Nếu trước 1975 Đà Lạt là khu nghỉ mát phục vụ cho một bộ phận dân cư miền Nam thì hiện nay, Đà Lạt là thành phố du lịch quen thuộc của người dân cả nước. Khách du lịch trong và ngoài nước đến đây mùa nào cũng đông, sự tăng trưởng du lịch nhanh hơn trình độ quản lý đô thị nói riêng và xã hội nói chung đã làm cho sự lộn xộn và tình trạng “quá tải” nhiều hơn... Trên đà phát triển Đà Lạt đã mở rộng và xây dựng cơ sở hạ tầng khá nhanh. Nhà cao tầng hiện đại, quán ăn quán cà phê cửa hàng sang trọng mọc lên như nấm ở khu trung tâm và những con đường quanh đó.
Tuy nhiên, cũng từ đó mà nhiều vốn quý của Đà Lạt như hệ thống biệt thự đẹp như cổ tích, các công trình kiến trúc, một số thắng cảnh nổi tiếng… đã bị hư hỏng, biến dạng. Cảnh quan đô thị nói chung hay cảnh đẹp Đà Lạt nói riêng bị chia sẻ “sở hữu” cho việc đầu tư du lịch để khai thác, bên cạnh đó nhiều khu du lịch mới xây dựng đã phá hủy rừng và cảnh quan, làm mất đi tính chất thân thiện của thiên nhiên nơi đây và làm tăng mức độ ô nhiễm môi trường đô thị.
Trong bối cảnh đó, vài năm nay tại Đà Lạt đã xuất hiện các nhóm cộng đồng hoạt động hướng đến mục tiêu bảo tồn di sản và văn hóa. Có thể kể đến các dự án được nhiều người biết đến như: năm 2018 là Phố Bên Đồi tổ chức tại Cầu Đất Farm, năm 2019 là Dốc Nhà Làng (tại một con hẻm gần chợ Đà Lạt) và tháng 6.2020 là Bảo tàng ý niệm Đà Lạt tại một khu biệt thự cổ. Ngoài việc phổ biến kiến thức và nâng cao sự hiểu biết về di sản văn hóa cho xã hội, đặc biệt là giới trẻ, các dự án còn thực hiện việc bảo tồn cụ thể bằng nhiều hình thức khác nhau: vẽ ký họa về Đà Lạt, vẽ những bức bích họa trên tường, tọa đàm với chuyên gia về di sản, biểu diễn nghệ thuật...
“Bảo tàng ý niệm Đà Lạt” là một sự kiện gồm nhiều hoạt động tập hợp những chuyên gia, người yêu di sản, người sáng tạo nghệ thuật nhiều nơi tụ về. Thông qua vẽ tranh ký họa, sáng tác/thiết kế nhanh “bảo tồn” một công trình, tọa đàm về di sản; ca nhạc... Nội dung chủ đạo của sự kiện là “Di sản và Cộng Đồng” nhằm quảng bá giá trị của những di sản đô thị đặc sắc, nhất là các công trình kiến trúc mang phong cách châu Âu được xây dựng tại Đà Lạt trong nửa đầu thế kỷ XX. Qua đó “đánh thức di sản” tạo nên giá trị mới cho văn hóa đô thị Đà Lạt.
Cuộc gặp gỡ ngay tối đầu tiên của những người tham gia đã làm sự kiện “nóng lên”, khi mà liên tiếp nhiều vấn đề được đặt ra: Thế nào là ý niệm, bảo tàng ý niệm? Thiết kế trùng tu, bảo tồn công trình di sản mang ý nghĩa “bảo tàng ý niệm” ở đâu? Một ý niệm về Đà Lạt thì đó là gì?... Sinh viên đến từ nhiều trường: khoa kiến trúc Đại học Kiến Trúc TPHCM và cơ sở tại Đà Lạt, Đại học Yersin, khoa Đô thị Đại học KHXHNV TPHCM, có sinh viên từ nước ngoài về... Các chuyên gia cũng vậy, họ là những giảng viên, nhà nghiên cứu, nhà quản lý quy hoạch, các họa sĩ, KTS trùng tu, rồi “thủ lĩnh” và thành viên các nhóm cộng đồng như Phố Bên Đồi, Save Herirage Vietnam (SHV), Ký họa đô thị (Urban Sketchers Việt Nam)... Vấn đề quan tâm và sự tham gia cụ thể của họ cũng khác nhau nhưng tất cả đều hướng đến mục tiêu: tri thức và kỹ năng bảo tồn giá trị di sản, “Hướng về xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành thành phố Di sản”.
Hai hoạt động chủ yếu của Bảo tàng ý niệm Đà Lạt, có thể coi là hai mặt: “lý thuyết” là Tọa đàm về “Đà Lạt – thành phố di sản”, “Di sản và cộng đồng”; “thực tiễn” gồm hai cuộc thi là “Thiết kế nhanh” ý tưởng trùng tu hoặc tôn tạo một công trình, địa điểm để nêu bật giá trị di sản và lan tỏa giá trị đó cho cộng đồng; và thi “vẽ ký họa” khu biệt thự cổ vừa được trùng tu - nơi tổ chức sự kiện, hoặc một cảnh quan nào đó của Đà Lạt.
Qua kết quả của hai cuộc thi, đặc biệt là những trao đổi, tranh luận trong hai cuộc tọa đàm, một lần nữa các giá trị di sản của Đà Lạt được khẳng định qua nhiều góc độ tiếp cận khác nhau. Đó là điều kiện tự nhiên đặc biệt (vị trí, địa hình, khí hậu...) làm cơ sở để con người tạo nên một Đà Lạt với quy hoạch phủ hợp cảnh quan tự nhiên và những công trình kiến trúc kiểu Pháp, nhiều nông sản đặc trưng, một lối sống thân thiện và sinh hoạt nghệ thuật đặc sắc.
Qua kết quả của hai cuộc thi, đặc biệt là những trao đổi, tranh luận trong hai cuộc tọa đàm, một lần nữa các giá trị di sản của Đà Lạt được khẳng định qua nhiều góc độ tiếp cận khác nhau. Đó là điều kiện tự nhiên đặc biệt (vị trí, địa hình, khí hậu...) làm cơ sở để con người tạo nên một Đà Lạt với quy hoạch phủ hợp cảnh quan tự nhiên và những công trình kiến trúc kiểu Pháp, nhiều nông sản đặc trưng, một lối sống thân thiện và sinh hoạt nghệ thuật đặc sắc.
Có ý kiến băn khoăn về một số sự kiện văn hóa của Đà Lạt mới hình thành sau này liệu có thể trở thành vốn văn hóa có giá trị di sản hay không... đã được giải đáp bằng một “nguyên lý”: nếu biết sử dụng và phát triển vốn văn hóa cơ bản của Đà Lạt để tạo ra những di sản mới thì đó là một quá trình bảo tồn và phát triển hợp lý, sáng tạo nhưng không làm mất đi, làm biến dạng bản sắc của đô thị. Tuy nhiên để làm được điều này cần hai yếu tố song hành là “Tâm” và “Tài” của nhà quản lý và nhà chuyên môn, đặc biệt cần sự đồng hành của nhà đầu tư trong mục tiêu hướng đến các giá trị nhân văn cho cộng đồng.
Hoạt động thực tế của Bảo tàng ý niệm Đà Lạt mang lại sự thích thú đến ngỡ ngàng cho nhiều người tham dự chính là hai cuộc thi dành cho sinh viên. Được sự hướng dẫn của các KTS, họa sĩ, giảng viên... các sinh viên đã trình bày tác phẩm ký họa hay thiết kế mang ý tưởng mới mẻ, táo bạo nhưng cũng đầy “ý niệm” về một Đà Lạt từ góc nhìn của người trẻ. Quan trọng hơn là họ đã thể hiện được mục tiêu: mang giá trị di sản đến với cộng cộng và đưa cộng đồng tham gia vào bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Nhiều thiết kế, bức ký họa còn thể hiện giá trị nhân văn cao khi đã chú ý đến việc vừa bảo tồn di sản vừa tôn trọng và phù hợp lối sống, văn hóa cộng đồng tại chỗ, sao cho “di sản sống cùng/sống với cộng đồng”.
Một điều thú vị là sự có mặt một số doanh nhân là nhà đầu tư địa ốc, chủ nhân biệt thự cổ, chủ Galery nghệ thuật... trong các hoạt động của Bảo tàng ý niệm Đà Lạt. Họ đến với tâm thức quý trọng những nhà bảo tồn di sản và mong muốn được góp phần, có thể là tài trợ cho hoạt động cộng đồng, cho những cuộc vẽ ký họa hay xuất bản ấn phẩm của sự kiện, hoặc triển khai bảo tồn, trùng tu thực tế các công trình của mình. Sự có mặt của “các nhà đầu tư” đã cho thấy một xu hướng mới: mối liên kết giữa bốn nhân tố quan trọng có tác động đến bảo tồn di sản và phát triển văn hóa nói chung, đó là cộng đồng, nhà nghiên cứu, nhà quản lý và nhà đầu tư.
Sự hiện diện của liên kết này hé mở “đáp án” cho câu hỏi mà nhiều bạn trẻ đặt ra với nhóm SHV (Save Heritage Vietnam): Đến khi nào thì chúng ta không phải liên tục “giải cứu” di sản văn hóa như những năm gần đây? Đó là khi cả bốn nhân tố trên đều chung mục tiêu vì di sản văn hóa dân tộc, có vai trò ngang nhau trong bảo tồn di sản: đều có trách nhiệm đối với di sản văn hóa và cùng được thụ hưởng các giá trị vật thể và phi vật thể của di sản văn hóa.
Và có lẽ, đây cũng là câu hỏi và mong muốn của chúng ta.
Và có lẽ, đây cũng là câu hỏi và mong muốn của chúng ta.
Nguyễn Thị Hậu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét