CÔNG VIÊN CHO MUÔN ĐỜI SAU

 https://tuoitre.vn/ban-dao-binh-quoi-thanh-da-lam-cong-vien-cho-muon-doi-sau-20240304082219591.htm

Bán đảo Bình Quới - Thanh Đa tại TP.HCM có tổng diện tích khoảng 427 ha, đã được quy hoạch thành khu du lịch - văn hóa - giải trí nhưng bị “treo” hơn 30 năm qua… Cho đến cuối năm 2023 khu vực này lại “nóng” lên với thông tin của Sở Quy hoạch Kiến trúc thành phố về cuộc “Thi tuyển quốc tế tìm ý tưởng quy hoạch, kiến trúc bán đảo Bình Quới - Thanh Đa, quận Bình Thạnh”. Yêu cầu chung được thành phố đặt ra là bán đảo trên sẽ thành khu đô thị sinh thái, bền vững và hiện đại, đóng vai trò là động lực phát triển mới của khu vực trung tâm thành phố, có tính lan tỏa, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch kinh tế đô thị theo định hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn…

Đề án “Quy hoạch Phát triển toàn diện Hành lang sông Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh - Định hướng sông Sài Gòn trong quy hoạch tổng thể” mới được tổ chức hội thảo gần đây, trong đó chuyên gia tư vấn đã nêu ý tưởng biến khu vực bán đảo Bình Quới - Thanh Đa (phân khu 3) thành công viên đa chức năng. Đây là một ý tưởng tuyệt vời, nếu thực hiện được thì TP. Hồ Chí Minh tương lai sẽ có một khu vực công viên rộng lớn – không gian xanh công cộng, một khu vực “bảo tồn và phát triển văn hóa sông nước” mà thành phố đang rất thiếu. Điều này có ý nghĩa thiết thực mang lại lợi ích cho cộng đồng và phù hợp xu hướng phát triển đô thị bền vững.

Trên thế giới có nhiều thành phố mà ở đó luôn có những công viên là những cảnh quan tự nhiên được giữ lại, bảo tồn trong quá trình phát triển. Những cảnh quan đó có thể ở vùng ngoại ô, nhưng với sự mở rộng nhanh chóng của đô thị, chúng dần trở thành một khu vực trung tâm. Mọi người dân khi đến đó là được gần gũi hòa mình với thiên nhiên, nghỉ ngơi, giải trí bằng nhiều hình thức khác nhau, được trở về ký ức lịch sử của một đô thị, một vùng đất. Quan trọng hơn, những không gian “đất vàng, đất kim cương” ấy thực sự trở thành nguồn tài sản của cộng đồng mà chính quyền giữ vai trò quản lý, phát triển “vì muôn đời sau” cho toàn xã hội.

Bán đảo Bình Quới - Thanh Đa hoàn toàn có đủ những điều kiện trở thành một “công viên trung tâm” như vậy! Nằm giữa thành phố đang hiện đại hóa từng ngày nhưng bán đảo này vẫn như một miền quê bình yên. Cảnh quan thường gặp ở đây là ruộng lúa, ao đầm, nhà xưa cảnh cũ, đường xá tuy được mở rộng nhưng còn quanh co, là dấu tích một thời của những con đường làng ngõ xóm... Cảnh quan bình dị đối lập với khu vực biệt thự, chung cư cao cấp, đường mới cầu cao ngay bên kia sông Sài Gòn. Với môi trường tự nhiên là vùng ngập nước rộng lớn, nhiều kênh rạch có cảnh quan mang giá trị văn hóa bản địa và giá trị sinh thái tuyệt vời, khu vực này có tiềm năng trở thành trung tâm của các hoạt động văn hóa giải trí, du lịch, trên cơ sở bảo tồn cảnh quan tự nhiên và cải tạo, quy hoạch khu vực tái định cư cho cư dân hiện hữu, tạo nên những tiện nghi mới và bảo đảm hài hòa không gian của toàn khu vực. Tại đó có thể hình thành các công viên chuyên đề như vườn thú, vườn ươm thực vật, công viên bảo tồn sinh cảnh đất ngập nước, công viên giải trí với những hoạt động của “văn hóa sông nước”, các dịch vụ nhà hàng, nghỉ ngơi giải trí khác...

Sự biến đổi kiến trúc và cảnh quan tại TP. Hồ Chí Minh những năm gần đây làm thay đổi nhiều cảnh quan tự nhiên và nhân văn, trong đó các không gian công cộng, công viên, “mảng xanh” bị ảnh hưởng không nhỏ. Sự thay đổi các “không gian vật thể” có tác động đến “không gian phi vật thể” là mối quan hệ giữa các nhóm xã hội, do sự biến đổi diễn ra theo xu hướng ít thân thiện với môi trường và cộng đồng nói chung, với cư dân lâu đời của thành phố nói riêng. Trước mắt có thể nhận thấy, khu vực nhà ga Bến Thành - ga metro trung tâm – sẽ trở thành khu vực thương mại hiện đại ngầm rất lớn. Điều này sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp và rất lớn đến không gian công cộng – văn hóa – kinh tế truyền thống là Chợ Bến Thành.

Không gian công cộng, không gian xanh của một đô thị không chỉ dành cho du khách mà trước hết phải là không gian thiên nhiên - văn hóa của cư dân đô thị, những người đang từng ngày góp phần vào sự phát triển của thành phố. Và do đó họ hoàn toàn có quyền lợi được hưởng thụ những lợi ích về vật chất và tinh thần là thành quả của quá trình phát triển ấy.

Không gian hai bên bờ sông Sài Gòn đang là “tâm điểm” phát triển của TP.HCM. Chính quyền và người dân thành phố quan tâm, kỳ vọng không gian này phát triển hiện đại xứng đáng với vị thế của thành phố, đồng thời cũng cần được chia sẻ về lợi ích một cách phù hợp, công bằng với mọi tầng lớp dân cư. Khu vực bán đảo Bình Quới - Thanh Đa nếu trở thành một công viên trung tâm đa chức năng sẽ là nơi thể hiện bản sắc văn hóa và trình độ văn minh của thành phố. Mong lắm, chính quyền thành phố sẽ có chủ trương và giải pháp thực hiện quy hoạch với mục tiêu hướng đến lợi ích của cộng đồng một cách bền vững, khoa học và nhân văn.

 

Nguyễn Thị Hậu

 


 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...