“GIÁ TRỊ THÔNG MINH” KHÔNG THỂ THIẾU

 Doanh nhân Sài Gòn tết 2024

Nguyễn Thị Hậu

 

1.

Những năm gần đây, trên nền tảng tiến bộ vượt bậc của khoa học công nghệ, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ thông tin, kết hợp trí tuệ nhân tạo (AI) và nền tảng dữ liệu lớn (Big Data), thế giới đã xuất hiện khái niệm “Đô thị thông minh – Smart City”. Tuy chưa có sự thống nhất hoàn toàn về nội hàm của khái niệm này, nhưng qua những diễn giải và một số thuật ngữ liên quan, có thể hiểu về cơ bản đô thị thông minh là mô hình thành phố ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để quản lý, nâng cao tiêu chuẩn cuộc sống đô thị, cải thiện chất lượng phục vụ cộng đồng của chính quyền thành phố, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm các nguồn năng lượng, tài nguyên thiên nhiên.

TP. Hồ Chí Minh cũng không đứng ngoài nhu cầu cấp thiết và xu thế phát triển tất yếu của quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa. Vì vậy từ cuối năm 2017 Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã Phê duyệt Đề án “Xây dựng TP.Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 – 2020 tầm nhìn đến năm 2025”. Theo đó, “Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phát triển kinh tế tương đối cao, bền vững, trên nền tảng khai thác tốt nhất các nguồn lực, với người dân là trung tâm của đô thị”. Mục tiêu tổng quát là: Đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế, hướng đến kinh tế tri thức, kinh tế số; Quản trị đô thị hiệu quả trên cơ sở dự báo; Nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc; Tăng cường sự tham gia quản lý của người dân. Các nguyên tắc định hướng của xây dựng đô thị thông minh: Tầm nhìn chính xác, xuyên suốt và được sự đồng thuận cao; Luôn lắng nghe, nắm bắt và phục vụ kịp thời các nguyện vọng và nhu cầu của người dân; Công nghệ là công cụ hỗ trợ phát triển; Huy động mọi nguồn lực.

Có thể nhận thấy, cả mục tiêu và nguyên tắc của Đề án xây dựng Đô thị thông minh ở TP. Hồ Chí Minh đều xoay quanh hai yếu tố Kinh tế và Con người. Trong đó thành phố lấy “Kinh tế tri thức, kinh tế số” làm “đòn bẩy”, Con người thành phố vừa là chủ thể tổ chức hoạt động kinh tế vừa là đối tượng phục vụ của nền kinh tế ấy. Thành phố thông minh được xây dựng là một đô thị hài hòa, ổn định, kinh tế phát triển lành mạnh, an toàn, thân thiện với môi trường và đáng sống.

2.

Trải qua 5 năm thực hiện Đề án này, khái niệm “Thành phố thông minh” ngày càng đi vào thực tiễn, có tác động tích cực đến sự phát triển của của thành phố thông qua 4 phương diện: quản lý thành phố, phát triển của các ngành chiến lược để xây dựng “thành phố thông minh”, xu hướng đổi mới công nghệ, cung cấp các phương tiện hiện đại cho dân cư một cuộc sống tốt hơn. Đặc trưng “thành phố thông minh” là "thông minh + kết nối + cộng tác" trên nền tảng tích hợp các ứng dụng công nghệ thông tin tiên tiến.

Từ góc độ văn hóa – xã hội, thành phố thông minh được xây dựng và phát triển dựa trên cơ sở cân bằng giữa các yếu tố: Bảo đảm phát triển đồng đều về Kinh tế và Văn hóa; Bảo đảm cân bằng lợi ích của cá nhân và cộng đồng; Bảo đảm lợi ích của con người và bảo vệ môi trường.

Để xây dựng và phát triển một “thành phố thông minh” mang đặc thù TP. Hồ Chí Minh, đồng thời tăng cường khả năng hội nhập toàn cầu, thành phố cần phát huy các “giá trị thông minh” từ những truyền thống và tính chất đặc trưng của kinh tế và con người Sài Gòn. Đó là:

 Phát huy truyền thống “đa dạng của văn hóa Sài Gòn”, trên cơ sở đó con người thành phố luôn biết chọn lọc, tiếp thu những điểm ưu việt và chối từ những điều không phù hợp của của các nền văn hóa khác.  Sự đa dạng văn hóa thành phố đến từ nguồn gốc cư dân nhiều vùng miền trong nước, đến từ nước ngoài thông qua giao lưu kinh tế - văn hóa. không chỉ làm giàu có cho đời sống vật chất – tinh thần mà còn tạo ra sự thân thiện trong các mối quan hệ, trở thành động lực giúp các cộng đồng “an cư lạc nghiệp” và coi thành phố là “quê hương thứ hai”.

Phát huy truyền thống “kinh tế thị trường và dịch vụ” hình thành sớm nhất trong cả nước. Thông thương hàng hóa từ các cảng thị (cảng sông, cảng biển) đi đến khắp nơi trong và ngoài nước là biểu hiện tính chất thị trường phát triển của Sài Gòn. Tính chất thị trường giúp cho kinh tế thành phố năng động, sáng tạo, nhạy bén, hướng đến hiệu quả thực tiễn. Đặc biệt nó giúp thành phố hội nhập nhanh với thế giới khi biết chấp nhận và tuân  thủ những nguyên tắc chung của kinh tế thời đại toàn cầu hóa. 

Phát huy tính chất “nhạy bén tiếp thu nhanh chóng các thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ mới của thế giới, áp dụng thành công vào thực tiễn của thành phố”. Khoa học công nghệ không chỉ ứng dụng vào sản xuất, kinh tế mà còn vào quản lý xã hội, quản lý đô thị, xây dựng “thành phố đáng sống”, góp phần quan trọng cho sự nghiệp Công nghiệp hoá - Hiện đại hóa.

Phát huy tính chất “thành phố trung tâm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao”. Những biện pháp thu hút nhân tài là tạo môi trường làm việc phù hợp và đãi ngộ tương xứng trình độ, chăm lo chu đáo đời sống vật chất, tinh thần của mọi người dân, ứng xử nghĩa tình với tất cả những người đến đây sinh sống và xây dựng thành phố.

Tất cả bắt đầu từ phương thức quản lý và chế độ chính sách đặc thù của thành phố. Do đó, Chính quyền đô thị là giải pháp quan trọng nhất. Từ mô hình Chính quyền đô thị, bốn nhân tố “Chính quyền - Người dân - Doanh nghiệp - Các tổ chức xã hội” mới thực sự là những chủ thể của thành phố, có nghĩa vụ và vai trò khác nhau nhưng bình đẳng về trách nhiệm và gía trị đóng góp trong tiến trình phát triển thành phố.

3.

Với hơn ba trăm năm hình thành và phát triển, Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh đã tích lũy được nhiều truyền thống tốt đẹp. Xây dựng “thành phố thông minh” nhất thiết phải tiếp cận và tiếp nhận những thành tựu khoa học công nghệ hiện đại của thế giới, đồng thời cũng cần đúc kết những “giá trị thông minh” mà ông cha để lại. Từ đó chọn lọc và kế thừa, duy trì và vận dụng để xây dựng TP. Hồ Chí Minh hiện đại, thông minh và giàu bản sắc văn hóa độc đáo.

Không thể phủ nhận vai trò trung tâm kinh tế là nổi bật nhất của đô thị Sài Gòn từ khi hình thành, vai trò “đầu tàu kinh tế của cả nước” của TP. Hồ Chí Minh là quan trọng và xuyên suốt từ sau 1975 tới nay. Để giữ vững vị thế ấy, chính quyền và người dân thành phố luôn phải vượt qua nhiều khó khăn, có giai đoạn phải vượt rào, xé rào, có trường hợp phải chấp nhận “đánh đổi” một phần di sản văn hóa để “đô thị hóa – hiện đại hóa” phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế.

“Lịch sử của thành phố tự nó đã giới thiệu quá trình luôn luôn chọn cái mới, luôn đổi mới. Lịch sử của thành phố đồng thời tự nó đã giới thiệu con người Thành phố là tập thể cách mạng không mệt mỏi, không khoan nhượng trước những gì trì trệ. Những tư tưởng giáo điều, gia trưởng phải nhường chỗ cho sự năng động sáng tạo trên vùng đất có truyền thống cách mạng, dân chủ”[1]

Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh là cánh cửa rộng mở, đã trao cho thành phố những cơ chế vượt trội trong sắp xếp lại bộ máy hành chính cho phù hợp với thực tiễn, huy động nguồn lực và phát huy truyền thống sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của người dân, doanh nghiệp. Từ đó tạo không gian phát triển mới cho “thành phố thông minh” như mục tiêu và định hướng phát triển. Vì vậy, những bài học, kinh nghiệm được chắt lọc từ lịch sử, từ thực tiễn sẽ góp phần đưa TP. Hồ Chí Minh phát triển đồng đều các lĩnh vực kinh tế - văn hóa – xã hội một cách bền vững.

 

TP. Hồ Chí Minh 8.12.2023

 

 








[1] Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, tập 1. NXB Tổng hợp, 1998.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...