Trò chuyện với tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu

BÁO LAO ĐỘNG ĐỒNG NAI, XUÂN GIÁP NGỌ 2014


Một lần cà phê trong quán Bố Già trên đường Điện Biên Phủ, qua lớp kính cửa, nhìn lá vàng rơi xuống những dòng xe chen kín, hối hả lúc tan tầm, ánh mắt của chị như đang đắm chìm hoài niệm về Sài Gòn của một người thường nhận ra sự thay đổi quá nhanh chóng của “Hòn Ngọc Viễn Đông”. Ở chị có sự mâu thuẫn như thế: một con người luôn mẫn cảm với những giá trị nhân văn lưu dấu thời gian, đau đáu nhớ về khung cảnh trên bến dưới thuyền dọc bến Bình Đông những ngày giáp tết rồi sẽ không còn, nhưng chị cũng là một người đang làm công việc góp phần cho Sài Gòn trở nên hiện đại hơn với những khu đô thị mới, nhà cao tầng, cầu vượt, đường giao thông tám, mười làn xe thênh thang…

Những gì mà khi mới tiếp xúc người ta nhìn thấy ở chị dễ cho cảm giác đấy là một người phụ nữ đa cảm, yếu đuối, nhưng chị - tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu–Hậu khảo cổ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM, bảo “mình rất là.. đàn ông”.

@ Nói thật, chị có mi dài, môi cong, mắt lúng liếng, giọng thiết tha... đặc trưng rất đậm nữ tính, vậy tính đàn ông dễ thấy nhất ở chị là gì?
- Cá tính. Tính tôi khá năng động và thẳng thắn, đôi khi còn nóng tính nữa . Trong công việc những gì tôi nghĩ đúng thì sẽ làm và cố gắng để làm tốt. Tôi không chịu được sự không trung thực. Tôi biết, nói thẳng rất dễ đụng chạm, nhưng quan trọng là cách nói thế nào. Mấy chục năm đi làm tôi hiểu là trong một cơ quan luôn có người thế này, người thế khác, nếu mình nói kiểu gì mà đồng nghiệp, thủ trưởng không hiểu thì mình rất dễ bị hiểu sai, suy diễn… như vậy muốn làm được việc cũng khó. Có những lúc tôi tưởng mình không vượt qua được khó khăn trong các mối quan hệ ở cơ quan. Các ông khi ấm ức, bức xúc... thì có thể kéo nhau đi nhậu để xả ra, thậm chí mang bực bội về nhà “trút xuống” vợ con. Còn phụ nữ bọn tôi không thể như thế. Bức xúc đến mấy tôi cũng tự chịu, cắn răng chịu mà không kể với ai cho đến khi giải quyết xong, không muốn để người nhà nhức đầu vì chuyện công việc của mình.

@ Nói đến khảo cổ, người ta thường hình dung đến sự cũ kỹ, xấu xí, khô khan... trong khi phụ nữ thường là người thích sự mềm mại, quan tâm đến cái đẹp, dành nhiều thời gian cho son phấn quần áo… Còn chị lại có vẻ thích “soi mói” vô chén bể lu cũ di cốt chìm sâu dưới đất một cách rất tự hào và... bền vững? Nguyên nhân của niềm đam mê mang tính bền vững đó là gì?
- Tôi đâu phải là người không thích phấn son quần áo . Bước ra khỏi nhà tôi cũng có thói quen chấm chấm, phết phết lên mặt chút son, chút phấn, cũng biết “diện” quần này áo kia đó chứ. Nhưng những thứ ấy chỉ vừa đủ, hợp với mình, làm cho mình thoải mái tự tin hơn. Tôi nghĩ đó cũng là thể hiện sự tôn trọng người khác.

Những ai đã từng học lịch sử từ các giáo sư Trần Quốc Vượng, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn... thì không thể không nhận thấy kiến thức uyên thâm và tình yêu đối với sử học qua sự truyền đạt của các thầy rất hấp dẫn, đây là điều quan trọng trong việc định hướng nghề nghiệp cho sinh viên. Nhiều người nghĩ, theo chân Chúa Nguyễn, vùng đất phía Nam có niên đại khoảng 300 năm và mặc định đây là vùng đất trẻ. Nhưng những gì được phát hiện cho thấy vùng Đông Nam bộ đã có một nền văn hóa cổ tồn tại ít nhất là 3500 năm tương đương với nền văn hóa Đông Sơn ở Bắc bộ. Những phát hiện mới, có giá trị đã củng cố tình - yêu - lòng - đất của tôi.

@ Chị nói đến từ củng cố, dễ nghĩ rằng chị đã từng xao động trước vấn đề một bên là tình yêu nghề nghiệp và một bên là chuyện cơm áo gạo tiền. Với phụ nữ, người mặc nhiên được xem là nội tướng của gia đình, là người giữ tay hòm chìa khóa... nói không lăn tăn việc chuyển nghề khác để lo chuyện nhà có lẽ hơi cường điệu. Nhưng đến giờ, khi đã có một gia đình bình yên, hạnh phúc với chồng con, chị lại được bạn bè, đồng nghiệp gán luôn nghề nghiệp vào cái tên: Hậu khảo cổ. Thành quả này có được phải là một quá trình bền bỉ? 
- Năm 1981 đến năm 1994 tôi dạy ở đại học Tổng hợp, bây giờ là ĐH KHXH&NV, những năm đó thu nhập của giáo viên rất thấp, lại không có kinh phí đào tạo nghề khảo cổ, tôi gần như phải “bỏ nghề” vì không được đi khai quật, không có sinh viên để hướng dẫn thực tập. Nhưng ngoài việc dạy thêm, làm thêm nhiều việc khác thì chuyển nghề nào cũng khó. Lúc đó chỉ chuyển sang làm kinh tế thì có thu nhập khá hơn nhưng mình không có chuyên môn, sẽ làm việc không bằng người ta. Thôi thì ráng theo nghề.
Sau đó tôi về làm ở Bảo tàng lịch sử TP.HCM. Ở Bảo tàng ngoài thu nhập chính còn có thêm dịch vụ đám tiệc cải thiện đời sống nhân viên. Đời sống khá hơn một chút, công việc chuyên môn, nghề nghiệp lại gắn bó với kiến thức khảo cổ, vì vậy cũng yên tâm.
Năm 2006 tôi về Viện, công việc dù có khác nhưng nhìn chung tôi thích nghi được, nhiều công việc mang lại hứng thú. Còn thu nhập, đời sống thì Viện nghiên cứu nhưng cũng như mọi cơ quan hành chính khác… Việc không bỏ nghề một phần cũng do “sĩ diện” không muốn bị người khác coi thường vì chỉ biết chạy theo đồng tiền.

@ Chị là thành viên của câu lạc bộ nữ trí thức. Thành viên câu lạc bộ này đa số là những người người có học vị cao và đây có phải là một trong những tiêu chí phấn đấu để trở thành một người phụ nữ thành đạt?
- Tôi nghĩ, nhiều phụ nữ khi cố gắng làm việc, học hành thì không nghĩ để mình trở thành trí thức, không coi đó là mục đích cần phải vươn tới. Thực tế, khi học để có một trình độ nhất định như thạc sĩ, tiến sĩ thì mục đích đầu tiên là nâng cao trình độ chuyên môn, khoa học, để làm việc có hiệu quả hơn. Tôi nhận thấy việc đánh giá ai là trí thức ai không, hiện nay bên cạnh bằng cấp, trình độ, quan trọng hơn là thái độ và hành xử của người đó đối với các vấn đề quan trọng của xã hội, với cộng đồng.
Nói thật, tôi không mấy cảm tình với cụm từ “phụ nữ thành đạt”, bởi vì, sau nó người ta luôn lý giải nguyên nhân thành đạt của phụ nữ bằng thái độ phân biệt giới một cách vô tình hay hữu ý. Cứ như thành đạt là đặc quyền của nam giới, buồn hơn tâm lý này còn phổ biến ngay trong giới nữ. Họ cũng đòi hỏi người phụ nữ thành đạt là người tuyệt vời từ dưới bếp lên tới giường, từ trong nhà cho ra ngoài ngõ, là người hoàn hảo trong vai vợ ngoan, mẹ giỏi, con dâu thảo hiền... Nhưng tôi thực sự thán phục và quý trọng những người phụ nữ thành đạt, đồng thời cũng vô cùng thông cảm vì sức ép từ xã hội mà họ luôn phải chịu.

Tôi không đặt sự thành đạt là mục tiêu cho mình phấn đấu, tôi chỉ muốn là một người phụ nữ bình thường: Có một nghề tử tế để làm, kiếm được ít tiền để khỏi quá phụ thuộc vào người khác, thi thoảng có vài niềm vui nho nhỏ, giản dị từ gia đình, con cái, bạn bè, có thời gian mỗi ngày lướt mạng, cà phê với bạn chia sẻ vui buồn. Và khi cáu giận, bực bội thì có thể “dang tay giữa trời mà... hét”. Tôi luôn hài lòng là người phụ nữ bình thường.

@ Không thấy chị nhắc đến cụm từ công ngôn dung hạnh trong tiêu chí người phụ nữ thành đạt, lại thấy chị có vẻ rất thảnh thơi để lang thang vỉa hè với bạn bè, thỉnh thoảng chị lại in sách tản văn, truyện cực ngắn... Áp lực làm vợ, làm mẹ, làm người nội trợ trong gia đình cứ nhẹ như cơn gió thoảng, nhưng gia đình chị lại là mẫu gia đình mà nhiều người mơ ước. Hạnh phúc với chị là gì?
- Những khó khăn đến rồi cũng đã qua, than thở kể lể làm gì nữa. Các thành viên trong gia đình đều có quan niệm rất đơn giản: thu nhập sao thì chi tiêu vậy, chỉ cần nhà vừa đủ để mọi người có thể có một góc nhỏ riêng tư. Nói chung là cả nhà không quá câu nệ theo kiểu phụ nữ phải làm chuyện này thì đàn ông phải làm chuyện kia... Tôi đi công tác thường xuyên thì ông xã, con gái lo được việc bếp núc. Ông xã đi vắng thì chuyện của đàn ông như xây nhà, sửa chữa điện nước... mình cũng lo được. Vì vậy, những lúc khó khăn nhất cũng không cằn nhằn, cắn đắng nhau, mọi thứ trở nên nhẹ nhõm. Sống không quá thiếu thốn về vật chất, thanh thản tinh thần là hạnh phúc rồi.

@ Bây giờ cái gì cổ cũng đáng quý. “Phận đàn bà” được nhiều người, kể cả phụ nữ xem là khái niệm cổ. Bản thân từ “Phận” bao hàm sự nhẫn nhịn chịu đựng của đàn bà? Là người phụ nữ của thời hiện đại, hiểu rõ các giá trị cổ, chị nghĩ gì về “phận đàn bà”?
- Khi nói đến “Phận đàn bà” người ta thường nghĩ đến nghĩa vụ, bổn phận trách nhiệm đã định sẵn cho nữ giới trong phạm vi gia đình. Thực tế, tôi thấy rằng giữ được gia đình hay không phụ thuộc nhiều vào ý chí của phụ nữ, nhất là thế hệ trên tôi và thế hệ của tôi. Người phụ nữ giữ là được, không giữ thì mất. Nhưng tôi rất không đồng tình với quan niệm, trong gia đình có chuyện gì thì người phụ nữ phải là người chịu đựng, nhẫn nhịn, phải “xem lại mình trước”. Với tôi, gia đình không thể thiếu phụ nữ nhưng phụ nữ cũng cần tạo cho mình một nghề nghiệp tốt, những quan hệ xã hội khác để cuộc sống phong phú hơn. Và nếu thực sự có khả năng và điều kiện thì nên tham gia một số hoạt động xã hội, chính trị…

Nguyễn Thiện thực hiện
 — 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỖI ÁM ẢNH CỦA QUÁ KHỨ

  Trần Quốc Vượng   Nước Việt Nam ta hiện là một quốc gia kém phát triển về mọi mặt, vừa lạc hậu, vừa lạc điệu với một thế giới nhìn chung...