Nguyễn Thị Hậu
Trên các phương tiện truyền thông của
nhà nước thường nhận thấy một hiện tượng là, bất cứ khi nói về một công trình
dân sinh nào được xây dựng, một việc làm phục vụ tốt cho dân, thì luôn có ngưới
dân phát biểu ý kiến mở đầu bằng câu “nhờ ơn Đảng ơn chính quyền…”, và chính
tác giả bài báo, phóng sự cũng viết “nhờ sự quan tâm sâu sát của cấp ủy, sự
nhiệt tình giải quyết của lãnh đạo địa phương…”. Đặc biệt đối với những vùng
sâu vùng xa, nơi nghèo khó thì điều này lại càng được nhấn mạnh!
Nghe riết thành quen mà vẫn không sao
thoát khỏi cảm giác gờn gợn: tại sao và từ khi nào mà nhiệm vụ chức năng của
chính quyền là phục vụ người dân lại trở thành “ơn trên mưa móc” như vậy?
Từ đường lối phát triển vĩ mô đến việc
vi mô là giải quyết các vấn đề dân sinh, an sinh đều là trách nhiệm của nhà
nước. Không chỉ đề ra đường hướng và tập hợp các nguồn lực từ nhà nước, tư nhân
hay cộng đồng mà phần nhiều hạ tầng cơ sở và công trình công cộng đều do nhà
nước phải đảm trách, vì tính chất phục vụ quốc gia hoặc liên vùng của những
công trình này. Những nơi nghèo đói là nơi nhà nước càng cần phải làm mọi việc cụ
thể sao cho dân bớt nghèo bớt khổ. Một con đường, một cây cầu, một trạm xá một
trường học… là những cơ sở tối thiểu mà chính quyền phải cung cấp cho người
dân. Ấy vậy mà có khi các nhóm thiện nguyện hay người dân đóng góp tiền bạc
công sức làm đường xây trường vẫn phải xin phép chính quyền, và ngày khánh
thành không thể không có mặt các vị lãnh đạo và vài lời “kể công” về sự “quan
tâm tạo điều kiện giúp đỡ”!
Cũng vậy, việc đền ơn đáp nghĩa là đạo lý ngàn đời của dân ta.
Nhưng “của cho không bằng cách cho”, một ngôi nhà đơn sơ mà gắn tấm bảng “nhà
tình nghĩa, nhà tình thương” nghe như lời nhắc nhở phải “nhớ ơn”, hơn thế, còn là
một gánh nặng hơn nhiều lần! Bởi vì, cũng là đạo lý của dân ta “của biếu là của
lo, của cho là của nợ”!
Khi người dân nói lên sự cảm kích của
mình thì nhà nước mà người đại diện là chính quyền cũng không thể mặc nhiên
chấp nhận “lòng biết ơn” đó. Ngược lại, cần phải nhận lỗi vì đã để tình trạng
tồi tệ xảy ra, hoặc vì không giải quyết kịp thời, hoặc đã không lường trước
được những hậu quả xấu thì trách nhiệm đầu tiên vẫn là của chính quyền. Cho nên
kịp thời sửa sai là trách nhiệm và đạo đức của chính quyền, nhân dân có quyền
đòi hỏi điều đó. Bởi vì nhà nước sinh ra để làm gì nếu như không mang lại cuộc
sống yên ổn và đầy đủ cho nhân dân?!
Ngược lại với sự “kể công” phổ biến
thì việc các “công bộc” thời nay cần phải biết ơn người dân hầu như lại là một
khái niệm xa lạ!
Thời chiến tranh, giữa cái sống cái
chết cách nhau gang tấc, có khi sinh mạng một người cộng sản phải đổi bằng sinh
mạng hàng chục người dân, lúc đó người ta biết ơn những người cứu mạng cho
mình. Nay, có được chức này tước kia ít người nghĩ rằng mình đang mang gánh
nặng là phải trả ơn sự hy sinh của nhân dân, mà chỉ coi địa vị là quyền lợi của
mình và gia đình, hơn nữa, còn cho đó là đặc quyền đặc lợi.
Có quyền trong tay nên gây thất thoát
hàng chục ngàn tỷ đồng, tham nhũng hàng ngàn tỷ, tham ô cỡ hàng trăm triệu có
lẽ tính không hết! Mức độ lãng phí đi cùng với tham nhũng ngày càng trầm trọng,
không cần che dấu lén lút mà công khai: những công trình, công ty ngàn tỷ mà khi
quyết định xây dựng hay phế bỏ các vị “công bộc” coi như “tiền chùa”. Hầu hết
đó là những doanh nghiệp nhà nước, công sở, tượng đài, cầu đường… vừa xây xong
chỉ thời gian ngắn thì hư hỏng hoặc sử dụng không hiệu quả. Lãng phí, tham
nhũng và vô trách nhiệm phải coi là một trọng tội, bởi vì nó tàn phá đất nước,
tiêu diệt lòng tin của con người và sự tử tế trong xã hội.
Những người biết suy nghĩ đều nhớ lời dạy của
tiền nhân “Làm ơn thì đừng nên nhắc, chịu ơn thì chớ nên quên”. Nhưng có lẽ đối
với các vị “công bộc” đang phung phí tài sản thiên nhiên và nhân tạo của quốc
gia, tiêu xài vô tội vạ từng đồng tiền thuế đổi bằng mồ hôi nước mắt của người
dân, tham nhũng tích lũy của cải cho bản thân, gia đình và phe cánh, cần thiết phải
đóng một tấm bảng đồng lên mỗi ngôi nhà và dựng bia đá tại các công trình mà họ
đang ngự trị “ĐÂY LÀ NHÀ Ở, CÔNG TRÌNH CÓ ĐƯỢC TỪ MÁU CỦA NHÂN DÂN”.
Hàng ngày nhìn thấy lời nhắc nhở như
vậy may ra “công bộc” mới thấy hết những
món nợ rất lớn của họ đối với nhân dân.
THỚI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN 18/8/2016
Ngay cả công việc cũng vậy, thưa cô! Cả đám ráng cày xong việc, may mắn có chút thưởng bèo bọt, lời phát biểu cũng phải có câu: "nhờ sự quan tâm chỉ đạo của các cấp...". Riết rồi câu đó giống như hô khẩu hiệu!
Trả lờiXóaVâng, một - như nhiều - khẩu hiệu trống rỗng :)
Trả lờiXóa