BAO GIỜ CẢI LƯƠNG LỘNG LẪY NHƯ XƯA?


Nguyễn Thị Hậu

Gần đây tôi được mời xem một chương trình cải lương. Đó không phải là một vở diễn hoàn chỉnh mà là một câu chuyện về loại hình nghệ thuật này. Buổi diễn giới thiệu khái quát nhưng sắc nét thế nào là cải lương: từ đờn ca tài tử đến ca ra bộ, từ bản dạ cổ hoài lang tới bản vọng cổ, từ vở diễn đề tài xã hội đến tích tuồng lịch sử... những đặc trưng cơ bản về loại hình, kịch bản, tính cách nhân vật và không thể thiếu tính hiện đại của một nghệ thuật truyền thống đặc biệt như cải lương. Qua đó phần nào lý giải vì sao cải lương được người Nam bộ yêu quý và hiện nay vẫn tồn tại trong đời sống người dân miền Tây Nam bộ.

Chương trình làm tôi nhớ những buổi đi nói chuyện có minh họa đờn ca, vũ đạo, trích đoạn vở diễn... về “Lịch sử và đặc điểm nghệ thuật sân khấu cải lương Nam bộ” của ba tôi – đạo diễn Nguyễn Ngọc Bạch - hồi những năm 1975- 1980 ở Nhà văn hóa Thanh niên và nhiều trường đại học tại TP.HCM... Trước đó, vào năm 1969 trong đợt đưa đoàn Nghệ thuật của Việt Nam sang biểu diễn ở Paris (Pháp), ba tôi cũng tổ chức vài cuộc nói chuyện như vậy cho kiều bào ở Pháp, có cả những người nghiên cứu sân khấu truyền thống các nước châu Á tham dự và họ rất thích thú.

Cũng từ lâu rồi cải lương Sài Gòn đã lui về “ẩn dật” khi những rạp hát không còn sáng đèn hàng đêm, thế hệ nghệ sĩ tiền bối lần lượt khuất núi, thế hệ nghệ sĩ nổi tiếng trước sau 1975 cũng lần lượt rời sân khấu... Bởi vậy khi nghe những bài bản cải lương vang lên trong nhà hát, cảm giác như sống lại những năm 1980, thời kỳ sân khấu cải lương Sài Gòn có một sức sống mới qua nhiều vở diễn từ kinh điển đến hiện đại, từ những nghệ sĩ khởi đầu tài hoa đến nhiều nghệ sĩ kế tiếp đầy tài năng, từ sự nhuần nhuyễn của năng khiếu bẩm sinh đến sự thể hiện bài bản của đào tạo, truyền nghề... Hơn hết cả là mỗi đêm diễn khán phòng rạp hát là một không gian giao hòa cảm xúc của nghệ sĩ và biết bao khán giả ở mọi lứa tuổi mọi thành phần.
***
Hồi tôi còn nhỏ gia đình tôi sống trong khu tập thể của Đoàn cải lương Nam bộ (tại Hà Nội), tối ngày ê a theo mấy cô chú và rồi tôi thuộc nhiều bài bản cải lương. Má tôi rất sợ tôi theo nghề của ba tôi vì ông đi diễn quanh năm suốt tháng, hiếm có năm nào ông ăn tết ở nhà. Sau này dẫu không đủ năng khiếu để theo nghề của ba nhưng trong tôi có “dòng máu cải lương”, nghe câu vọng cổ ở đâu tôi cũng nhớ cảm giác náo nức chờ ánh đèn sân khấu lộng lẫy bừng lên khi hai cánh màn mở ra, lại nao nao nhớ về miệt vườn miền Tây những trưa đứng nắng, giọng Lệ Thủy ngọt ngào giọng Thanh Kim Huệ trong vắt từ radio nhà ai văng vẳng, xóm làng bình yên quá đỗi...

Vậy mà bây giờ cải lương chỉ còn trên TV hay đài phát thanh một số tỉnh miền Tây. Vẫn những vở diễn cũ, bài ca cũ nhưng tài năng của các nghệ sĩ làm nhiều người trẻ thích thú. Về miền Tây không ít lần tôi dự đám giỗ chạp, đám cưới hay đơn giản là cuộc vui gặp bạn bè. Lần nào cũng có cuộc đờn ca, cùng một vài bài bản “truyền thống” còn phần lớn là “hát cương”, tức là các “nghệ sĩ vườn” kể một câu chuyện nào đó bằng một bài bản phù hợp nội dung câu chuyện hay tâm trạng vui buồn của mình. Chất “tài tử” chính là ở đó: sáng tác, ứng tác ngay và tàn cuộc thì quên đi, lần sau sẽ lại có sáng tác, ứng tác khác, cuộc đờn ca nào cũng sinh động tươi mới và bất ngờ. Chất “tài tử” còn ở chỗ bất cứ ai cũng là “nghệ sĩ” trong cuộc rượu, nhưng trong mỗi xóm làng sẽ có một số người nổi lên bởi ngón đờn, giọng ca hay sự ứng tác độc đáo. Họ - người bình dân giản dị luôn được sự mến mộ của cộng đồng, bởi tài năng đờn ca tài tử ở họ như loại rượu đế trong vắt, cay nồng mà ngọt êm có thể làm say lòng bất cứ ai dù chỉ một lần nhấp môi.

Qua hơn trăm năm, từ làng quê Nam bộ - “không gian cộng cảm” của những “nghệ sĩ chân đất” - đờn ca tài tử trở thành “dòng sữa mẹ” của sân khấu cải lương. Nhưng khi “Đờn ca tài tử Nam bộ” được vinh danh là “Di sản văn hóa phi vật thể” thì có nơi đã phát cho những “câu lạc bộ đờn ca tài tử” tập bài ca mà nội dung và ca từ thiếu hẳn sự chân chất, duyên dáng “tài tử” độc đáo, câu lạc bộ nào cũng đờn ca có nhiêu đó. Đờn ca tài tử lên sân khấu “biểu diễn”, trở thành “chuyên nghiệp” phục vụ du lịch, hội nghị... là đã rời xa môi trường và sinh hoạt hàng ngày của cộng đồng từng sáng tạo và nuôi dưỡng nó.
***
Nhiều năm trước có lần tôi gặp nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng, ông kể “Hồi chín năm kháng chiến ở khu 9, bản vọng cổ bị hạn chế vì “ảo não, làm nản lòng chiến sĩ”. Nhưng cha mày (ông gọi ba tôi một cách thân thiết như vậy) cứng đầu lắm, vẫn cho đoàn hát của nó ca vọng cổ. Nhờ vậy mà mang được vọng cổ tập kết ra Bắc, rồi từ Đoàn cải lương Nam bộ đã hình thành Nhà hát cải lương Việt Nam”. Qua mấy chục năm chiến tranh, nghệ thuật cải lương đã phát triển rực rỡ ở cả hai miền Nam – Bắc, vậy mà giờ đây ngay tại Sài Gòn cải lương chỉ còn được nhớ đến như một nhan sắc đã tàn phai.

Đã từ lâu, việc cần có một Viện nghiên cứu sân khấu cải lương, một Bảo tàng nghệ thuật cải lương để ghi ơn những thế hệ tiền bối và lưu giữ một tinh hoa văn hóa Nam bộ đã được những người tâm huyết đặt ra. Và hơn nữa, người Nam bộ vẫn yêu cải lương, vẫn ca cải lương, vẫn luôn mong muốn cải lương sống dậy lộng lẫy như xưa.

báo Phụ nữ TPHCM ngày 3.8. 2020

Cải lương thiếu kịch bản hay | Văn hóa | Thanh Niên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...