VÌ TA LÀ NGƯỜI SÀI GÒN

 Tùy bút, Nguyễn Thị Hậu


1. Từ năm 1975 đến nay thành phố Hồ Chí Minh hướng đến mục tiêu phát triển cơ bản là xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình; có vai trò động lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á. Để thực hiện mục tiêu ấy, quá trình đô thị hoá - hiện đại hóa đã diễn ra nhanh chóng và trên quy mô lớn, mang lại nhiều thay đổi đáng kể về diện mạo đô thị cũng như đời sống dân cư. Có thể nhận diện quá trình đô thị hóa – hiện đại hóa ở thành phố Hồ Chí Minh bằng các biểu hiện cơ bản sau.

Những công trình xây dựng hiện đại mọc lên nhanh chóng và dày đặc từ trung tâm đến ngoại ô thành phố. Đó là những trung tâm thương mại, chung cư cao tầng, các khu đô thị mới lớn nhỏ cảnh quan không thua kém nước ngoài, các khu công nghiệp – khu chế xuất kỹ thuật cao... Đặc biệt là việc xây dựng hạ tầng như đường giao thông, cầu cống, nạo vét những kênh rạch quan trọng.

Quá trình chuyển dịch dân cư (tăng dân số cơ học) từ nơi khác đến TP. Hồ Chí Minh liên tục và ngày càng nhiều. Nguồn gốc, trình độ học vấn, cơ hội nghề nghiệp... của người nhập cư không đồng đều và rất đa dạng, hình thành những “cộng đồng” nhỏ trong đô thị. Họ tập hợp và cư trú theo quê hương, nghề nghiệp, theo khả năng kinh tế... trong từng khu vực có điều kiện sống (nhà ở, hạ tầng, dịch vụ, an sinh...) khác nhau.

Sự chuyển đổi đời sống xã hội với lượng dân cư mới tăng nhanh đã làm cho lối sống ở thành phố còn nhiều hiện tượng chưa văn minh, nhất là việc thực hiện và tuân thủ những luật lệ, quy tắc của đô thị như giao tiếp ứng xử, giao thông, quan hệ với cộng đồng trong môi trường sống (ô nhiễm môi trường về khí thải, rác thải, tiếng ồn...).

Theo một số tài liệu, bình quân mỗi năm TP.HCM tăng thêm khoảng 200.000 dân có đăng ký chính thức (từ năm 2012-2016 tăng 850.000 dân), trong đó 2/3 là dân nhập cư từ nơi khác đến. Dự báo đến năm 2025 dân số sẽ lên hơn 10 triệu dân, đến giữa thế kỷ XXI có thể lên đến 15 triệu dân. Ngoài ra, số lượng người vãng lai và lao động thời vụ ở TP.HCM cũng không nhỏ, dao động từ 1-2 triệu người, có thời điểm còn nhiều hơn. Mới đây theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm tháng 4.2019 thì dân số thành phố là 8.993.082 người, đông dân nhất cả nước và chiếm 50% dân số vùng Đông Nam bộ. Sau 10 năm (2009 – 2019) quy mô dân số của TPHCM đã tăng thêm 1,8 triệu người; tốc độ tăng dân số bình quân là 2,28%/năm, bình quân một năm tăng khoảng 183 ngàn người, gần bằng dân số của một quận quy mô nhỏ của thành phố.

Bên cạnh đó, việc TP.HCM đóng góp vào ngân sách quốc gia tăng từ 26,5% trong giai đoạn 2001 - 2010 và tăng lên 27,5% trong giai đoạn 2011 – 2019 là có một phần đóng góp không nhỏ của người nhập cư. Tuy nhiên, tỷ lệ ngân sách TP.HCM được giữ lại từ 33% (năm 2000) đã giảm còn 18% (giai đoạn 2017 - 2020) là một trong những nguyên nhân làm giảm mức tăng trưởng kinh tế của TP.Hồ Chí Minh, tăng thêm những khó khăn trong việc giải quyết hạ tầng và chăm lo về an sinh xã hội cho người dân – cũng có một phần không nhỏ là người nhập cư. Đây là một “mâu thuẫn” lớn mà TP. Hồ Chí Minh luôn phải đối diện trong quá trình phát triển của mình.

Có thể nhận thấy cơ hội tìm việc làm và kiếm tiền ở TP.Hồ Chí Minh ngày càng nhiều nhưng cũng càng khó khăn, giá cả sinh hoạt lại cao hơn các đô thị lớn của Việt Nam. Nhưng vì sao số lượng người nhập cư đến đây ngày càng nhiều và tỷ lệ tạm trú lâu dài rồi trở thành “người thành phố” cũng tăng lên không ngừng? “Vì ở Sài Gòn dễ sống”. Đó là câu trả lời của nhiều người.

 

2. Tôi có những người bạn Sài Gòn quê hương của họ ở nhiều tỉnh thành khác. Phần lớn họ có mặt ở thành phố này từ sau năm 1975 cũng như tôi, nhưng không biết từ khi nào các bạn tôi đều coi mình là “người Sài Gòn”, họ yêu Sài Gòn một cách tự nhiên và gắn bó không kém tình cảm đối với quê hương bản quán, bởi vì đây là nơi họ và gia đình từ quê nhà vào kiếm sống và được Sài Gòn rộng rãi sẻ chia mọi cơ hội.

Ngược dòng lịch sử, giai đoạn hình thành Bến Nghé – Sài Gòn cũng là giai đọan tụ cư nhanh chóng của những cộng đồng người từ nhiều nơi, nhiều nguồn gốc đến đây. Quá trình khẩn hoang lập ấp, phát triển sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp… lưu dân đã duy trì những phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo của quê hương làm chỗ dựa tinh thần ở vùng đất mới. Lưu dân chia sẻ và nương nhờ với nhau trên vùng đất còn nhiều lạ lẫm, học hỏi cộng đồng bản địa trong canh tác trồng trọt, phát triển các nghề thủ công và buôn bán, dần dần tạo dựng một vùng “đất lành chim đậu” nức tiếng gần xa... Thế kỷ XX chiến tranh liên miên, Sài Gòn là nơi người dân các vùng chiến sự ác liệt từ miền Trung đổ về, từ miền Tây chạy lên... Sài Gòn lúc nào cũng là nơi có thể dung chứa những con người đến đây vì khó khăn túng quẫn, cũng là nơi những con người tài trí có thể thử sức để làm giàu, để phát triển tài năng.

Các đô thị lớn luôn là “chỗ trũng” để dòng chảy nhập cư, di cư đổ về. Hai nguyên nhân chính của hiện tượng di cư kinh tế (nhiều cơ hội có việc làm và việc làm ổn định;  dễ kiếm tiền và có cơ hội cho thu nhập cao, khả năng có việc làm, dễ dàng thay đổi công việc,  mức độ thu nhập…) và phi kinh tế (chất lượng cuộc sống, bao gồm hệ thống giáo dục, y tế, dịch vụ phát triển, các phương tiện giao thông, phương tiện thông tin đại chúng hiện đại,  nhiều cơ hội và điều kiện để phát triển khả năng cá nhân...). Tình trạng nhập cư ở TP. Hồ Chí Minh cho thấy hai nguyên nhân này không tách rời mà luôn đan xen với nhau. Từ nguyên nhân kinh tế kéo theo nguyên nhân phi kinh tế: nhu cầu và khả năng tập hợp gia đình, tương lai học hành của con em, rồi khi gia đình ra thành phố lại có thêm nhu cầu việc làm, cư trú. “Người đi trước rước người đi sau” cũng như vài trăm năm trước lưu dân Ngũ Quảng đi vào khai khẩn vùng đất Nam bộ...

“Sài Gòn dễ sống”, vì mỗi ngày nếu chịu khó thì ít nhiều gì cũng kiếm được tiền, vì khí hậu điều hòa quanh năm nên chỉ cần một ở đơn giản là tạm ổn. Dễ sống do mối quan hệ giữa người với người trong làm ăn buôn bán, trong sinh hoạt khá thoải mái dễ chịu. Ở Sài Gòn hầu như không có sự phân biệt hay định kiến với người nhập cư, vì vậy phần lớn những người đến đây làm ăn sinh sống khi có điều kiện cũng sẵn sàng giúp đỡ người khác như một lẽ tự nhiên. Sài Gòn dễ sống còn vì ở đây văn hóa vùng miền (nhất là ngôn ngữ và ẩm thực) được tồn tại và phát triển rộng rãi ngoài xã hội, đồng thời nền nếp lối sống được gìn giữ trong gia đình, không gặp phải sự kỳ thị hay xu hướng bị “đồng hóa”.

Người Sài Gòn dễ đồng cảm với hoàn cảnh khó khăn của phần lớn người di cư/nhập cư. Năm 2017 “chiến dịch giải tỏa vỉa hè” ở quận I đã gây ra những ý kiến trái chiều trong dư luận xã hội. Tuy có mục đích tốt nhưng cách thực hiện chiến dịch hoàn toàn không phù hợp, vì vậy gây ra ấn tượng xấu vì nhiều hành vi thiếu nhân văn đối với những số phận khó khăn phải kiếm sống nhờ vỉa hè, lề đường. Hay như gần đây là phản ứng của cộng đồng được phản ánh qua báo chí, về việc coi những người bán hàng rong tại TP.HCM là "ký sinh trùng". Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng "người bán hàng rong tự lao động kiếm sống chứ không ăn bám ai nên không thể gọi là ký sinh trùng", “bán hàng rong là một hình thức kinh doanh nhỏ phục vụ cho nhu cầu của một nhóm khách hàng trong xã hội, không nên coi nhẹ”, “buôn bán lấn chiếm vỉa hè thì nên xử lý nghiêm, nhưng cũng cần tạo điều kiện để sử dụng và phát triển “không gian văn hóa” đặc trưng của mỗi đô thị”...

Từ lâu tại các đô thị đã hình thành và phát triển nền “kinh tế vỉa hè”. Diện mạo của nền “kinh tế vỉa hè” văn minh hay không văn minh phần lớn phụ thuộc vào trình độ, năng lực của nhà quản lý đô thị, như kinh nghiệm của nhiều thành phố trên thế giới. Những ý kiến trên cho thấy quan điểm và nhận thức của đa số người dân về vai trò của “kinh tế vỉa hè” và người nhập cư là quan trọng và bình đẳng như mọi thành phần khác. Đồng thời còn là sự chia sẻ của cộng đồng với người nhập cư trên tinh thần nhân văn “thương người như thể thương thân”.

 

3. Từ góc độ quản lý xã hội luôn nhận thấy nguy cơ” từ dòng di cư, nhập cư không ngừng nghỉ làm tăng dân số cơ học cho đô thị, vấn đề an sinh và những nhu cầu thiết yếu luôn vượt ngoài tầm kiểm soát. Nhưng trên thực tế, ở TP. Hồ Chí Minh từ nhiều năm qua chính quyền và người dân đã ứng xử với “nguy cơ” này một cách nhân văn và tích cực, vì nhận thức được giá trị to lớn của “tăng dân số cơ học”. Đó là nguồn sức lao động lớn, nguồn tri thức và văn hóa đa dạng, đặc biệt còn có một phần đáng kể nguồn vốn lớn từ các nhà đầu tư.

Từ các vùng miền khắp cả nước, người di cư, nhập cư đến TP. Hồ Chí Minh đã tham gia vào “thị trường lao động” đa dạng: hàng trăm ngàn người được tuyển dụng vào làm việc trong các KCN – KCX, các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân; một số vào các cơ quan nhà nước... Hàng chục ngàn người khác cũng tìm được những công việc “lao động tự do” rất đa dạng mà khu vực thành thị luôn có nhu cầu cao, như thu mua phế liệu, buôn bán vỉa hè, dịch vụ nhỏ, giúp việc gia đình, lái xe taxi, xe ôm, thợ xây dựng và nhiều việc làm  khác... Tất cả đã đóng góp một phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội các thành phố.

Là một đô thị lớn nhất nước, TP. Hồ Chí Minh cũng là nơi chứa đựng trong nó sự phức tạp nhất nước. Người di cư, nhập cư đến thành phố thường phải đối mặt với những khó khăn thậm chí rất khắc nghiệt, nhất là điều kiện sống. Sự quan tâm của chính quyền và ứng xử nghĩa tình của cộng đồng với người di cư, nhập cư đã tạo điều kiện để họ vượt qua khó khăn, kiếm sống ổn định, hòa nhập vào đời sống đô thị, giúp họ giảm bớt áp lực về tinh thần, là động lực để nhiều người trở thành “người Sài Gòn”, đóng góp nhiều hơn cho thành phố.

Một đô thị văn minh hiện đại ngoài những điều kiện vật chất và tinh thần đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của dân cư, còn phải là một đô thị ứng xử nhân văn, công tâm, công bằng với mọi thành phần dân cư, mọi số phận. Do đó, nếu chất lượng người nhập cư không cao (về tri thức, kỹ năng, sức khỏe, học vấn...) thì không thể làm động lực cho sự phát triển của một “thành phố thông minh, đầu tàu về kinh tế”. Vì vậy, cần phải có chính sách và giải pháp đồng bộ nhằm kiểm soát tốt gia tăng dân số cơ học, hướng tới nâng cao chất lượng dân cư, ổn định xã hội, tạo điều kiện để phát triển bền vững.

Ở TP. Hồ Chí Minh ta có thể gặp những người Sài Gòn nói tiếng Bắc, tiếng Trung hay tiếng Nam, cả nhiều người nói tiếng nước ngoài hay nói tiếng Việt còn lơ lớ, như một “liên hiệp quốc” đa dạng, một tập hơp luôn thay đổi số lượng, tính chất cá thể nhưng lại bền vững về bản chất chung. Tất cả, khi đã coi mình “Ta là người Sài Gòn” thì đều không vì đã được sở hữu ngôi nhà, có tờ hộ khẩu hay việc làm ổn định, an cư lạc nghiệp hay giàu có... mà vì một lẽ khác giản dị mà bền chặt hơn. Như những người bạn của tôi, dù sống ở thành phố này vài chục năm hay chỉ khoảng mươi năm, dù cha mẹ anh em còn ở quê hương hay gia đình họ đã yên ổn ở thành phố, với họ, là “người Sài Gòn” nghĩa là luôn sẵn sàng và hết mình giúp đỡ người khác như một lẽ tự nhiên. 

Sài Gòn, 12.12.2020

 


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DI SẢN LỊCH SỬ - VĂN HÓA CÁC ĐÔ THỊ NAM BỘ NHÌN TỪ GIA ĐỊNH THÀNH THÔNG CHÍ CỦA TRỊNH HOÀI ĐỨC

Vài nét về công trình Gia Định thành thông chí Gia Định thành thông chí ( 嘉定城通志 ) còn có tên Gia Định thông chí ( 嘉定通志 ), là một quyển địa...