Vẫn còn nhớ nhau (5,6)

CHU MINH
5.  
Khi đó nó 6 tuổi, sơ tán về làng Chu Minh, nơi có đình Chu Quyến to lớn, qua chín năm kháng chiến mà vẫn còn nguyên vẹn, bây giờ là Di tích lịch sử quốc gia, nổi tiếng là một trong vài ngôi đình đẹp nhất miền Bắc. Đi theo má và chị, nhưng lúc mới đến đó má nó bị sốt thương hàn phải về Hà Nội nằm bệnh viện, chị Hiền còn đang ở tạm nhà trọ của trường cấp ba bên xã Tiên Phong cách đó khoảng chục cây số. Vậy là má gửi nó lại cho một người bạn, nó gọi là cô Lý.
Cô Lý cũng gần bằng tuổi má, khoảng trên dưới 40 nhưng không có chồng, vì vậy trông cô nghiêm lắm. Ban ngày cô đi làm, nó đi học hoặc lang thang với bạn ở ngoài đồng, trên đê. Tối về nó ngủ với cô trên một tấm phản hẹp khoảng 80cm. Mùa đông cô lót một tấm chăn mỏng làm nệm, chừa chỗ nó nằm bề ngang khoảng hơn gang tay trải chiếu lạnh ngắt. Gần 8g tối là cô tắt đèn đi ngủ. Nó không ngủ thì cũng nằm im đấy, không dám nhúc nhích cục cựa vì cô khó ngủ. Nhiều đêm nó nhớ má cứ nằm im quay mặt vào vách để mặc nước mắt tràn trề không dám nấc tiếng nào…
Nhờ vậy sau này nó được nết ngủ ngoan, dù mất ngủ cũng không làm phiền ai.
 Khi má nó khỏi bệnh trở lên nơi sơ tán, má con nó được gia đình bác Hùng trong làng cho ở cùng. Nhà bác có ổ chó con mới sinh, mẹ là một con Mực nhưng đàn chó 5 con đủ màu vàng trắng vện… Nó yêu bầy chó lắm, suốt ngày bồng bế trên tay. Bấy giờ là mùa hè, làng bị dịch chó dại. Tối hôm trước người ta vác loa đi thông báo từ đầu làng đến cuối thôn, rằng ngày mai nhà ai không đập chết hay thịt chó thì xã sẽ đến bắt đi “tiêu hủy”.
Sáng sớm hôm sau nó lặng lặng ôm bầy chó con, gọi con chó mẹ đi theo rồi trốn vào hầm tăng – xê, lại còn cẩn thận đậy nắp hầm lại. Trong bóng tối nó cố vượt qua sự sợ hãi những con rắn, con chuột, thằn lằn… trong tưởng tượng, chịu đựng lũ muối, kiến lao vào đốt như điên. Bầy chó như hiểu tình cảnh của chúng, không kêu la gì. Chó con nằm im không đòi bú mà chó mẹ cũng im, không dám liếm láp con.
Đến tận chiều, bác chủ nhà sốt ruột quá đi tìm ổ chó, còn má nó thì đi tìm nó. Thấy tiếng gọi ời ời nó mới chui ra khỏi hầm, mặt mũi tay chân sưng vù, đói lả. Lúc bấy giờ bầy chó mới kêu nhặng lên đòi ăn. Khôn thế chứ.
Sau này nhà nó ai mà ăn thịt chó thì bao giờ cũng có chuyện không may. Chắc vì tuổi nó cầm tinh con gâu gâu.
       Chị nó học cấp ba, “con gái không ở một mình” nên chị không ở nhà trọ mà về ở với má và nó, dù hàng ngày phải đi bộ hơn 10 km. Một lần hai chị em nó từ nơi sơ tán đi về Hà Nội. Hai chị em ra phố huyện - gọi là phố Lả, đón xe khách nhưng đã lỡ chuyến, chỉ còn cách đi bộ lên bến xe thị xã Sơn Tây, cách đó hơn 20 km thì có thể mua được vé xe về Hà Nội. Trưa nắng chang chang hai chị em cứ đi, đi mãi… Một chú bộ đội đi xe đạp qua, hỏi: hai chị em đi đâu? Chị nó trả lời: chúng cháu về bến xe, chú cho em cháu đi nhờ với. Ừ lên đây chú đèo cho một đoạn. Nó sợ không dám ngồi sau xe đạp người lạ, chị nó phải gắt lên sợ gì mà sợ… Thế là chú bộ đội đèo nó đi trước, chị nó vẫn đi bộ, sau đi nhờ một chiếc xe bò chở mía lên thị xã, bị lá mía cứa xước hết cả người.
Chú bộ đội đèo nó gần đến bến xe thì rẽ đường khác, chú thả nó xuống và bảo: cứ đi thẳng nhé, một tí là đến bến xe thôi. Nó đi và cuối cùng cũng đến. Không biết bao lâu thì nó nhìn thấy chị, vừa mừng vừa tủi mà không dám khóc, sợ chị mắng (trong nhà nó sợ chị nhất, sợ hơn sợ ba má).
Tối mịt chị em mới về đến Hà Nội. Bước vào nhà nhìn thấy má, nó òa lên khóc. Hình như đấy là lần cuối cùng nó khóc òa lên như thế…
6.
Ở Chu Minh nó bắt đầu vào lớp 1. Trường cách nhà không xa, nó học buổi chiều nhưng hôm nào ăn cơm trưa xong là nó cũng tấp tểnh đi ngay. Chị nó mắng: đi sớm làm gì, dang nắng về bệnh bây giờ! Nó lại giơ tay ra đếm lẩm nhẩm: à, hôm nay em trực nhật. Thế là tót đi học sớm.
Nó chưa đến trường vội, tất nhiên. Nó đi tắt qua ruộng rau trước nhà để tránh bầy ngỗng lúc nào cũng nằm phục trước ngõ, ai đến gần không sao nhưng hễ nó đi qua là thế nào cả bầy cũng đứng lên kêu kíu kíu, vừa vươn cái cổ dài dứ dứ muốn cắn, nó sợ lắm, mấy lần nó bị ngỗng đuỗi chạy ngã rách quần u đầu. Mấy đứa trẻ nhà quê nhìn thấy nhưng nhất định không đuổi ngỗng giùm mà cứ đứng cười “con bé sơ tán”, con bé không có mái tóc dài như chúng nó mà cắt ngắn “như liền ông”.
Men theo bờ đê nó lang thang ra đình Chu Quyến. Ngày nào cũng đi qua, nhìn ngôi đình còn nguyên vẹn hàng cột gỗ lim to mấy vòng tay ôm, chân tảng bằng đá xanh bóng loáng, sàn đình bằng gỗ nhẵn bóng mát rượi, nó đã hiểu vì sao người ta nói “to như cái đình”. Cả làng đúng là không có nhà nào to như thế, cả ngôi chùa (đã bị biến thành kho để phân đạm) cũng chỉ nhỏ nhắn dưới bóng mấy cây hoa đại hoa trắng quanh năm. Không hiểu sao giữa những ngày chiến tranh mà ngôi đình to lớn này không bị biến thành nhà kho hay là nơi bộ đội đóng quân? Buổi trưa quanh đình vẫn vắng vẻ, cây đa cổ thụ rợp mát một góc sân đình, mấy chú trâu bò thơ thẩn gặm cỏ, có thằng bé con trạc tuổi nó nằm trên lưng trâu ngủ khì, có lần bị ngã lộn cổ xuống đất, nó xoa tay lên cái đầu trọc rồi càu nhàu gì đó, hình như mắng con trâu sao để nó ngã.
Nó hay thơ thẩn ra đình, ngồi dựa lưng vào cột đình ngắm mãi mái đao cao cao cong vút và những hình chạm khắc, thỉnh thoảng được ông từ cho đi theo vào hậu cung, thành kính nhìn những bức tượng thờ được “giấu kín” ở đó, đâu biết rằng sau này sẽ đi học cái nghề khảo về đình chùa.
Mùa đông bước vào trong đình thấy ấm áp hẳn dù xung quanh vẫn trống trải, nhờ mái đình sà xuống thấp nên che bớt cơn gió mùa đông bắc ngoài kia. Mùa nước lũ, từ bờ đê phía ngoài đình nó nhìn thấy những chiếc thuyền đi vớt “củi rều” từ thượng nguồn trôi về. Đàn ông đàn bà đều lái thuyền chèo thuyền bằng hai chân, hai tay thoắn thoắt với những cành cây nhỏ, họ còn khéo léo tránh những cây gỗ, bè tre trôi trên sông. Thỉnh thoảng có những thuyền ghé vào bến bán cá mòi. Lên bờ họ quạt than nướng cá mòi, đàn ông mua ăn ngay, chấm muối ớt và uống rượu, đàn bà mua về kho khô với nghệ, cá mòi kho khô ăn cơm với rau muống luộc nước vắt chanh thì thôi rồi…
Ngày hè, thỉnh thoảng có đoàn người ào vào đình ngồi nghỉ, bỏ nón quạt lấy quạt để, gương mặt nóng bừng lấm tấm mồ hôi… Phần lớn là phụ nữ gánh những bó “ráng” to che lấp cả người. Ráng là một loại cây dương xỉ mọc thành rừng trên những ngọn đồi bên xã Tiên Phong cách đây chừng mươi cây số, người xã Chu Minh vẫn sang đấy cắt về phơi khô để đun nấu thay củi. Cắt ráng bằng liềm, bó lại và dùng đòn xóc hai đầu gánh như gánh rơm rạ. Họ đi từ sáng sớm, cắt ráng đến quá trưa rồi đi một mạch từ những ngọn đồi đá ong nóng bỏng chân về đến đình làng mới hạ gánh nghỉ ngơi, ra hồ nước rửa mặt mũi chân tay rồi thong thả gánh ráng về nhà.

Trời đã về chiều, khói lan lên từ những ngôi nhà. Tiếng trâu khua móng về chuồng, tiếng í ới gọi con về tắm rửa ăn cơm… Nó đi học về lại ngồi ở bậc đá thềm đình, cảm thấy buồn buồn, chưa hiểu đấy là cảm giác cô đơn, cái cảm giác sẽ đi theo nó suốt đời.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...