1. Bản
sắc của đô thị Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh hình thành từ điều kiện tự nhiên và
nhân văn, từ văn hóa của các cộng đồng dân cư và hoàn cảnh xã hội, từ những đặc
điểm địa lý, kinh tế, chính trị... trong tiến trình lịch sử của vùng đất này. Nếu coi đô thị là một cơ thể sống và luôn phát triển thì những đặc trưng hay “bản
sắc văn hóa” của đô thị chính là ADN của cơ thể đó. Đặc
trưng, bản sắc của mỗi đô thị cũng nhờ quá trình “trao đổi chất” – tức là những
tác động của con người trong lịch sử - mà hình thành, được “biến đổi và di truyền” ngày càng cô đọng và sắc
nét.
Như
vậy bản sắc văn hóa đô thị hình thành từ cấu trúc, tính chất và chức năng của
đô thị đó, và trên hết, từ cộng
đồng dân cư đã duy trì và (làm/góp phần) biến đổi nó. “Bản sắc” được biểu hiện
cụ thể bằng hệ thống di sản văn hóa đô thị.
Di sản đô thị Sài Gòn –
TP. Hồ Chí Minh không chỉ là những di tích văn hóa vật thể, mà còn lắng đọng trong văn hóa phi vật thể, quan trọng
nhất là ký ức của cộng đồng. Mỗi
cảnh quan, công trình, câu chuyện, sự kiện nơi đô thị... đều được lưu lại trong ký ức các thế
hệ dân cư. “Ký ức đô thị” giúp cho thành phố trở nên thân thuộc, gần gũi, yêu thương hơn… dần dần
tạo tâm lý An cư Lạc nghiệp vì đô thị là không gian của người nhập cư trong nhiều giai đoạn lịch sử, dần dần trở
thành thị dân. Khi cảm nhận, hiểu biết rằng nơi chốn này là “của mình, của chúng ta” thì thị dân sẽ gắn bó, bảo vệ và mang lại những điều tốt đẹp cho
đô thị.
Vì vậy, thay đổi, phá hủy di sản đô thị dù để đáp ứng nhu cầu “hiện đại hóa” cũng là hành động xóa bỏ ký ức
lịch sử, cắt đứt sự “di truyền văn hóa” và qua đó, cắt đứt tình cảm gắn bó với
đô thị giữa các thế hệ cư dân, giống như
việc chặt đứt bộ rễ mạnh mẽ sâu dài của một cây cổ thụ làm cho cây chết dần, và
chỉ cần một cơn gió bão thì cây sẽ ngả nghiêng bật gốc. Vì vậy tôn trọng “ký ức đô thị” của cộng đồng có trước, lâu đời ở đô thị là làm giàu ký ức cho thế hệ đến sau, những cư dân mới, là nuôi dưỡng tinh thần, tình cảm của cộng
đồng thêm vững vàng trước mọi biến động của đời sống hiện đại.
Hiện tượng phá bỏ di sản, xóa nhòa ký ức đô thị trong những năm qua ở TP. Hồ Chí Minh là do sự phát triển kinh tế quá nóng; cho rằng kinh tế phải phát triển nhanh
bằng mọi giá, vì vậy coi việc bảo tồn di sản là “tốn kém” tiền bạc,
thời gian, là “phí phạm” giá trị đất đai, bất động sản... Quan niệm đó bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết về giá trị nhiều mặt của di sản trong đó có
“kinh tế di sản”. Đáng lo ngại hơn nếu di sản bị phá hủy lại xuất phát từ tâm thức
coi đô thị này là “vùng đất mới, không có gì là di sản”, vì vậy tùy tiện xây dựng thay đổi theo khuôn mẫu “hiện đại” bất chấp những đặc
thù về cộng đồng dân cư, về lịch sử và văn hóa của đô thị Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh.
2. Từ những thành
tựu khảo cổ học về thời
nguyên thủy của vùng đất Bến Nghé – Sài Gòn đến những công trình về di sản đô thị Sài
Gòn – TP. Hồ Chí Minh là một quá trình nghiên cứu khoa học trên nhiều
phương diện, nhằm phác dựng một cách liên tục lịch sử hình thành và phát triển
đô thị Sài Gòn
- nơi từng được mệnh
danh là “Hòn ngọc Viễn Đông”. Nếu việc khai quật khảo cổ học những di tích “chết”
dưới lòng đất là để
phát hiện
những gì còn lại của quá khứ xa xưa, thì việc nghiên cứu văn hóa đô thị, nhất là những di
tích “sống” đang được con người sử dụng, đã mang lại cho hiện tại và tương lai cả
lợi ích vật chất và tinh thần, trực tiếp và gián tiếp.
Sau thời gian dài “say đắm” vùng đất
này tôi đã nhân biết được những ADN cơ bản của Sài Gòn – TPHCM, đó là một đô thị sông
nước, đô thị trung tâm kinh tế, đô thị quy hoạch kiểu phương Tây và đô thị đa
dạng văn hóa. Sự phối hợp, đan xen các ADN đã hình thành và phát triển nhiều loại
hình “di sản đô thị” ghi lại dấu ấn quá trình lịch sử, kinh tế và văn hóa –
xã hội của thành phố. Hệ thống di sản văn hóa vật thể từ thiên nhiên (sông
nước, cảnh quan và sinh thái) đến cảnh quan ở khu vực trung tâm đô thị (quận 1,
quận 3), từ kiến trúc truyền thống đến các công trình kiến trúc phương Tây, từ công
trình dân dụng dịch vụ đến các cơ sở công nghiệp... Di sản đô thị Sài Gòn – TP.
Hồ Chí Minh được định vị trong không – thời gian văn hóa, giúp việc xác định và nâng
cao hiểu biết giá trị di sản đối với mọi tầng lớp dân cư, đặc biệt quan trọng
đối với nhận
thức của bộ máy quản lý nhà
nước và ý thức của các nhà đầu tư
vào thành phố.
Bảo tồn cho được những
ADN cơ bản – bản sắc độc đáo, riêng biệt chính là bảo vệ những đặc trưng làm nên “diện mạo” đô thị Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh, trong đó bao gồm đặc trưng về lối sống cởi mở, phóng khoáng,
quan hệ thân thiện, nghĩa tình của người Sài Gòn. Đồng thời cũng làm cho thành phố luôn được nhận diện
trong thế giới đa dạng, nhưng đô thị hóa thì ngày càng có xu hướng “sinh
sản vô tính” trong quy hoạch và kiến trúc.
3.TP. Hồ Chí
Minh đang “cùng cả nước, vì cả nước” đẩy mạnh công cuộc Công nghiệp hóa – Hiện
đại hóa, hội nhập vào thời đại toàn cầu của thế giới. Quá trình này đã làm cho nhiều
di tích khảo cổ học biến mất, không còn cơ hội cất lên tiếng nói của mình, nhiều
công trình di sản đang đối diện với tình trạng thay hình đổi dạng của cảnh quan đô thị, trở nên lạc
lõng bên cạnh những tòa nhà “hoành tráng” mà thiếu “hồn vía” của một nơi chốn, một vùng đất. Nhu cầu cuộc
sống của thành phố lớn nhất nước cùng với phương thức quản lý đô thị chưa phù
hợp, nhất là sự lạc hậu trong nhận thức và quản lý di sản văn hóa là nguyên
nhân chính của tình trạng này.
Với vai trò của
một trung tâm kinh tế (thương mại – tài chính, dịch vụ, công nghiệp) và du lịch của cả nước và khu vực, thách
thức lớn nhất đối với TP. Hồ Chí Minh trong phát triển là phải khẳng định
được đặc trưng và bản sắc văn hóa của mình. Xây dựng thành phố hiện đại
“thông minh” phải được bắt đầu từ việc kiên trì gìn giữ và bảo tồn “bản sắc đô
thị Sài Gòn”. Để có thể hài hòa giữa hai phương diện có vẻ đối nghịch là bảo
tồn di sản và phát triển hiện đại, một kinh nghiệm quan trọng đã được áp dụng
thành công ở nhiều quốc gia là: Di sản lịch sử - văn hóa chỉ có thể được bảo tồn và phát
huy giá trị khi cộng đồng có cơ hội tham gia đóng góp vào cơ chế quản lý đô thị, nhất là chính sách và thực thi
chính sách bảo tồn di sản văn hóa.
Quốc hội vừa
thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM. Việc quan trọng nhất là làm sao để bộ máy và
phương thức quản lý phù hợp với sự phát triển trong thế kỷ XXI của một “thành phố Trẻ” nhưng đã mang trong mình truyền thống
lịch sử ba ngàn năm và hơn hai trăm năm hình thành đô thị (*). Để di sản văn
hóa đô thị có thể đóng góp tích cực cho “phát triển bền vững” của thành phố, sự nghiệp bảo tồn và phát
huy giá trị di sản văn hóa phải có vị trí xứng đáng trong các chiến lược phát
triển kinh tế - xã hội ngắn và dài hạn của TP. Hồ Chí Minh.
Những đặc trưng
văn hóa kết hợp với vị thế lịch sử đã tạo nên một đô thị Sài Gòn – Chợ Lớn đa
dạng, năng động, cởi mở, một TP. Hồ Chí Minh “văn minh, hiện đại, nghĩa tình”.
Trong tiến trình lịch sử không thể phủ nhận một điều: Sài Gòn luôn gắn bó và
được coi là thành phố tiêu biểu, đại diện cho Nam bộ trên tất cả các lĩnh vực.
Gìn giữ bản sắc Sài Gòn còn là gìn giữ bản sắc Nam bộ - một vùng đất giàu tiềm
năng kinh tế - văn hóa, trong mọi giai đoạn luôn góp phần to lớn cho sự phát
triển của cả nước.
(*) Thời tiền sử ở vùng đất TP. Hồ Chí Minh có niên đại đến 3000 năm cách
ngày nay. Đô thị cổ có thể được tính từ Thành Gia Định xây dựng năm 1790.
Bài trên báo này
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét