RƯNG RƯNG NHỚ “MIỀN NƯỚC NỔI”

Nguyễn Thị Hậu

Sau nhiều năm nước về muộn, năm nay từ giữa tháng chín nước đã về miền Tây, tuy không cao nhưng người dân vui mừng đón mùa nước nổi. Nước lên từ từ, cá đồng có thời gian sinh trưởng, nguồn sống của người miền Tây dồi dào hơn, đồng thời cũng phải đỡ vất vả “chạy lũ” như những năm nước về đột ngột với lưu lượng lớn.

Mấy bữa trước bạn gọi điện: “nhà mới tát đìa, cá rô cá trê nhiều quá trời, làm sao gởi lên cho chị được? Gởi chị thì gởi cả thùng chớ 1,2 kg ai nhận? Dưới này cá đồng có vài chục ngàn một ký, trên Sài Gòn nghe nói tới mấy trăm? Hay chị ở nhà đi, em gởi cá lên chị bỏ mối cũng kiếm bạc triệu mỗi ngày!”. Tôi cười, trời ơi tui mà biết buôn bán thì đâu có chờ tới giờ này?

Vậy mà bữa qua bạn đã nhắn: em gửi chị thùng cá theo xe đò đó, họ sẽ mang tời tận nhà nhen! Chưa kịp nhắn lại thì thùng cá đã tới cửa. Một thùng xốp bự nặng đến chục ký, cuốn băng keo chắc chắn như đi vòng quanh thế giới. Mở thùng ra thì nào cá linh, cá rô, ba khía, chuột đồng… còn tươi bọc trong bịch xốp giữa lớp nước đá, nào bông súng còn nguyên những nụ tím hồng, đọt nhãn lồng màu xanh tươi xếp đầy phía trên…

Như sợ tôi không nhớ cách nấu nướng, bạn còn dặn: chị nấu canh chua cá linh bông súng, cá rô kho tộ ăn với đọt nhãn lồng luộc sơ. Ba khía nhớ ướp ớt tỏi đường chút dấm với bột nêm, mai mốt ăn với cơm nóng cơm nguội đều ngon. Chuột đồng ướp gia vị rồi rôti, bây giờ về miền Tây cũng ít nơi còn đặc sản này…

Cả một trời hương vị miền Tây mùa nước nổi ùa về, bỗng rưng rưng nỗi nhớ quê nhà…

***

Nhiều năm trước năm nào tôi cũng về quê vào mùa nước nổi. Có năm từ bến xe về nhà theo đường lộ mà nước ngập hơn nửa bánh xe máy, có năm phải đi đò theo con rạch mới hồi mùa nắng còn cạn trơ đáy, giờ nước đã ngấp nghe mặt cầu ván. Nhà có đám giỗ, đám cưới hay tiệc tùng vào mùa này thì cực nhưng mà vui. Sông rạch nước ngập cá tôm đầy chợ, tươi chong, rau đồng mơn mởn nhiều loại tươi tốt vào mùa này như bông điên điển, hẹ nước, bông súng, bông sen, sầu đâu, đọt choại, bồn bồn… Hồi đó đám tiệc ở quê còn do nhà tự nấu, chưa đặt dịch vụ như bây giờ. Sáng sớm lội nước ra chợ mua thức ăn, các sạp hàng có khi nổi lềnh bềnh trên mặt nước, người bán người mua luôn hít hà chắt lưỡi không phải vì thức ăn đắt hiếm, mà vì quá nhiều quá ngon mà lại rẻ rề. Đám tiệc hay bữa ăn gia đình cũng dễ dàng chế biến được những đặc sản.

 Đám giỗ ông ngoại tôi vào tháng chín âm lịch. Người lớn kể rằng ông mất vào mùa nước lớn, gia đình và bà con lối xóm lội nước đưa ông ra đồng. Từ đó năm nào ngày giỗ ông cũng lấy nước năm đó để mà so sánh, năm nay nước hơn hay kém…  Xong ngày chánh giỗ đãi đằng bà con, ngày “hậu thường” chỉ còn người nhà, thế nào mấy dì mấy mợ cũng làm nồi lẩu mắm “ăn đỡ ngán”, dù từ mấy ngày trước phụ nữ trong nhà đã phải lo lắng và luôn tay chuẩn bị mọi thứ từ nồi xoong chén đĩa, bàn ghế đến các mòn dưa chua, củ kiệu, có năm còn gói bánh tét bánh ít, làm bánh ngọt… có ai ăn uống được gì đâu. Chỉ cần mua mớ tép mớ cá linh, một rổ gần chục loại rau đồng tươi mướt về là có ngay nồi lẩu mắm ngon lành, có khi còn đổ bánh xèo, món khoái khẩu những ngày mưa se lạnh. Trời ơi là ngon! Bảo sao cứ đến mùa nước nổi là người miền Tây lại cồn cào nỗi nhớ. Ai cũng nói, nhớ nhà bắt đầu từ nỗi thèm những món ăn dân dã quen thuộc, bởi đó là cánh đồng, dòng sông, là mùa nắng mùa mưa chốn quê nhà.

***

Mùa nước nổi mang theo phù sa làm tươi mới những cánh đồng, mang về sông rạch bao nhiêu cá tôm cua ốc… Cuộc sống ở đồng bằng sinh động hẳn lên. Khi nước "nhảy" khỏi bờ là lúc người dân dùng nhiều loại ngư cụ như giăng câu, thả lưới, đặt lờ, lọp, dớn… để khai thác thủy sản trên những cánh đồng mênh mông nước. Dân mưu sinh bằng việc đánh bắt cá tôm và nhiều sản vật tự nhiên, tuy cực nhưng bù lại có miếng ăn miếng để, có đồng ra đồng vô, nên thật ra mùa nước nổi không phải là mùa đói kém. Tuy nhiên, trước hết phải có một ngôi nhà chắc chắn, rồi một chiếc xuồng với những dụng cụ đơn sơ là có thể “sống khỏe”. Nhiều nơi ở miền Tây phổ biến chiếc xuồng “năm quăng” làm từ gỗ tạp, chỉ dùng một mùa nước là quăng bỏ, các xưởng ghe xuồng làm ra bán rất chạy vào mùa nước nổi, vì phù hợp với túi tiền của nhiều người.

Khoảng hai mươi năm trước khái niệm “sống chung với lũ” xuất hiện trên truyền thông với ám ảnh tiêu cực. Nhưng có ở miền Tây mới biết, người miền Tây không chỉ nhìn thấy những thiệt hại trong ‘mùa lũ” bởi họ hiểu đó là quy luật của tự nhiên. Thích nghi với mùa nắng mùa mưa, tận dụng mùa nước nổi mang lại nguồn lợi, đó là lối sống “thuận thiên” của cư dân đồng bằng sông Cửu Long đã hình thành từ hàng trăm năm qua.

 TC DU LỊCH TPHCM, 10.2022





 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DI SẢN LỊCH SỬ - VĂN HÓA CÁC ĐÔ THỊ NAM BỘ NHÌN TỪ GIA ĐỊNH THÀNH THÔNG CHÍ CỦA TRỊNH HOÀI ĐỨC

Vài nét về công trình Gia Định thành thông chí Gia Định thành thông chí ( 嘉定城通志 ) còn có tên Gia Định thông chí ( 嘉定通志 ), là một quyển địa...