SỨC SỐNG CỦA CÁT


Tạp bút, Nguyễn thị Hậu

Sa mạc gợi cho người ta hình ảnh của một thế giới không có sự sống. Chỉ còn sự im lặng ngàn đời của cát và những cơn cuồng phong của gió trước sự im lặng chết chóc ấy.

Trên chuyến bay từ Hồng Kông đến Dubai, khi màn hình chuyển từ màu xanh bất tận của mặt đất, của đại dương sang màu nâu vàng bợt bạt cũng bất tận như thế, tôi biết mình đang đi vào thế giới sa mạc, thế giới của ánh nắng chói chang, của cái nóng bỏng da rát thịt, của những bóng áo choàng trắng và đen dài phủ gót chân, thế giới của những khăn trùm đầu và những đôi mắt đẹp tuyệt trần, đôi mắt từ nghìn lẻ một đêm xa xưa sống lại.

Dubai là một thành phố đồng thời cũng là một trong bảy tiểu quốc của Các tiểu Vương quốc ARập thống nhất . Cùng với tiểu quốc – thủ đô Abu Dhabi, Dubai là một trong hai nước thịnh vượng và phát triển nhất. Khởi đầu một cách khiêm tốn và lặng lẽ từ nửa sau thế kỷ 20, thành phố đã trải qua một sự biến đổi đáng kinh ngạc để có những kỳ quan ngày hôm nay. Một đất nước nổi tiếng với nhiều kỷ lục như đảo nhân tạo lớn nhất, trung tâm thương mại lớn nhất, khách sạn 7 sao sang trọng nhất hay tòa nhà cao nhất thế giới. Có thể nói Dubai là thành phố của những điều kỳ diệu nhất mà con người có thể xây dựng nên từ cát.

Cuối tháng tám không còn là thời gian cao điểm của nắng nóng nhưng nhiệt độ ngoài trời thường vào khoảng 40 độ C, bước chân ra đường không thể không choàng  khăn hay đội mũ, vậy mà mặt vẫn rát lên vì hơi nóng phả vào.  Có khăn choàng che kín mặt thật là lợi hại,  nhưng nếu không mang kiếng mát thì bị chói mắt vì ánh nắng gay gắt của mặt trời và sự phản chiếu từ cát. Vậy mà những người phụ nữ ở đây ít khi mang kiếng mát, phải chăng vì luôn chống chọi với cái nắng như vậy mà họ có cặp mắt sâu và hàng mi dài rợp hút hồn người ta như thế. Thực ra  đàn ông ở đây cũng có đôi mắt rất đẹp. Nhưng có lẽ vì không bịt mặt nên người ta thường có ấn tượng hơn với bộ râu quai nón rất “đàn ông” của họ.

Dubai có đến vài trăm ngôi nhà cao tầng giữa mênh mông cát và một phần  sát bờ biển. Tuy nhiên ta không thấy thành phố nặng nề thô kệch hay chật chội là nhờ hầu hết những tòa nhà đều có màu xanh biển, xanh lá cây của những tấm kính  hoặc màu cát (vàng nâu nhạt  hay trắng  xám), điểm những đường viền trang trí  màu trắng (màu của thánh đường Hồi giáo) làm cho tất cả các công trình trở nên nhẹ nhõm và duyên dáng. Hơn nữa không có tòa nhà nào kiến trúc  giống nhau, từ những khách sạn hay công sở cao vài chục đến vài trăm tầng hình thức rất hiện đại; đến những khu chung cư cho dân nghèo hay villa của người giàu có chỉ  một trệt một lầu kiến trúc truyền thống  với tháp cao đón gió và những đường trang trí kiểu mái vòm…

Cả Dubai như một công trường xây dựng khổng lồ, nơi nào cũng có những công trình đang xây, đang hoàn thiện. Giữa những toà nhà là cát, khu đất sắp xây dựng cũng là cát, rồi cát đổ ra lấn biển làm đảo nhân tạo… Vậy mà thành phố chỉ có nắng nóng chứ không bụi bặm. Và đây đó vẫn có những mảng xanh dù nho nhỏ nhưng cũng làm dịu đôi mắt trong chốc lát.

Trên những con đường  trong thành phố thậm chí cả trên xa lộ từ Dubai đến Abu Dhabi người ta trồng cọ hoặc chà là như cây xanh đô thị.  Người ta trồng chúng trong khuôn viên nhà, khách sạn… như là cây kiểng sân vườn, dù hai loại cây sống được ở xứ cát này lá của chúng không xanh  mà gần như màu của cát. Những thảm cỏ nho nhỏ, những bụi cây thấp là màu xanh hiếm hoi còn lại của thành phố, tuy ít ỏi nhưng nó làm nên sự sống của cát. Thật ra sự sống của màu xanh nằm ở phía dưới, trên nền cát dưới lớp đất mỏng là những đường ống nước nhỏ như ngón tay, tưới nhỏ giọt làm cho đất luôn ẩm đủ cho cây cỏ sống giữa nắng sa mạc. Nhìn màu xanh ở đây mới thấy quý từng giọt nước.

Dubai có cả một con sông đào nhân tạo chảy giữa thành phố, nước xanh trong nhưng lờ lợ mặn. Hai bên nhà xây sát bờ sông. Cũng có tàu du lịch đưa khách đi từng đoạn ngắm hai bên bờ, rồi ghé vào khu chợ Gia Vị không chỉ có gia vị mà còn bánh kẹo, chà là, đồ lưu niệm… Kế đó là Chợ Vàng nổi tiếng với bốn dãy phố quanh một Trung tâm cao bảy tầng lầu rực rỡ chói lòa những đồ trang sức bằng vàng y và đá quý cho những người khách như tôi thỏa sức… ngắm nhìn.

Khách sạn độc đáo hình Cánh Buồm được xây trên một hòn đảo nhân tạo cách xa bờ biển, nhưng rồi cát lại lấn biển để mọc thêm nhiều công trình khác nên bây giờ trông khách sạn như ngay trên bãi biển. Nói đến công trình lấn biển thì phải kể đến quần đảo Cây Cọ nổi tiếng.  Đi trên con đường chính hay những đường nhánh không ai nghĩ đây là quần đảo nhân tạo càng không nghĩ diện tích nhỏ, bởi chen giữa những công trình to lớn “hoành tráng” là sự thoáng đãng của màu xanh cây cỏ trên nền xanh của biển. Tại đây nhiều công trình cũng đang tiếp tục xây dựng nhưng cả quần đảo được quy hoạch rất đẹp.

Nhiều người đã nhập cư đến đây lao động trên những công trường xây dựng hay trong các khách sạn, nhà hàng, trung tâm thương mại nhiều như sao trên trời. Các công ty lớn của thế giới đặt tại đây cũng thu hút nhiều nhân tài. Bên cạnh những bóng áo choàng đen trắng cũng còn rất nhiều trang phục phổ biến khác, chưa kể khách du lịch lúc nào cũng nườm nượp. Người ta đến đây không chỉ để vui chơi, hưởng thụ những dịch vụ cao cấp nhất, mà còn để tận mắt chứng kiến con người có thể làm sa mạc thay đổi thế nào.

Sức sống của cát ở đây là do con người mang lại, không chỉ từ sức lực mà quan trọng hơn là từ trí tuệ hoạch định tầm nhìn và từng bước thực hiện, tuy chỉ mới khoảng hai chục năm. Dường như giữa sa mạc mênh mông không đầu không cuối con người buộc phải “nhìn thấy” những ốc đảo từ rất xa, người ta phải biết tính toán đường đi và sức lực của mình để có thể đến nơi có nước ngọt và bóng mát trước khi bị lạc đường rồi chết khô trên sa mạc.

Cuộc sống giữa sa mạc của Dubai và Abu Dhabi cũng bắt đầu như thế.

Sài Gòn 3/9/2015

Không có văn bản thay thế tự động nào.

Trong hình ảnh có thể có: 1 người

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...