Tạp bút. Nguyễn Thị Hậu
Nhà tôi ở vùng Phú Nhuận. Gần nhà, giữa xóm lao động và vài
chung cư của công chức có một chợ nhỏ hình thành từ lâu rồi, có đến hơn sáu bảy
chục năm. Chợ nhỏ nhưng cũng đủ thứ hàng hoá: trong nhà lồng là những sạp vải
vóc quần áo giày dép đồ khô nhang đèn… Bên ngoài, trên bốn con đường nhỏ là khu
vực bán đồ tươi sống: thịt cá tôm cua ếch, rau xanh, đậu hũ, rồi người ta dựng
thêm hàng dù, dưới đó là mấy hàng quần áo con nít, vớ tất đồ lót, hàng “xuất
khẩu”, chén bát bằng nhựa, hàng đồ khô hành tỏi nấm… Mặt tiền chợ là mấy quầy
mỹ phẩm, vàng bạc, mấy hàng hoa tươi… rồi những hàng khác theo nhau mọc lên bao
quanh nhà lồng, có thêm vài cửa tiệm uốn tóc, cắt may sửa quần áo, tiệm bánh
ngọt, nơi rửa xe máy, nơi gửi xe… chợ nhỏ thành “chợ lớn” hồi nào không hay,
nhất là vào ngày chủ nhật và lễ tết.
Bình thường chợ chỉ bán vào buổi sáng. Từ khoảng 5g là xe ba
gác, xe máy chở thịt cá rau xanh đã chạy ào ào vô chợ. Những nhà quanh chợ hoặc
mở cửa hàng, cho thuê mặt tiền cũng lục tục dọn hàng. Đến khoảng 10 giờ sáng
thì chợ vắng dần, đến trưa thì tan chợ, chỉ còn mấy quầy mỹ phẩm, quầy vàng bạc
(kiêm đổi tiền “chui”) và những nhà bán hàng đồ khô thì mở cửa cả ngày.
Một năm chỉ vài ngày giáp tết là chợ tấp nập suốt ngày, chỗ gửi
xe máy đông nghẹt, chờ gửi chờ lấy xe lâu gần bằng đi chợ.
Năm nay được nghỉ tết sớm hơn mọi năm, chợ tết cũng tấp nập sớm
hơn. Từ sáng 28 tết những con đường quanh tết đã không còn chỗ chen chân. Hàng
trái cây rau xanh hàng đồ gốm bình bông tiền vàng mã… Hoa vàng khắp nơi, ừ, Tết
phương Nam mà thiếu cúc vàng mai vàng thì cũng giống như Tết miền Bắc mà thiếu
cành đào, đâu còn là tết.
Và bánh tét bánh chưng cũng tràn khắp nơi: bánh tét Trà Vinh,
Cần Thơ nếp xanh màu lá dứa có trứng vịt muối bùi bùi cùng miếng mỡ mềm rục,
bánh chưng Bắc vuông vắn được ép trong nilon hút chân không, để lâu vẫn mềm,
không lại gạo không thiu trong tiết trời nắng phương Nam. Giò chả thịt nguội
các loại, dưa cải kim chi dưa kiệu dưa món… từng hũ nhỏ lớn xếp cao hình tháp
bên cạnh những hũ tôm khô từng con đều nhau đỏ au, nhìn đã thấy những cuộc nhậu
tưng bừng.
Đi chợ Tết những bà nội trợ thường đến ngay những quầy hàng
quen, mua hàng ngày tết khỏi trả giá, chỉ có hỏi giá, lựa hàng rồi tính tiền.
Có than mắc hơn thì cũng nhận được câu trả lời như nhau “tết mà”! Sáng 29 tết
còn được dặn, bữa nay chị mua đi, nếu không đặt cọc cho em, chứ tới mai là lên
1,2 giá nữa đó. Khủng hoảng lạm phát gì không biết, lương chậm thưởng ít đâu
không biết, chợ tết vẫn đông nghẹt, vẫn mua bán ào ào… Những gói quà biếu chủ
yếu cũng là đồ ăn uống: bánh mứt kẹo rượu cà phê… Đúng là dân Việt mình “ăn
tết” thật.
Trưa Ba mươi, chợ vắng dần, chỉ còn mấy anh chị công nhân vệ
sinh dọn dẹp hàng đống rác. Chợ sẽ nghỉ ngơi đến sáng mùng Ba sẽ lác đác có
người bán hoa, bán thức ăn tươi nấu bữa ăn cúng tiễn ông bà.
Hai mẹ con đi chợ về tay xách nách mang. Bên đường một bà già
ngồi bán mấy loại trái cây mỗi thứ vài trái, chắc là hái từ vườn nhà lên chợ
bán kiếm tiền ăn tết. Con gái nói: mẹ, hỏi mua giùm bà đi mẹ, chắc không nhiêu
tiền. Ừ, mấy trái mận, bốn năm trái xoài, vài trái hồng xiêm… chỉ hai chục
ngàn, không biết có đủ tiền xe ôm cho bà về tận Hóc Môn? Thôi, con biếu thêm
cho bà vài chục, bà về sớm ăn tết với con cháu.
Gần cổng chợ có đoạn đường xe lửa chạy qua. Trưa 30 tết đoàn tàu
vẫn mệt mài chạy, vẫn còn những hành khách cuối cùng về miền Trung hay ra miền
Bắc sum họp với gia đình. Sài Gòn có hơn
hai triệu người nhập cư, cũng gần chừng ấy người về quê vào dịp đó, để
lại Sài Gòn những ngày vắng vẻ, yên tĩnh hơn, bắt đầu từ khi tàn phiên chợ Tết.
Sài
Gòn, chiều 30 Tết Giáp Ngọ 2014.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét