XIN YÊU THƯƠNG ĐẾN VƠI HẬN THÙ




Là câu hát trong một bài ca xuân. Có vài ca khúc Xuân tôi yêu thích mà có người coi thường là “bolero sến súa”, lại có người đến bây giờ vẫn coi đó là dòng nhạc “phản động” vì có hình ảnh người lính khác chiến tuyến. Từ sau 1975 khi về Sài Gòn tôi mới biết những bài hát này, đó không phải là những bài hát nổi tiếng nhưng lời ca và giai điệu chân thành giản dị của nó đã mãi nằm lại trong một góc sâu của trái tim tôi...
Bởi vì, tình cảm trong những bài hát ấy thật trong sáng, ngọt ngào, chân thật... Và đúng là hát về mùa xuân, giai điệu của mùa xuân, lời ca của con người chờ đón mùa xuân, dù mỗi bài là một tâm trạng một hoàn cảnh cụ thể.
Bởi vì giai điệu mang âm hưởng quê hương da diết hay vui tươi rộn rã đều thẫm đẫm tình nghĩa gia đình, tình yêu đôi lứa, trách nhiệm với tổ quốc... và trên hết là mong muốn đoàn viên và ước vọng hòa bình cho đất nước.
Bởi vì, lời ca không là ngợi ca sáo rỗng hay động viên tuyên truyền... mà là ân tình là dành cho CON NGƯỜI, những con người cụ thể như người mẹ già, đàn em nhỏ, em gái hậu phương, người lính nơi tiền tuyến, người nông dân một sương hai nắng, bạn bè, đồng đội... Qua đó là tình yêu dành cho quê hương VN đau đớn và chia ly vì chiến tranh.
Chiến tranh dù khốc liệt và dài lâu đến đâu cũng chỉ là hiện tượng nhất thời. Hòa bình và khát vọng về hòa bình mới là sự vĩnh cửu mà con người hướng đến. Vì thế, tôi nghĩ những bài hát tràn đầy sự nhân văn như thế sẽ còn được nhiều người yêu thích.
Bạn nghe thử nhé, các ca sĩ hát những bài này đều hay, nhưng tôi thích những bản dưới đây.
-Phiên gác đêm xuân (NS NGuyễn Văn Đông): ca sĩ Thế Sơn hoặc Thanh Hà
-Xuân này con không về (NS Trịnh Lâm Ngân): ca sĩ Quang Lê
-Cánh thiệp đầu xuân (NS Minh Kỳ- Lê Dinh): ca sĩ Kim Anh/Phương Anh
- Mùa xuân đầu tiên (NS Tuần Khanh): ca sĩ Phương Anh/ Như Quỳnh-Thế Sơn
Ngoài ra, Ly Rượu mừng (NS Phạm Đình Chương/Văn Phụng, ban hợp ca) hay Em còn nhớ mùa xuân (NS Ngô Thụy Miên, ca sĩ Khánh Ly/Sĩ Phú) cũng là bài hát tôi yêu thích...
Còn rất nhiều bài hát mừng xuân sáng tác ở miền Nam trước năm 1975, và nếu bạn để ý sẽ thấy những ca khúc ấy thường được trình bày đơn ca, vài bài song ca nam nữ, rất hiếm hợp ca. Tâm trạng tình cảm thể hiện bằng giọng đơn ca nam hay nữ “tròn vành rõ tiếng” làm cho người nghe cảm nhận được sự rộn ràng hay sâu lắng của không khí đón chào năm mới, sự da diết nỗi nhớ mong và tình yêu dành cho người 'lính chiến" xa nhà. Tôi nhận ra một điều giản dị: sự chán ghét và căm thù chiến tranh thật sự bắt đầu từ tình yêu những điều bình dị của quê hương, yêu thương gia đình, yêu thương con người... nhưng tiếc rằng không phải lúc nào ở đâu con người nói chung, người lính nói riêng có thể tỏ bày tình cảm ấy.
Khai bút đầu năm bằng vài lời này: Mùng Một Tết – nghe những bài hát này như một lời cầu mong người VN thật lòng yêu thương nhau hơn, hy vọng một ngày lòng người không còn chia ly và đất nước thái bình thịnh vượng.
tết Canh Tí 2020, 25/1
Không có mô tả ảnh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...