TẾT ĐẦU TIÊN TRÊN QUÊ HƯƠNG



Nguyễn Thị Hậu
          Mùa xuân Bính Thìn 1976 gia đình tôi được ăn cái tết đầu tiên ở quê hương sau 21 năm “ngày Bắc đêm Nam”. Đó là những ngày tết tại Sài Gòn và Cao Lãnh vô cùng đáng nhớ của tôi.
Từ đầu năm 1975 ba má tôi – những cán bộ miền Nam tập kết – đã lên đường về Nam theo một kế hoạch rất khẩn trương và bí mật. Trước đó trong những năm từ 1965 – 1972 ba tôi nhiều lần đưa các đoàn nghệ thuật đi phục vụ chiến trường dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh, với tâm nguyện là được trở về quê hương Nam bộ. Nhưng do tình hình chưa thuận lợi nên sau vài tháng hay nửa năm là ông cùng các nghệ sĩ lại quay ra Bắc cùng với lời động viên của cấp trên “tình hình chưa chín muồi, các đồng chí về hậu phương chuẩn bị sức khỏe tốt hơn và các tác phẩm nghệ thuật hay hơn, khi điều kiện thuận lợi nhất định sẽ được ra tiền tuyết và trở lại quê hương!”.

Tháng Năm 1975 cả gia đình tôi được đoàn tụ ở Sài Gòn. Mỗi người một công việc trong không khí bề bộn nhưng cũng rất náo nức của những ngày hòa bình đầu tiên. Cả gia đình tôi vẫn ở nhờ một gian phòng trong một biệt thự là trụ sở cơ quan của ba tôi. Sau đó vài tháng thì chuyển về căn nhà nhỏ ở vùng Phú Nhuận. Bà con đến thăm và giúp cho một số đồ đạc cần thiết. Vậy là chúng tôi thực sự “an cư” trong ngôi nhà của mình sau mấy chục năm ở trong một căn phòng tập thể nhỏ hẹp. Nhưng quan trọng hơn đây là ngôi nhà chúng tôi đón cái tết sum họp đầu tiên đầy đủ cha mẹ con cái và có cả gia đình nội ngoại.

Từ Giáng sinh năm 1975 đến tháng chạp năm đó không khí Sài Gòn bỗng nhiên se lạnh, dường như giới tuyến 17 không còn chia cắt hai miền nên thời tiết cũng được giao hòa. Trên đường phố Sài Gòn xuất hiện những chiếc áo gió, khăn quàng, thậm chí cả áo len áo khoác khiến tôi tưởng như mình còn ở mùa đông Hà Nội. Gần tết Bính Thìn ba má tôi bàn nhau: Năm nay mấy ngày Tết ba má, anh Hai đều phải trực “bảo vệ” cơ quan, vì vậy cho hai chị em tôi về Cao Lãnh ăn Tết với bà ngoại và các dì các cậu. Vậy là ngày 23 tháng Chạp hai chị em tôi ra bến xe miền Tây đi xe đò về quê ngoại. Đường về miền Tây nườm nượp xe hơi xe máy, sau bao năm chiến tranh loạn lạc nhiều người mới lần đầu về quê ăn cái tết hòa bình.

          Thị xã Cao Lãnh khi ấy còn nhỏ bé yên bình nhưng ngày giáp tết dãy phố quanh nhà lồng chợ rực rỡ sắc vàng hoa mai trước mỗi ngôi nhà, sắc đỏ đèn lồng ở những cửa hiệu của người Hoa. Chợ Tết đông đúc chen chân không lọt, ê hề trái cây thịt cá bánh kẹo... nhiều nhất là dưa hấu chất thành từng đống cao, trái nào trái nấy rất lớn, chắc nịch, vỏ tươi xanh mà ruột đỏ rực. Hàng hóa đồ dùng, quần áo giày dép.... cuối năm đổ đống bán rẻ như cho, phong bao lì xì và đồ trang trí nhà cửa rực rỡ mời gọi người mua... Cả thị xã nhộn nhịp từ sáng sớm đến đêm khuya, khác ngày thường chỉ chập tối là đường phố đã vắng. Trên sông Cao Lãnh ghe xuồng qua lại không ngớt, ghe trái cây, bông kiểng nhiều nhất, rồi ghe chiếu mới, ghe than ghe bếp ông lò... chiều tối đèn điện sáng rực cả một khúc sông.

Về ngoại tôi mới biết thêm phong tục tập quán ngày tết quê mình: Bàn thờ chưng một cành mai hoặc bông vạn thọ, cúc đại đóa, một cặp dưa hấu, bánh tét bánh ít, mâm mứt và bánh ngọt, chai rượu. Nhà nào cũng trồng vài cây mai ở sân, trước cổng, sau rằm tháng chạp người ta lặt hết lá mai để sát tết cả cây mai nở bung rực rỡ đón xuân về. Bà ngoại nhắc mấy dì nhớ mua bịch muối, đổ đầy mấy lu nước, chặt quày dừa tươi để cúng giao thừa. Mấy cậu cháu tôi ra khu mộ gia đình, rửa mộ sạch sẽ, trồng hoa, thắp nhang cho ông ngoại. Cậu Út tôi nói vui “mời tía dìa ăn tết với má, bả giục tui đi đón ông dìa nè”. Khói nhang thơm ngát như ông ngoại cùng theo về nhà.
Bên chái bếp có mấy cây mận hồng đào chua chua ngọt ngọt, mợ tôi hái xuống, cắt đôi, rửa sạch, ngâm đường cho thấm và “sên” trên bếp trấu riu riu làm mứt mận, sau bữa ăn có một ly mứt mận dầm nước đá mát ngọt sẽ đánh tan cảm giác ngán thức ăn thịt nếp ngày tết. Rồi nhà nào cũng nhộn nhịp nữ công gia chánh: mấy dì mấy cô pha bột nướng bánh kẹp, quết bánh phồng, nướng bánh bông lan, mấy chị em mang hết nồi xoong ra sông chùi rửa sáng bóng. Rồi mua thịt đầu heo về làm dưa làm giò thủ, phơi củ cải cà rốt làm dưa món, cắt lá chuối ngâm nếp ngâm đậu gói bánh tết bánh ít, lại còn quầy chuối chín chờ gói bánh tét nhân chuối đỏ thắm ngọt thơm.

Ngày hai chín Tết kho nồi thịt heo hột vịt nước dừa, làm chảo thịt khìa, nồi khổ qua dồn thịt hay nồi măng tươi hầm chân giò, mua giò lụa chả quế nem chua, chuẩn bị gà vịt cho mâm cúng chiều Ba mươi và đêm giao thừa... Sáng mùng Một cả nhà lên nhà lớn thắp nhang bàn thờ ông bà và chúc thọ bà ngoại, chị em tôi được ngoại lì xì một phong bao đỏ tươi, dày hơn phong bao các anh em khác, “tội nghiệp, hai đứa nhỏ lớn xa nhà bây giờ mới được về ăn tết với ngoại”.
***
Ngày mùng Hai tết hai chị em tôi lại theo xe đò lên Sài Gòn cho biết không khí Tết của thành phố. Nhiều đường phố vẫn còn vắng nhưng khu trung tâm thì náo nhiệt suốt từ ngày 23 tết. Những ngôi nhà mặt tiền treo lá cờ đỏ sao vàng và cờ nửa xanh nửa đỏ sao vàng. Chợ hoa Nguyễn Huệ đã kết thúc vào chiều ba mươi, trả lại con đường rộng rãi thoáng đãng tràn gió mát từ sông Sài Gòn qua những kiot bán hoa, văn phòng phẩm, báo chí, vật lưu niệm... Bùng binh cây liễu và đài phun nước luôn tấp nập người chụp hình, rất nhiều tà áo dài, quân phục bộ đội, nhiều người không quen biết nhưng sẵn sàng chụp chung tấm hình trong ngày tết hòa bình. Nhiều gia đình chở nhau cả nhà trên chiếc xe gắn máy, lá cờ gài trên tay lái, chùm bong bóng nhiều màu cầm tay. Thỉnh thoảng có chiếc xe jeep cắm cờ mặt trận chạy vòng vòng trên đường phố, trên xe là mấy chú bộ đội giải phóng quần áo tinh tươm nai nịt gọn gàng.

Trước tết má tôi ra chợ Cũ mua cặp bánh tét và vài món đồ nguội để sẵn trong nhà. Sau mấy ngày trực tết ở cơ quan, khi chị em tôi ở quê lên cả nhà mới ăn tết với một giỏ đồ ăn mà bà ngoại và mấy dì mấy mợ gửi lên Sài Gòn. Vui nhất là cái bánh tét má tôi mua... chỉ có nếp mà không có nhân thịt đậu, “bánh tét giả” – má tôi cười nói. Đây đó trong hẻm phố tiếng pháo râm ran, vang vang điệu nhạc xuân xen nhạc cách mạng rộn rã, khắp nơi cũng mai vàng cúc thắm. Lần đâu tiên tôi được xem múa lân với tiếng trống tiếng chập cheng rộn rã, chú lân leo lên cao và đớp được chiếc túi màu đỏ có tiền lì xì đầu năm của gia chủ. Ai nấy đều phấn khởi: năm nay chắc sẽ hên nhiều.

Khác với Hà Nội, người Sài Gòn thường đi chơi tết: đến các khu vui chơi giải trí, đi xem phim nghe ca nhạc, đi ăn hàng quán... Thảo cầm viên Sài Gòn là nơi tụ hội náo nhiệt nhất, không chỉ có người Sài Gòn mà người các tỉnh lên thành phố đều muốn “vô sở thú” nhất là trong những ngày tết. Trong đó có nhiều loài hoa đẹp, thú lạ, đủ loại hàng quán, lại còn có xiếc mô tô bay, có thợ chụp hình dạo lấy ngay, vẽ chân dung, cắt giấy hình người...
Còn trong Chợ Lớn thì đường phố đỏ xác pháo, nhà nào cũng câu đối đỏ, đèn lồng và hình rồng trang trí ở cửa. Các ngôi chùa nghi ngút khói nhang suốt mấy ngày tết, người đến lễ Phật cầu may đông đúc nhộn nhịp, ra về ai cũng cầm trên tay một cây nhang đại là lộc đầu năm. Hàng quán ở Chợ Lớn bán suốt ngày đêm, tết lại càng đông khách. Đại lộ Nguyễn Tri Phương, Châu Văn Liêm, đường Nguyễn Trãi... và những đường nhỏ, những con hẻm sâu hun hút không lúc nào ngớt người qua lại.

Bác Hai – hàng xóm nhà tôi, một người Khmer Trà Vinh lưu lạc lên Sài Gòn từ năm 1960, sinh sống bằng nghề thợ tỉa vườn thuê cho những biệt thự trong vùng Phú Nhuận – trong bữa tối mùng 3 tết ngồi lai rai với ba tôi, nói: hòa bình rồi nên tết này Sài Gòn nhộn nhịp từ sáng tới khuya, chớ hồi chiến tranh vùng Phú Nhuận này chừng 6g chiều là vắng hoe, gần sân bay Tân Sơn Nhứt càng vắng. Láng cháng coi chừng bị cảnh sát xét hỏi liền... Thôi thì đói no gì cũng hết giặc giã rồi, mơi mốt tui dìa quê làm ruộng, anh Bảy rảnh xuống chơi tui đưa đi thăm chùa Miên quê tui, đẹp lắm...
Mùng 4 rồi mùng 5 tết người các tỉnh lại đổ vào thành phố... Nhịp sống Sài Gòn trở lại bình thường. Qua cái tết hòa bình đầu tiên nhiều người nghĩ rằng, hơn hai mươi năm chiến tranh đã kết thúc, một năm mới và tương lai đang đến sẽ là hai chữ Bình An và Hạnh phúc.

Bài trên báo Người Lao động xuân Canh Tý 2020

 Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người và văn bản

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DI SẢN LỊCH SỬ - VĂN HÓA CÁC ĐÔ THỊ NAM BỘ NHÌN TỪ GIA ĐỊNH THÀNH THÔNG CHÍ CỦA TRỊNH HOÀI ĐỨC

Vài nét về công trình Gia Định thành thông chí Gia Định thành thông chí ( 嘉定城通志 ) còn có tên Gia Định thông chí ( 嘉定通志 ), là một quyển địa...