Có lẽ tôi đã từng đọc tập
truyện mang đậm tính hồi ký này nhưng không thể nhớ ra đã đọc trong thời gian
nào? Nhưng điều đó không quan trọng vì lần này tôi vẫn có một cảm giác thật
quen thuộc qua tất cả những gì các tác giả viết lại, chân thực và tràn đầy tình
cảm với Mái trường thân yêu, với Thầy giáo của những học sinh giỏi toán.
Truyện dài Mái trường thân yêu kể về một ngôi trường
miền trung du, qua đôi mắt một cậu học sinh Hà Nội sơ tán về đó vào những năm
chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc. Những trang sách làm tôi được sống lại
thời gian đó, quen thuộc quá chừng và nhớ quá chừng những lớp học đơn sơ mái
lá, hào giao thông ngay dưới chân bàn, mũ rơm trên lưng mỗi ngày theo đường
làng, men theo cánh đồng, ven đồi đến trường, tiếng trống trường khi khoan thai
báo hiệu giờ học, khi dồn dập báo động máy bay Mỹ… Và con người bình dị của
làng quê, trong đó có thầy cô giáo và những người bạn mới. Thế hệ trẻ em thành
phố như chúng tôi có tuổi thơ và lớn lên trong chiến tranh, có thể tự hào nói rằng
rất nhiều điều tốt đẹp chúng tôi đã học được từ cuộc sống ở thôn quê: sự tự lập,
biết quan tâm và chia sẻ với mọi người, và biết lao động chân tay để hiểu giá
trị của những gì mình đang được hưởng dù chỉ là vật chất đơn giản.
Sự thiếu thốn về vật chất
hình như làm cho người ta, nhất là bọn trẻ lại say mê sách vở hơn? Tôi nhớ mỗi
lần có một quyển sách mới là cả một sự kiện, mỗi quyển sách đem lại bao điều bổ
ích và bao mộng tưởng – điều không thể thiếu được đối với trẻ em. Ngày nay phương
tiện nghe nhìn phổ biến nên đã làm mất thói quen đọc sách ở nhiều người, đối với
trẻ em phương tiện nghe nhìn “giết chết” sự tưởng tượng của trẻ, một đặc tính mà khi người ta lớn sẽ
không còn nữa.
Sự luyến tiếc “bao giờ
cho đến ngày xưa” ở nhiều người hôm nay bởi vì thời ấy nghèo khó, vất vả nhưng
tràn đầy tình người – cũng là một điều xã hội ngày nay đang báo động. Nếu ai đó
nhìn về miền Bắc trong những năm chiến tranh chỉ thấy sự nghèo khó thiếu thốn,
cười chê người miền Bắc “quê mùa” không biết đến những sinh hoạt vật chất như ở
miền Nam, thì đó là thể hiện sự hiểu biết nông cạn và đầy định kiến! Họ đã
không nhìn thấy, không được biết những con người nghèo khổ và quê mùa ấy có tấm
một lòng nhân hậu vô cùng, sẵn sàng nhường những gì tốt nhất cho người thành phố
sơ tán về ở nhờ nhà mình. Tôi nghĩ, không có trải nghiệm này chưa chắc thế hệ
chúng tôi đã trưởng thành về tinh thần – vị tha, không quá coi trọng vật chất
và biết cảm thông.
Một trong những tấm
gương cụ thể mà lứa tuổi chúng tôi hàng ngày được soi vào, đó là những người thầy
người cô ở trường phổ thông các cấp. Quả đúng là những “người mẹ, người cha” ở
trường, chăm lo cho chúng tôi thay thế cho cha mẹ chúng tôi đang chiến đấu và
lao động trên mọi miền đất nước. Các thầy cô cũng nghèo khó, cũng vất vả, cũng có
cuộc sống như những người nông dân, nhưng luôn hành xử đúng mực và giữ được sự
kính trọng của phụ huynh, của xã hội với bản thân, với nghề nghiệp. Thầy cô còn
là những mẫu mực về tri thức mà học trò luôn hướng đến. Thầy giáo của những học sinh giỏi toán là một trong nhiều người Thầy
như vậy. Ông đã khơi gợi, định hướng, uốn nắn và quan trọng là đã làm cho học
sinh tìm ra và hiểu được khả năng của chính mình, dù sau này làm nghề gì thì những
khả năng được Thầy khơi gợi luôn là hành trang quý giá của mỗi người học trò.
Cám ơn các tác giả đã
mang lại cho tôi cả một quá khứ đẹp của thời thơ ấu. Mong rằng bạn đọc sẽ nhận
được từ cuốn sách này nhiều điều hay về một thời đã qua, được viết lại một cách
chân thực, giản dị, không tô vẽ cũng không bi kịch hóa – điều có trong không ít
các tác phẩm bây giờ viết về thời quá khứ.
Sài
Gòn ngày 1.11.2015
Nguyễn
Thị Hậu
Cô hơi nhầm một số chi tiết trong quyển Mái trường thân yêu rồi ạ. Bối cảnh trong truyện xảy ra trước chiến tranh phá hoại. Bố của nhân vật chính (tên Việt) là y sĩ được điều từ thị xã về huyện công tác, đưa gia đình đi theo chứ không phải đi sơ tán đâu.
Trả lờiXóaCám ơn bạn :)
Trả lờiXóa