NGÀY NÀY

Ngày này là ngày tôi được trở về quê hương.

Từ ngày này, chiến tranh chấm dứt đồng thời cũng dập tắt tia hy vọng mong manh của bao nhiêu gia đình ở miền Bắc về sự trở về của chồng, con em mình…

Từ ngày này, chiến tranh chấm dứt nhưng bao nhiêu gia đình ở miền Nam lại phải chia ly vì người đi “học tập”, người vượt biên, người đi kinh tế mới…

Từ ngày này, những gia đình có người thân trở về sau cuộc chiến có khi lại bắt đầu một “cuộc chiến” khác. Trong cùng một nhà có bên này bên kia, có chồng khác vợ sau…

Nỗi đau và mất mát của chiến tranh và sau cuộc chiến không từ một ai. Trong gia đình tôi có nỗi đau của cả hai bên nhưng không bao giờ nói đến hai chữ “thắng thua”, không màng hai chữ "được, mất". Để làm gì khi quê hương còn đó, nghĩa tình còn đó...

Năm nào cũng vậy, ngày này tôi chỉ ở nhà thắp nhang cho những người đã khuất.
Ngoài kia là pháo hoa... Bao năm rồi tôi chỉ mong ngày này giờ này tất cả nhà thờ, chùa chiền, trên TV và radio... vang lên tiếng chuông cầu nguyện cho tất cả những người đã mất trong và sau cuộc chiến...
#vunvatdoithuong Hình: HN 4.1975



LỊCH SỬ MỘT VÙNG ĐẤT NHÌN TỪ DÒNG CHẢY SÀI GÒN – ĐỒNG NAI

 Tùy bút. Nguyễn Thị Hậu

1.

Từ đầu nguồn chảy xuống, sông Đồng Nai và sông Sài Gòn hợp lưu ở Nhà Bè rồi lại tách ra làm hai đổ xuôi ra biển: từ đây, sông Sài Gòn (hay là sông Lòng Tàu) đổ ra biển bằng cửa chính là cửa Cần Giờ ở vịnh Rành Gái; sông Đồng Nai (sông Soài Rạp), hợp lưu với sông Vàm Cỏ đổ ra biển bằng cửa Soài Rạp ở vịnh Đông Tranh. Hai dòng sông này có một hệ thống chi lưu, phụ lưu gồm các con sông lớn rạch nhỏ chằng chịt bao phủ một vùng đất rộng lớn do phù sa thành tạo chưa hoàn chỉnh, có những đồi gò cao (nay là khu vực nội đô), có vùng thấp trũng ngập nước triều là khu vực Nhà Bè, Cần Giờ.

Từ vị trí địa lý “trời cho” nhưng được “người chọn” đã tạo nên Sài Gòn - Bến Nghé là một thị tứ sông nước, hướng biển và kết nối.

Ấn tượng đầu tiên của tôi về Sài Gòn là từ câu ca dao về vùng đất còn đầy vẻ hoang sơ lạ lẫm: “Nhà Bè nước chảy chia hai/ Ai về Gia Định - Đồng Nai thì về”. Câu ca dao xưa của những đoàn lưu dân đi ngược từ cửa biển vào vùng Gia Định, Đồng Nai cùng với tích truyện Thủ Huồng dựng Nhà Bè ở ngã ba sông, để sẵn gạo củi giúp cho người lỡ đường sông nước tạm dừng ghe xuồng nghỉ ngơi, chờ con nước lớn mà ngược vào vùng bán sơn địa Gia Định - Đồng Nai hay theo nước ròng mà xuôi ra cửa biển Cần Giờ… Trong tôi, Đất Sài Gòn hiện lên nơi ngã ba sông Sài Gòn và sông Đồng Nai nhập vào nhau để cùng đổ ra biển Đông, cởi mở và phóng khoáng. Người Sài Gòn hiện ra như những con người rộng rãi, vô tư, sẵn sàng làm việc nghĩa.

Sau này tích chuyện “Thủ Huồng” bị phủ lên bằng một câu chuyện mang ý nghĩa “nhân quả”: người giàu phải làm việc thiện để tích đức sự giàu có là từ những việc thất đức!  Nhưng tôi vẫn luôn tin rằng, cốt lõi chuyện/truyện Thủ Huồng đơn giản chỉ là sự phản ánh tính cách của những người lưu dân đầu tiên vào vùng đất này, họ “thương người như thể thương thân”, thấy việc cần làm thì phải làm, mình giúp người thì người giúp mình. Vả lại, ở xứ sở mà “con chim kêu cũng sợ con cá vùng cũng kinh” thì người giàu có phần lớn cũng là từ người nghèo cần cù làm ăn khéo léo toan tính mà thành công. “Mua chuộc” cho cuộc sống kiếp sau không phải là tâm thế của một cộng đồng cư dân mà tính thực tiễn nổi bật trong cả đời sống vật chất và tinh thần. Bởi vì đây là một cộng đồng mới hình thành từ nhiều nguồn gốc nhiều số phận, gắn bó với nhau bằng lao động sáng tạo và thích ứng với thiên nhiên hoang sơ lạ lẫm, nương tựa với nhau bằng tình nghĩa và sự bao dung “tứ hải giai huynh đệ”.

2.

Nếu bắt đầu từ thời tiền sử của vùng đất Sài Gòn thì cửa biển Cần Giờ được biết đến như là một “cảng thị sơ khaitừ hơn 2.000 năm trước. Từ Cần Giờ ngược vào vùng phù sa cổ ven sông Đồng Nai nay thuộc thành phố Thủ Đức, vùng đồi gò thấp ven sông Sài Gòn nay khoảng quận 12, huyện Hóc Môn, Củ Chi... là những di tích của các nhóm cư dân cổ sớm hơn, có mặt khoảng từ 3.000 đến 2.500 năm trước.

Trong phạm vi cả miền Đông Nam bộ thì vùng hạ lưu sông Đồng Nai, sông Sài Gòn (nay thuộc địa bàn TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương) là trung tâm một nền văn hóa cổ “văn hóa Đồng Nai”. Hàng ngàn di tích khảo cổ đã được khai quật, gồm di tích cư trú, khu mộ táng, công xưởng chế tác công cụ đá, đúc đồng, làm gốm, chế tác đồ trang sức bằng đá quý, tập trung tiêu biểu nhất là cảng thị sơ khai Cần Giờ từng có quan hệ giao thương đường biển với quần đảo Đông Nam Á, Trung quốc và Ấn Độ. Hệ thống di tích khảo cổ lưu vực sông Đồng Nai, sông Sài Gòn đã phản ánh quá trình phát triển liên tục, đa dạng của các cộng đồng cư dân cổ sinh sống ở miền Đông Nam bộ từ hàng ngàn năm trước, cùng thời với văn hóa Đông Sơn ở phía Bắc và văn hóa Sa Huỳnh ven biển miền Trung.

Từ đầu công nguyên, vương quốc Phù Nam đã hình thành và phát triển ở trung tâm là Văn hóa Óc Eo ở đồng bằng sông Cửu Long. Sài Gòn nói riêng và Đông Nam bộ nói chung ở phía Bắc của khu vực trung tâm, cho đến nay cũng phát hiện được một số di tích di vật thuộc văn hóa Óc Eo, từ dấu tích đền tháp ở khu vực quận 11, quận 5 đến những tượng thờ của Ấn độ giáo tìm thấy ở nhiều nơi trong thành phố... Dọc lưu vục sông Đồng Nai cũng phát hiện được những dấu tích tương tự. Đặc biệt khu di tích Cát Tiên ở thượng lưu sông Đồng Nai là một quần thể đền tháp với hàng ngàn di vật quý hiếm, có nhà nghiên cứu đã cho rằng đây cũng là một tiểu quốc thời văn hóa Óc Eo thuộc vương quốc cổ Phù Nam. 

            Nhìn chung, hệ thống di tích khảo cổ học thuộc lưu vực các dòng sông Đồng Nai – Sài Gòn - Vàm Cỏ cho thấy mối liên quan chặt chẽ về văn hóa và tộc người trên nền tảng chung về môi trường sinh thái, giữa vùng đất Sài Gòn với miền Đông Nam Bộ ngay từ thời tiền sử đến nay.

Mùa xuân Mậu Dần 1698 Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vâng lệnh Chúa Nguyễn Phúc Chu vào đất Gia Định lập nền hành chánh. Bản thân sự “khai sinh” vùng Gia Định đã là quá trình tập hợp những cộng đồng từ nhiều nguồn gốc, nhiều vùng miền trong và ngoài nước, hòa nhập với các tộc người đã tụ cư lâu đời ở vùng đất này. Nửa sau thế kỷ XVIII những nhóm người Hoa “bài Thanh phục Minh” được chúa Nguyễn cho phép vào cư trú và lập nghiệp đầu tiên tại Biên Hòa và Mỹ Tho. Từ hai khu vực còn khá hoang vu này đã hình thành hai cảng thị phát triển sầm uất. Cù lao Phố (Biên Hòa) bên sông Đồng Nai tuy nằm sâu trong đất liền nhưng là nơi sông rộng và sâu, chịu ảnh hưởng của nước triều nên thuận tiện cho ghe tàu ngược lên miền Đồng Nai thượng khai thác lâm thổ sản, xuôi phía Nam ra biển Cần Giờ và từ đó có thể đi đến nhiều nơi khác bằng đường biển. Cù Lao Phố trở thành thương cảng, trung tâm thương mại và giao dịch quốc tế của cả vùng Gia Định. Ở vùng cửa sông Tiền có Mỹ Tho đại phố buôn bán nhộn nhịp và sầm uất không thua gì Cù lao Phố.

Tại hai đô thị này sự phát triển của giao thương đã tạo điều kiện phát triển nhiều ngành nghề thủ công khác. Dân cư đông đúc, để lại nhiều di tích như các đền miếu, chùa, quần thể mộ cổ, dấu tích bến bãi ven bờ sông... Dưới lòng sông Đồng Nai đã vớt được hàng ngàn đồ gốm xuất xứ từ nhiều nơi: gốm Thái Lan, Khmer, Trung quốc, gốm Champa, gốm của người Việt...

Qua khỏi Cù Lao phố, ngược dòng Đồng Nai lên đến Cù Lao Rùa thuộc thị xã Tân Uyên tỉnh Bình Dương. Đây là một cù lao được bao bọc bốn bề là sông nước, nằm giữa hai dòng chảy là sông Đồng Nai và dòng chảy sông Sài Gòn. Cù lao Rùa là một di tích khảo cổ nổi tiếng của văn hóa Đồng Nai hơn 3.000 năm trước. Từ thế kỷ XVIII Cù Lao Rùa còn nổi tiếng với phong cảnh thanh bình, làng xóm phong quang với nhiều ngôi nhà cổ xây bằng gỗ quý, trang trí đẹp đẽ, những đình làng, đền miếu cổ xưa, vườn trái cây, ruộng lúa trù phú...

3.

Xuôi dòng sông Đồng Nai, sông Sài Gòn về lại Sài Gòn - Bến Nghé. Từ đầu thế kỷ XVII, Sài Gòn lần lượt trở thành bến sông – phố chợ – nơi thu thuế – trung tâm kinh tế – khu vực chiến lược rồi trung tâm hành chánh của Đàng Trong thời các chúa Nguyễn. Từ khi Thành Gia Định được xây dựng (1790) và nhất là từ khi thành lập triều Nguyễn, vị trí quân sự – kinh tế – xã hội của Sài Gòn được khẳng định và ngày càng quan trọng. Hệ thống các công trình công nghiệp, thương cảng, thương mại của đô thị Sài Gòn còn lại đến nay đều phản ánh tình trạng kinh tế – xã hội phát triển mạnh mẽ.

 Cùng với quá trình khẩn hoang lập ấp, phát triển sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp… lưu dân vào vùng đất Gia Định đã mang theo những phong tục tập quán, tín ngưỡng tôn giáo, lối sống nếp sống... của quê hương bản quán làm chỗ dựa tinh thần ở vùng đất mới. Hàng trăm di tích kiến trúc truyền thống là chứng tích của những sinh hoạt tinh thần của các cộng đồng dân cư.

Trong nửa sau thế kỷ XIX, các dự án quy hoạch đô thị Sài Gòn của chính quyền thuộc địa Pháp chủ yếu là khu vực Bến Nghé xưa. Chợ Lớn vẫn là trung tâm thủ công nghiệp thương nghiệp. Nửa đầu thế kỷ XX Chợ Lớn đô thị hóa nhanh chóng, các làng nghề thủ công biến mất, hoặc phải lùi ra vùng ven các tỉnh lân cận, như xóm Lò gốm Sài Gòn nhường vai trò cho các làng gốm ở Biên Hòa, Lái Thiêu. Vào năm 1931 Sài Gòn – Chợ Lớn sáp nhập thành một đô thị lớn song vẫn là hai khu vực với hai chức năng chính: Sài Gòn chủ yếu là khu hành chánh, dịch vụ và công nghiệp, cảng thị, còn Chợ Lớn là khu thương mại, tập trung các chợ đầu mối hàng hóa nông sản.

Hệ thống di sản đô thị Sài Gòn có niên đại từ thế kỷ XIX đến nay rất phong phú về loại hình: từ cảnh quan đô thị sông nước, công trình kiến trúc nghệ thuật đến công xưởng nhà máy, từ nhà cổ biệt thự, đình chùa đền miếu nhà thờ thánh thất giáo đường đến thành lũy, lăng mộ, quần thể kiến trúc – kinh tế - văn hóa khu vực Chợ Lớn... Tất cả hợp thành sự phong phú của văn hóa cộng đồng, phản ánh quá trình “di dân, nhập cư”, sự đa dạng về kinh tế. Qua các giai đọan lịch sử, đô thị Sài Gòn luôn là một thương cảng - trung tâm kinh tế có ảnh hưởng quan trọng đến một khu vực rộng lớn.

Có thể nói, vị thế Địa – Kinh tế đã tạo nên một đô thị Sài Gòn độc đáo khác với những thành phố khác của Việt Nam, đồng thời vị thế Địa – Văn hóa của Sài Gòn cũng tiêu biểu và đại diện cho vùng Nam bộ.

4.

Gần đây Tp. Hồ Chí Minh đã quan tâm đến mạng lưới giao thông đường thủy và từ đó nhìn thấy tiềm năng phát triển du lịch đường sông. Sông Sài Gòn chảy xuyên qua thành phố và sông Đồng Nai nối liền thành phố với nhiều tỉnh miền Đông Nam bộ – trở thành hai tuyến giao thông kết nối, hai tuyến du lịch xuyên không gian – thời gian lịch sử.

Trong thành phố, các kinh rạch lớn như Nhiêu Lộc, Thị Nghè, sông/rạch Bến Nghé, Kinh Tẻ Kinh Đôi, rạch Lò Gốm...  có thể trở thành những “đại lộ” chính nối liền các quận huyện, các khu vực dân cư cũ đến các đô thị mới. Không chỉ vậy, sông Sài Gòn trở thành yếu tố nối liền từ trung tâm qua “phố Đông” Thủ Thiêm – nơi từng có những làng xóm cổ xưa. Nối liền theo sông nước để thấy thành phố có lịch sử lâu dài, có vốn văn hóa quý giá có thể trở thành “kinh tế di sản” trong phát triển bền vững.

Từ thành phố xuôi ra biển hay ngược lên vùng phù sa cổ bán sơn địa đều có thể chiêm nghiệm quá trình lịch sử, qua hệ thống di tích phong phú và dày đặc dọc theo đôi bờ hai dòng sông. Sự kết hợp đa dạng của văn hóa các cộng đồng từ cư dân bản địa đến lưu dân người Việt, người Hoa, từ di tích người tiền sử xa xưa đến những lớp di dân đến sau thậm chí sự biến đổi dân cư trong thế kỷ XX... làm cho tiềm năng “du lịch văn hóa các dòng sông” trở nên độc đáo bởi sản phẩm có thể thỏa mãn nhiều mục đích tham quan, nhiều đối tượng du khách: di tích kiến trúc (đình, chùa, miếu, nhà cổ...), ẩm thực, cảnh quan vườn trái cây, các làng nghề... đặc biệt là giới thiệu, lưu giữ và phát triển “văn hóa sông nước” đặc trưng của Nam bộ.

Tuyến du lịch đường thủy trên sông Sài Gòn, sông Đồng Nai có rất nhiều tiềm năng. Khả năng kết nối với tuyến Vàm Cỏ, Cửu Long của miền Tây Nam bộ vẫn còn “bỏ ngỏ”. Việc thành phố Hồ Chí Minh chỉnh trang bến Bạch Đằng – điểm đầu của tuyến giao thông/du lịch là phát huy một giá trị di sản của “đô thị sông nước” Sài Gòn, đồng thời nhắc nhớ về tâm thức của cư dân sông nước Nam bộ, đó là luôn thích ứng và linh hoạt. Kết nối chứ không đóng kín, hướng ra sông và biển chứ không chỉ “cắm rễ” ở đồng bằng và chạy lên miền rừng núi. Tư duy sông nước “truyền thống và hiện đại” càng cần được khôi phục trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, bởi vì sông nước là yếu tố kết nối tự nhiên, vốn có.

TP. Hồ Chí Minh ngày 26.3.2022.
Bài rút ngắn đăng trên báo Tuổi trẻ, đặc san 30.4/2022







 

 

VĂN HÓA ĐÔ THỊ, THỊ DÂN VÀ CỘNG ĐỒNG

https://nld.com.vn/thoi-su/xay-dung-hinh-anh-cong-dan-kieu-mau-tp-hcm-20220424201931319.htm?fbclid=IwAR3DupaSyFS_edAuZvfw6-u2WxukMLc2MXlORnNXvtq0Vy77ngjNN081RVg

Do có vị trí chiến lược và vai trò đặc biệt quan trọng trong kinh tế, Sài Gòn trước đây và thành phố Hồ Chí Minh hiện nay luôn là nơi hội tụ của nhiều luồng dân cư, các dân tộc từ mọi miền đất nước đến định cư sinh sống. Theo số liệu Tổng điều tra dân số năm 2019 thành phố Hồ Chí Minh có đến gần 9 triệu người. Cộng đồng dân cư có nhiều thành phần khác nhau về địa phương, dân tộc, tôn giáo… Thành phố cũng là nơi có mặt hầu hết người của 54 dân tộc ở Việt Nam và một số ngoại kiều. Bên cạnh đó, người nhập cư ước tính có khoảng từ 5 – 6 triệu người thường xuyên lao động và sinh sống tại thành phố.
Với số lượng dân cư rất lớn như vậy, sự đa dạng phức tạp về nguồn gốc, mật độ dân số cao... mối quan hệ của những thành viên trong từng cộng đồng, giữa các cộng đồng dân cư với nhau vô cùng quan trọng. Bởi vì, thành phố là nơi tập trung dân cư, chủ yếu là lao động phi nông nghiệp, sống và làm việc theo kiểu thành thị (lối sống, sinh hoạt, giờ giấc, dịch vụ, giao thông...) nên cần tuân thủ những nguyên tắc luật lệ chung của đô thị, đảm bảo cho đời sống được vận hành khoa học và tốt đẹp.
Đô thị và thị dân
Dân cư và cộng đồng dân cư gắn liền với phát triển đô thị, bắt đầu từ ba biến động: dân số tăng tự nhiên (chênh lệch giữa số sinh và số chết); Di cư từ nông thôn ra thành phố (thường gọi là di dân nông thôn) và hiện tượng sắp xếp lại các đơn vị hành chính (từ nông thôn, ngoại thành chuyển thành đô thị, nội thành). Trong ba biến động này, nếu không có quá trình nhập cư với tốc độ cao thì đô thị hiện đại không thể thực hiện vai trò là trung tâm đa chức năng của một khu vực rộng lớn.
Quá trình đô thị hoá – hiện đại hoá làm thay đổi lối sống nếp sống. Nhịp sống thời công nghiệp thay thế nhịp sống nông nghiệp, nông thôn; các mối quan hệ trong xã hội đô thị cũng thay thế quan hệ làng xã cổ truyền... Tất cả góp phần tạo nên văn hoá đô thị hiện đại. Văn hoá đô thị phản ánh những ứng xử của cộng đồng người sống trong môi trường xã hội có sự khống chế về không gian nhưng về dân cư thì luôn có xu hướng tăng nhanh và mang tính bất thường. Đồng thời tính chất dân cư đa dạng về văn hóa nói chung, về lối sống, ngôn ngữ, ẩm thực... nói riêng.
Trong không gian đô thị, từng cá nhân và từng gia đình ít bị ràng buộc bởi các mối quan hệ chằng chịt như ở thôn quê. Ở nông thôn những con người, những gia đình có khi vừa là quan hệ huyết thống, vừa là láng giềng, lại vừa có cùng lợi ích kinh tế (cùng làm nông nghiệp hay một nghề thủ công nào đó chẳng hạn)… do đó tính cộng đồng cao hơn.
Còn ở đô thị thì mối quan hệ cùng lợi ích kinh tế/ cùng nghề nghiệp là quan hệ chính (buôn có bạn bán có phường) hoặc quan hệ chính trị - xã hội như cùng giai cấp/ đẳng cấp/sở thích, các hoạt động xã hội... Quan hệ huyết thống vẫn duy trì nhưng chủ yếu là gia đình nhỏ, không phổ biến “dòng họ, bà con”, quan hệ “hàng xóm láng giềng” trở thành thứ yếu, nhất là ở nơi cư trú hiện đại như chung cư cao cấp, biệt thự hay khu đô thị mới. Lối sống công nghiệp (giờ hành chính, làm theo ca kíp, ngày cuối tuần là thời gian của gia đình riêng hoặc của cá nhân...) cũng làm cho các mối quan hệ xã hội đô thị được củng cố.
Vì vậy, quan hệ của dân cư đô thị làm sao vừa giữ được tính truyền thống trong sự quan tâm giúp đỡ nhau, đồng thời cũng cần giữ “khoảng cách” nhất định để tôn trọng cá nhân và không gian riêng của từng người, từng gia đình, từng cộng đồng nhỏ hơn (cùng tôn giáo, tín ngưỡng, nghề nghiệp, sở thích, “đồng hương”…). Các thành viên sống trong cùng cộng đồng có mối liên hệ phổ biến hơn. Mức độ, quy mô cộng đồng ảnh hường đến mối quan hệ của từng cá nhân. Ngược lại, những mối quan hệ cá nhân cũng có tác động đến quan hệ trong cộng đồng và giữa các cộng đồng với nhau. Cũng cần lưu ý cả mối quan hệ trên mạng xã hội, tuy “ảo” nhưng là một môi trường giao tiếp phổ biến và thuận tiện cho thị dân hiện đại, và cũng có ảnh hưởng nhất định đến cộng đồng.
Thị dân trong mối quan hệ với cộng đồng
Từng cộng đồng và toàn bộ xã hội đô thị có sự liên kết nội tại không chỉ do các quy tắc luật lệ của nhà nước mà còn do quan hệ truyền thống như là nét văn hóa đặc trưng. Với “người Sài Gòn”, quan hệ cá nhân – cá nhân, cộng đồng – cá nhân luôn thể hiện sự tương thân tương ái, khoan dung cởi mở, nghĩa tình... Vì vậy, từng cá nhân cần duy trì và nuôi dưỡng những tính cách đó để “bảo toàn” đặc trưng văn hóa, cũng là phẩm chất tốt đẹp của “người Sài Gòn”.
Muốn vậy, trong từng cộng đồng nhỏ (nơi cư trú, công sở, hội đoàn xã hội...) thì ứng xử thẳng thắn, chân tình, khoan dung là điều kiện xây dựng sự đoàn kết, thuận thảo. Có ý thức trách nhiệm với môi trường sống (môi trường tự nhiên và nhân văn, như kênh rạch, cây xanh, các công trình công cộng...) và cộng đồng (gia đình, chung cư, khu phố, công sở...), thực hành các giá trị xã hội được công nhận (luật pháp, luật lệ, những quy tắc đạo đức)... Khi mỗi người có ý thức thì quan hệ cộng đồng tốt đẹp, đó chính là “mình vì mọi người, mọi người vì mình”.
Vai trò của chính quyền đô thị.
Những người có chức trách “quản lý đô thị” từ thành phố, quận huyện đến cơ sở phường xã có trách nhiệm và thực hiện tốt chức trách. Xây dựng “Công dân kiểu mẫu” trước hết là từ công chức, viên chức bởi vì đây là tầng lớp (một cộng đồng) chủ yếu của đô thị. Chính quyền đề ra, ban hành những quy tắc, luật lệ phù hợp sinh hoạt và vận hành của đô thị hiện đại. Tạo điều kiện để những yếu tố văn hóa truyền thống tốt đẹp (tình làng nghĩa xóm, tối lửa tắt đèn có nhau) được duy trì và phát triển thích nghi với hoàn cảnh mới. Văn minh đô thị là phản ánh trình độ khoa học quản lý, mối quan hệ trong cộng đồng phản ánh tính nhân văn của đô thị.
Lối sống, văn hóa đô thị được hình thành qua nhiều thế hệ thị dân.Tuy nhiên, khi đô thị chịu nhiều biến động, có những thay đổi lớn về cơ cấu dân cư trong một thời gian ngắn thì không kịp di truyền và củng cố lối sống thị dân và văn hóa đô thị. Vì vậy, giữ cho đô thị không bất ổn lớn về số lượng và tính chất dân cư, ổn định các hoạt động kinh tế - xã hội, thì tránh được những bất ổn định về tâm lý, lối sống, văn hoá… Đây chính là một trong những cách thức nhằm bảo vệ văn hoá đô thị, điều kiện quan trọng để đô thị phát triển bền vững
Nguyễn Thị Hậu



Sự lan rộng của hệ thống ĐỀN HÙNG có phải là một dấu hiệu của xâm thực văn hóa?

 Trương Tần Trung Hiếu.

https://www.facebook.com/photo?fbid=1667158666949991&set=a.1551607028505156&comment_id=1667442906921567&notif_id=1649636733916432&notif_t=feedback_reaction_generic&ref=notif

 

[Trước khi vào bài, tôi lưu ý các điểm này:

- Tôi tách rõ một bên là tín ngưỡng và tình cảm tự nhiên của người dân đối với Hùng Vương, một bên là truyền thông có tính tạo dựng. Bình luận của tôi tập trung vào khuynh hướng thứ hai.

- Tôi không bình luận về việc nên hay không nên thờ cúng, cũng không bình luận cảm xúc của mỗi người về Hùng Vương nên là thế nào.

- Bài viết không thảo luận về sự thật lịch sử của Hùng Vương, đã có nhiều công trình lịch sử và khảo cổ học về vấn đề này.

- Xuất phát của tôi là quan sát cách các yếu tố huyền sử được truyền thông sử dụng vì các mục đích khác nhau, và Hùng Vương là một trường hợp trong mạch suy nghĩ đó.

- Sự xâm thực văn hóa xảy ra khi không có sự cân nhắc đến trải nghiệm văn hóa của cư dân tại mỗi không gian địa lý. Vì thiếu sự gắn kết, thực thể ấy trở nên xa lạ và không xây dựng được sự kết nối tinh thần.

- Tôi kết lại với hai ý chính: dành một sự hoài nghi lành mạnh đối với các dữ kiện; quan sát cách các dữ kiện ấy được sử dụng và xem chúng nói được gì về hoàn cảnh hiện tại. Sự phản ứng của các bạn dù là theo chiều nào cũng là cái cần quan sát.]

Một đền thờ vua Hùng mới được khánh thành tại thành phố Cần Thơ. Khối kiến trúc tẻ nhạt, xấu xí ấy là một dị vật hoàn toàn xa lạ với bối cảnh văn hóa, lịch sử của vùng đất Cần Thơ. Tại sao phải xây dựng đền thờ Vua Hùng ở vùng đất không có một trải nghiệm văn hóa nào gắn kết với tín ngưỡng thờ Vua Hùng? Nhìn rộng ra, những yếu tố gắn với Hùng Vương và thời Văn Lang được nhân bản và rải giống khắp mọi nơi. Các hoa văn trống đồng được lặp lại khắp các công viên, đình, chùa đến nhà văn hóa và trở thành những biểu tượng rỗng nghĩa. Chúng đơn điệu về mặt tạo hình và trở thành vật thể xâm thực trong mỗi địa điểm chúng hiện diện.

Trong thời hiện đại, các phong trào "trở lại truyền thống" diễn ra theo nhiều chiều hướng, quy mô và nhận được các ứng xử khác nhau. Trong khi nhóm "cổ phong" mặc áo dài ngũ thân triều Nguyễn bị một số báo đài phê phán là phong kiến, thì thờ cúng Hùng Vương được ca ngợi vì nó được bao phủ bằng một hệ thống truyền thông luân lý được bảo trợ chính thức. Tín ngưỡng thờ Hùng Vương vốn thuộc về một số địa phương cụ thể, với những màu sắc văn hóa, bối cảnh lịch sử và không gian địa lý cụ thể, nay được tách khỏi không gian và khuếch tán thành một "truyền thống" mới để nâng đỡ cho những thông điệp khuôn sáo về nguồn cội.

Eric Hobsbawm gọi những hiện tượng như thế này là "phát minh ra truyền thống" (invention of tradition), để chỉ những truyền thống do các thể chế, tổ chức cố tình tạo dựng ra. Theo Hobsbawm, những truyền thống được phát minh này nhằm để truyền thông về tính đúng đắn của thể chế, cho họ một biểu tượng mà vin vào để bám sâu vào nhận thức cộng đồng, hợp lý hóa sự thống lĩnh và truyền tải những mô hình hành xử được kỳ vọng vào trong dân chúng. Sự lan truyền của yếu tố Hùng Vương là một chiến dịch truyền thông nhằm khắc sâu ý thức về một tổ tiên chung [huyễn tưởng], một tình cảm ái quốc mang màu sắc chủ nghĩa dân tộc, và dần dần loại thải mọi ý tưởng khác về nguồn gốc để trở thành câu chuyện duy nhất, độc tôn và phủ quyết sự đa dạng.

Cần tách đôi giữa tín ngưỡng thờ Hùng Vương như một thứ tình cảm tự nhiên, và diễn ngôn về Hùng Vương như truyền thông mang tính tạo dựng của các thể chế. Cái tôi chỉ trích là cái thứ hai. Điểm qua một chút về sự phát triển của diễn ngôn quốc tổ Hùng Vương. Cuối thời Nguyễn có những thông điệp đầu tiên nhằm biến những huyền sử trước đó về Hùng Vương trở thành tín ngưỡng quốc gia, sau đó bị gián đoạn trong thời thuộc địa. Sau năm 1954, hai thế chế ở hai miền Bắc Nam đều có những ứng xử để kiến tạo bản sắc dân tộc, và huyền sử Hùng Vương là lựa chọn hàng đầu. Bức tranh của họa sĩ Trọng Tạo trong Dinh Độc Lập cho thấy hình dung của miền Nam về Hùng Vương, trong tạo hình chuẩn mực của triều đình phong kiến Đông Á. Những bằng chứng khảo cổ ở miền Bắc góp phần phác thảo lại hình ảnh Hùng Vương quấn khố, đội mũ lông chim, và hình tượng này sẽ được nhân bản rộng rãi cho đến tận hiện tại. Hùng Vương dần dần được quảng bá ở tầm mức quốc gia, và những thông điệp đạo đức được lặp đi lặp lại mỗi mùa xuân, mỗi mùa giỗ tổ. Càng được lặp lại thì càng trở nên chân thật, đến mức trở thành rất thật và khắc sâu những thông điệp ý thức hệ vào trong dân chúng. Nói theo cách của Hobsbawm thì truyền thông về Hùng Vương là một công cụ lan truyền ý thức hệ.

Về mặt lịch sử, cần hoài nghi huyền sử, đối chiếu sử liệu và tư liệu khảo cổ học. Về mặt xã hội, cần quan sát cách huyền sử được sử dụng như phương thức truyền thông trong những chương trình kiến tạo bản sắc quốc gia, điều đó có nghĩa là đặt diễn ngôn về Hùng Vương trong một sự hoài nghi lành mạnh. Không có cái gọi là trở về với truyền thống. Quá khứ là cái mất đi, những nỗ lực "trở về" thực ra là những sáng tạo mới, để phản ứng với những hoàn cảnh hiện đại, để quản trị cảm xúc công cộng trong xã hội. Quan sát phản ứng đó cho phép ta hiểu về hoàn cảnh hiện đại.

Cuối cùng thì sự lan rộng của những yếu tố huyễn tưởng về Hùng Vương là đáng lo về mặt văn hóa. Chúng xa lạ trong những bối cảnh văn hóa chúng hiện diện và tồn tại như những biểu tượng rỗng nghĩa. Cuối cùng thì bất cứ cái gì được nhân bản hàng loạt cũng sẽ sản sinh ra một hệ thống vô nhân vị không dung dưỡng cho một mối quan hệ tinh thần nào.

 

P/S. Sau khi đọc cmt t các anh, ch, bn, tôi lưu ý các đim này:

- Tôi tách rõ mt bên là tín ngưỡng và tình cm t nhiên ca người dân đối vi Hùng Vương, mt bên là truyn thông có tính to dng. Bình lun ca tôi tp trung vào khuynh hướng th hai.

- Tôi không bình lun v vic nên hay không nên th cúng, cũng không bình lun cm xúc ca mi người v Hùng Vương nên là thế nào.

- Bài viết không tho lun v s tht lch s ca Hùng Vương, đã có nhiu công trình lch s và kho c hc v vn đề này.

- Xut phát ca tôi là quan sát cách các yếu t huyn s được truyn thông s dng vì các mc đích khác nhau, và Hùng Vương là mt trường hp trong mch suy nghĩ đó.

- Khi dùng t tưởng tượng, huyn tưởng, tôi đang nhn mnh đến quan sát cách tưởng tưởng to ra nhng kh năng mi và quay tr li chi phi thc ti, to ra nhng thc ti mi.

- S xâm thc văn hóa xy ra khi không có s cân nhc đến tri nghim văn hóa ca cư dân ti mi không gian địa lý. Vì thiếu s gn kết, thc th y tr nên xa l và không xây dng được s kết ni tinh thn.

- Tôi kết li vi hai ý chính: dành mt s hoài nghi lành mnh đối vi các d kin; quan sát cách các d kin y được s dng và xem chúng nói được gì v hoàn cnh hin ti. S phn ng ca các bn dù là theo chiu nào cũng là cái cn quan sát.

 



 

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...