THÁNG TƯ TRÊN ĐẤT CHÙA THÁP



Tùy bút, Nguyễn Thị Hậu

Tháng tư, tháng nắng nóng cao điểm khi mùa mưa chưa bắt đầu. Chúng tôi có dịp qua Campuchia vào những ngày khắp nơi nhộn nhịp chuẩn bị đón Tết Chol Chnam Thmay – tết năm mới của người Khmer.

Qua cửa khẩu Hoa Lư của tỉnh Bình Phước, theo quốc lộ mới được nâng cấp chúng tôi đi qua tỉnh Kratie, Tabon Khmau, Kampong Cham, Kampong Thum, khoảng đường dài hơn 400km để đến Siem Reap – nơi có khu di tích Angkor là trung tâm du lịch lớn nhất Campuchia. Gần một ngày rong ruổi trên đường với quang cảnh nửa quen nửa lạ vì tôi đã bắt gặp những cảnh những người như vậy ở miệt Trà Vinh, Sóc Trăng: thấp thoáng phía xa xa phía sau hàng cây thốt nốt vài ngôi nhà trệt lợp lá dừa, ven đường là những ngôi nhà sàn cao lợp mái tole, cây rơm lớn trong sân, hàng rào  bông giấy đỏ rực, vài con bò trên cánh đồng cỏ khô... Thỉnh thoảng hiện ra một ngôi chùa màu vàng rực rỡ, bậc thềm tam cấp cao với mái ngói cong vút duyên dáng.

Đoàn công tác chúng tôi đi qua khá nhiều tỉnh của đất nước Campuchia. Từ Siem Reap chúng tôi đi đến Battambang qua tỉnh Bantia Meancheay, rồi qua các tỉnh Pursat, Kampong Chnang, Kampong Speu để đến thủ đô Phnom Penh. Từ Phnom Penh qua tỉnh Kandal, Prey Veng, Svay Rieng về cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh).

Những thành phố tôi qua đều để lại ấn tượng về sự phát triển “đô thị hóa” nhanh chóng nhưng khá quy củ, không tràn lan và lộn xộn. Thành phố du lịch nổi tiếng Siem Reap so với vài năm trước đây giờ đã tấp nập hơn, đường phố vào ban đêm sáng đèn rực rỡ nhà hàng, quán bar, chợ đêm, quán ăn vỉa hè... Siem Reap vẫn là một thành phố xanh bởi rất nhiều cây to hơn trăm năm tuổi, rất nhiều thảm cỏ vườn hoa và cây non trồng ở các công trình mới, trên những con đường mới. Khách sạn san sát trên các đường phố chính nhưng không có công trình nào cao quá 4, 5 tầng, ngay cả khách sạn lớn nhất có 2000 phòng cũng vậy. Đó là sự tuân thủ quy định nghiêm ngặt trong xây dựng ở đây: không được phép cao hơn các công trình quan trọng trong khu di tích Angkor cách đó gần 7km.

Battambang là một đô thị lớn của Campuchia. Nằm bên bờ sông Sangker là “khu phố Tây” gồm mấy con đường song song bờ sông từ đó có vài đường dọc chia thành từng ô vuông vắn, nhà phố một trệt một lầu, công sở, quán xá, những cửa hàng, trường học lâu đời của của người Hoa được bảo tồn và duy trì sinh hoạt cộng đồng... Khoảng vài năm gần đây Battambang đã mở rộng qua bên kia sông Sangker, đô thị mới nối liền đô thị cổ bằng mấy cây cầu beton hiện đại được trang trí hình tượng điều khắc thời Angkor. Sự “tương phản” kiến trúc truyền thống và hiện đại hai bên bờ sông làm cả hai đô thị cũ và mới đẹp hơn, dân cư đông hơn mà không chật chội, thành phố phát triển mà không đánh mất quá khứ cho thấy lịch sử và văn hóa được bảo tồn và trân trọng.

Thủ đô Phnom Penh đã thay đổi khá nhiều. Công trình đang xây dựng khắp thành phố, nhiều nhà cao tầng hiện đại mọc lên nhưng quanh Hoàng cung và khu quảng trường trung tâm (đài Độc lập, tượng nhà vua, đài Hữu nghị...) cảnh quan được giữ gìn khá nguyên vẹn. Thành phố Phnompenh cổ xưa xây dựng bên bờ sông Tonle Sap (một đoạn của sông Mekong), lấy Hoàng cung làm trung tâm, khu vực xung quanh được quy hoạch từ khoảng đầu thế kỷ 20 nay trở thành “đô thị cổ” kiểu Pháp. Đô thị hóa bắt đầu phát triển ở một vùng có địa thế giống như bán đảo Thủ Thiêm ở TPHCM nhưng hầu như chưa có dân cư sinh sống, người địa phương gọi là “dòng sông bốn mặt”: đó là nơi dòng chính Mekong gặp nhánh Tonle Sap rồi tiếp tục đổ về Việt Nam bằng hai nhánh lớn Mekong và sông Batsac (Tiền giang và Hậu giang). Một thành phố mới đối diện đô thị cổ đã mọc lên những công trình cao tầng hiện đại, kiểu dáng kiến trúc đẹp nhưng không xây dựng dày đặc mà vẫn có không gian để phóng tầm nhìn ra khúc sông bốn mặt rộng mênh mông... Nơi “tụ thủy” sẽ là nơi mang lại nhiều phúc lộc.

Ngày cuối cùng tại Phnompenh đoàn chúng tôi đến tham quan quần thể tượng đài Win – Win (cùng Thắng) mới khánh thành ngày 29.12.2018 nhân kỷ niệm 20 năm kết thúc nội chiến và thực hiện thành công chính sách Thắng - Thắng dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Techo Hun Sen. Với diện tích khoảng 8ha, quần thể Tượng đài Win – Win nằm đối diện với khu liên hợp thể thao Morodok Decho thuộc phường Bak Kheng, quận Chroy Changvar, thủ đô Phnompenh. Tượng đài này ghi nhận ý nghĩa to lớn của việc thực hiện chính sách Thắng - Thắng trong công cuộc kiến tạo hòa bình, thực hiện hòa hợp dân tộc cho đất nước Campuchia.

Sau cuộc tổng tuyển cử do Liên hợp quốc tổ chức năm 1993, Campuchia vẫn chưa thực sự có hòa bình trọn vẹn do lực lượng Khmer Đỏ, với sự hậu thuẫn của một số phe phái trong nước và nước ngoài, vẫn tiếp tục tồn tại và gây bất ổn ở nhiều địa bàn. Trước tình hình đó, Thủ tướng Hun Sen và các nhà lãnh đạo Đảng Nhân dân Campuchia đã nghiên cứu và đề ra chính sách Thắng - Thắng nhằm làm tan rã bộ máy tổ chức chính trị-quân sự của Khmer Đỏ, đưa những người ủng hộ lực lượng này quay trở về với Chính phủ. Đối với sĩ quan, binh lính và những người ủng hộ Khmer Đỏ quy hàng, Chính phủ bảo đảm về an toàn tính mạng, nghề nghiệp, tài sản, đồng thời tạo điều kiện cho họ tái hòa nhập với đời sống xã hội. Chỉ sau hai năm thực hiện từ 1996-1998, hầu hết các cựu chỉ huy Khmer Đỏ cùng binh lính và gia đình đã chính thức giao nộp vũ khí, xin được đứng dưới ngọn cờ hòa hợp dân tộc của Thủ tướng Hun Sen và Đảng Nhân dân Campuchia. (*)

Tượng đài Win – Win của Campuchia làm tôi nhớ đến câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Nguyễn Duy “phe nào thắng thì nhân dân cũng bại” nhưng ở một ý nghĩa khác: chỉ khi nào cả hai phe “cùng thắng” thì chiến thắng mới thực sự và trọn vẹn, vì dân tộc thoát khỏi nạn diệt chủng, đất nước thoát khỏi cuộc nội chiến và sự chia rẽ về tinh thần. Không có sự trả thù trên diện rộng mà chỉ nhằm trừng trị lãnh đạo cao cấp của Khmer đỏ, nhân dân không nuôi dưỡng và bộc lộ sự căm thù đồng bào mình, ngay cả ở những người đã mất hết gia đình vì Khmer đỏ... Có lẽ vì vậy mà những người dân Campuchia tôi gặp, trong đó có không ít người là nạn nhân của nạn diệt chủng - nhớ lại một thời khủng khiếp và luôn day dứt: vì sao đất nước họ lại phải trải qua “kiếp nạn” kinh hoàng như vậy? Tự hỏi để rồi vượt qua nỗi đau, vượt qua hận thù với lòng khoan dung vì mình thoát chết còn người khác không còn phạm tội giết người, đó là một may mắn lớn. Vì vậy, tất cả cùng vun đắp một “nghiệp” mới cho “kiếp sau” an lành hơn, như giáo lý Phật giáo mà hầu hết người Campuchia được giác ngộ từ nhỏ.

Bốn mươi năm đã qua kể từ năm 1979, dấu ấn và chứng tích của “nạn diệt chủng” chỉ còn lưu giữ trong vài di tích - nhà bảo tàng ở một số nơi, nhưng lịch sử không bị “bỏ quên”: ngoài di sản kiến trúc như những khu đền cổ, chùa tháp luôn được bảo tồn, tôn tạo thì tại thủ đô Phnompenh và nhiều tỉnh thành đã dành vị trí đẹp, rộng rãi để xây dựng tượng đài hữu nghị Việt Nam – Campuchia với hình tượng hai người lính Việt – Cam và một phụ nữ Cam bế em nhỏ trên tay. Vào những ngày lễ lớn chính quyền và nhân dân địa phương thường đến đây đặt vòng hoa tưởng niệm... Sự quý trọng di sản văn hóa xa xưa là cầu nối để tôn trọng lịch sử mới vừa trải qua. Người dân ở nơi nào trên đất nước Campuchia cũng “côi cút làm ăn toan lo nghèo khó” hồn hậu và chất phác như người dân Việt Nam, những người lính Việt Nam hay Campuchia đều là con em những người dân như vậy. Họ đã trải qua tháng năm hy sinh khắc nghiệt nhất nhưng họ cũng là những người thấm nhuần đạo đức truyền thống “làm ơn không nên kể chịu ơn chớ nên quên”. Chính tình cảm và đạo lý của nhân dân đã kết nối và sẽ bảo vệ tình hữu nghị bền chặt hơn bất cứ “chính trị” nào.

Nạn diệt chủng và cuộc nội chiến trong quá khứ vẫn còn là một vết thương nhưng không bị khoét sâu hơn nữa mà đang được làm lành bằng mọi cách... Sự thay đổi nhanh chóng của Campuchia trong hai mươi năm qua là kết quả trực tiếp từ chính sách và việc thực hiện hòa hợp hòa giải cùng nhiều chính sách đối nội, đối ngoại của chính quyền. Tất cả tạo nên sức mạnh âm thầm nhưng bền bỉ để thay đổi đất nước.
Tháng Tư trên đất nước chùa tháp tôi nhớ về tháng Tư của chúng ta, một tháng Tư vẫn còn đó ngổn ngang lòng người và di chứng từ hơn bốn mươi năm trước...

Sài Gòn 10.4.2019





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...