Bài về Đà Lạt (4) DOANH NHÂN SÀI GÒN phỏng vấn


  1. Thưa Tiến sĩ, người ta thường nhắc đến bản sắc của một đô thị. Bản sắc này làm nên đặc trưng, không trộn lẫn của chính đô thị đó. Vậy bản sắc đó bao gồm những gì nếu không có di sản?
Bản sắc của các đô thị bao gồm nhiều yếu tố, trong đó di sản (vật thể và phi vật thể) là quan trọng nhất như những ADN xác lập đô thị đó là chính nó chứ không phải đô thị khác. Mất di sản các đô thị sẽ trở thành những bản sao của nhau vì những yếu tố khác không thể hiện quá trình lịch sử, văn hóa riêng biệt. Do đó diện mạo, cốt cách của đô thị bị xóa nhòa cả ở khía cạnh vật chất và tinh thần.
Mất di sản thì đô thị không còn bản sắc.

  1. Ở khía cạnh kinh tế, như góc nhìn hiện nay, người quy hoạch đô thị tại Việt Nam cho rằng, những giá trị của di sản không đủ mang lại nguồn lợi kinh tế, đáp ứng sự phát triển nhanh mạnh của thành phố trong quá trình hội nhập. Chị nghĩ như thế nào trước quan điểm này 


Tôi không cho rằng những người làm quy hoạch đô thị tử tế lại có quan điểm như vậy. Khoa học quy hoạch không thể chỉ phục vụ mục đích kinh tế trước mắt mà quan trọng hơn, phục vụ đời sống xã hội lâu dài.Quy hoạch đô thị chính là giải bài toán “bảo tồn và phát triển”, là tìm ra phương thức tốt nhất để tránh xung đột giữa bảo tồn văn hóa và phát triển kinh tế. “Kinh tế di sản” là phương thức phù hợp mà quy hoạch đô thị nhiều nước đã ứng dụng thành công.

3. Việc quy hoạch không đúng cách di sản và đô thị sẽ để lại những hậu quả như thế nào đối với sự phát triển của đô thị cũng như người dân?

Từ góc độ văn hóa thì hậu quả là sự hủy hoại lịch sử đô thị, thể hiện tâm thức coi thường những lớp người đã xây dựng và phát triển đô thị. Do đó không lạ nếu thế hệ sau tiếp tục phá hủy những gì hôm nay đang làm. Đó không phải là “phát triển” chứ chưa nói đến “phát triển bền vững”.
Người dân sống ở đô thị cần có những ký ức chung để cố kết tạo nên cộng đồng có bản sắc và có ý thức bảo vệ đô thị. Mất di sản là cắt đứt ký ức và sự cố kết cộng đồng. Đó là một hình thức “đồng hóa” văn hóa vì xóa bỏ sự đa dạng văn hóa.


4. Chúng ta nói nhiều đến giải pháp. Thế nhưng, mỗi lần một di sản/ thành phố đưa vào quy hoạch, mới vỡ lẽ, hóa ra bấy lâu nay di sản đó thoi thóp nằm chờ, chưa nhận được sự quan tâm đúng mức, như trường hợp của khu di chỉ Vườn Chuối tại Hà Nội hay việc quy hoạch lại trung tâm thành phố Đà Lạt. Đây cũng không phải là lần đầu tiên vấn đề này được dấy lên trong dư luận. Tại sao lại như vậy?

Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng theo tôi là vì vấn đề mấu chốt “đô thị và di sản đô thị của ai? Là nguồn vốn xã hội lâu dài của cộng đồng hay là lợi nhuận trước mắt của một thế hệ/một nhiệm kỳ?” chưa bao giờ được những người có trách nhiệm nghiêm túc đặt ra và thực tâm tìm câu trả lời.

Cảm ơn chị đã dành thời gian chia sẻ!
Hoàng Linh Lan


 Hình ảnh có liên quan


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...