Nguyễn Thị Hậu
Năm nào cũng vậy, khoảng đầu tháng mười một âm lịch thế
nào cậu Út tôi từ Cao Lãnh cũng nhắn lên: Mấy bữa nữa là ngày giỗ ông Tổ, mấy con
năm nay có về Bến Tre không? Là cậu hỏi vậy nhưng năm nào chị em tôi cũng thu xếp
về thành phố Bến Tre, nơi có ngôi mộ Tổ của gia đình tôi.
Bến Tre nằm ở hạ lưu Tiền
Giang, con sông ta gặp “trước” khi đi từ miền Đông về đồng bằng miền Tây
Nam bộ. Quang cảnh Bến Tre cũng là quang cảnh chung của vùng hạ châu thổ Cửu
Long, nơi có nhiều giồng, cồn do phù sa bồi đắp mà thành, được bao bọc bởi các
sông chia nhánh ngày càng tỏa rộng về phía biển. Vì vậy, đồng bằng sông Cửu
Long nói chung và khu vực Bến Tre nói riêng thường được quan niệm là “vùng đất
mới”, từ khi có mặt những đoàn lưu dân người Việt, người Hoa khai phá từ khoảng
thế kỷ 17, 18 về sau.
Lịch sử ghi nhận những đợt chuyển cư từ vùng Ngũ Quảng
vào đất Đồng Nai - Gia Định diễn ra không ồ ạt nhưng tương đối đều đặn và liên
tục. Những đoàn lưu dân tự phát gồm người cùng quê hương bản quán, cùng dòng họ,
theo quy luật “người đi trước rước người đi sau”, đến những đợt di dân quy mô lớn
do triều Nguyễn tổ chức, “những người dân có vật lực ở xứ Quảng Nam, Điện Bàn,
Quảng Ngãi, Quy Nhơn mộ vào Nam khai phá” như Lê Quý Đôn ghi chép trong Phủ
biên tạp lục... Nương theo bờ biển bằng những chiếc ghe bầu lưu dân vào miền đất
mới theo hai con đường chính: từ cửa Cần Giờ ngược dòng Đồng Nai đến ngã ba Nhà
Bè “ai về Gia Định Đồng Nai thì về”, xây dựng nên Cù lao Đại Phố và Bến chợ Sài
Gòn nổi tiếng sầm uất một thời. Từ đó có thể dần dần theo sông rạch đổ về miền Tây mà nơi dừng chân đầu
tiên là khu vực tỉnh Long An ngày nay.
Một con đường khác là đi vào các cửa của sông Tiền như cửa
Tiểu, cửa Đại nay thuộc Bến Tre, rồi ngược các dòng sông lớn tiến sâu vào nội địa.
Như gia đình nội, ngoại của tôi chẳng hạn. Theo lời ông bà truyền lại nhiều thế
hệ (đến tôi là đời thứ tám), thì tổ đời thứ nhất của bên ngoại tôi gốc từ miền
Trung, vùng Quảng Ngãi hay Bình Định không rõ, nhưng gốc gác từ vùng Thanh –
Nghệ theo vua Lê chúa Nguyễn vào miền Trung từ hồi nào không ai biết. Rồi cuối thế
kỷ 18 vì “lánh nạn giặt giã” nên chạy vào Nam. Đến vùng cửa sông màu mỡ phù sa
dừng chân, ở lại trên những giồng, gò còn hoang sơ nhưng rộng rãi bằng phẳng, gian
nan khai khẩn trồng trọt, đánh bắt cá tôm... bắt đầu cuộc sống trên “vùng đất mới”.
Tuy nhiên, Bến Tre chưa phải là nơi định cư lâu đời của
nhiều dòng họ, mà vì kế sinh nhai, vì chiến tranh hay những lý do khác, họ đã
di chuyển và phân tán đi nhiều nơi. Từ Bến Tre lần hồi ngược dòng Tiền Giang,
dòng họ bên ngoại tôi lập nghiệp ở Cao Lãnh tỉnh Đồng Tháp, còn bên nội tôi thì
đến định cư ở vùng Cù Lao Giêng, Chợ Mới, An Giang.
***
Mộ ông tổ bên ngoại của tôi nằm phía sau ngôi miếu thờ Bà
Thiên Y A Na. Ngôi miếu khá lớn trên khu đất rộng 5 mẫu do ông tổ hiến cho làng
từ hồi xa xưa. Đến giữa thế kỷ 19 miếu được ban sắc phong của vua Tự Đức, từ đó
miếu được xây dựng nhiều lần. Ngôi miếu khang trang hiện nay được trùng tu cách
đây khoảng hai chục năm nay, cấu trúc khá giống một ngôi đình làng Nam bộ. Phía
trước thờ Bà Thiên Y A Na, phía sau có bàn thờ các vị tiên hiền trên đó có bài
vị của ông Tổ của tôi. Hình thức thờ cúng này cũng tương tự ở nhiều đình làng
Nam bộ, ngoài thờ Thần, thờ các vị tiên hiền hậu hiền còn thờ các anh hùng liệt
sĩ, đồng bào tử nạn... Thờ cúng các vị thần bảo hộ cho công cuộc khai khẩn, cho
cuộc sống còn nhiều gian nan, nhắc nhớ công lao tiền nhân để lại ruộng vườn trù
phú, ghi ơn những người đã hy sinh bảo vệ đất nước.
Qua hơn 200 năm nhưng ngôi mộ Tổ vẫn còn nguyên dấu tích,
mặc dù không có nấm mộ mà chỉ là một khoảnh đất khá bằng phẳng. Có một điều lạ
là khu đất xung quanh thường ngập mỗi mùa nước lớn nhưng ngôi mộ không bao giờ
bị ngập, mà luôn được “mối đùn” cao hơn. Nhiều năm trước các cậu các dì đã xây
nhà mộ lợp mái và hàng rào khang trang, dựng tấm bia để con cháu biết gốc tích,
nhớ ngày giỗ Tổ mà về tụ họp. Năm nào chúng tôi về đây bà con quanh đó cũng đón
tiếp nồng nhiệt, tuy chúng tôi không phải họ hàng nhưng là “con cháu ông chủ đất”.
Đã bao nhiêu đời mọi người ở đây vẫn nhắc nhớ!
Chiều mát, con cháu đông đủ, cậu Út – là đích tôn của
dòng họ - phân công người quét tước, người xách nước rửa nền mộ và hàng rào cho
sạch sẽ, người chưng bông hoa xếp trái cây, đốt nhang đèn chuẩn bị cúng mộ... Cậu
Út thay bộ áo dài khăn đóng, nghiêm trang thắp nhang khấn rồi lạy ba lạy, sau
đó lần lượt các con cháu từ lớn tới nhỏ. Trong khói nhang ấm áp như có ông Tổ về
chứng kiến, mọi người trò chuyện, người chưa biết thì hỏi về gốc gác, người biết
kể lại cho con cháu nghe chuyện “hồi đó...”
Hồi đó ông bà ở đây làm ăn được lắm vì có nhiều ruộng vườn.
Nhưng hai ông bà hiếm hoi chỉ có một người con trai. Năm đó giặc tràn tới xứ này, lệnh trên
ban ra bắt đàn ông ra trận, nhà có nhiều con trai thì bị bắt lính đã đành, nhà
nào có nhiều ruộng vườn càng phải cho con đi lính “đặng mà giữ đất”. Ông bà thấy
vậy lo quá, bàn nhau để bà mang con trai chạy về Cao Lãnh ở nhờ bà con cho qua
cơn binh lửa, còn ông ở lại lo coi sóc vườn ruộng... Nhưng rồi ông bị bệnh và mất
đột ngột, mẹ con bà đành ở lại Cao Lãnh và dần dần nơi này trở thành quê quán.
Chính vì ông mất lúc giặc giã nên chôn tạm không xây mộ được, sau này thấy đất
cao lại thường được “mối đùn” rất tốt nên để vậy đến giờ. Buồn là con cháu không
tường năm sinh năm mất của ông bà, chỉ biết nay dòng họ đã được đến đời thứ
chín thứ mười...
Năm nay ngày giỗ Tổ gia đình tôi lại trùng ngày Vía Bà tại
miếu. Giỗ Tổ cũng như những ngày giỗ khác, ở làng quê Nam bộ thường duy trì hai
ngày “tiên thường” và “chánh giỗ”. Ngày “tiên thường” là ngày bà con họ hàng tụ
họp, con cháu ở xa về quê, nhộn nhịp thăm hỏi. Đàn ông thì dọn dẹp lau chùi các
ban thờ, lư hương, bát nhang, chân đèn, bày bông hoa trái cây, các loại bánh và
trà rượu, nhang đèn. Ngày Vía Bà tại miếu còn có việc đặc biệt là mở chiếc hộp
cất sắc phong, kiểm tra lại xem tình trạng sắc phong thế nào, chuẩn bị mai rước
lên cúng...
Đến chiều ở miếu nấu mâm cơm cúng như bữa ăn bình thường,
nhưng để tàn nhang thì mọi người mới vô bàn và xong bữa vẫn trò chuyện tới
khuya. Mọi năm mấy ông hay lai rai ba xị đế hoặc vài lon bia, nhưng năm nay
“công an canh thổi kiểm tra gắt lắm” nên chỉ uống trà. Dưới bếp suốt ngày này các
bà chuẩn bị lo thức ăn cho ngày “chánh giỗ”: gói bánh tét bánh ít, làm các loại
bánh trái... đến chiều tối làm heo làm gà vịt, các loại rau củ... Bếp lửa nấu
nướng suốt đêm để sáng hôm sau khoảng 7,8 giờ đã sẵn sàng các mâm đưa lên cúng
kiếng. Không khí trong miếu nhộn nhịp khác hẳn xung quanh yên tĩnh như một vùng
quê, dù Bến Tre đã là một thành phố từ nhiều năm trước.
Tối ngày “tiên thường” ở miếu có lễ cúng “chiến sĩ trận
vong” và sau đó là múa bóng rỗi cúng Bà. Đây là nghi thức múa hát trong dịp lễ
hội tại các đình, miếu, đặc biệt thường gắn với các dịp cúng Bà (Bà Chúa Xứ, Bà
Hỏa, Ngũ hành nương nương…). Hát múa bóng rỗi “hầu Bà” nhưng người dân được “coi ké”,
cũng như lễ Kỳ Yên ở đình làng có hát bội cúng Thần nhưng đối với dân làng đây
là một dịp được “coi hát”. Lâu lắm tôi mới có dịp coi “múa bóng rỗi” với giọng
ca điệu múa thật sự dân dã nhưng mang lại cảm xúc tâm linh sâu đậm, cảm giác mình
được “thuộc về” một không gian thiêng liêng nhưng thân thuộc.
Hôm sau là ngày chánh giỗ và là ngày cúng chính của lễ Vía Bà, sau khi thắp nhang các ban thờ, tôi xin phép trở về thành phố Hồ Chí Minh trước vì công việc. Mỗi lần về quê tôi luôn nhận được biết bao tình cảm của bà con họ hàng, nhận biết rõ hơn tình yêu quê hương trong tim mình. Lần này ra đi tôi bỗng rưng rưng... từ khi má tôi mất tôi biết rằng mình chỉ còn được nhìn thấy Má ở hình bóng quê hương...
Sài Gòn 29.12.2023
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét