây thương con nước ngày hai lần nước lớn cho ghe xuồng đi xuống miệt ruộng vùng sông Hậu, nước ròng cho ghe xuồng đi lên miệt vườn trên những cù lao sông Tiền. Mùa nước nổi có xuồng “năm quăng” giúp bà con sinh sống. Thương chiếc xuồng len lỏi theo những rạch, tắt, cựa gà… khuất vào đám dừa nước rậm rạp rồi chợt hiện ra nhỏ nhoi đơn côi trong tiếng “bìm bịp kêu nước lớn anh ơi…”. Thương những chiếc ghe thương hồ từ nhiều đời miệt mài xuôi ngược “buôn bán không lời chèo chống mỏi mê”…

Về miền Tây thương những xóm làng nghèo khó mà ấm áp tình người. Trưa vắng vẳng tiếng gà gáy lao xao trong vườn, ngọn khói bếp vẩn vơ trên tán xoài, cầu dừa chông chênh cô thiếu nữ thoát thoắt bước qua. Chiều xuống những bến nước ven con rạch ồn ào trẻ nhỏ, đờn bà giặt đồ trên chiếc cầu tre, đờn ông chạy ào xe máy trên đường mòn, bất chợt nghe tiếng ai kêu dừng lại gạt chân chống để đó ghé vô, có khi tới khuya mới quay ra, xiêu xiêu lên xe chạy tiếp về nhà…

Về miền Tây thương những con đường giữa bóng xoài bóng dừa mát rượi, thương hàng rào bông bụt nhà ai đỏ vàng rực rỡ, thương dàn bông giấy màu trắng tím đỏ ngời lên trong nắng hạn làm lóa ánh mắt người qua… Về miền Tây thương nhà sàn lô nhô trên kênh rạch, thương bếp cà ràng đỏ lửa trên ghe, thương lò trấu trong gian bếp gọn gàng như những người đờn bà miền Tây vén khéo.

Về miền Tây thương ngôi chợ nhỏ đầu làng, sương sớm còn mờ đã lao xao mua bán,đến nửa buổi thì nhà lồng chỉ còn vài hàng cây trái. Thương chợ ngã năm ngã bảy trên sông ghe xuồng san sát, những chiếc sào cột các loại trái cây rau cải lơ lửng trên cao, ghe tạp hóa xanh đỏ đồ dùng, ghe than ghe chiếu giờ đã ít người mua kẻ bán… Thương phố chợ nhỏ mà cột antena san sát như đàn chuồn chuồn báo hiệu trời mưa, nhà cao tầng ngói đỏ ngói xanh, tiệm uốn tóc, tiệm vàng, tiệm thời trang… chẳng khác gì thành phố.

Về miền Tây thương những chành gạo ven sông, xà langhe lớn ghe nhỏ vào mùa gặt tụ họp về đêm ngày trên bến,những băng chuyền thay sức người tải gạo lên kho xuống ghe không dứt. Thương những lò gạch tròn như tổ tò vò khổng lồ in bóng xuống dòng sông. Những con sông dòng kinh như những mạch máu nuôi sống miền Tây.

Về miền Tây thương rừng tràm rừng đước xanh bạt ngàn miệt U Minh nước đỏ. Đêm Năm Căn câu vọng cổ nghe buồn chí xứ “chiếu này tôi chẳng bán đâu, tìm cô không gặp… tôi gối đầu mỗi đêm…”. Thương những Bãi, Bàu, Bắc, Bến, Bưng, Cái, Cầu, Cồn, Cù lao, Cửa, Đầm, Đồng, Gành, Hòn, Hố, Láng, Lung, Mũi, Mương, Rạch, Tắc, Vàm, Vũng, Xẻo… nghe giản dị mà gợi hình gợi cảnh.

Về miền Tây thương đám lục bình bông tím mong manh trôi xuôi ngược trên sông. Lúc nước ròng thì tấp vô như tìm chút hơi ấm của bờ đất mẹ, khi nước lên lại bơ vơ dập dờn trên mặt nước. Bông lục bình đẹp như em gái miền Tây, chơn chất, hiền lành, biết lo toan cho gia đình cha mẹ, khi em phải lấy chồng xa xứ khác nào số phận lục bình trôi… Chỉ mong mỗi ngôi nhà và những người đờn ông miền Tây sẽ là những bè tầm vông chắn sóng chắn nước cho giề lục bình bông tím mong manh đừng trôi xa, bình yên ở lại bờ bến quê nhà.

Về miền Tây thương những gian bếp có máng xối hứng nước mưa vào hai hàng lu mái. Sân nhỏ trước nhà lác đác lá khô của cây mận hồng đào.Thương từng chùm trái đỏ rực, lúc lỉu trên cành vào mùa Tết, thương mỗi đêm gió chướng nghe trái cây ngoài kia rơi lộp bộp, thương bầy trẻ con tranh nhau lượm những trái mận chín rụng, giòn và ngọt như đường phèn.

Về miền Tây thương những giọng hò ơ lai láng trên sông, thương câu vọng cổ thổn thức đêm đêm, thương bài đờn ca tài tử những ngày giỗ chạp, thương những “hẹn, hò”, “giỗ, quảy”… Về miền Tây thương người dưng buông câu “anh thương em” để trái tim lỗi nhịp, thương em gái nghẹn ngào “em thương ảnh, chị ơi…” nặng đến thắt lòng… Chỉ một tiếng “thương” thôi mà miền Tây đã níu giữ bao người, bao người đã đi rồi còn quay trở lại.

Về miền Tây thương những cửa sông rộng mênh mông, từng là con đường dẫn ông cha đi tìm đất khẩn hoang lập ấp.Thương vùng biển bồi bùn nâu nước lợ, mắm trước đước sau lấn biển, cả ngàn năm mũi Cà Mau dày thêm từng thước đất.

Về miền Tây thương những con người bao đời khó nhọc, nói “làm chơi ăn thiệt” vì không hay than thở, nói “làm đại đi” vì can đảm dám chịu trách nhiệm về việc mình làm. Thời thế nào cũng có những người “giữa đường thấy sự bất bằng chẳng tha”, “đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”, dù sau đó có phải chịu nhiều oan khuất…

Về miền Tây…
Thương quá, miền Tây ơi!

TẠ ƠN ĐẤT LÀNH

SÀI GÒN TIẾP THỊ XUÂN GIÁP NGỌ 2014


Tạp bút, Nguyễn Thị Hậu


Vùng “đất lành” Sài Gòn đã là điểm đến, nơi dừng chân, nơi sinh cơ lập nghiệp của biết bao “đàn chim” từ nhiều vùng đất và nguồn gốc xuất xứ khác nhau. Chỉ kế đến những năm cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, Sài Gòn đã dung chứa trong nó hàng triệu con người, cũng chia sẻ hàng triệu cơ hội kiếm sống trong đó có hàng ngàn cơ may thành đạt, giàu có. Hiện nay Sài Gòn là thành phố có số lượng dân nhập cư lớn nhất, khoảng hơn 2 triệu người. Dân số TPHCM năm 2011 khoảng 7.500.000 người nhưng tại đây luôn có tới gần 10 triệu người sinh sống làm ăn.

Từ những con người của Sài Gòn và sống - ở - Sài Gòn, Sài Gòn đã dung nạp, tiếp nhận tất cả các yếu tố văn hóa khác nhau: phong tục tập quán, tín ngưỡng tôn giáo, tiếng nói, ẩm thực, trang phục… Và quan trọng là Sài Gòn không làm thay đổi những nét văn hóa riêng của từng cộng đồng người, vẫn nuôi dưỡng tất cả để tạo nên sự phong phú đa dạng của văn hóa Sài Gòn.

Ở Sài Gòn các “hội đồng hương” tồn tại và phát triển mạnh; gần như có đủ tất cả các tỉnh thành thậm chí có cả hội đồng hương cấp huyện. Người các tỉnh thành vào SG giữ được “cá tính văn hóa” riêng của quê hương mình, nhất là ngôn ngữ và ẩm thực là hai yếu tố được nhận biết rõ ràng nhất. Ở Sài Gòn tiếng nói các vùng miền hòa lẫn vào nhau, không phân biệt “quê” hay “thành” , không kỳ thị “Sài Gòn” hay “tỉnh”. Chỉ cần buổi sáng ngồi ở các quán cà phê bạn có thể nghe thấy giọng nói cả ba miền Nam Trung Bắc, có thể nhận biết tiếng miền Tây, tiếng Hà Nội, tiếng Quảng, tiếng Huế, chưa kể bây giờ còn có nhiều người Hàn, người Nhật, người các xứ Âu Mỹ đến làm ăn tại Sài Gòn.

Các món ăn ở Sài Gòn thì “thôi rồi”, chẳng thiếu đặc sản của nơi nào: Bánh Huế, cơm hến, mì Quảng, bùn bò Huế, phở Hà Nội, bánh đa cua Hải Phòng, bún đậu mắm tôm “đặc Bắc”, bún mắm, bún nước lèo miền tây, hủ tíu Sa Đéc, Mỹ Tho, Nam Vang, bún riêu bắc, bún riêu nam, bánh xèo “Bà Mười Xiềm” Cần Thơ, bánh khọt Cô Ba Vũng Tàu… Quán ăn Tây, Nhật, Hàn, Thái, tiệm Fast Food khắp nơi… Ẩm thực và ngôn ngữ ở Sài Gòn như một “liên hiệp quốc” chung sống hòa bình, thân ái, chẳng ai muốn diệt ai, mà có muốn thì cũng không được, vì Sài Gòn vốn bao dung cho mọi người vì mọi người đã làm nên Sài Gòn.

Sự bao dung ấy làm cho Sài Gòn luôn tươi mới và còn làm cho những “đặc sản” các nơi được lưu giữ ở Sài Gòn một cách “đậm đặc”, vì theo quy luật của văn hóa: văn hóa càng xa cái gốc càng bảo tồn nguyên vẹn mà nếu ở ngay quê hương thì có khi bị biến dạng, biến chất nhanh.
Sự bao dung của Sài Gòn còn là cái nôi cho những tài năng đến đây và phát triển.

Nhiều lần tôi thử lý giải về sự bao dung nâng đỡ của Sài Gòn đối với những gì còn yếu thế, mới mẻ, thậm chí còn chưa kịp định hình. Không thể không bắt đầu từ lịch sử. Là vùng đất chưa kịp có ký ức lâu dài nếu ta coi yếu tố thời gian lịch sử là quan trọng nhất trong việc hình thành ký ức và truyền thống: Sài Gòn 300 năm lại là vùng đất “làm ăn”, trung tâm kinh tế, khác tính chất trung tâm chính trị của Thăng Long hay Huế. Do không chịu sự níu kéo của truyền thống quá sâu nặng nên dễ tiếp nhận cái mới, đồng thời cũng chưa đủ sức mạnh để “đồng hóa” cái mới, cái khác.

Sài Gòn bao dung vì không coi mình là “trung tâm” để so sánh hơn kém với vùng miền khác. Sài Gòn đánh giá hiệu quả việc “làm ăn” là quan trọng nhất, mọi cái khác coi là “chuyện nhỏ”. Người Sài Gòn có tính thực tế cao nhưng không bị chuyển thành tính “cá nhân” mà ngược lại tính cộng đồng cũng cao, việc xã hội, “việc nghĩa” được coi là chuyện bình thường. Vì vậy dễ dàng chia sẻ, đùm bọc người tứ xứ nhập cư.

Nói chuyện với nhiều người bạn Mỹ, các bạn đều nhận xét rằng, có gì đấy khá giống nhau giữa sự hình thành, phát triển Sài Gòn với nước Mỹ. Và nếu như ở nước Mỹ có một ngày Lễ Tạ Ơn thì tôi mong rằng những người đã đến Sài Gòn sinh sống làm ăn, hãy một lần thôi, tạ ơn đất này.

Truyện 100 chữ (phần 2)

Thông minh (2)
- Em đừng có mà thông minh quá, đàn bà con gái thông minh chỉ có ế dài thôi.
- Sao em nghe người ta nói: đàn ông thông minh chỉ yêu đàn bà thông minh?
-
Đúng. Nhưng là yêu đàn bà thông minh… kém mình.
- Hóa ra đàn bà vẫn hơn đàn ông à?
- Hơn gì?
- Đàn bà thông mình chỉ yêu người thông mình hơn mình!

TỪ THIỆN

Một bác trích lương hưu chuyển cho chương trình từ thiện hai trăm ngàn. Thế nào mà chuyển nhầm thành hai triệu. Đành gọi điện cho người phụ trách kể lại “sự cố” và xin lại triệu tám vì lương bác chỉ có chừng ấy, lỡ chuyển hết rồi không biết tháng này sẽ thế nào.
Nghe chuyện, 5 người bạn tình nguyện góp bù hai triệu ấy. Người phụ trách cám ơn bác kia và gửi lại hai triệu nhưng bác kiên quyết chỉ nhận đúng một triệu tám.
Trên đời này vẫn còn người tốt!


Vụn vặt đời thường (26)



BÁO PHÁP LUẬT TP, TẾT GIÁP NGỌ. LẦN ĐẦU MÌNH CÓ MẶT

BÁO SÀI GÒN TIẾP THỊ, SỐ TẾT CUỐI CÙNG MÌNH CÓ MẶT! R.I.P



HẬU KHẢO CỔ QUA MẮT CON GÁI :)
Hình ảnh: Trả hàng từ từ :D

Hình ảnh: Trả hàng từ từ :D

Vụn vặt đời thường (25)


HOA SỮA NHÀ MÌNH NỞ VÀO MÙA ĐÔNG SÀI GÒN :)

SÀI GÒN MÙA LÁ RỤNG

NGÀY ĐẦU NĂM 2014 CỦA BA MẸ CON :)

BÁO THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN TẾT 2014 (ra ngày 2/1/2014)

BÁO TUỔI TRẺ CƯỜI TẾT GIÁP NGỌ

Giao lưu trực tuyến tại báo Tuổi trẻ, ngày 31/12/2013

http://m.tuoitre.vn/tin-tuc/Van-hoa-Giai-tri/Van-hoa-Giai-tri/215056,Nghe-audio-phong-van-TS-Nguyen-Thi-Hau-Su-hap-dan-cua-do-thi-chinh-la-o-lich-su.ttm

Vụn vặt đời thường (24)


Một năm đã qua. Một năm thực sự khó khăn! Mình đã luôn phải "vịn câu thơ" của Dư Thị Hoàn "Tất cả rồi dễ qua đi, qua đi..." để đi qua một năm thật dài... Và hôm nay, ngày cuối cùng của 2013, mình muốn nói lời cám ơn với bạn bè thân thiết đã "chịu đựng" mình trong một năm qua. Lúc nào đó sẽ "bạch hoá tài liệu mật", hehe 

"Nỗi buồn nào rồi cũng qua đi/ lời an ủi sẽ trở thành vô nghĩa...". Vậy tại sao cứ cần/ muốn phải nói nhiều nói ngay nói tất cả?!
Mà thực ra đâu cần phải nói nhiều, bạn nhỉ, nếu bạn thực sự là thân thiết với mình 


Lịch sử dù sớm hay muộn cũng phải nói lên sự thật!
Hôm nay nói về ngày 11.1.1974 (40 năm). Hy vọng sẽ nói đến ngày 17.2.1979 (35 năm)


Ngày xưa (và sắp là ngày nay, khi xăng bị pha dễ gây cháy xe, và ô nhiễm môi trường), xe đạp là vật dụng vô cùng cần thiết. Đến mức học trò khi học môn sinh vật thì được dạy rằng, cơ thể con người chia làm 4 phần: đầu, mình, tứ chi và… xe đạp.
****
Ngày còn yêu nhau anh chở chị bằng xe đạp đi chơi, đi làm hàng ngày. Mỗi lần lên dốc cây cầu dài, chị âu yếm nép vào lưng anh, hỏi thầm: Mệt không anh? Anh gò lưng đạp xe nhưng vẫn ngoái lại đằng sau, vừa thở vừa nói: phình phường thôi em ạ…
Lấy nhau rồi, cũng con dốc ấy, cũng câu hỏi âu yếm của chị “có mệt không anh”, anh không quay đầu lại mà còn quát lên “Người chứ có phải trâu đâu mà không mệt!!!”.
***
Một ông lão đi xe đạp từ Sơn Tây lên Hà Nội. Đến Cầu Giấy, ông hỏi một cô gái: Cô ơi, từ đây đến Bờ Hồ bao xa? Cô gái ỏn ẻn hỏi lại: Cụ hỏi đường bộ hay đường chim bay? Ông lão tần ngần rồi rụt rè trả lời: Lão hỏi đường chim đi xe đạp cô ạ!


***

Chạy xe từ quận 7 về. Gió. Hai tay lạnh ngắt. bỗng nhớ câu thơ của ai đó "Phút chia xa ta chỉ nắm tay mình. Điều chưa nói thì bàn tay đã nói. Mình đi rồi hơi ấm còn ở lại. Còn bồi hồi trong những ngón tay ta...". Chạy một hồi... lạnh tới chân. Có câu nào nói về chân không nhỉ? À, con gái Dennis Quyên hay hát "Ôi bàn chân... năm ngón mất hai còn ba. Đường vào tim em ôi băng giá..."


Khi ở tầm "vĩ mô" nhìn đâu cũng thấy kẻ thù thì trách gì ở tầm "vi mô" cái ác luôn xảy ra từ lời nói đến hành động :((
Thế giới này, xã hội này không lẽ chỉ toàn âm mưu và tội ác???

160 NĂM THẢO CẦM VIÊN SÀI GÒN

  https://nguoidothi.net.vn/160-nam-thao-cam-vien-sai-gon-42825.html   Nguyễn Thị Hậu Thảo cầm viên Sài Gòn là một không gian công cộng và...