VẪN CÒN NHỚ NHAU (1,2)


(chuyện trẻ sơ tán) – Nguyễn Thị Hậu
Một dịp trò chuyện với nhà văn Lê Minh Hà, lỡ “xui dại” Hà và hứa sẽ cùng “viết về tuổi thơ hoang mang của chúng mình”. Vậy nhưng lu bu công chuyện và cũng làm biếng nữa, chưa kịp viết thì Hà đã xuất bản cuốn truyện CÒN NHỚ NHAU KHÔNG hay quá là hay! Chuyện của tôi thì không là truyện, nên cũng may, không làm hỏng cuốn sách của bạn.
Nhưng vẫn viết lại đây, để cho mình, cho hai con. Và để bạn biết, vẫn cón nhớ nhau!

TÂN CHI
1.  
Sau sự kiện Vịnh Bắc bộ ngày 5 tháng 8 năm 1964, chiến tranh bùng nổ ở miền Bắc. Nhận biết đầu tiên về chiến tranh là khi má mang về nhà 5 cái ba-lô may bằng vạt bạt màu ghi.
-        Má ơi cái này là cái gì?
-        Ba lô con ạ.
-         Để làm gì má?
-        Để mang quần áo đi sơ tán.
-        Đi sơ tán là đi đâu má, có đu quay, có kẹo bông không, má?
-       
Má lặng thinh, mắt đỏ hoe. Tôi đã không biết rằng cái ba lô là dấu hiệu sự chia ly rất lâu của gia đình. Sau đó ít ngày anh tôi, ba tôi lên đường ra chiến trường.
Một đêm Hà Nội tháng mười cuối thu, gió mùa đông bắc sớm tràn về. Má đưa tôi lên nhà trẻ ở đầu Hàng Bông Thợ Nhuộm (bây giờ nhà trẻ này vẫn còn). Ở đó đã có mấy chục bà mẹ ông bố đưa con đi sơ tán. Bọn trẻ ngủ gà ngủ gật, bố mẹ thì thầm trò chuyện lo lắng vì để các con đi theo nhà trẻ, còn mình phải ở lại Hà Nội làm việc… Bỗng một tiếng còi huýt lên, bọn trẻ giật mình ngơ ngác, bố mẹ giật mình hoảng hốt… Đến giờ tôi vẫn ghét kinh khủng tiếng còi huýt, bởi vì nó đã cắt lìa tuổi thơ của tôi với ba má, nó ném tôi – con bé mới gần 5 tuổi vào những năm dài sơ tán lúc có lúc không gia đình bên cạnh.
Má đưa tôi lên xe, chọn  một chỗ ngồi cạnh cửa sổ vì biết tôi hay bị ói khi đi xe. Nhìn má đi xuống xe tôi bỗng hốt hoảng mếu máo: má ơi ngồi đây, má đi đâu rồi? Một tiếng nói gắt gỏng: con bé kia lớn rồi không được khóc, các bạn khóc theo bây giờ! Sợ quá, tôi nín bặt. Má tôi nắm chặt tay tôi, nước mắt lã chã… Nhưng rồi trong bọn trẻ cũng có đứa khóc òa… Đứa nào cũng biết từ đây mình phải xa cha mẹ… Xe chạy rồi tôi vẫn thấy má đứng đó với đôi môi mím chặt và những giọt nước mắt  tuôn rơi…
Thế là lần đầu đi sơ tán một mình, tôi về Tân Chi (tỉnh Bắc Ninh). Mấy tháng ở đó xa ba má, tôi và vài đứa nữa là trẻ lớn nhất của trại. Mỗi tối các cô bảo mẫu đều đi về với gia đình của họ, để lại tất cả bọn trẻ nằm như cá hộp trên sạp tre trong ánh đèn dầu leo lét. Mấy đứa lớn thành “bảo mẫu” bất đắc dĩ, dỗ đứa nào khóc, thay quần áo cho đứa đái dầm, đắp chăn cho đứa lạnh co ro… Bây giờ gặp lại, nhiều người đã thành ông bà nội ngoại, vẫn nhớ: bà này ngày xưa thay quần cho tui nè.
Nhiều buổi sáng sớm mùa đông, một mình con bé 5 tuổi là tôi đi ra cái quán đầu làng mua bánh khoai về cho bọn trẻ ăn sáng. Bánh làm bằng khoai sọ xắt mỏng rồi hấp lên, giã ra, gói vào lá chuối có nhân đậu xanh và chút thịt mỡ rồi luộc lại lần nữa. Thỉnh thoảng mua được bánh nóng, mùi lá chuối khô, mùi khoai, mùi đậu xanh quyện vào nhau bốc hơi thơm lừng. Nhưng bánh khoai sọ ăn nguội cũng ngon lắm, miếng khoai vừa bùi vừa dẻo, hơi lành lạnh khi ăn vào buổi sáng mùa đông. Cảm giác ngon lành đến giờ còn nhớ. Cái đói và thèm ăn làm quên đi nỗi sợ khi phải đi một mình trên đường làng còn tối om, tre già hai bên kẽo kẹt, thỉnh thoảng có cơn gió cuốn lá tre bay xào xạc, con bé sợ hết vía co chân chạy một mạch. Một lần đánh rơi chiếc mũ len không dám quay lại nhặt, khi về đến trại đầu ướt nhẹp vì mưa phùn gió mùa đông bắc. Sốt nằm một mình, mơ thấy má, nước mắt đẫm gối…
Đến giờ tôi vẫn không hiểu được một điều: vì sao các cô bảo mẫu có thể để chúng tôi – một lũ trẻ con như trứng gà trứng vịt, đêm nào cũng ở lại trong ngôi nhà đèn dầu leo lét, có khi gió lùa tắt ngúm, mà không có một người lớn nào bên cạnh? Cũng may ban đêm ít có báo động máy bay Mỹ ném bom… Hay vì nghĩ thế nên các cô yên tâm về nhà với con của mình và mặc kệ con cái người khác?
2.
Nhớ thời gian đầu mới đi sơ tán, anh Hai tôi hay lên thăm, anh thương cô em út nhõng nhẽo nhất nhà chưa từng xa ba má. Lúc đó anh Hai tôi làm việc tại Đoạn đầu máy – toa xe Hà Nội, mỗi lần lên thăm anh mang bánh mì và cà chua hồng, món ăn khoái khẩu của tôi hồi nhỏ. Lần ấy anh và bạn là anh Quảng đạp xe đến Tân Chi đón tôi và em Điệp (ở cạnh nhà tôi) về nhà chơi, vì ba tôi và má em Điệp sắp đi biểu diễn ở chiến trường. Trời chiều chuyển gió mùa Đông Bắc, hai anh gò lưng đạp xe còn hai em ngồi sau lạnh run cầm cập, các anh cởi áo bông mặc thêm cho em. Xe anh Quảng còn bị đứt xích, anh phải vịn vai anh Hai để kéo theo. Tối mịt mới đến ga xe lửa vừa kịp chuyến tàu chợ, các anh “nhét” hai em qua cửa sổ tàu rồi chạy về toa gửi xe đạp, vừa vội vàng trả lời khi ông soát vé chặn đường “tôi làm ở đầu máy Hà Nội”. Toa tàu chợ đầy bao củi than, rọ gà heo, những thúng bắp cải su hào… hai đứa bé lạnh phát sốt, được mấy bà buôn chuyến hỏi thăm rồi cho ăn cơm nắm với muối vừng. Nửa đêm mới về đến Hà Nội, tôi và em Điệp còn ngái ngủ chưa kịp hiểu gì thì đã nằm gọn trong vòng tay của ba má ra đón.
Mấy tháng trời tôi không được gặp ba vì ông đi biểu diễn ở chiến trường. Ngày trở về lên thăm tôi, tôi đã không nhận ra ông trong bộ quân phục, đôi dép râu và mái tóc đã ngả màu muối tiêu! Mãi tới khi ba ứa nước mắt, gọi nhỏ “con Hậu!” tôi mới sực tỉnh, chạy lại ôm chầm cổ ba làm cái kiếng của ông rớt xuống bị gãy. Thế là cả ngày hôm đó hai cha con loay hoay tìm cách cột lại để ba có kiếng đeo thấy đường đạp xe quay về Hà Nội. Mấy tháng trời nhớ ba tôi không khóc, vậy mà chiều đó khi nhìn thấy ông còng lưng đạp xe đi, tấm khăn dù “chiến lợi phẩm” bay phất phơ trong giá lạnh chiều đông, tôi đã khóc lặng lẽ bên cây gạo trên bờ đê, nơi mà tôi thường ra đứng ngóng chờ ba má.
Thời gian trôi qua. Những ngày sơ tán bọn trẻ đã lớn lên rất nhanh, không phải chỉ thể chất mà là tinh thần, tự lập sớm hơn, học và biết được nhiều điều từ cuộc sống ở nông thôn. Thế nhưng cái cảm giác “bị bỏ rơi”, cô đơn, tủi thân khi ốm đau khi nhớ cha mẹ của những ngày sơ tán ấy dường như không phai mờ… Rất lâu sau này trong cuộc sống, mỗi khi có gì khó khăn bế tắc,  nhiều người chúng tôi vẫn không thể chia sẻ với người thân, luôn co mình lại trước bạn bè… Sự tổn thương (không ai muốn) từ ngày thơ ấu đã để lại dấu ấn này, gây ra sự bất hạnh cho không ít người.
Sau này trong bất cứ hoàn cảnh nào không bao giờ tôi để các con tôi phải một mình như tôi lúc ấy! 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...