CHUYỆN NHỎ GIA ĐÌNH

Trên chiếc xe máy
Ăn cơm xong con gái nói: về thăm ngoại đi mẹ, chủ nhật mẹ đi công tác nên mình chưa về. Ừ, nhưng đứa nào chở mẹ nhé, mẹ bị cảm, đau người quá. – Để con chở mẹ đi, cô Út hăng hái nói, lúc về chị chở mẹ, cho công bằng
Nói chung từ khi biết đi xe máy ít khi tui ngồi phía sau, toàn tự đi hoặc chở người khác: đưa đón con đi học, đi chơi, chở bạn, chở chị, chở má… Cảm giác tự chạy xe thấy yên tâm hơn, vì đường xá xe cộ đông đúc, mà tui thì có tới gần 40 năm chạy xe chưa bị tai nạn bao giờ, trừ vài lần đụng xe lặt vặt. Ngồi phía sau xe ai cũng… sợ, mà thật ra thì cũng chẳng có ai đủ tin tưởng để tui có thể luôn ngồi sau xe.
Ngồi sau xe con gái có một cảm giác thật lạ lùng. Nhớ mới ngày nào chở hai con đứa trước đứa sau, khi ngủ gục ngật ngưỡng, khi mưa lớn áo mưa nhỏ che không hết 3 mẹ con. Ròng rã cả chục năm như thế, trên chiếc xe máy ba mẹ con nói đủ thứ chuyện trong những giờ đưa đón con đi học chính học phụ, học đàn học bóng chuyền… Rồi đi về ngoại đi chơi, lúc nào cũng ba mẹ con trên một chiếc xe Honda.
Một lần, hình như gái lớn học lớp 12 gái nhỏ lớp 10, ba mẹ con 3 cái quần jeans 3 cái áo thun, vừa chạy xe ngoài đường vừa trò chuyện vui vẻ. Bỗng có tiếng nói bên cạnh: Sao chở 3 thế em ơi, không sợ công an à? Tui nhìn sang: 2 câu thanh niên chạy xe bên cạnh nhìn tui và giật mình lỏn lẻn cười! Haha, biết ngay mà, nhìn phía sau là dễ nhầm má với em lắm!
Lần khác, vừa từ nhà bà ngoại ra tới ngã ba thì bị chú công an thổi còi. Tui dừng xe giả bộ ngơ ngác: Việc gì thế hả chú? - Chị cho xem giấy tờ xe? – Chị đưa hai “cháu” đi mua sách vở nên không mang giấy tờ, thông cảm cho chị. – Chị nhìn lại đi ạ, hai cháu của chị… cao hơn cả chị rồi đấy! Chú công an trẻ tủm tỉm cười nói, còn hai cô con gái thì quay mặt ngó lơ…
Sau lần ấy hai con dứt khoát không để mẹ chở 3 nữa, đi đâu thì tự đi xe và… chở nhau. Mẹ buồn mất mấy ngày...
Rồi cũng quen… Bây giờ thì đến lúc con chở mẹ rồi đấy. Thế nhưng hai nàng vẫn nói: thích ngồi sau mẹ, ôm eo mẹ mềm mềm ấm ấm… Chắc là an ủi cho “mẹ già” khỏi buồn đây mà :)



Bữa cơm chiều

Ngày còn nhỏ ở nông thôn, đi học về có thể theo bạn vào xóm ra làng hay lang thang trên đồng ngoài bãi. Mải chơi nên hay về muộn, cả nhà ăn cơm rồi nhưng mẹ vẫn chờ, ngồi ăn cùng con chỉ để nhắc con gái ăn uống phải từ tốn, xong bữa nhớ dọn dẹp bếp núc gọn gàng. Cũng có bữa ăn bị mẹ mắng vì một lỗi lầm nào đó, nước mắt chan cơm nhưng nhớ đời từ đó về sau không bao giờ vi phạm.

Lớn lên, mấy anh em đi đâu thì đi cũng phải có đứa về sớm, sợ “mẹ chờ đứa nào về ăn cho vui”. Con gái đi lấy chồng may mà anh trai đã lấy vợ, mâm cơm của mẹ có thêm chị dâu ngồi cùng. Bữa ăn có mẹ có con trở thành nền nếp gia đình… 

Sống trong một thành phố lớn nhiều những thói quen, nề  nếp lâu đời của từng cá nhân, từng gia đình buộc phải thay đổi để thích ứng với cuộc sống vội vã tất bật dường như không có thời gian cho riêng mình, cho những người thân của mình. Những bữa cơm gia đình là một trong những nề nếp ấy.

Gia đình tôi cũng như hầu hết các gia đình công chức, nhân viên ở thành phố, từ sáng sớm cả nhà đã chia nhau mỗi người mỗi ngả: đi làm, đi học…  Bữa sáng tiện đâu ăn đấy, có khi là tiệm phở quen, khi là xe bánh mỳ đầu hẻm, khi là gói xôi mua dọc đường mang tới cơ quan. Bữa trưa thì mang theo hộp cơm hoặc kêu cơm văn phòng, nuốt vội vài miếng rồi tranh thủ chợp mắt hay nhâm nhi ly cà phê cho tỉnh táo. Đến chiều tối cả nhà mới về đông đủ nếu không ai có việc đột xuất..Vì vậy, bữa cơm chiều thật sự là khoảng thời gian của gia đình, và vì gia đình.

Gia đình tôi có một quy định bất thành văn: một tuần ít nhất phải có 4 buổi cả nhà ăn cùng cơm chiều, nhất là những ngày cuối tuần. Quây quần quanh bàn ăn, mâm cơm không chỉ để ăn uống mà còn để giao tiếp, trao đổi, bày tỏ, thể hiện tình cảm, sự quan tâmBữa ăn chiều“không gian cộng cảm” của gia đình,bữa ăn đầy đủ các thành viên luôn là biểu tượng hạnh phúc . Gian bếp phòng ăn ấm cúng cònthể hiện vai trò của người phụ nữ, người mẹ trong việc bảo vệ và duy trì sinh hoạt gia đình, tăng cường sự gắn bó tình cảm cha mẹ và con cái. Ông bà mình nói “trời đánh tránh bữa ăn” nên trong bữa ăn chúng tôi chỉ nói chuyện vui, ít khi nào để những chuyện bực bội từ cơ quan hay những chuyện không hay của cá nhân  làm ảnh hưởng đến không khí bữa ăn. Vì không có thời gian nên bữa chiều thức ăn đơn giản thôi, có món mặn, món canh hay thêm món xào, salat… nhưng cố gắng thay đổi mỗi ngày để ngon miệng hơn. Ngày cuối tuần mấy mẹ con bày vẽ thêm những món mới hay cầu kỳ hơn chút, vừa để đủ chất vừa cho con gái “thực tập tay nghề” bếp núc.

Có lần tôi vừa mới quẳng lên facebook câu status “ Hoàng A Mã nhà mình vừa nhắc là chưa có sấu Hà Nội để nấu canh”  thì buổi chiều nhận được ngay quà Hà Nội là một túi sấu tươi xanh ngắt. Chỉ cần nghĩ  chiều nay sẽ có món canh sấu sườn non nêm hành hoa, một món ăn rất đặc trưng của mùa hè miền Bắc mà cả gia đình tôi đều thích, đã thấy hiện ra một bữa cơm ấm cúng vui vẻ của cả nhà.

Góc nhỏ bình yên

Tính ra, gần như cả ngày mỗi người trong gia đình đều ở nơi làm việc.
          Buổi tối về nhà sau giờ cơm nước, dọn dẹp nhà cửa thì mỗi người lại ngồi ở góc riêng của mình miệt mài với công việc. Bởi vậy dù nhà nhỏ nhưng bố mẹ vẫn tạo một khoảng không gian chung, nơi đặt TV, máy tính, tủ sách để cả nhà có thể gần nhau sau cả ngày dài mỗi người mỗi nơi. Không định mà cả nhà cùng “dính líu” vào nghề viết lách nên ở góc nhỏ ấy cô Út dịch sách, cô Hai biên tập bài, bố chấm thi, sửa luận văn cho sinh viên, mẹ viết… báo cáo, thi thoảng tạp bút tản văn… Nhà có 3 phụ nữ nên nhiều lúc góc nhỏ biến thành… chợ chồm hổm, đủ thứ chuyện từ cơ quan đến ngoài đường, từ chuyện xã hội đến blog – thế giới ảo vui vẻ thư giãn của mấy mẹ con. Có lúc ồn ào quá, bố phải “mắng”:  này, họp ở cơ quan chưa chán à?

          Nhớ hồi xưa, khi các con còn nhỏ, nhà tập thể chật không có chỗ xoay người, “góc nhỏ” của mấy mẹ con chính là cái xe máy. Mỗi ngày bốn lượt đưa đón 2 con đến trường, trên chiếc xe máy cũ kỹ ấy 3 mẹ con vẫn có thể “tám” đủ chuyện. Mẹ biết được việc học hành, biết thầy cô, bạn bè của con… Giờ đây nơi góc nhỏ có khi mỗi người mỗi cuốn sách, mỗi máy tính  vẫn thấy gần nhau như xưa. Ngày nào mà gia đình thiếu vắng một thành viên ngày ấy góc nhỏ bỗng im ắng buồn hiu.

Bạn nói: Nhà cậu vui thật đấy. Còn nhà mình cứ như cái khách sạn, ai nấy rút vô phòng riêng với TV, máy tính và thế giới riêng! Không biết mình xây nhà rộng để làm gì nữa…
Góc nhỏ bình yên đâu cần nhà hẹp hay rộng, nó tồn tại trong mỗi thành viên trong gia đình bạn ạ.

  





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...