Nguyễn Thị Hậu
Majestic một
ngày tháng Bảy. Vắng lặng đến giật mình - mặc dù đi đâu, chúng ta cũng nghe cả
nước, các bộ, ngành… đang bước vào giai đoạn “bình thường mới” sau dịch
COVID-19. Nhưng khi đặt chân vào một trong những khách sạn sang trọng bậc nhất
Sài Gòn, nhìn cái cảnh bàn ghế chỏng chơ, vướng bụi, tôi bất chợt tin rằng, có
lẽ còn lâu nữa, chúng ta mới thực sự trở lại trạng thái bình thường.
Một cô ca sĩ
người Philippines mưu sinh ở Sài Gòn và hai nhạc công già người Việt lập thành
một ban nhạc nghiệp dư, hầu như đêm nào cũng đến Majestic để hát. Có khách thì
hát; còn không, họ chờ đến khuya rồi ra về. Đêm nay cả khách sạn chỉ có 4-5
khách người Việt. Trên cao gió lộng. Ở nơi lưu giữ ký ức Sài Gòn một thời, những
ca khúc cũ vang lên hòa vọng.
Buổi sáng trời se se mát vì chiều tối qua
thành phố vừa có một cơn mưa lớn. Ngồi ở quán cà phê Katinat, cái tên nghe quen
thuộc như tên xưa cũ của con đường Đồng Khởi – đường Catinat.
Đường Đồng Khởi không dài lắm nhưng nằm ở
vị trí đặc biệt và đắc địa nhất trung tâm Sài Gòn, bắt đầu từ bờ sông Sài Gòn
và kết thúc ở quảng trường Công xã Paris, nơi có hai công trình được xây dựng
vào cuối thế kỷ 19 là Nhà thờ Đức bà và Bưu điện thành phố. Có thể coi quảng trường
này là “tâm” và với “bán kính” bằng con đường Đồng Khởi, quay một vòng tròn chính
là khu vực di sản của đô thị Sài Gòn.
Trên đường Đồng Khởi có những cửa hàng,
quán cà phê được nhiều người biết đến. Hiện giờ hầu hết cả tuyến đường đã thay
đổi, nhiều cái tên gắn liền với con đường nay chỉ còn là ký ức. May mắn là vài
công trình xưa vẫn còn: đó là các khách sạn đã trở thành thương hiệu của thành
phố: phía bờ sông là Majestic, Grand Hotel,
đoạn giữa thì có Caravelle, Continental, chếch một chút có tòa nhà công
sở Dinh Thượng thơ. Trừ khách sạn Caravelle xây lại cao to như trấn áp cả Nhà
hát lớn bên cạnh, các công trình khác còn giữ nét kiến trúc xưa sang trọng mà
thân thiện với du khách, hơn các công trình mới hoành tráng nhưng nhạt nhòa vì
thiếu cái hồn của đô thị cổ.
Tạm ngưng mùa dịch Covid, cửa hàng quán ăn
khách sạn trên đường Đồng Khởi bắt đầu hoạt động trở lại trong trạng
thái “bình thường mới”. Sự thích nghi khá khó khăn, bởi nơi đây là trung tâm
thương mại dịch vụ phần lớn dành cho du khách và khách hàng cao cấp. Hậu quả của
mấy tháng “cách ly” trong nước và đến nay còn “đóng cửa” với nước ngoài đã tác
động ngay và luôn vào “mặt tiền” của nền kinh tế thành phố là ngành du lịch. Lướt
qua các trang mạng dịch vụ về du lịch thấy rất nhiều quảng cáo của khách sạn cao cấp ở đây nhưng phòng được đặt không nhiều – một điều hiếm thấy. Buổi tối
đi qua ngó lên khách sạn thưa thớt những ô cửa sáng đèn, bên hiên hầu như không
có du khách nhàn tản ăn tối, cà phê... cảm giác hụt hẫng như Sài Gòn vừa mất thêm
một di sản nữa.
Tất nhiên, Sài Gòn không chỉ là đường Đồng
Khởi sầm uất sang trọng mà còn nhiều con đường hẻm phố khác cũng là ký ức lâu bền của người Sài Gòn. Nhưng Sài
Gòn không thể thiếu trung tâm Đồng Khởi – Nguyễn Huệ - Lê Lợi cũng như Chợ Bến
Thành – khu vực thương mại dịch vụ đặc trưng của thành
phố. Chợ Bến
Thành những ngày này cũng vắng ngơ vắng ngắt... Mai này khi ga metro và khu
thương mại tầng ngầm hoạt động thì không biết ngôi chợ lâu đời và nổi tiếng này
có còn tồn tại được hay không?
Có lẽ chưa bao giờ sau một biến cố mà khu
vực trung tâm thương mại của thành phố lại phục hồi chậm chạp như vậy. Du lịch
– dịch vụ là một ngành kinh tế hình thành và phát triển cùng đô thị Sài Gòn –
TP.HCM. Ngành “công nghiệp không khói” này đã có lúc “bùng nổ” kéo theo số lượng
khách sạn và các dịch vụ khác tăng lên nhanh chóng, nhưng khi lượng du khách giảm
đột ngột hay từ từ trong một thời gian dài thì các ngành dịch vụ phải giảm theo về mức độ hoạt động và nhân sự. Ấy là chưa kể ngành du lịch của các thành phố lớn “ế ẩm” thì khu
du lịch nghỉ dưỡng, khu di sản văn hóa và thiên nhiên... ở các tỉnh cũng đìu
hiu.
Như các
chuyên gia dự đoán, ngành du lịch VN phải qua năm 2021 mới được phục hồi, đồng
thời sẽ phải cơ cấu lại để phát triển, trong đó ưu tiên cơ cấu lại doanh nghiệp
(số lượng nhân viên, loại hình dịch vụ của doanh nghiệp) và thị trường khách du
lịch. Có lẽ cần lưu ý phát triển phân khúc khách hàng nội địa, bởi vì đây là
khách hàng tiềm năng cho du lịch các địa phương, đặc biệt là mô hình du lịch cộng
đồng đã thu hút nhiều du khách nội địa sau mùa dịch covid. Mô hình này phù hợp
với điều kiện thời gian, kinh phí của đa số khách hàng, thân thiện, góp phần
không nhỏ vào việc giới thiệu và bảo tồn sự đa dạng văn hóa của các địa phương.
Đồng thời phù hợp với phát triển kinh tế địa phương vì gắn liền với sinh kế của
cộng đồng bản địa.
Nhớ về những
nơi đã đi qua tôi nhận ra một điều: ngay trong những thời điểm khủng hoảng kinh
tế thì ở nhiều quốc gia, du lịch địa phương vẫn duy trì và phát triển nhờ vào nguồn
khách nội địa. Thị trường khách nội địa luôn được ưu ái, chính nguồn thu từ đây
sẽ giúp những thành phố lớn là trung tâm du lịch - dịch vụ có thời gian “dưỡng sức”
để bùng nổ trở lại và mạnh mẽ
hơn. Thực hiện được điều này là nhờ quan điểm phát triển du lịch phải coi di sản
văn hóa là “mâm cỗ” cho người trong nước trước khi là “đặc sản” cho du khách nước
ngoài.
Thì Sài
Gòn - TPHCM cũng là một nơi rất giàu có
về di sản văn hóa nhưng phần lớn người dân thành phố chưa được thụ hưởng “mâm cỗ”
này. Sao ngành du lịch không bắt đầu từ một “đặc sản” là các công trình kiến
trúc, các khách sạn cổ xưa và danh tiếng của thành phố?
Sài Gòn,
3.7.2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét