Tôi nhìn thấy Sài Gòn
lần đầu tiên là vào một tối tháng 5-1975.
Khi đoàn xe đưa chúng tôi –
những người Hà Nội - vào đến Biên
Hòa, trên xe có tiếng nói như reo: “Xa lộ Biên Hòa kìa!”.
Mọi người nhìn ra ngoài: một con
đường rất lớn và thẳng tắp, lại được chia đôi bằng… bức tường thấp, trông thật lạ lùng. Trên xa lộ khi ấy không có đèn nhưng
xe hơi lao vun vút, ánh sáng như sao sa. Qua cầu Phan Thanh Giản (nay là cầu Điện
Biên Phủ) đường phố Sài Gòn hiện ra với xe máy, xe đạp mini, những cô gái tóc
dài buông xõa thong thả trong tà áo dài hay chiếc đầm ngắn, các anh thanh niên
“cao nhòng ốm nhom” quần loe áo sơ mi bó sát, những hàng quán đèn màu rực rỡ…
Đêm đó chúng tôi nghỉ
lại trong một tòa nhà trên đường Hàm Nghi, sáng sớm thức giấc bởi tiếng lao xao
của khu Chợ Cũ. Một quanh cảnh không quá “phồn vinh” như những gì tôi được nghe
nói về Sài Gòn, nhưng
có gì đó mang lại cảm giác thật bình dị, dễ gần. Những tháng sau đó tôi tiếp tục
đi học và có nhiều bạn bè ở trường, ở hẻm phố nơi tôi sống.
Tôi quen dần với Sài
Gòn qua những người Sài Gòn chân thành và lịch thiệp: từ dì bán hàng trong chợ
đến bác xích lô bên đường, từ ông công chức đến cô giáo… Tôi quen dần với cơn
mưa Sài Gòn đến nhanh và đi cũng nhanh, để lại không khí tươi mát cho thành phố
những ngày nắng nóng. Với tôi, khí hậu thời tiết cũng như tính cách người Sài
Gòn thật là dễ chịu. Dù vẫn hoài niệm về Hà Nội của thời thơ ấu với bốn mùa
xuân hạ thu đông nhưng Sài Gòn hai mùa mưa nắng rõ ràng đã trở thành nỗi nhớ mỗi
khi tôi xa thành phố.
Sài Gòn khi ấy là nhạc
Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An… qua dàn Akai vang lên trong những
quán cà phê, hay bản vọng cổ, điệu bolero trong hẻm nhỏ nơi xóm nhà lá… Sài Gòn
là một đô thị rất lớn và đang còn nhiều bề bộn trong những ngày mới thay đổi
nhưng bên trong vẫn giữ được khoảng lặng để chiêm nghiệm về thân phận con người
từng mong manh trong cuộc chiến. Sài Gòn khi ấy là đô thị thương mại hàng hóa
ngập tràn, những ngôi chợ lớn nhỏ khu vực nào cũng có, những thương xá rực rỡ
luôn tấp nập ngày đêm. Mua bán nơi sang trọng hay bình dân đều thân thiện “mua
giùm bán giúp”...
Rồi những năm sau,
nhiều bạn bè tôi ra đi, những người còn lại đều chịu đựng thời bao cấp khó khăn
như nhau và chia sẻ cho nhau nhiều hơn…
Hơn bốn mươi năm qua,
Sài Gòn có quá nhiều thay đổi nhưng ký ức đầu tiên về Sài Gòn luôn còn đó,
không hề thay đổi. Vì với tôi Sài Gòn là quê hương.
Từ đó đến nay, bao nhiêu tháng Tư đã trôi qua…
Có một tháng Tư, tôi hẹn
gặp bạn từ xa về. Chúng tôi tuy xuất thân từ “hai phía” nhưng
thân thiết với nhau từ ngày đầu gặp nhau ở Sài Gòn, sau
này bạn ra đi nhưng vẫn còn đó sự chân thành và cảm thông khi nhìn về quá khứ, “để
cho con trẻ mai này còn được ngồi bên nhau, chúng ta nhẹ nhõm hơn mỗi khi gặp
lại”. Lần này gặp lại nhau ai ngờ là lần cuối, vì
sau đó bạn ra đi mãi mãi. Nhưng tôi tin rằng sau này ở trên cao xanh chúng tôi vẫn
là những người bạn thân, dù mỗi năm tháng tư vẫn đến.
Có một tháng Tư
khác, người
bạn vong niên của tôi, một cựu binh Sài Gòn, nói
với tôi trong
quán cà phê xung quanh vẫn hầm hập chuyện những ngày tháng Tư năm cũ:
đã buông thì hãy bỏ, cho nhẹ lòng! Cuộc sống vẫn tiếp tục, hãy để cho quá khứ
đi qua, dù ta không thể quên thì nó là thứ duy nhất mà ta không thể nào thay
đổi được. Tốt hơn là hãy cùng làm những điều tốt đẹp
cho tương lai.
Những người cựu binh bên này bên kia mà tôi
biết, họ đã trải qua những năm tháng nóng bỏng nhất
của cuộc chiến. Dường như qua tuổi “tri thiên mệnh” họ đã
chiêm nghiệm được một điều đơn giản: qua tháng Tư oi bức, những cơn mưa rào tháng
Năm sẽ đến…
Những ngày cuối tháng
Tư vẫn là những ngày nắng nóng cao điểm, nhưng đây đó Sài Gòn đã có cơn mưa đầu
mùa. Khi thật lòng mong đợi những cơn mưa thì không khó để nhận ra cơn gió mát
mang theo hơi ẩm cùng đám mây trĩu nước đã bay về, và tiếng sấm ầm ì báo hiệu mùa mưa đang về thành phố.
29.4.2019 Nguyễn Thị Hậu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét