Nguyễn Thị
Hậu (Lifestyle 11/2012)
Đường thành phố rất khác đường ở làng quê.
Hẳn rồi.
Này nhé, đường làng nho nhỏ như những lối
mòn uốn lượn chạy giữa những mảnh vườn những ngôi nhà... Đường thành phố thì
thẳng tắp rộng rãi “đường ta rộng thênh thang tám thước”, sau này khi “tám
thước” đã lạc hậu, người ta sửa lại “đường ta rộng thênh thang ta cứ bước”, nghe
mới hùng dũng làm sao!
Đường thành phố tráng nhựa bằng phẳng, trời
nắng hun nóng bỏng đố ai dám đi chân không.
Đường thành phố hay bị đào lên xới xuống lắp đặt nay ống nước mai ống
điện mốt cáp quang... thành ra mặt đường nham nhở, lớp nhựa mỏng phủ lên lớp
cát đá vá víu qua loa được vài hôm thì lở loét. Còn đường làng lồi lõm, phân
trâu bò vương vãi khắp nơi nhưng đất cát pha mịn màng nén chặt, đi chân đất mát
rượi. Người ở phố về, chỉ cần bỏ dép đi chân không trên đường làng thì bao
nhiêu mệt nhọc bao nhiêu bức bối đều tan biến.
Đường thành phố có vỉa hè lót gạch con sâu
hay gạch men màu sạch sẽ, lề đường là những viên đá xanh bó vỉa gọn gàng hay
tráng xi măng thoai thoải tiện xe lên xuống, mặc dù có khi chỉ vài bữa là long
tróc khập khiễng. Còn vệ đường làng là cỏ xen lẫn cây mắc cỡ... sáng sớm ướt
sương trưa nắng hăng hắc mùi cây cỏ. Đây là “vương quốc” của đám châu chấu cào
cào... nên người ta không đi sát vệ đường mà cứ giữa đường mà bước.
Đường làng hai bên là hàng rào
râm bụt hay dây tơ hồng, lòng chợt bình yên khi gặp người quen, chào hỏi chuyện
trò như người trong nhà. Rảnh thì ghé vô nhà bác Hai cô Ba trò chuyện vài câu.
Nghe ai đó hú một tiếng thì bước qua hàng rào mà vô làm một ly cho ấm bụng... Đường
thành phố mặt tiền là những cửa hàng cửa hiệu sang trọng, quán cóc lề đường chợ
tạm lúc nào cũng nhấp nhổm vội vã cuống quýt... Giữa phố đông người vẫn “thấy
đời mình là những quán không”. Chẳng chào hỏi ai nhưng thấy người đi xe chưa
gạt chân chống vẫn đuổi theo nhắc một câu rồi phóng đi không đợi lời cám ơn.
Đường thành phố có nhiều ngã tư ngã năm ngã
sáu... đèn xanh đỏ liên tục, bùng binh xoay tròn, xe chảy qua như nước. Phải
chờ đúng đèn xanh mới được qua đường, nếu không rất dễ gặp tai nạn. Chỉ cần mỗi
bên lấn trước đèn vài giây thôi thì kẹt xe xảy ra chắc chắn, không dễ “giải
tỏa” chút nào. Lần nào thoát khỏi đám kẹt xe ta cũng thấy hình như chưa bao giờ
hạnh phúc như lúc ấy.
Đường làng làm gì có lề phải với lề trái, làm
gì có vạch vôi phân làn. Không thích đi bên này thì qua bên kia. Xe máy mà chạy
trên đường làng thì lo mà... tránh người đi bộ đang ung dung “đường ta ta cứ
đi”. Nhưng khi đằng trước là chú trâu hay mợ bò đủng đỉnh bước thì đi bộ hay đi
xe cũng đành nép vào vệ đường mà vẫn sợ cái đuôi dính đầy phân đang ve vẩy, sợ
cặp sừng cong vút húc vào người. Thôi thì... nhường, trâu bò có biết tránh ai
bao giờ?
Đường thành phố thường có dải phân cách
bằng inốc, bằng bê tông ngăn giữa hai chiều, nhất là gần giao lộ. Ấy là vì phía
nào người ta cũng lấn sang bên kia để đi cho nhanh, chính vì vậy mà người đan
vào nhau, xe này nối xe kia, bám sát, nhúc nhích lách từng khe hở. Tiếng động
cơ, khói xăng, bụi bặm, cáu bẳn, kiên nhẫn, trách móc, chửi rủa... kiểu gì cũng
phải chờ đợi, như chờ ông Bụt hiện lên hô “biến” cho hết kẹt xe. Thỉnh thoảng có
người trèo qua dải phân cách như vẫn tiện thể trèo qua hàng rào, bờ ruộng ở
làng nhưng nhìn chung thói quen “đường ta ta cứ đi... lung tung” nhờ vậy được hạn
chế phần nào. Đường thành phố khác đường làng thật!
Người thị thành có lối sống khác người (ở)
làng, hẳn rồi, bắt đầu từ thói quen đi trên đường thành phố.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét