NHÀ CỔ - TỒN TẠI HAY KHÔNG TỒN TẠI

          (Một phần bài viết được báo Tuổi Trẻ đăng sáng nay 25/9)

Sự việc nhà cổ ở phố Trần Hưng Đạo – Hà Nội bị sập gây thương vong và làm chết người sẽ khơi lại một vấn đề “Bảo tồn, trùng tu hay phá bỏ những ngôi nhà, công trình cổ đã quá hạn sử dụng?”. Không phải bây giờ câu hỏi này mới đặt ra mà ngay từ sự việc của Bưu điện tỉnh Bình Thuận hay trường Châu Văn Liêm ở thành phố Cần Thơ gần đây dư luận đã có hai luồng ý kiến:

Về phía chính quyền: cần phá bỏ để tránh nguy hiểm cho người sử dụng, đồng thời xây dựng công trình mới phù hợp với quá trình hiện đại hóa đô thị.
Về phía cộng đồng, trong đó có những người dân từng có nhiều ký ức gắn bó với địa điểm, công trình, những nhà nghiên cứu lịch sử, bảo tồn di sản văn hóa, kiến trúc sư quy hoạch đô thị… lại mong muốn công trình được trùng tu, phục hồi để bảo tồn cảnh quan “hồn phố”, giữ được lịch sử đô thị cho nhiều thế hệ cư dân sau này.

Đầu tiên cần phải nhìn nhận một thực tế khách quan: Các công trình dân sinh như biệt thự, trường học, bệnh viện…mà người Pháp xây dựng giai đoạn cuối thế kỉ XIX đến nửa đầu thế kỉ XX có quy mô về diện tích, trải qua một thế kỷ đến nay đã hết hạn sử dụng, một số công trình được người Pháp gửi công văn thông báo rõ điều này, đồng thời hình thức công trình cũng lộ rõ sự hư hỏng nặng nề do thời gian qua đã không được kịp thời duy tu, sửa chữa, hoặc sửa chữa không phù hợp.  

Phần lớn những biệt thự ở Hà Nội sau năm 1954 và TP. Hồ Chí Minh sau năm 1975 đã thay đổi công năng khi sử dụng: từ biệt thự cho một gia đình biến thành công sở hoặc nhà tập thể, hiện tượng cơi nới chắp vá vào bản thân công trình, việc xây dựng thêm trong khuôn viên… đã làm công trình biến dạng hoàn toàn. Chưa kể một thời khó khăn người ta còn nuôi heo gà, làm bể nuôi cá ngay trong từng gian phòng nhỏ; rồi khi đời sống khá lên thì xây dựng thêm phòng vệ sinh nhà tắm, bất chấp hệ thống nước thải nước xả vốn cho ít người sử dụng nay phải chịu đựng số người gấp nhiều lần và đã hư hỏng. Tất cả những tác động như thế đã làm công trình nhanh chóng xuống cấp từ bên trong.
 
Tình trạng “cha chung” do nhiều hộ gia đình cùng sở hữu, do sở hữu của cơ quan nhà nước… nên công trình không được sửa chữa kịp thời, càng không được trùng tu sau một thời gian nhất định. Những ngôi biệt thự này giống như “người cao tuổi” mà từ lúc thanh niên đã không biết giữ gìn, thậm chí phung phí sức khỏe, để rồi bệnh tật âm thầm tàn phá cơ thể. Có thể bề ngoài sơn phết lại, thêm những tiện nghi hiện đại… nhưng cũng chỉ là bộ quần áo mới bên ngoài một cơ thể đã tàn tạ.

“Tồn tại hay không tồn tại” những ngôi nhà cổ đã hết hạn sử dụng? Trả lời câu hỏi này không hề đơn giản, bởi vì đó là một phẩn của sự mâu thuẫn gay gắt giữa bảo tồn và phát triển ở các đô thị hiện nay. Để tránh những sự cố như ngôi nhà cổ ở phố Trần Hưng Đạo, thiết nghĩ, việc cần làm ngay là khẩn trương tổng kiểm tra về chất lượng những công trình, biệt thự nhà cổ thời Pháp đã được xếp hạng quốc gia hay tỉnh, thành để phát hiện kịp thời phát hiện và sửa chữa ngay những hư hỏng dù nhỏ, hoặc trùng tu nếu đã xuống cấp không an toàn. Nếu công trình thuộc quyền quản lý của nhà nước thì có thể sử dụng kinh phí của cơ quan chủ quản, vì đây cũng là trách nhiệm của họ nhằm đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Tuy nhiên phải có hướng dẫn của cơ quan quản lý di sản văn hóa và sự giám sát của chuyên gia, nhà khoa học bảo tồn di sản.

Việc đánh giá giá trị hệ thống nhà cổ, biệt thự thời Pháp, như Hà Nội đã làm và TPHCM sắp làm, theo hệ thống tiêu chí cụ thể để phân loại bảo tồn hay không bảo tồn là rất cần thiết, nhưng rất khó khăn. Chưa nói đến tình trạng biệt thự xuống cấp nặng thì nhiều biệt thự đã chuyển đổi công năng, chuyển đổi hình thức sở hữu. Khi những công trình, biệt thự cổ còn là sở hữu “chung” hay “tập thể” thì sẽ tiếp diễn tình trạng “cha chung không ai khóc”, tình trạng khai thác sử dụng kiểu “của chùa”. Dù có được (hay “bị”) đưa vào diện bảo tồn thì cũng rất khó thực thi. Vì vậy nên chăng cần trả lại công năng của các công trình này như nó vốn có và hình thức quản lý, sở hữu phù hợp. Như vậy mới có thể bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa, đồng thời có thể khai thác tốt về giá trị kinh tế.

Mặt khác, nhiều biệt thự hiện nằm lọt trong khu vực mà những ngôi biệt thự xung quanh đã được cải tạo thậm chí đập bỏ, xây mới… Việc bảo tồn lại càng khó khăn hơn vì giá trị đất đai rất lớn, chủ sở hữu muốn khai thác giá trị kinh tế chứ ít ai muốn bảo tồn vì giá trị văn hóa. Điều này cho thấy việc bảo tồn di sản văn hóa đô thị không chỉ nhằm vào một vài công trình mà cần có cái nhìn rộng hơn, là bảo tồn một cảnh quan, một không gian của đô thị. Có như vậy giá trị chung của cả khu vực mới được nâng cao, trong đó có giá trị về văn hóa.


Nguyễn Thị Hậu


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỖI ÁM ẢNH CỦA QUÁ KHỨ

  Trần Quốc Vượng   Nước Việt Nam ta hiện là một quốc gia kém phát triển về mọi mặt, vừa lạc hậu, vừa lạc điệu với một thế giới nhìn chung...