SÀI GÒN – TP. HỒ CHÍ MINH VÙNG ĐẤT NGHĨA TÌNH

1.

Thành phố Hồ Chí Minh là một trung tâm kinh tế - văn hóa, nơi được nhiều người coi là “miền đất hứa” vì tạo ra nhiều cơ hội kiếm sống, những việc làm có thể nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Nơi đây luôn thu hút hàng triệu người từ địa phương khác, trở thành nguồn lao động dồi dào và đóng góp lớn cho sự phát triển của thành phố. Thế nhưng trong thời gian đại dịch Covid-19 hoành hành ở thành phố vừa qua, hàng triệu lao động nhập cư đã phải trở về quê hương trong tình trạng cùng kiệt vì hầu hết chưa được chích ngừa vac – xin và bị thiếu đói nhiều ngày. Cho đến nay khi người lao động từ các tỉnh chưa quay lại thì nguồn nhân lực của thành phố vẫn chưa được phục hồi.
Đại dịch là tình trạng bất thường nhưng để lại hậu quả lâu dài. Thành phố Hồ Chí Minh đang phải khắc phục những hậu quả ấy chủ yếu bằng nguồn lực của chính mình dù bị tổn thương nghiêm trọng. Sẽ bắt đầu như thế nào và từ đâu, để thành phố lại có sức hấp dẫn, thu hút nguồn nhân lực từ nhiều nơi đổ về như trước? Thành phố Hồ Chí Minh có còn là vùng đất mở và nghĩa tình, luôn dang tay “ôm đón” người dân tứ xứ về dựng nghiệp, mưu sinh?
Từ những bước chân khai khẩn của lưu dân hàng trăm năm trước đến nay, Nam bộ nói chung và Sài Gòn nói riêng luôn là một vùng “đất lành chim đậu”. Vùng đồng bằng ấy, nơi đô thị ấy là “đất lành” không hẳn vì được “thiên nhiên ưu đãi”, bởi có nơi nào con người không phải chống chọi và thích ứng với thiên nhiên để tồn tại và phát triển? Kinh nghiệm biến đất dữ thành đất lành của người Nam Bộ là thích nghi, hòa hợp, chấp nhận khác biệt của hoàn cảnh mới, “tứ hải giai huynh đệ” chân thành giúp đỡ bao bọc những người đến sau như đàn chim giúp nhau cùng xây tổ mới.
2.
Cho đến nay, sự hội tụ nhân lực từ mọi miền, mọi nguồn gốc, nhiều thế hệ cư dân Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh đã duy trì và gắn kết các mối liên hệ xã hội, trong đó có quan hệ làm ăn. Sự gắn bó chia sẻ này là động lực tinh thần giúp người nhập cư sớm “an cư lạc nghiệp”, góp phần phát triển vùng “đất lành”. Sức sống của Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh luôn tươi mới và tràn đầy năng lượng là nhờ vậy.
Nhiều nghiên cứu khoa học đã cho biết mức độ đóng góp ngày càng quan trọng của lao động nhập cư cho sự phát triển của các đô thị. Bên cạnh nhân lực “chất xám” thì lao động giản đơn hay các ngành dịch vụ là một phần không thể thiếu của đời sống đô thị. Từ nhiều năm nay chính quyền TP. Hồ Chí Minh đã có sự quan tâm đến hệ thống an sinh xã hội cho người dân thành phố, tuy nhiên chưa thể “phủ sóng” rộng khắp và đáp ứng nhu cầu của phần lớn người lao động. Đặc biệt về nhà ở, chăm sóc y tế, điều kiện giáo dục cho người lao động nhập cư và con em của họ là những vấn đề thành phố luôn phải đối mặt, mỗi năm một khó khăn hơn, đồng thời với các vấn đề cấp bách của hạ tầng đô thị.
Đại dịch covid – 19 vừa qua đã cảnh báo thực chất hệ thống an sinh ở các thành phố trong tình trạng mong manh và cực kỳ dễ bị tổn thương. Người lao động đến thành phố mang tâm thức “kiếm sống”, chưa “an cư” thì không thể “lạc nghiệp”. Khi tình trạng khẩn cấp xảy ra thì lập tức họ bị cắt đứt việc làm, nguồn thu nhập, những nhu cầu thiết yếu thiếu hụt... Trong điều kiện bất thường và rất phức tạp của một đô thị lớn, các chính sách, giải pháp an sinh cho tầng lớp này đã không đạt hiệu quả như dự kiến vì chưa phù hợp với thực tiễn! Hiện tượng hàng triệu người rời bỏ thành phố Hồ Chí Minh mà chưa biết khi nào trở lại không chỉ phản ánh tình trạng bất an của người nhập cư mà đó còn là dấu hiệu bất ổn của thành phố.
Để TP. Hồ Chí Minh tiếp tục là vùng ”đất lành chim đậu” không thể chỉ trông chờ vào sự quay lại của hàng triệu người lao động. Chính sách thời “hậu covid” của chính quyền cần ưu tiên các giải pháp cụ thể về hệ thống an sinh xã hội cho người lao động nói chung và người nhập cư nói riêng, nhằm hai mục tiêu, trước mắt khắc phục những bất cập về nhà ở, y tế đã xảy ra trong thời gian dịch bệnh. Tiếp đó là những điều kiện thuận lợi hơn về nhà ở, y tế, giáo dục và những vấn đề đời sống xã hội khác. Đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, “ký túc xá” tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, quy chuẩn hóa những khu vực “nhà trọ” của tư nhân... phục vụ điều kiện sinh hoạt cơ bản cho người lao động. Quy hoạch mạng lưới y tế cơ sở, trường học, hạ tầng điện nước, internet phục vụ sinh hoạt vật chất, tinh thần của người lao động và gia đình... Đó là những quyết sách mà thành phố Hồ Chí Minh cần thực hiện ngay để có thể thu hút nhân lực, thúc đẩy phục hồi kinh tế. Đặc biệt cần quan tâm điều kiện học hành của con em người lao động và người nhập cư, vì đây là nguồn nhân lực tương lai của thành phố. “Còn người còn của” ông bà mình đã đúc kết như vậy!
3.
Đại dịch covid – 19 còn phá vỡ “cái phao” cuối cùng của tầng lớp “người yếu thế” ở đô thị: các tổ chức thiện nguyện (trong và ngoài TP. Hồ Chí Minh) dù rất cố gắng nhưng cũng không đủ sức hỗ trợ cho nhu cầu ăn, ở tối thiểu của người nghèo và cận nghèo, người thất nghiệp trong tình trạng căng thẳng đến vài tháng. Chứng kiến thực trạng này nhiều người đã lo lắng đặt ra câu hỏi, sau đại dịch liệu người Sài Gòn còn có thể thực hiện những hoạt động thiện nguyện như trước nữa hay không? Riêng tôi, tôi tin rằng phẩm chất “thương người như thể thương thân” luôn được thể hiện một cách cụ thể và thiết thực của người Sài Gòn không bao giờ mất đi! Vì đó là bản chất của thành phố này, được hình thành từ lòng nhân ái của những con người tứ xứ đến đây qua hàng trăm năm trước cho đến hôm nay.
Để thích ứng với tình trạng “bình thường mới” của thế giới “hậu đại dịch” thì cả chính quyền và cộng đồng đều cần có sự thay đổi tư duy và hành xử. Thực hiện đúng vai trò chức năng của chính quyền cũng như các tổ chức xã hội trong việc đảm bảo an sinh cho toàn xã hội cũng như cho tầng lớp người yếu thế. Người dân nói chung và người lao động nhập cư nói riêng cần thấy mình trong chính sách của nhà nước, của thành phố một cách cụ thể và khả thi, thấy nhu cầu bức thiết của mình được chính quyền thấu hiểu và đáp ứng! Chính quyền luôn tạo “cần câu” cho người dân ổn định đời sống, các tổ chức dân sự hỗ trợ “con cá” trong tình huống bất ổn và khẩn cấp. Sự phối hợp chặt chẽ nhưng không thay thế vị trí vai trò của nhau thể hiện trách nhiệm chính yếu của chính quyền cũng như phát huy truyền thống tốt đẹp của cộng đồng.
Có thể nói quá trình đô thị hóa và làn sóng nhập cư là hai mặt gắn bó chặt chẽ, một thuộc tính của đô thị. Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều lợi thế để thu hút người nhập cư. Sự cởi mở, tạo điều kiện và chia sẻ cơ hội cho mọi người với tấm lòng nhân ái là một truyền thống đã được thử thách trong cơn đại dịch codid – 19 khắc nghiệt vừa qua.
#baotet2022 báo NGƯỜI LAO ĐỘNG XUÂN NHÂM DẦN






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...