Di sản văn hóa trong thành phố mới Thủ Đức

 1.

Vùng đất Thủ Đức có truyền thống lịch sử lâu đời, là vùng ven kề sát đô thành Sài Gòn (như nhiều tỉnh thành ở Nam bộ có huyện Châu Thành kế bên đô thị trung tâm của tỉnh), có thể đến đây bằng nhiều tuyến đường như đường bộ, xe lửa, đường sông... trước 1975 nơi này khá quen thuộc và hấp dẫn đối với dân Sài Gòn.

Trước đây chợ Thủ Đức có món nem nổi tiếng gần xa, trong vùng nhiều chỗ vui chơi giải trí thơ mộng, không quá ồn ào náo nhiệt, phù hợp cho người thành phố đến đây nghỉ ngơi. Lại có sông Sài Gòn và sông Đồng Nai là ranh giới tự nhiên bao quanh tạo nên cảnh quan sông nước độc đáo, vì vậy nơi này hình thành những khu dân cư trù phú, những “làng” biệt thự mát bóng cây xanh, những vườn cây ăn trái, thậm chí còn cả ruộng lúa, kinh rạch nước triều lên xuống mỗi ngày... Môi trường tự nhiên và nhân văn này trở thành một ưu thế của vùng đất này.

Địa thế cao ráo nối tiếp vùng phù sa cổ Đồng Nai, Bình Dương nên Thủ Đức là nơi đã phát hiện những di tích khảo cổ học nổi tiếng như Bến Đò, Hội Sơn, Long Bửu, Gò Cát là dấu tích lớp người đầu tiên có mặt trên vùng đất Đông Nam bộ, niên đại đến khoảng 3.000 năm cách ngày nay. Đây còn là một vùng văn hóa quan trọng của đất Gia Định xưa, có nhiều di tích lăng mộ như khu mộ cổ thời Nguyễn ở Gò Cát, những ngôi chùa, thánh thất, đình miếu... Khu lò gốm cổ Long Trường mới mất đi do quá trình đô thị hóa gần đây.

Có thể kể đến một số di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật ở Thủ Đức đã được xếp hạng quốc gia như: chùa Hội Sơn, chùa Phước Tường, đình Trường Thọ, đình Xuân Hiệp, đình Phong Phú, đình Thần Linh Đông, bót Dây Thép... Ngoài ra còn hàng chục di tích cấp thành phố, trong đó có những ngôi chùa nổi tiếng thường xuyên được rất nhiều người thăm viếng như: chùa Một Cột - Nam thiên nhất trụ, những ngôi đình lâu đời như đình Linh Tây, đình Trường Thọ... Ngày nay những cơ sở tôn giáo tín ngưỡng này như một sự hồi tưởng của cộng đồng về những làng xóm thủa xa xưa đã nhường chỗ cho đô thị phát triển.

Di sản văn hóa trong thành phố mới Thủ Đức
TS. Nguyễn Thị Hậu

Ở vùng đất Nam bộ, theo nhà văn Sơn Nam, đình làng có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh lưu dân vào khai phá vùng đất mới: Có xây dựng đình thì làng mới tạo được thế đứng, tăng cường gắn bó vào cộng đồng dân tộc và càn khôn vũ trụ. Bằng không thì “làng” chỉ như lục bình trôi sông, một dạng lưu dân tập thể. Cho nên, người lưu dân lập làng ở đâu dựng đình ở đó. Đình có vai trò “trung tâm” của làng xã, nơi tổ chức các lễ hội và những hoạt động văn hóa – xã hội khác như lễ Cúng thần, lễ Kỳ yên.... Do đó đình làng là “không gian cộng cảm” của cộng đồng có những ký ức chung, những sinh hoạt thực hành tín ngưỡng, văn hóa chung. Sự hiện diện của những ngôi đình với tuổi đời cổ xưa và mật độ khá cao cho biết lịch sử tụ cư và phát triển lâu dài của vùng đất Thủ Đức.

2.

Thành phố mới Thủ Đức thuộc TP.HCM được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức. Nhìn trên bản đồ, thành phố Thủ Đức nằm giữa một vùng đô thị - công nghiệp lớn ở miền Đông Nam bộ: TP.HCM – Biên Hòa, Long Thành (Đồng Nai) – Dĩ An, Thuận An, Thủ Dầu Một (Bình Dương). Chính vì vậy với vai trò “Đô thị sáng tạo phía Đông” TP.HCM, thành phố Thủ Đức dự kiến được quy hoạch chia thành 6 khu chức năng chính, nhiệm vụ hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển. Đây là một thành phố đa chức năng với các trụ cột có sẵn là: khu công nghệ cao quận 9; Đại học Quốc gia TP.HCM và khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Như vậy, ngoài dân số tự nhiên hiện nay là 1,1 triệu người, dân số của thành phố Thủ Đức sẽ tăng cơ học một cách nhanh chóng (dự kiến đến năm 2030 dân số Thủ Đức đạt 1,5 triệu và năm 2060 là 3 triệu người), nhằm cung cấp và đáp ứng nguồn nhân lực cho sự hình thành và phát triển các phân khu chức năng với hàng chục ngành nghề và hàng trăm cơ sở nghiên cứu, sản xuất sẽ mọc lên. Do đó việc quy hoạch và thực hiện xây dựng phát triển thành phố mới có hàng loạt giải pháp, bao gồm quy hoạch không gian đô thị, quy hoạch kinh tế - xã hội; quản lý đất đai, tài sản đô thị; đầu tư và thu hút đầu tư; xây dựng cơ sở hạ tầng, hạ tầng số và chuyển đổi số... Tất cả những giải pháp đó chắc chắn sẽ tác động trực tiếp đến hệ thống di sản văn hóa vật thể là những công trình di tích và cảnh quan nhân văn, cảnh quan sông nước độc đáo.

Kinh nghiệm và bài học đau xót của quá trình đô thị hóa bán đảo Thủ Thiêm còn đó: phương thức giải tỏa trắng giao đất sạch cho nhà đầu tư đã làm cho hàng loạt đình, chùa, làng xóm lâu đời biến mất; một vùng lịch sử lâu đời sẽ trở thành khu đô thị hiện đại mà vô hồn như mọc lên từ hoang mạc. Kênh rạch sông nước bị lấp đi, thay đổi cảnh quan tự nhiên trong khi biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt. Ven sông nhà cao tầng mọc lên, không gian thiên nhiên trở thành “tài sản” của một bộ phận dân cư khá giả.

3.

Chính vì vậy, việc khảo sát, đánh giá và lập dự án bảo vệ, bảo tồn hệ thống di tích lịch sử - văn hóa của thành phố mới Thủ Đức cần được thực hiện khẩn trương, nghiêm túc và khoa học, đưa kết quả vào quy hoạch chung để có thể kết hợp xây dựng các công trình mới trên cơ sở tôn trọng và bảo tồn di tích lịch sử. Đặc biệt là các khu vực chứa đựng dưới lòng đất dấu tích khảo cổ học. Cùng với đó là việc bảo vệ cảnh quan ven sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và một số sông rạch khác, để có thể tạo ra những không gian công cộng, nơi nghỉ ngơi, vui chơi của cộng đồng, xây dựng không gian văn hóa của thành phố mới.

Trong thành phố mới Thủ Đức những công trình văn hóa như đình, chùa, nhà thờ, thánh thất… những “làng” biệt thự ở nơi chốn cũ là gạch nối quá khứ và tương lai. Thành phố mới không xa lạ đối với cộng đồng cư dân lâu đời Thủ Đức, Thủ Thiêm. Đổi lại, việc gìn giữ những di sản văn hóa ở đô thị mới sẽ nuôi dưỡng ký ức lịch sử của vùng đất này, mang lại cho những cư dân mới cảm giác thân thiện, sự gắn bó và thái độ quý trọng một nơi chốn có quá khứ lâu dài. Những dấu tích lịch sử - văn hóa chính là sợi dây nối liền các cộng đồng dân cư qua các giai đoạn phát triển. Từ đó và nhờ đó, vị thế thành phố mới được nâng cao nhờ giá trị về văn hóa, bên cạnh giá trị từ kinh tế.

Việc địa danh Thủ Đức trở thành tên của thành phố mới có ý nghĩa quan trọng: gìn giữ một di sản vănhóa phi vật thể, bởi đây là địa danh lâu đời, quen thuộc và có giá trị lịch sửđối với vùng đất Gia Định xưa. Cũng vì vậy xin đừng xóa bỏ tên những kinh rạch, bến đò, những địa danh hành chính đã có từ xa xưa (như tên các phường)... Địa danh dân gian được lưu giữ và di truyền qua nhiều thế hệ, giúpnhận ra đặc trưng văn hóa, thể hiện tâm thức lối sống cư dân của vùngđất đó… góp phần làm nên lịch sử của thành phố mới Thủ Đức, cũng là một phần của Sài Gòn – TP.HCM. 

Nguyễn Thị Hậu



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...