Nguyễn Thị Hậu
Vụ việc trạm
thu phí BOT ở Cai Lậy, Tiền Giang từ đầu tháng 8/2017 qua một thời gian tạm lắng
nhưng chưa có dấu hiệu kết thúc thì đến nay lại bùng phát. Bộ Giao thông vận tải
đã phải họp để giải quyết nhưng hướng “quyết” của Bộ không “giải” được vấn đề cốt
lõi: vì sao trạm thu phí lại đặt ở vị trí “đón lõng” tất cả xe đi qua, bất kể
có đi vào “đường tránh” hay không? Từ vấn đề này nảy sinh thêm nhiều câu hỏi
khác như, vì sao giá vé ở đây quá cao, vì sao đoạn quốc lộ 1A qua thị trấn Cai
Lậy – con đường huyết mạch có từ thời xa xưa – thuộc chức trách quản lý, bảo
trì, sửa chữa của nhà nước, cụ thể là Bộ Giao thông, mà nay lại giao cho tư
nhân “nâng cấp” để rồi thu phí?...
Rất nhiều
câu hỏi vì sao đã được đặt ra từ phía người dân. Nhưng về phía nhà quản lý là Bộ
giao thông thì ngay một câu hỏi đơn giản nhất cũng không được đặt ra và trả lời
nghiêm túc: Vì sao người dân bức xúc và phản ứng? Cụ thể là những lái xe qua đoạn
đường này, dù phải chờ đợi hàng giờ dưới cái nắng nóng như thiêu hay trong cơn
mưa tầm tã thì họ vẫn cùng nhau thực hiện một hành động “bất tuân dân sự”: trả
phí bằng các loại tiền lẻ.
Trước đó ở
miền Trung đã có một trạm thu phí bị lái xe phản ứng cũng bằng cách này, nhưng
hiệu quả không cao và sự lan truyền không mạnh mẽ. Nhưng đến BOT Cai Lậy Tiền
Giang thì có tác động ngay vì lưu lượng xe qua lại trên con đường này quá lớn,
chỉ cần ùn tắc ít phút ở trạm BOT là tạo ra “phản ứng dây chuyền” cả đoạn đường
dài. Hiện nay quốc lộ 1A từ TPHCM về đồng bằng sông Cửu Long gần như là “độc đạo”!
Thực hiện đúng BOT là làm thêm một con đường khác (nhất là những đoạn qua thành
phố, thị xã)… thì vừa phá thế độc đạo rất nguy hiểm đối với tính mạng hàng trăm
ngàn lượt người, xe qua lại hàng ngày, vừa tăng cường được hiệu quả giao thông
qua việc rút ngắn thời gian vận chuyển. Như vậy cả lợi ích kinh tế - xã hội đều
đạt được.
Nếu đường mới
làm bằng phương thức BOT thì chỉ được phép đặt trạm thu phí cho đoạn đường đó.
Thời gian đầu có thể các chủ phương tiện giao thông còn né tránh nhằm tiết kiệm
chi phí. Nhưng nếu đường và trạm đặt ở vị trí hợp lý và mức phí phù hợp thì chắc
chắn về lâu dài đó là “phương án chọn” của đa số phương tiện giao thông. Bởi
vì, trong bài toán kinh tế “thời gian” không chỉ là tiền mà còn là “vàng, kim
cương”, hơn nữa, độ an toàn với người sử dụng phương tiện giao thông cao hơn.
Tuy nhiên, dù
chính sách BOT cho thấy “ích nước lợi nhà” nhưng trong thực tế việc thực thi
BOT đã không nhằm đến “phát triển bền vững” và trước mắt là đảm bảo quyền lợi
chính đáng của đa số người dân mà rõ ràng chỉ vì lợi ích của một nhóm người. Bất
chấp phản ứng của người dân trạm BOT vẫn đặt ở vị trí vô lý “không đi qua vẫn
phải nộp tiền”!
***
Sự việc ở Cai Lậy làm lộ ra nhiều trạm thu phí
BOT khác trên những con đường huyết mạch của cả nước cũng bị tình trạng tương tự.
Không cần tìm đâu xa là thấy ngay có một sự tham nhũng “không hề nhẹ”, đó là những
luật lệ, việc làm nhằm nhũng nhiễu và “móc túi”dân chúng. Tham nhũng không chỉ ở
những dự án công trình hàng ngàn tỷ đồng mà bắt đầu từ lạm thu, thu sai chỉ từ “vài
nghìn đồng” gây thiệt hại cho hàng triệu người dân.
Sai phạm ở
nhiều BOT Bộ Giao thông đã thừa nhận. Vậy nhưng chính quyền những địa phương ấy
lại tăng cường việc đưa cả quan đội, công an ra để ngăn chặn, “xử lý” tài xế thực
hiện hành vi dân sự là trả phí bằng tiền lẻ. Đây là một sự tham nhũng tồi tệ
hơn: tham nhũng quyền lực - nguyên nhân của mọi loại tham nhũng. Virus gây bệnh
và làm lây lan căn bệnh tham nhũng có nhiều biến thể này là một virus nguy hiểm
có tên “coi thường nhân dân”.
Chống tham
nhũng thực sự cần bắt đầu ngay từ việc chống lạm thu, thu sai các loại phí, thuế,
bỏ ngay những trạm BOT đặt sai vị trí, xử lý ngay những người lạm quyền cố ý
làm sai gây hậu quả xấu cho kinh tế và xã hội. Lập lại sự công bằng, lấy lại niềm
tin trong dân chúng để ngăn chặn và tiêu diệt virus “coi thường nhân dân”.
Chống tham
nhũng thực sự hãy bắt đầu từ những người đang có chức có quyền. Cắt đứt ngay cơ
hội tiếp tục tham nhũng của họ chứ đừng đợi cho “hạ cánh” rồi mới “cách” cái
“nguyên là” nhưng hầu như không làm tróc một cái vảy nhỏ nào ở đống tài sản khổng
lồ của họ, họ và gia đình vẫn an toàn mà thụ hưởng. Xử lý như vậy khác nào dung
dưỡng và khuyến khích tham nhũng!
Đừng mong bọn
tham nhũng có liêm sỉ để mà xấu hổ khi bị kỷ luật, bởi nếu có liêm sỉ họ đã
không tham nhũng và tham quyền đến thế! Xử lý tham nhũng theo kiểu “dơ cao đánh
khẽ” chẳng qua được mắt nhân dân.
Sài Gòn 1.12.2017
Rất đông Cảnh sát giao thông, Cảnh sát cơ động của Công an tỉnh Tiền Giang và Công an huyện Cai Lậy được điều đến BOT ở Cai Lậy ngày hôm qua (30.11). Ảnh: Zing.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét