Nguyễn Thị Hậu
Hiện
nay trên thế giới hầu như
quốc gia nào cũng
có một hệ thống bảo tàng với nhiều loại hình. Có những quốc gia bên cạnh sức mạnh
kinh tế và vị thế trên trường quốc tế, còn nổi tiếng nhờ những thiết chế văn
hóa mà bảo tàng là một thiết chế quan trọng, gắn bó với “công nghiệp du lịch”
mang lại lợi ích kinh tế, đồng thời nâng cao giá trị văn hóa của quốc gia. Đây
cũng là một trong những yếu tố quan
trọng để
các quốc gia có chính sách văn hóa đầu tư cho việc hình thành hệ thống bảo tàng
và hoạt động của bảo tàng. Sự phát triển của bảo tàng được coi là diện mạo và
tài sản văn hóa của một đất nước. Tính phổ biến của bảo tàng, vì thế, không thể
phủ nhận.
Bảo
tàng – cùng với những di sản văn hóa – đóng vai trò như cầu nối của quá khứ và
hiện tại trong mọi lĩnh vực, đặc biệt đối với việc giữ gìn truyền thống và bản
sắc dân tộc, bản sắc vùng và địa phương trong quá trình toàn cầu hóa...
Giá trị của bảo tàng ngày càng phát triển theo thời gian bởi quá trình tích lũy
và làm giàu hơn những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của nhiều thế hệ,
nhiều cộng đồng, bằng những hoạt động đặc trưng của bảo tàng. “Hồn cốt” của bảo tàng vừa là giá trị những gì
nó lưu giữ, bảo quản, vừa là những gì nó mang đến cho xã hội qua các hình thức hoạt động.
Một số nguyên tắc cơ bản để bảo tàng có thể
đạt hiệu quả cao trong việc thu hút và “thuyết phục” công chúng: Tính chân xác, rõ ràng về nguồn gốc
xuất xứ của hiện vật; Sự khái quát, đa dạng,
tiêu biểu và liên tục của nội dung trưng bày; Tính đơn giản, cụ thể và gây nên
cảm xúc trong câu chuyện từ hiện vật; Dễ dàng trải nghiệm và tiếp cận với hiện
vật và tài liệu liên quan; Cởi mở cung cấp dữ liệu trực tiếp và gián tiếp (online);
Duy
trì và đa dạng hóa mối quan hệ và tương hỗ giữa hoạt động bảo tàng và người
xem.
Tất
cả nhằm đảm bảo cho
mỗi bảo tàng có sự khác biệt, độc đáo về nội dung và trưng bày, sự đa dạng, hiện
đại trong việc quảng bá và thu hút khách tham quan. “Hồn cốt” của một bảo tàng
chỉ có khi “Bảo tàng sống cùng xã hội”.
***
Ở
nước ta, trừ một vài bảo tàng hình thành từ thời Pháp thuộc, phần lớn các bảo
tàng được xây dựng do nhu cầu “từ trên xuống” (ý chí chính trị, tuyên truyền về
lịch sử truyền thống, xây dựng “nhân
dịp, kỷ niệm”...) mà chưa phải do nhu cầu “từ dưới lên” (các sưu tập hiện vật
đã được tập hợp, lưu giữ, nhu cầu giới thiệu nghệ thuật, cổ vật, di sản văn hóa
vùng miền, địa phương, nhu cầu thưởng lãm của công chúng...). Do đó không tránh
khỏi sự trùng lặp, đơn điệu về nội dung trưng bày và hiện vật, bên cạnh đó “tính an toàn” của thông
tin từ tư liệu hiện vật cũng
làm
hạn chế sự phong phú, đa dạng, sự xác thực của “những câu chuyện bảo tàng”. Vì
vậy, nhiều bảo tàng địa phương có cái “cốt” mà thiếu phần “hồn”, gây nên sự
nhàm chán, thậm chí bị dư luận phản ứng vì hoạt động kém hiệu quả, lãng phí.
Gần
đây Bảo tàng Hà Nội phải thay đổi “chủ quản” vì đã mười năm nhưng hệ thống
trưng bày chưa xong! Có
thể nói đây là trường hợp điển hình mà dư luận lên tiếng phản ứng vì “cái cốt”
của bảo tàng rất tốn kém nhưng thời
gian trôi qua bảo tàng vẫn “vô hồn”. Vài năm trước Dự án bảo
tàng lịch sử quốc gia (khoảng 11 nghìn tỷ đồng từ ngân sách nhà nước) đã phải dừng
lại vì lý do tốn kém, và hiện nay tỉnh Vĩnh Long có Dự án Bảo tàng nông nghiệp (khoảng 400 tỷ
đồng từ kinh phí của tỉnh và xã hội hóa) cũng nhận được nhiều ý kiến lo ngại về
nguy cơ phải “đắp chiếu” như Bảo tàng Hà Nội.
Hiện nay, để vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, chính phủ quyết định thực
hiện nhiều
biện pháp kích cầu kinh tế, trong đó có những dự án đầu tư công. Có thể coi đây
là một “thời cơ” cho việc xây dựng bảo tàng. Nhưng để thời cơ mang lại kết quả
mong muốn thì không chỉ yếu tố kinh phí là quyết định. Một công trình “đẻ non”
để “chào mừng, kỷ niệm” hay để tận dụng một cơ hội “đầu tư công” sẽ khó tránh được tình trạng ốm yếu, khó nuôi, “bỏ thì
thương vương thì tội”, gây ra sự lãng phí và có khả năng xảy ra tiêu cực. Sự
lãng phí không chỉ ở số tiền lớn bỏ ra xây dựng công trình bảo tàng, mà còn ở những
sưu tập hiện vật, tài liệu, mẫu vật... đã được sưu tầm lưu giữ, bảo quản nhưng
không được trưng bày hoặc trưng bày không phù hợp, làm giảm và mất giá trị văn hóa - khoa học; lãng
phí ở đội ngũ cán bộ bảo tàng không phát huy được tri thức và khả năng chuyên
môn. Mặt khác còn một hậu
quả lâu dài hơn là
làm cho công chúng ngày càng quay lưng lại với bảo tàng nói riêng và di sản văn
hóa nói chung.
Việc
nhà nước đầu tư xây dựng các bảo tàng theo Quy hoạch của ngành từ nhiều năm nay
là cần thiết, nhằm nâng cao năng lực của ngành bảo tàng trong việc lưu giữ, bảo
tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, truyền thống lịch sử của đất nước, tham
gia vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương và quốc gia, đồng thời góp phần
nâng cao dân trí và tri thức cho xã hội. Kinh phí lớn là điều kiện quan trọng,
cần nhưng chưa đủ, vì không chỉ xây dựng “nhà bảo tàng” to lớn hoành tráng hiện
đại, mà còn cần những điều kiện vật chất, phương tiện kỹ thuật phù hợp với chức
năng mục tiêu nội dung của từng loại hình bảo tàng cụ thể thì mới hoạt động được.
Để
có một bảo tàng thực sự “sống được, sống khỏe” thì việc chuẩn bị cơ sở cho nó
ra đời phải thật chu đáo, đầy đủ: từ các sưu tập hiện vật đến nội dung tiếp cận
mới lạ và hình thức hiện đại, từ lực lượng cán bộ có trình độ nghiên cứu và
nghiệp vụ giỏi đến các mối quan hệ “phát triển công chúng” trong xã hội... Quan
trọng hơn là định hướng cho bảo tàng phát triển bền vững cùng sự phát triển và
nhu cầu của xã hội, không chỉ về vai trò, chức năng mà cả nguồn kinh phí. Bởi
vì là một hoạt động văn hóa, bảo tàng không thể dựa mãi vào ngân sách nhà nước
khi có thể “sống” nhờ nguồn lực của chính mình, như nhiều bảo tàng trên thế giới
đã thực hiện.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét