CỨU DI SẢN TỪ TRONG QUY HOẠCH


Mới đây báo chí đưa tin một công trình cổ xây dựng từ đầu thế kỷ 20 ở trung tâm Hà Nội bị phá hủy, thay vào đó là tổ hợp thương mại, dịch vụ, khách sạn cao cấp. Sau khi dư luận lên tiếng đề nghị xem xét lại việc phá hủy một di tích công nghiệp, cũng như công trình mới có thể phá vỡ cảnh quan kiến trúc của khu Trung tâm Chính trị Ba Đình, lãnh đạo chính quyền Hà Nội đã yêu cầu chủ đầu tư dừng thi công công trình và tổ chức kiểm tra quy trình, thủ tục triển khai dự án.
Đây là một trong nhiều số phận hẩm hiu của di sản kiến trúc đô thị ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh nhìn chung có một quỹ di sản đô thị phong phú, đa dạng. Nhiều nhất và dễ bị biến dạng, phá hủy nhất là các công trình kiến trúc xây dựng khoảng đầu thế kỷ 20 như công sở, trường học, bệnh viện, khách sạn, biệt thự, nhà phố... có giá trị kiến trúc nghệ thuật; các di tích của thời kỳ công nghiệp đầu tiên như cầu, bến cảng, công xưởng, nhà máy. Di tích công nghiệp thường có diện tích lớn, trước đây ở vùng ngoại ô, do quá trình đô thị hóa nên nay thuộc nội thành, vì vậy trở thành “mục tiêu” của nhiều nhà đầu tư.
Di sản kiến trúc thường ở trong nội thành, nhất là trung tâm thành phố. Đây là khu vực được coi là “đất vàng” thậm chí “đất kim cương”, vì vậy có sức hấp dẫn rất lớn với các nhà đầu tư, đồng thời là nguồn lợi kinh tế không nhỏ cho địa phương. Thời gian qua do thiếu tầm nhìn “phát triển bền vững” trong quy hoạch đô thị, sự không đồng bộ trong hoạch định và thực thi chính sách các lĩnh vực kinh tế - văn hóa – xã hội... đã dẫn tới sự phá hủy nhiều công trình di sản, thậm chí làm biến dạng cả một khu vực di sản, vì những dự án mới là khách sạn, trung tâm thương mại hay chung cư cao cấp. Kết quả là làm tổn hại đến lịch sử - văn hóa đô thị, tổn thương “ký ức đô thị” của cộng đồng.
Bảo vệ di sản văn hóa đô thị thực chất là vấn đề của chính sách và thực thi chính sách quản lý kinh tế - xã hội - văn hóa của chính quyền đô thị. Hiện nay do sức ép của phát triển kinh tế và quá trình đô thị hóa, việc cân bằng giữa “bảo tồn” và “phát triển” là một bài toán khó cho chính quyền và nhà quản lý. Mặt khác, do chưa ý thức, nhận thức đầy đủ giá trị của di sản đô thị đối với lịch sử thành phố hoặc với từng lĩnh vực ngành nghề cụ thể, nên những công trình như khu vực Ba Son ở TP. Hồ Chí Minh, công trình 61 Trần Phú Hà Nội... khi bị phá hủy đều viện dẫn lý do: công trình chưa được xếp hạng di tích, giá trị kiến trúc không có gì nổi bật...
Đây chính là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước liên quan như quy hoạch đô thị, kiến trúc, xây dựng, quản lý di sản văn hóa, chính quyền sở tại: chưa có sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ, kịp thời, công khai minh bạch thông tin về quy hoạch từng khu vực, xây dựng công trình mới... đồng thời việc nghiên cứu về di sản đô thị còn chưa toàn diện, chậm trễ đưa nhiều công trình vào Danh mục kiểm kê di tích và xếp hạng di tích.
Nhưng trên hết là quan điểm và ý chí của chính quyền đô thị. Bởi vì trên thực tế có bốn nhân tố tác động đến bảo tồn di sản đô thị là chính quyền và nhà đầu tư – đang giữ vai trò quyết định, nhà nghiên cứu/chuyên gia và cộng đồng có tiếng nói ngày càng quan trọng. Sự lắng nghe và kịp thời chỉ đạo của lãnh đạo chính quyền đô thị là quan trọng, vì có thể cứu vãn di tích. Nhưng cần thiết hơn là phải sớm ngăn chặn việc phá hủy di sản, từ khi còn trên dự án hay ngay từ quy hoạch đô thị, nhất là “vùng lõi đô thị”, nơi tập trung di sản tạo nên cảnh quan đặc trưng của đô thị đó. Giá trị kinh tế - văn hóa của cả “khu vực di sản” lớn hơn và bền vững hơn nhiều lần giá trị từng công trình đơn lẻ. Từ đó, bảo tồn, trùng tu cải tạo, sử dụng công trình cổ với chức năng mới, mang lại giá trị văn hóa và kinh tế mới, là phương thức tối ưu mà nhiều quốc gia đã thực hiện.
Hiện nay, cộng đồng dân cư đã có sự hiểu biết nhất định và ý thức bảo tồn di sản, đây là một thuận lợi lớn để chính quyền có được sự đồng thuận trong quy hoạch đô thị và bảo tồn di sản, hướng đến phát triển bền vững.
Hệ thống luật pháp, chính sách ngày càng phù hợp thực tiễn sẽ là điều kiện giúp cho cộng đồng và chính quyền địa phương kiểm tra, giám sát việc bảo tồn di sản văn hóa. Một đô thị giàu có về di sản là một đô thị nhân văn, bởi vì đã gìn giữ và chia sẻ công bằng sự thụ hưởng “tài nguyên văn hóa” mà tiền nhân để lại cho các thế hệ sau.

Nguyễn Thị Hậu, Báo Tuổi trẻ ngày 9/4/2022



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DI SẢN LỊCH SỬ - VĂN HÓA CÁC ĐÔ THỊ NAM BỘ NHÌN TỪ GIA ĐỊNH THÀNH THÔNG CHÍ CỦA TRỊNH HOÀI ĐỨC

Vài nét về công trình Gia Định thành thông chí Gia Định thành thông chí ( 嘉定城通志 ) còn có tên Gia Định thông chí ( 嘉定通志 ), là một quyển địa...