CHUYỆN TÀO LAO (4)


Hậu khảo cổ
 LOA
Cái loa, dù "nói" những lời thông thái vẫn chỉ là cái loa. Phát mãi nó quên mất mình là loa.
Nhưng nghe mãi, nhiều người tưởng loa là người. Thế là tiếp tục nói lại những gì loa đã phát.
Cứ thế, đến một lúc không thể phân biệt được loa và người. Mạnh ai nấy nói những lời không phải của mình.
Ai có thể đối thoại với (những) cái loa?
 Ếch nhái
Tối mùa hè ếch nhái kêu váng đầu. Ếch chê nhái quanh quẩn bờ ao, chỉ thấy bèo với bọ, biết gì mà lắm mồm. Nhái chê ếch chỉ “ngồi đáy giếng” nhìn trời nắng không hay mưa không rõ mà làm như thông thái lắm.
Thế giới luôn thay đổi, từ bờ ao đầy bèo bọ đến bầu trời bình yên hay giông bão.
Nhưng chỉ biết trong bèo có bọ hay luôn coi trời bằng vung là vì ếch nhái vẫn chỉ là ếch nhái, đều từ nòng nọc mà ra.

 Ông lão đánh cá và con cá vàng (dị bản)
Lại nói, sau khi cá vàng cho 3 điều cầu được ước thấy, ông lão bèn thả cá xuống biển. Về nhà, vợ ước được bữa ăn ngon. Lão bực mình mắng “đàn bà óc to như trái nho, ước gì như dở hơi”. Lập tức bà vợ thành người dở hơi. Chịu không nổi lão lại ra bờ biển tìm nhưng không thấy cá vàng nữa.
Lão không biết rằng sau khi cho đi ba điều ước thì cá vàng cũng biến thành… một ông lão đánh cá.
 Đẽo cày giữa làng
Anh nọ ngồi giữa làng đẽo cày, ai đi qua cũng góp ý chỉ bảo vài câu… Kết quả: cày không có mà có một đám oánh nhau, vì người này chửi người kia ngu, người kia mắng người nọ không biết gì... Ai cũng tự cho mình là đúng.
Anh chàng thợ vụng đẽo cày rút ra một kinh nghiệm: cứ lẳng lặng mà làm, không thành cày thì cũng được cuốc. Sau đó, thằng nào có ý kiến ý cò thì… lấy cuốc nện nó một trận, là xong.

Vương quốc Thơ
Ngày xưa ở xứ nọ ngành kinh tế chính là “mần thi”: Thơ dùng để ăn mặc, làm phân bón, làm thức ăn gia súc... Sáng sớm ra đồng ngâm thơ thì lúa lên xanh tốt, chiều tối ra chuồng đọc thơ là heo gà lớn nhanh như thổi. Năm nào trình diễn thơ thì được mùa to. Thơ trở thành lương thực chính ở đây.
Thời gian trôi qua... ở vương quốc Thơ tất cả người, cây, con vật dần dần trở nên dị dạng.

 (Tuổi trẻ cười 1/12/2015)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...