Vào những
ngày bão Noru đang hoành hành trên biển Đông và sẽ đổ bộ vào miền Trung Việt
Nam, tôi có việc ra công tác ở Quảng Trị. Sau mấy ngày họp hành, chúng tôi dự định
đi thăm viếng một số di tích lịch sử tại đây - một việc thường làm mỗi khi tôi
đến Quảng Trị.
Đúng vào buổi
chiều bão Noru vào gần bờ biển nước ta, khi bầu trời tối sầm báo hiệu gió lớn
và mưa bão đang đến, chúng tôi bắt đầu cuộc viếng thăm các di tích lịch sử. Bắt
đầu từ di tích sân bay Tà Cơn, căn cứ Làng Vây… rồi đến đến Nghĩa trang liệt
sĩ quôc gia đường 9, Thành cổ Quảng Trị, xa hơn là Nghĩa trang quốc gia
Trường Sơn. Ở mỗi nơi chúng tôi đều thắp hương ở đài tưởng niệm
rồi vội vã đi ngay trong cơn mưa xối xả đổ xuống mờ mịt, gió giật từng hồi tưởng
chừng cuốn cả đất trời vào nhau.
Ngồi trên xe
nhìn màn mưa trắng trời, hai bên đường nước đã nhanh chóng dâng lên chảy cuộn
cuộn, tôi nhớ về một ngày tháng 10-1968. Hôm đó Hà
Nội cũng mưa to lắm, cả đoạn đường trước ga Hàng Cỏ ngập nước mênh mông, đơn vị
của anh Hai tôi tập trung tại đây để bắt đầu hành quân vào chiến trường. Tôi cứ
nắm chặt tay anh Hai cho đến khi tiếng còi xé toang màn mưa, anh tôi nói: Má và em về
đi, con đi đây… Khi con tàu đưa anh đi, má tôi vẫn mỉm cười nhìn theo nhưng tối
về má lặng lẽ khóc… Nước mắt má tôi cứ âm thầm như thế cho đến năm 1975 khi anh Hai tôi may
mắn được trở về.
Những năm ở
Trường Sơn, anh đóng ở các binh trạm sửa chữa xe và binh khí, đơn vị của anh
di chuyển nhiều nơi từ miền Tây Quảng Bình vào Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế. Anh
vừa sửa chữa vừa chạy xe giao cho các đơn vị. Vào một đêm mùa hè 1971, trên đường làm
nhiệm vụ, khi lái xe qua một đoạn “ngầm” anh đã nhìn thấy ba tôi trên chiếc xe
đi ngược chiều, lúc ấy ba tôi đang đưa đoàn văn công đi biểu diễn phục vụ bộ đội
mặt trận đường 9 – Nam Lào. Anh chỉ kịp gọi “Ba ơi”, còn ba tôi
chỉ nghe thấy tiếng anh gọi mà không kịp nhìn thấy con. Hai đoàn xe ngược chiều
nhau tiếp tục cuộc hành trình hối hả…
Bao nhiêu năm
đã trôi qua nhưng kỷ niệm về anh Hai luôn nằm đâu đó trong ký ức, để rồi mỗi
khi đi qua dải đất Bình – Trị - Thiên vào ngày gió lào nóng bỏng hay vào ngày
mưa bão, tôi lại nhói lòng. Biết bao người cha người mẹ đã tiễn con đi như ba
má tôi, nhưng rất nhiều đứa con đã không trở về… Bao nhiêu anh nằm ở các nghĩa
trang khang trang và ấm áp, bao nhiêu anh nữa còn nằm lại một nơi nào đó… Và
trên đất nước này còn biết bao người chưa tìm được sự bình yên như thế, dù cuộc
chiến tranh ác liệt nhất đã lùi xa gần 50 năm.
Sau chuyến
công tác, tôi trở về nhà đúng ngày một năm trước TP.HCM bắt đầu bỏ “lệnh giới
nghiêm”, tất cả các rào chắn, chốt chặn trong trung tâm TP đều được tháo
dỡ sau hơn 4 tháng khốc liệt chịu đựng cơn bão đại dịch Covid-19. Sau đó ít lâu
đã có một lễ tưởng niệm chung toàn thể đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đã mất
trong đại dịch. Tình nghĩa đồng bào luôn còn đó, đại dịch hay chiến tranh rồi
cũng qua đi, nhưng người đã mất không chỉ là những công dân của đất nước mà còn
là những người ruột thịt trong từng gia đình, từng dòng họ.
Mà trên thế
giới này quốc gia nào chẳng được kiến tạo từ những dòng họ và gia đình, tổ quốc
nào mà chẳng được hình thành từ sự gắn kết những thôn làng trên mọi vùng miền. Đồng bào mình, bà con mình, những từ chỉ cần nghe thôi đã thấy ruột rà, thiêng liêng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét