HÀNG CÂY LÁ XANH GẦN VỚI NHAU...
Nguyễn Thị Hậu
(TBKTSG) - Câu hát trong ca khúc Mưa hồng của Trịnh Công Sơn đã mang lại cho những cơn mưa vẻ lãng mạn đẹp lạ lùng. Nghe bài hát này tôi luôn nghĩ về cơn mưa Sài Gòn mau tới mau tạnh, gió ào ạt mưa cũng ào ạt làm cho “đường phượng bay mù không lối vào, hàng cây lá xanh gần với nhau”, và con người bỗng nhận ra “Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ”.
Vậy đấy, những hàng cây luôn gắn bó với những con đường, những ngôi nhà, với những con người thành phố.Ai cũng hiểu cảnh quan đô thị không thể thiếu những hàng cây cao vút tỏa bóng mát tạo khoảng xanh bình yên... Mỗi thành phố, vô tình hay hữu ý, có loại cây đặc trưng riêng, như Hải Phòng “thành phố hoa phượng đỏ”, Hà Nội “mùa hoa sữa”, Sài Gòn “cánh hoa dầu xoay tít bay bay”... Trải qua thời gian, môi trường biến đổi, quy hoạch đô thị thay đổi, cây xanh trong thành phố trở thành chứng nhân của sự thay đổi ấy.
Hệ sinh thái đô thị ngoài thành phần hữu cơ và vô cơ còn có thành phần thứ ba là những gì con người xây dựng nên. Đô thị càng hiện đại, càng mở rộng thì các yếu tố tự nhiên càng mất dần vì không gian dành cho thiên nhiên bị thu hẹp. Môi trường khí hậu đô thị thay đổi do sự can thiệp của con người bằng vật liệu xây dựng và tiện nghi sinh hoạt hiện đại, do bị ô nhiễm từ nguồn nước, rác thải, khói bụi, tiếng ồn... chưa kể sự biến đổi khí hậu toàn cầu. Hệ thống cây xanh cần được nhận thức và đối xử xứng đáng với vai trò quan trọng của nó, bởi vì đây là thành phần mang lại nguồn lợi cho sức khỏe con người, bảo vệ môi trường và cải thiện không gian sống, giảm thiểu tác hại của khí thải độc hại và các nguồn ô nhiễm. Ở xứ nhiệt đới hai mùa mưa nắng như đô thị Sài Gòn thì những nơi trồng cây không bị bê tông hóa còn như “nhà máy” lọc và tích trữ nước ngầm...
Cây xanh còn được sử dụng phổ biến trong kiến trúc và tạo cảnh quan. Những tính chất của cây xanh như hình dạng (tán lá, thân cây), màu sắc (lá, hoa, thân cây, trạng mùa của lá...) là những yếu tố trang trí làm tăng giá trị thẩm mỹ của công trình kiến trúc cũng như cảnh quan chung. Ở nhiều đô thị các bụi cây thấp, bờ giậu, đường viền cây xanh trang trí trong vườn hoa công viên còn có tác dụng định hướng cho người đi bộ. Hàng cây bên đường, nhất là vào ban đêm, các gốc cây có quét sơn phản quang là những tín hiệu chỉ dẫn cho người đi lại.
Cây xanh thân thuộc hữu ích với cư dân đô thị là thế, vậy nhưng chúng ta đã đối xử như thế nào? Chiều nay đọc báo thấy tin hàng cây xà cừ lâu năm trên đường Láng ở Hà Nội đã bị đốn hạ vì công trình đường sắt trên cao. Rồi một bạn viết trên Facebook “Hàng cây thuộc loại đẹp nhất của Sài Gòn nằm trên đường Nguyễn Văn Cừ đang dần mất đi. Những cây to mấy người ôm đang bị đào tận gốc, trốc tận rễ, cưa thành từng khúc..."
Không hiếm những hành vi “giết” cây như đào rễ, đổ axit, chặt cụt ngọn cây... chỉ để chiếm lấy vài mét vuông vỉa hè trước cửa nhà để buôn bán. Rồi mưa giông làm gãy cành trốc gốc vì cây không được chăm sóc thường xuyên, bên trong đã bị mối đục rỗng cả... Cứ vậy mỗi ngày những cây cổ thụ xanh cứ mất dần, đô thị phô phang những khối bê tông tường kính, con người lọt thỏm vào sắt thép, ngày càng trơ trụi và khô cằn.
Để “bù lại” bây giờ người trồng cây gì? Rất hiếm thấy trồng mới loại cây thân gỗ, cây lâu năm để sau này thành phố lại có những hàng cây cổ thụ tỏa bóng mát. Phần nhiều là cây tạo cảnh, cây cắt xén, cây dây leo... tốn công chăm sóc nhưng cây không lâu bền, chỉ một thời gian ngắn phải thay thế. Chưa kể nhiều bùng binh vòng xoay trồng hoa theo kiểu xếp các giỏ hoa, vài bữa bốc lên xếp giỏ khác vào... Lại có lúc có nơi đua nhau trồng cây hoa sữa dù chẳng hợp thời tiết, làm cư dân nơi ấy khốn khổ vì mùi hoa sữa - mà ngay ở Hà Nội vào mùa thu, đoạn đường nhiều hoa sữa cũng làm khổ cho cư dân ở đó bởi cái mùi hắc nồng của nó. Cây ở đô thị trồng theo “phong trào” như thế sẽ chẳng bao giờ có được một đô thị xanh.
Thôi thì không trồng cây lâu năm thì hãy trồng loại cây có hoa, tạo ra “thương hiệu” như Nhật Bản với mùa hoa Sakura nổi tiếng. Hà Nội giờ trồng nhiều bằng lăng, ngày đầu hè nhiều con đường tím ngát nao lòng. Còn Sài Gòn sẽ trồng cây gì, “hoàng hậu bông vàng” (bò cạp nước) từng chùm nở bung vàng tươi trong nắng có lẽ là một sự lựa chọn hay. Mà đâu chỉ cần làm đẹp cho những con đường, còn hai bên bờ những dòng kinh con sông trong thành phố nữa. Cần tạo “thương hiệu xanh” cho từng thành phố, bởi vì một thành phố xanh và đẹp giúp con người yêu thiên nhiên và sống tốt hơn, cả sức khỏe và tinh thần.
Ông bà mình luôn ví cây với người: “Dụng nhân như dụng mộc”, “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Nhìn cách trồng cây có thể biết cách “trồng người”. Nhìn cách đối xử với cây có thể biết con người có được quý trọng hay không. Hình như luôn có sự tương đồng như thế.
http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/116435
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH
Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...
-
Người Việt có một số thành ngữ và sự tích liên quan đến cá trê, như truyện Trê Cóc chẳng hạn. Câu chuyện không chỉ là việc Trê tranh giàn...
-
Một người bạn fb bất ngờ ra đi. Post bài thơ rất hay của bạn. Tôi biết Cao Hải Hà qua mạng Yahoo blog và sau là FB. Vài lần gặp Hà ở chỗ ...
-
Xem lại phim này, suy nghĩ khác hẳn ngày trước. Trước, cảm động vì mối tình của cha Ralph và Mecghi, cho rằng đàn bà yêu thì phải hết l...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét