THÁNG HAI, KHÔNG AI QUÊN!
Nguyễn Thị Hậu
1. Tháng Hai thường là tháng Giêng âm lịch, xuân đã về nhưng giá rét ngày đông chưa bớt. Trên vùng cao đào mận bắt đầu nhú lộc xanh non giữa sương mù bên những hàng rào đá dọc con đường cheo leo ngoằn nghèo dốc đứng. Năm nào cũng vậy, tháng hai đến những ký ức nóng bỏng của cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc 1979 lại tràn về trong trái tim trong trí óc mỗi chúng ta...
Những năm 1977 - 1978 chúng tôi đang học đại học. Khi cả nước còn đang ngổn ngang khó khăn sau cuộc chiến 30 năm thì ở phía nam đã có nhiều đợt nhập ngũ cho chiến trường biên giới Tây Nam. Bất ngờ, ngày 17/2/1979 một “sự phản bội ghê tởm nhất lịch sử” đã xảy ra: Trung quốc tấn công trên toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam. Mượn bày tay kẻ khác dùng dao rựa dùng cán cuốc gậy gộc giết người Việt chưa thỏa, TQ đã trực tiếp gây chiến giết hại hàng trăm ngàn thường dân Việt Nam, hàng chục ngàn người lính Việt đã ngã xuống trong cuộc chiến anh dũng bảo vệ biên cương... Máu đã đổ trong những ngày tháng hai 1979 và kéo dài nhiều năm sau đó...
Và từ đó, là người Việt Nam không ai quên tháng Hai. Cũng từ đó người Việt đã biết về Hoàng Sa tháng 1.1974 và Gạc Ma tháng 3.1988 và cũng sẽ không bao giờ quên!
2. Cuối năm 2011 tôi nhận được tin nhắn từ gia đình bạn học cùng thời phổ thông đã hy sinh vào tháng hai 1979 “đơn vị của nó đã cùng về nghĩa trang Vị Xuyên (Hà Giang), con có dịp ra Bắc thì lên thăm nó... ”. Đúng ngày 17 tháng Hai 2012 tôi đã đến đây. Nghĩa trang vắng lạnh, chỉ có vài vòng hoa đã không còn tươi, nhang khói lơ thơ vài ngôi mộ. Từ rất nhiều năm trước không hiểu vì sao vào ngày này đến một vòng hoa một nén nhang cho nơi đây cũng không thể! Nước mắt chúng tôi tràn ra... Chúng tôi cùng vài người khách viếng nghĩa trang lặng lẽ đi đến từng ngôi mộ thắp một nén nhang tạ lỗi với các anh...
Chỉ đến gần đây một số nghĩa trang của chiến tranh biên giới phía Bắc mới được ấm áp khói nhang vào ngày 17.2, ngày 27.7 hay lễ tết, quốc khánh... Nhưng nhân dân thì luôn nhớ đến những người đã hy sinh, đã đổ máu xương bảo vệ đất nước. Tháng Hai, trên mạng xã hội là hình ảnh những bông hoa sim, những chuyến xe với những gương mặt trẻ măng đi lên biên giới phía Bắc, và bài hát “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới” và nhiều bài hát khác lại vang lên...
Bốn mươi năm đã qua, hẳn những người đã ngã xuống luôn cảm thấy rất ấm áp vì họ mãi sống trong trái tim trong tấm lòng người dân... Còn hơn có những người được chôn trong nghĩa trang cao cấp hay khu mộ hoành tráng mà lạnh lẽo muôn kiếp vì không bao giờ được nhân dân nhớ đến.
3. Từ năm 2019, sau 40 năm xảy ra cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, truyền thông đã được đăng nhiều loạt bài về sự kiện này: chứng tích tội ác, diễn biến những trận chiến, ký ức những con người tham gia cuộc chiến... Nhưng đáng tiếc là còn thiếu vắng những công bố chính thức về hồ sơ, tài liệu lịch sử và công trình nghiên cứu về giai đoạn và sự kiện này và cả những gì liên quan còn trong vòng bí mật “hư hư thực thực”, như sự kiện Hội nghị Thành Đô 1990, chẳng hạn.
Với người “láng giềng” có truyền thống bành trướng và xâm lược, chừng nào lịch sử chưa được công khai minh bạch thì chừng đó chúng ta còn phải đối phó với nguy cơ chiến tranh và tội ác như cuộc chiến 1979!
(bài viết tháng 2.2019, có bổ sung)
@ BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ LỊCH SỬ CỦA CÁC CUỘC CHIẾN TRANH BẢO VỆ BIÊN GIỚI, HẢI ĐẢO VÀ CHỦ QUYỀN QUỐC GIA THỜI HIỆN ĐẠI do Hội KHLSVN tổ chức tại HN ngày 9/3/2014.
Đây là ý kiến của tôi trong cuộc tọa đàm và vài HT sau đó (repost)
1. Về sử liệu:
Cần công bố những tư liệu, tài liệu lịch sử có liên quan đến các cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc ở biên giới Tây Nam, Tây Bắc và biển Đông. Hiện nay tình trạng tư liệu lịch sử không được công bố làm cho việc nghiên cứu rất khó khăn. Những tư liệu tài liệu chữ viết nào đã đến thời hạn “giải mã” thì cần “bạch hoá” và tập trung tại các cơ quan có chức năng nghiên cứu lịch sử, như Viện Sử học, Viện Lịch sử quân sự, Viện Hán Nôm. Đặc biệt Viện Hán Nôm phải là nơi lưu trữ các văn bản gốc thời Nguyễn liên quan đến quản lý, khai thác và bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa. Việc chuyển tài liệu cho các cơ quan khoa học là để hiện nay nghiên cứu, công bố, đồng thời cũng để đời sau tiếp tục nghiên cứu. Tránh tình trạng tài liệu bị thất lạc, biến mất hay “tam sao thất bản”, như vậy không thể nào viết lại lịch sử một cách khách quan và khoa học được. Những cơ quan khác, khi cần, có thể sử dụng bản sao.
2. Về việc đưa nội dung này vào sách giáo khoa:
Chắc chắn phải đưa vào, nhưng đưa vào như thế nào, đến đâu… tôi nghĩ sẽ là một quá trình không ngắn. Trước mắt để giáo dục con em về sự toàn vẹn lãnh thổ, tôi đề nghị một việc mà Hội Sử VIỆT NAM, các hội địa phương đều có thể phối hợp cùng ngành giáo dục làm được. Đó là trang bị cho mội lớp học một tấm bản đồ VIỆT NAM có đầy đủ đường biên giới hiện nay, đầy đủ các đảo và quần đảo HS-TS. Mỗi trường phổ thông cần có một bộ bản đồ VIỆT NAM từ thời NGuyễn đến nay minh chứng tính thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ VIỆT NAM. Giáo dục trực quan, hàng ngày như thế sẽ làm cho học sinh ý thức ngay từ nhỏ việc bảo vệ chủ quyền tổ quốc.
3. Cần thành lập một cơ quan nghiên cứu Biển Đông:
Về tất cả các lĩnh vực địa chất địa lý, tài nguyên môi trường, kinh tế, văn hoá… nhằm tránh sự manh mún, tản mạn và khó liên kết giữa các ngành trong mục tiêu cùng nghiên cứu biển Đông. Nếu chưa thể thành lập cơ quan nghiên cứu cấp Trung Ương thì nên thành lập tại 1 tỉnh duyên hải, như Đà Nẵng, để nơi đây là cơ quan tập hợp và có tiếng nói khoa học chính thức. Hiện nay các cơ quan khoa học có rất ít thông tin trên mạng về lịch sử, tình hình biển Đông, trong khi đó TQ có hàng chục cơ quan nghiên cứu biển Nam hải, họ công bố dồn dập tài liệu, thật giả ta không thể biết. Trong khi đó ta chậm công bố và ít công bố tài liệu liên quan. Chưa kể việc ta đưa rất ít nhà khoa học đi dự HT quốc tế về vấn đề này.
4. Cần có chính sách rõ ràng và nhất quán về truyền thông các vấn đề liên quan đến lịch sử vùng biên giới và biển Đông. Đành rằng về ngoại giao thì nhà nước không thể hay chưa thể nói, nếu các báo, đài chính thống chưa được nói thì nên để các hội , đoàn lên tiếng. Nhà nước "tế nhị" về ngoại giao nhưng cần sòng phẳng và minh bạch với nhân dân vì nhân dân là người giữ nước, một mình chính quyền không thể giữ nước. Mặt khác, để nhân dân lên tiếng về việc này là thể hiện sức mạnh. Khi chúng ta có chính kiến rõ ràng thì sẽ tạo nên sự sức mạnh đoàn kết của cả người Việt trong và ngoài nước.
5. Việc trước mắt là cần có ngay một BẢO TÀNG về chiến tranh bảo vệ biên giới, hải đảo và chủ quyền quốc gia thời hiện đại, ngay khi còn lưu giữ, sưu tầm những di vật, tài liệu... Có thể việc “giải mã, minh bạch” nhiều tài liệu văn bản phải cần thêm thời gian, nhưng nếu không được lưu giữ, bảo quản khoa học thì dễ thất lạc, mất mát. Thậm chí sẽ không bao giờ được minh bạch, công khai. Việc này phải đặc biệt khẩn trương tiến hành khi nhiều nhân chứng của các cuộc chiến tranh này còn sống.
Tương lai thuộc về người trẻ - đương nhiên. Nhưng quá khứ của những người già hôm nay cũng sẽ là quá khứ của những người trẻ, bây giờ và mai sau. Hôm nay ta ứng xử tử tế với quá khứ thì ngày mai con cháu cũng vậy.
Cột cờ Lũng Cú, Hà Giang, Cột mốc biên giới Bát Xát - Lào Cai "nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt" (hình của tôi) và Cột mốc chủ quyền quần đảo Trường Sa (Hình: internet)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét