Nguyễn Thị Hậu
1.
Sài
Gòn – TP. Hồ Chí Minh với 300 năm phát triển đã và đang chứa đựng một quỹ di sản
kiến trúc phong phú và quý giá, phản ánh giai đoạn hình thành và phát triển của
văn hóa đô thị Nam bộ. Từ đầu thế kỷ 21 quá trình đô thị hóa làm thay đổi nhanh
chóng diện mạo đô thị. Nhiều công trình kiến
trúc mới và hạ tầng giao thông đã và đang xây dựng ở khu
vực trung tâm (quận 1, 3, 5) đã có tác động tiêu cực và phá vỡ cấu trúc cảnh
quan đô thị nói chung và nhiều công trình cổ nói riêng.
Từ
quá trình lịch sử hình thành và phát triển, có thể nhận biết bốn đặc trưng cơ bản của đô
thị Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh.
Sài
Gòn là đô thị sông nước và hướng biển:
Sông Sài Gòn là giao thông đường thủy quan trọng nhất, cảng Sài Gòn là cửa ngõ
thông thương với nước ngoài. Hệ thống kênh rạch dày đặc là những con đường huyết
mạch để vận chuyển lúa gạo và các loại nông sản, hàng hóa khác từ đồng bằng
sông Cửu Long lên Cảng Sài Gòn để xuất khẩu.
Thương
cảng Sài Gòn, từ góc độ lịch sử có thể coi là đặc điểm chủ yếu của đô thị Sài
Gòn. Hệ thống sông rạch làm nên cảnh quan “trên bến dưới
thuyền” của Sài Gòn khác với miền Tây: “trên bến” là yếu tố quan trọng nhất
vì các bến/cảng làm cho Sài Gòn – Chợ Lớn trở thành trung tâm kinh tế quan trọng
nhất.
Sài Gòn là đô thị trung tâm kinh
tế: Kinh tế
thương mại - dịch vụ với hệ thống cảng thị đầu mối, trung chuyển, gắn liền
với hai “hậu phương” và thị trường rộng lớn, giàu tiềm năng: nông phẩm, hải sản
từ miền Tây, sản phẩm công nghiệp và cây công nghiệp từ miền Đông...
Sài Gòn là đô thị đa dạng
văn hóa. Sự hình thành đô thị Sài
Gòn là quá trình tụ cư và hội nhập văn hóa nhanh chóng của người Việt, người
Hoa với những tộc người bản địa. Trong quá trình khẩn hoang lập ấp, phát
triển sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp… cư dân người
Việt, người Hoa đã duy trì và phát triển những phong tục, tập quán, tín ngưỡng,
tôn giáo của quê hương làm chỗ dựa tinh thần ở vùng đất mới. Đình, chùa của người
Việt; đền, miếu, hội quán của người Hoa; chùa của người Khmer; nhà thờ của người
Chăm Hồi giáo, nhà thờ Công giáo, Tin lành… xây dựng trong khoảng 300 năm nay
thể hiện sự đa dạng và hội tụ văn hóa của nhiều cộng đồng cư dân và những sinh
hoạt tinh thần của họ.
Sài Gòn là đô thị quy hoạch
và xây dựng kiểu
phương Tây: Sài Gòn bắt đầu phát triển theo kiểu đô thị Tây phương bằng
chương trình quy hoạch khoa học và chi tiết. Từ cuối thế kỷ XIX các dự án thiết
kế và xây dựng Sài Gòn chủ yếu dọc theo cảng Bến Nghé, những gò đất cao quanh
đó mọc lên các công trình và trở thành khu trung tâm của thành phố. Đó là các
công sở, dinh thự, công trình công cộng như trường học, bảo tàng, rạp hát, chợ…
Nhiều công trình trong số đó đến nay vẫn còn giữa được công năng, là “dấu ấn
Sài Gòn” đối với người đi xa và người đến Sài Gòn. Cảnh quan đô thị khu trung
tâm thành phố là những con đường với hàng cây cao vút, những biệt thự mang vẻ đẹp
của kiến trúc cổ điển châu Âu nhưng gần gũi và đã trở nên quen thuộc, là một phần
không thể thiếu của thành phố.
Nhìn tổng thể, có thể nhận thấy trước năm 1975 “đô thành Sài Gòn” có
hai khu vực: Chợ Lớn là trung tâm sản xuất thủ công của người Hoa, khoảng đầu
thế kỷ XX phát triển đô thị mới củng cố sắc thái thương mại buôn bán của “khu
phố Tàu”. Di sản văn hóa ở khu vực Chợ Lớn không chỉ là chùa, miếu, hội quán
hay những lễ hội đặc trưng của người Hoa, mà còn là những khu phố cổ, nhưng dãy
nhà kiến trúc điển hình nhà phố chợ của người Hoa dọc bến Bình Đông.
Còn khu vực Sài Gòn là trung tâm hành
chính – chính trị có Thành Gia Định, các kho tàng của Chúa Nguyễn,
xưởng đóng thuyền ở rạch Bến Nghé, và Chợ Bến Thành – trung tâm kinh
tế lớn tập trung hàng hóa của Đàng trong. Sài Gòn còn là nơi hình thành cơ sở công nghiệp
đầu tiên, từ cuối thế kỷ XIX nhiều nhà máy, công xưởng đã được xây dựng tại
đây, Sài Gòn trở thành một trung tâm công nghiệp ở phía Nam.
2.
Có thể
nhận thấy quá trình hiện đại hóa từ đầu thế kỷ 21 đã làm mất đi nhiều dấu
tích xưa cũ là “hồn vía” của Sài Gòn, phá đi nhiều di sản văn hóa thể hiện bản sắc Sài
Gòn. Một số trường hợp di sản lịch sử - văn hóa của TP. Hồ Chí Minh bị tổn hại trong quá
trình đô thị hóa – hiện đại hóa, là những mất mát không thể bù đắp như
khu công xưởng – nhà máy Ba Son, Thương xá Tax, Lò gốm cổ Hưng Lợi, hàng cây cổ
thụ trên đường Tôn Đức Thắng, Đình thần An Khánh (Thủ Thiêm)... Thương
cảng Sài Gòn dọc bến Bình Đông, bến Vân Đồn... đã được giải tỏa để bảo vệ môi
trường, đồng thời cũng làm có nguy cơ làm mất đi tính chất “cảng thị, hướng biển,
cởi mở, phóng khóang” của TP. Hồ Chí Minh.
Nhiều công trình, cảnh quan
đô thị bị thay đổi diện mạo, dù có được phục dựng, trùng tu nhưng đã ít nhiều mất
đi tính chất lịch sử của thành phố, mất đi “ký ức lịch sử” của cộng đồng, như
“bùng binh cây liễu” trên đường Nguyễn Huệ, bùng binh Chợ Bến Thành, con đường Lê Duẩn - “thần đạo” của thành Gia Định, con đường Đồng Khởi –
phố đi bộ xưa nhất thành phố với hành lang Eden, nhà sách Xuân Thu, quán cà phê
Givral nổi tiếng...
Tại sao cần phải bảo vệ di sản
văn hóa Sài Gòn –TP. Hồ Chí Minh? Nếu không bảo vệ thì điều gì sẽ xảy ra khi
các di sản đó biến mất? Di sản văn hóa giúp gì trong đời sống tinh thần của cư
dân đô thị? Đó là câu hỏi đặt ra cho ngày hôm nay.
Việc cố gắng bảo tồn
những di tích lịch sử văn hóa của một đô thị chính là nhằm xây
dựng đô thị hiện đại có một không gian sống với chiều sâu ký ức của nó.
Sống trong không gian đó con người sẽ giàu có hơn về mặt tinh thần khi
họ được thế hệ trước di truyền lại những ký ức về vùng đất mà họ
đang sống. Bảo vệ di sản văn hóa là để con người sống tốt hơn cho hôm nay chứ
không chỉ là bảo vệ một ý niệm nào đó của quá khứ dù đẹp đến đâu. TP. Hồ
Chí Minh luôn được coi là “thành phố trẻ” trên “vùng đất mới” thì di sản đô thị
càng có ý nghĩa quan trọng. Qua hệ thống di tích lịch sử - văn hóa ta nhận biết
được giá trị của công sức, tính mạng và tài sản của bao thế hệ người dân đã xây
dựng và phát triển thành phố này, vùng đất này. Đồng thời đóng góp bao nhiêu
nét văn hóa đặc sắc vào nền văn hóa đa dạng của cả nước.
Vấn đề bảo vệ di sản văn
hóa thực chất là chính sách và thực thi chính sách quản lý đô thị và quản lý
văn hóa đô thị. Khi dân cư chưa có đầy đủ ý thức, khi luật pháp và các biện
pháp chế tài chưa đủ mạnh thì ý chí của chính quyền đô thị cực kỳ quan trọng.
Từ ý chí này sẽ có những quyết sách và giải pháp hữu hiệu để thực thi việc
bảo vệ di sản văn hóa, cũng là biện pháp quan trọng để giáo dục ý thức của
người dân. Và ngược lại, khi cộng đồng có ý thức hay nguyện vọng bảo tồn di sản
thì chính quyền cần lưu ý và tìm ra phương thức để đảm bảo nguyện vọng và ý thức
của cộng đồng được thực hiện.
Trong quá trình hiện đại hóa
mạnh mẽ ở TP. Hồ Chí Minh từ đầu thế kỷ 21 đến nay, “phát triển bền vững” luôn
được đề cập đến như một mục tiêu của phát triển kinh tế và hạ tầng đô thị nhằm
hạn chế tình trạng phát triển quá nhanh bất chấp việc phá hủy các di sản, nhưng
thực trên thực tế việc bảo tồn di sản văn hóa ngày càng nhiều bất cập.
Do đó, vấn đề cấp thiết là trong chiến lược quy hoạch phát triển đô thị của
chính quyền thành phố cần phải thực sự quan tâm tới việc duy trì, tái tạo, bảo
vệ và phát huy cả hai loại tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên văn hóa. Muốn vậy,
cần phải thay đổi tư duy, quan điểm, nhận thức của các cấp chính quyền
và cộng đồng, về vai trò của văn hóa nói chung và di sản kiến trúc đô thị nói
riêng trong quá trình phát triển bền vững của TP. Hồ Chí Minh.
#tet2024
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét