Kim Yến phỏng vấn nhà
nghiên cứu Nguyễn Thị Hậu
Thế giới tiếp thị, ngày 7/10/2015
Là nhà nghiên cứu văn hóa luôn gắn liền với những điểm
nóng của thời cuộc, cái nhìn khách quan, tỉnh táo của chị về nông dân, nông
nghiệp và nông thôn chạm đến tầng sâu hơn của kiến trúc thượng tầng, đưa ra những
cảnh báo mang tính bản chất về những hụt hẫng của đời sống nhân văn. Vừa trở về
từ chuyến đi nghiên cứu giữ gìn di sản của Nga, Dubai, chị hiểu rằng sức mạnh
kinh tế lại xuất phát từ chính những khác biệt của văn hóa.
-
Suốt
những ngày qua, câu chuyện về nông nghiệp đang nóng lên trên mọi diễn đàn, số
tiền đầu tư vào nông nghiệp đang tăng với tốc độ chóng mặt, nhưng dường như ít ai
để ý đến vấn đề căn cốt là đời sống tinh thần của người nông dân?
-
Cơn lốc đô thị hóa đang tác động dữ dội
đến cấu trúc nông nghiệp. Chúng ta chỉ chăm chăm hiện đại hóa, đất đai bị thu hồi,
chuyển mục đích sử dụng, những đô thị nhỏ nhắn bình yên bỗng chốc trở thành
trung tâm. Lối sống nông thôn bị phá vỡ, nhưng văn hóa chưa kịp xây dựng, bị chắp
vá, tan vỡ như bức tranh nhiều mảng màu sáng tối của kinh tế. Từng có rất nhiều
dịp đi về nông thôn đồng bằng Nam Bộ, tôi thấy đồng ruộng vẫn còn đó, nhưng hồn
vía nông thôn không còn nữa, người nông dân cảm thấy bị mất gốc ngay trên mảnh
đất của mình. Điệp khúc được mùa vẫn khổ, phân bón, thủy lợi, nhân lực rất khan
hiếm, làm ruộng trong tâm trạng thấp thỏm, không biết mảnh đất này bao giờ chuyển
đổi, mùa tới sẽ thế nào?
-
Sự thấp thỏm, không yên tâm ngay trên mảnh
đất của mình thể hiện rõ nông dân, nông thôn, nông nghiệp rất bất an. Chưa kể ở
những khu vực đền bù đất đai xảy ra bất ổn từ gia đình đến xã hội. Người dân
không biết quản lý một số tiền lớn từ đền bù đất đai. Không ai đứng ra chăm lo
từ số vốn đó người nông dân sẽ chuyển đổi cung cách làm ăn của mình như thế
nào. Nhiều gia đình sau khi bán đất được một cục tiền thì…tan tác, rời quê
hương không biết làm gì. Không hề có thêm một chút tri thức nào để tạo ra cuộc
sống tốt hơn. Lên KCN làm công nhân mà không có tay nghề, chỉ bán sức lao động
rẻ mạt ở dây chuyền công nghệ đơn giản, họ rất dễ bỏ việc vì sức lao động của
người nông dân không thể tăng giá trị… Đó là vòng luẩn quẩn khiến cho các KCN –
vùng đô thị mới - cũng bất ổn.
-
Tất
cả sẽ tác động đến đô thị, người nhập cư sẽ nhiều hơn, gốc rễ nông nghiệp bị
lung lay, nông dân không coi nông nghiệp là phương thức sống của mình nữa?
-
Người làm lịch sử như tôi rất thắc mắc,
tại sao không bắt đầu công nghiệp hóa từ nông nghiệp? Thay vì tốn rất nhiều thời
gian, máy móc sẽ giúp cho người có thêm nhiều tri thức từ đó văn hóa được nâng
lên. Những máy móc để đỡ đần cho nông dân hiện nay hầu như được sáng chế từ những
kỹ sư chân đất. Khu vực Nam Bộ là điển hình sáng chế của nông dân, họ vô cùng vất
vả để mày mò chế tạo, sản xuất, rồi tìm kiếm, bản quyền ra sao cũng vô cùng khó
khăn.
Tại sao không đầu tư vào lĩnh vực
nông nghiệp? Với một nước xuất phát từ nông nghiệp, nguồn sống chính vẫn phải bằng
nông nghiệp. Bao nhiều trường, Viện kỹ thuật phải làm cho người nông dân được
hưởng lợi chứ.
Ở những nước công nghiệp tiên tiến
vẫn còn những cánh đồng đó chứ, tất cả quy trình gieo trồng và bảo quản sau thu
hoạch đều có kỹ thuật hỗ trợ.
Tôi hiểu bên cạnh đó còn vấn đề sở hữu
ruộng đất nữa, nhưng kỹ thuật là cái bổ sung rất nhiều cho nông dân, vì nếu chỉ
bán sức một cách đơn giản cho trời, cho dây chuyền sản xuất thì sẽ không thể thay
đổi văn hóa, nhận thức. Đó là bài học mà rất nhiều nước đã thực hiện như Thái
Lan. Tỷ trọng nông nghiệp TháiLlan rất lớn, nhưng đầu tư rất bài bản về kỹ thuật,
không phụ thuộc vào trời đất như chúng ta.
Vậy con đường công nghiệp hóa với một
đất nước nông nghiệp đã đi đúng hướng hay chưa? Chúng ta có thực sự quan tâm đến
đời sống của 80% nông dân? Hay chỉ là thay đổi bề ngoài cảnh quan, còn gốc rễ
không thay đổi tích cực? Chia sẻ với nhiều học viên, tôi nhận được sự đồng cảm
của rất nhiều người về thắc mắc ấy.
-
Chưa
có đất nước nào mà tỷ lệ mắc bệnh ung thư nhiều như ở Việt Nam, nguyên nhân chủ
yếu là do thực phẩm nhiễm độc tràn lan và không thể kiểm soát, khó nhất phải
chăng là thay đổi ý thức làm nông?
-
Cuộc cách mạng về kỹ thuật, máy móc chỉ
là bên ngoài, nhưng nếu con người không có ý thức, chạy theo lợi nhuận bằng mọi
giá thì thực phẩm bẩn, bị ô nhiễm, thuốc tăng trọng… vẫn qua thực phẩm đến bao
tử người tiêu dùng. Không thể đổ thừa cho cơ chế chung chung, mà do ứng xử văn
hóa con người với con người cực kỳ có vấn đề. Chưa bao giờ sự lạnh lùng, bất chấp
hậu quả lại trở thành phổ biến, tràn lan như bây giờ. Ai cũng biết, cũng kêu,
nhưng chỉ chấp nhận một cách rất… AQ. Tâm trạng không thể không ăn, đằng nào
cũng chết! Vì sao lại đến mức như thế?
-
Nói cho cùng mặt bằng dân trí chung 40
năm qua chưa được cải thiện nhiều. Ý thức tự giác với cộng đồng, lương tâm,
trách nhiệm, nghĩ đến người khác dường
như không được giáo dục. Nó lan rộng như một thói quen, dột từ nóc dột xuống.
Người lớn mà không có trách nhiệm với cộng đồng thì người ở dưới làm sao không làm
chuyện thiếu lương tâm, từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn. Đây là hậu quả của một nền
giáo dục không chỉ ở nhà trường mà toàn xã hội. Vốn xã hội bị hao hụt rất nhiều
mà không ai có câu hỏi làm thế nào để bù đắp.
-
Phải chăng vì chúng ta quá chạy theo mục
tiêu GDP, mọi thứ khác không quan tâm. Ứng xử với thiên nhiêm vô văn hóa thì
làm sao có thể tồn tại trong môi trường thiên nhiên đầy biến động? Mối quan hệ
giữa kinh tế và văn hóa, chỉ dừng ở văn bản, còn trong thực tiễn, kinh tế cứ
phóng về phía trước, còn văn hóa ở đâu, diện mạo thế nào thì không được quan
tâm. Văn hóa phải thích ứng thế nào với xã hội hiện nay cũng không dễ hình dung
ra được.
-
Mình luôn cho rằng “nước ta có lợi thế
người đi sau”, đi sau là phải học kinh nghiệm từ sai lầm của người đi trước chứ
không chỉ học, sử dụng kết quả đã có. Nếu chỉ hành động theo kiểu “đi tắt đón đầu”
thì chỉ học được cái ngọn mà không biết dưới gốc có lỗ hổng, làm sao phát triển
bền vững được? Muốn kinh tế bền vững thì gốc rễ văn hóa phải dược xây dựng bài
bản. Bài học kinh nghiệm của lịch sử là phải chỉ ra sai lầm người đi trước,
không thể chỉ là ca ngợi thành tựu người đi trước. Càng nghiên cứu về lịch sử,
văn hóa, càng thấy tư duy “đi tắt đón đầu” chỉ cần thấy kết quả là rất nóng vội,
duy ý chí, có gì đó phù hợp với tâm thức luôn tìm kiếm trông chờ thần tượng,
anh hùng… Đó là tâm lý chưa trưởng thành của con người.
-
Vừa
trở về sau chuyến tìm hiểu cách gìn giữ di sản của nước Nga hôm nay, chị chiêm
nghiệm ra điều gì?
Dù thời gian rất ngắn, mọi điều tôi thấy
cũng rất lớt phớt, nhưng phần nào tôi có thể tự lý giải về sức hút của nước Nga
với nhiều người chỉ có thể bắt nguồn từ văn hóa, khiến cho người ta yêu, bất chấp
mọi nghịch cảnh. Văn học Nga là một điển hình, những tác phẩm cổ điển và những
tác phẩm hiện đại thể hiện con người Nga hồn hậu, lãng mạn, trẻ thơ – đó là những
gì thuộc về “bản năng” của con người mà đời sống làm nó mất đi, người ta lại
luôn muốn tìm kiếm lại. Các bộ phim, hội họa cũng thế. Nói về đời sống nông
thôn Nga, theo tôi Sekhop là người chạm vào “đau nhất”. Nhiều nhân vật của ông là
tầng lớp điền chủ có học, họ thương xót và trăn trở thực sự với đời sống người
nông dân, tri thức trong họ thể hiện thành trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng
nhỏ là trang trại của họ, và những tác phẩm của nhiều văn hào Nga khác đã vẽ
nên một tầng lớp điền chủ có tri thức mà trong đó nhiều người đã bước ra xã hội.
Nông thôn Việt Nam thiệt thòi lớn là mất
hẳn tầng lớp điền chủ. Ngày xưa, các điền chủ Nam Bộ chính là tầng lớp gìn giữ
nền tảng văn hóa Nam Bộ. Cách họ hiểu và tôn trọng tri thức, chuyện họ làm việc
nghĩa là trách nhiệm của người có học. Rất tiếc không ai nghiên cứu về gia thế
điền chủ Nam Bộ. Cho người nghèo một đống tiền mà không cho họ tri thức thì có
khi lại làm khổ chính họ. Tư duy coi nông thôn chỉ là nơi khai thác là sai lầm
hoàn toàn, phải nuôi dưỡng nó để có sức tồn tại, không để thành vùng trũng về
văn hóa giáo dục như thực trạng ở đồng bằng Nam bộ hiện nay!
Quay trở lại văn hóa Nga, một đất nước rất
đẹp, đầy thăng trầm như thế. Sau Pie đệ Nhất, nền văn hóa được phục sinh, nước
Nga mới rửa mặt được với thế giới. Chuyện xây dựng thành phố, các nhà thờ, cung
điện, nước Nga đều mời những kiến trúc sư giỏi nhất của thế giới. Mời người giỏi
của thế giới vể để quy hoạch thành phố chính là ứng xử văn hóa, tạo ra dấu ấn
văn hóa. Ấn tượng lớn nhất với tôi là các nhà thờ Nga, mỗi nhà thờ là một câu
chuyện về văn hóa, lịch sử, kiến trúc, hội họa…được hồi sinh chỉ gần 20 năm
nay, cùng bao sử liệu liên quan đến nhà thờ, một yếu tố văn hóa tôn giáo đậm chất
Nga. Nguồn lực đều là của xã hội. Nhà nước cho khôi phục lại nhà thờ trên đất
đai trước đây vì đó là một thành tố văn hóa quan trọng. Việc phục hồi đạo chính
thống ở Nga cho thấy tôn giáo vẫn là yếu tố cực kỳ lớn của văn hóa nhân loại.
Nước nào có một cơ sở văn hóa lâu bền từ tôn giáo sẽ là nhân tố tích cực làm
cho xã hội ổn định dần dần.
Còn
Dubai, một đất nước chỉ sa mạc và cát, làm thế nào để phát triển kinh tế bằng
du lịch?
Ấn tượng đầu tiên tất cả nhân viên hải
quan đều mặc trang phục dân tộc, kể cả ban ngày lẫn ban đêm. Đây không chỉ là vấn
đề tôn giáo bắt buộc mà là văn hóa. Một TP cực kỳ hiện đại nhưng không phô
trương, tất cả hài hòa với nhau và với thiên nhiên, tạo ra những cảnh quan
thiên nhiên xanh giữa vùng sa mạc. Dubailà giàu lên nhờ dầu mỏ, nhưng cái giàu
đó không giàu xổi, họ phát triển rất căn cơ, làm đến đâu khai thác đến đó, đồng
vốn được dùng rất hiệu quả. Họ chỉ khai
thác dầu đến một mức nào đó, còn biết để lại cho thế hệ sau. Tiền từ dầu
chuyển sang đầu tư bất động sản du lịch cao cấp, tạo ra thiên đường du lịch cho
người giàu trong và ngoài nước, chứ không đầu tư tràn lan. Đó là đầu tư khôn
ngoan cho thế hệ trẻ Dubai học từ nước
ngoài trở về được làm công việc phù hợp, có môi trường văn hóa phù hợp, rút ngắn
khoảng cách giàu nghèo.
Có
lẽ con đường phát triển kinh tế của Dubai xuất phát từ bản năng của người sống
trên sa mạc, phải biết tạo mảng xanh. Có dầu mỏ không biết bao giờ mới cạn, họ
vẫn sử dụng những nguồn điện khác như điện gió, điện mặt trời, đó là bài học
tiêu xài có tính toán. Cảm giác đi trên sông giữa sa mạc thật thú vị, vì hai
bên bờ là mảng xanh, là công trình, là đời sống sinh hoạt rất điển hình của một
đất nước Hồi giáo.
Đi
ở Dubai không thể không nghĩ đến quê nhà: Kênh Thị Nghè muốn làm du lịch phải có
cảnh quan hai bên bờ để nhìn ngắm, phải cải tạo môi trường vì nước vẫn đục ngầu
như thế làm sao khai trương du lịch? Tất cả những gì sinh ra để “chào mừng” đều
chết yểu. Cũng là đồi cát như thế tại sao Binh thuận, Ninh Thuận không tập
trung đầu tư làm du lịch cho một “phân khúc khách hàng” giàu có tiềm năng mà đầu
tư cho điện hạt nhân tốn kém và có nguy cơ cao như thế?
Chị
nghĩ gì về chủ trương Bộ Giáo dục sẽ chuyển môn sử thành môn tự chọn, không còn
môn cơ bản nữa?
Sự coi thường các môn khoa học xã hội
nhân văn đã tạo nên lỗ hổng quá lớn cho lớp trẻ về văn hóa, bởi đó là những môn
dạy làm người, dạy nhân cách. Để có kiến thức KHXHNV phải trả giá bằng bao thế
hệ con người. Vậy mà tại sao lại định bỏ môn sử? Tôi chịu không hiểu nổi. Mười
năm nay môn sử làm dư luận bức xúc, nếu bức tử môn lịch sử sẽ sinh ra những thế
hệ không có quá khứ.
Dù
đã nghỉ hưu, nhưng chị vẫn đi, viết và dạy. Đó có phải là cách để sống với mình và với cộng đồng có ích nhất?
Công việc quản lý không làm mình có nhiều
niềm vui, tôi vẫn mơ ước quay lại chuyên môn. Nhận đề tài nghiên cứu khảo cổ đô
thị, nếu không đi để thấy những nơi khác bảo tồn như thế nào thì cái mình đưa
ra chỉ là lý thuyết…
Đến một lúc nào đó cần biết chấp nhận sự
lãng quên của người xung quanh, hiểu thế nên cũng thoải mái. Cũng cảm ơn các bạn
nhà báo, cứ đặt bài thúc mình nên có điều kiện tập trung, hệ thống lại, nếu
không lười thì chẳng bao giờ viết được. Đến tuổi này, chắc chắn là mình không
giàu, nhưng vẫn vui vẻ, bằng lòng với cuộc sống. Thế là ổn. Bây giờ mới có thời
gian để hướng dẫn luận văn sinh viên nhiều hơn, nhờ đó biết thêm, có thêm kiến
thức nữa chứ không chỉ là cho đi kiến thức hay mất thời gian đâu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét