THIẾU TÌNH YÊU

Hai vợ chồng mất con nhưng không hề có một giây phút nào hình ảnh đứa con trai dễ thương hiện về trong tâm trí họ, không hề có hình ảnh nào họ từng chăm sóc từ lúc nó lúc còn bé bỏng hay khi nó lớn lên, không hề... dù họ đã có nó trong 12 năm!

Họ tìm con như tìm một đồ vật gì đấy mà họ cũng chẳng cần thiết lắm, nhưng không tìm thì không được, đi tìm con cũng là một cơ hội để họ tiếp tục nguyền rủa nhau như bất cứ lúc nào họ cũng làm điều đó! Thực ra hai người này đã mất con từ lâu rồi, từ khi họ không còn là gì, là ai trong mắt nhau! Cho nên, khi họ từ chối cái xác khủng khiếp trong bệnh viện là con trai thì... họ đã nhận đòn trừng phạt của Đức Chúa trời! Aliosa mất tích mãi mãi, Aliosa đang phải chịu những gì còn tệ hơn cái chết ở một nơi nào đó... đó mới là khủng khiếp nhất, sự cảnh báo/cảnh cáo cao nhất mà bộ phim để lại cho người xem!
Một xã hội bất ổn với những tin tức bắn giết, chiến tranh tràn ngập trên truyền thông, quan hệ gia đình không có tình yêu, mà "tình yêu" cũng chỉ là tình dục; một xã hội có những người mẹ coi con cái là món nợ, là gánh nặng, là bằng chứng sự ngu dại của mình, nơi mà tình mẫu tử bị bào mòn, người phụ nữ không còn lòng trắc ẩn ngay với con mình... xã hội ấy rất gần với địa ngục!
Và rồi trong phần đời còn lại của mình, khi sống cùng gia đình mới cũng “thiếu tình yêu”, liệu có khi nào, chỉ một lần, một giây thôi, hình ảnh đứa con trai bất hạnh hiện về trong tâm trí, trong trái tim người đã từng là cha là mẹ? Hình ảnh đầu phim cậu bé cô độc trong rừng cây u ám, cuối phim là những tờ rơi với khuôn mặt cậu bé hiện diện khắp nơi, cô độc giữa sự thờ ơ của mọi người, cô độc trên đường phố, giữa những xa lộ, trên cây, trên cột điện, giữa đêm tối hay trong bão tuyết... đã ám ảnh người xem rất lâu...
Trong phim có Đội tình nguyện tìm người mất tích giống như những "hiệp sĩ đường phố" ở TPHCM, những tổ chức như vậy xuất hiện khi cơ quan nhà nước có chức năng và nhiệm vụ làm việc đó lại quan liêu và vô trách nhiệm - dù được biện hộ bằng nhiều lý do.
***
Tham gia vào trang phim LLNN và sau là KLNN tôi được xem các dòng phim LX/Nga, nhiều thể loại nhiều chủ đề. Bên cạnh dòng phim sử thi, phim chiến tranh hay phim dựng theo các tác phẩm văn học cổ điển trở thành kinh điển của điện ảnh thế giới, nhiều bộ phim thuộc chủ đề tâm lý xã hội – đời sống thời xưa được nhiều người yêu thích và nhớ mãi. Có lẽ vì cuộc sống ở nước ngoài thời đó, nhất là LX – là mơ ước một thời của nhiều người sống ở miền Bắc, vì nói chung phim luôn là “Happy end” dù con người thủ đoạn hay xấu xa thế nào thì về cơ bản xã hội vẫn tốt đẹp. Sự hấp dẫn của phim LX còn vì nghệ sĩ diễn hay, lại đẹp “như Liên Xô” 🙂 Vì vậy, xem lại phim LX thường nhớ về một thời khó khăn, một thời lý tưởng và lãng mạn...
Nhưng khi đã biết nhiều nền điện ảnh khác thì không thể không có sự so sánh, nhất là về nghệ thuật điện ảnh dù nhiều phim Nga có nội dung sâu sắc. Nhưng, với phim ELENA và THIẾU TÌNH YÊU thì với tôi, đây là những bộ phim mang tính hiện đại cả về tâm lý xã hội và nghệ thuật điện ảnh, nhưng vẫn đậm chất Nga, cả về tâm lý con người và bối cảnh xã hội.
Lời cám ơn bao nhiêu với người lập ra trang phim và biên dịch những bộ phim này một cách tuyệt vời cũng là không đủ, nhưng tôi vẫn muốn nhắc lại lần nữa. Xin cám ơn chị Phan Bạch Yến!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...