Tạp bút, Nguyễn Thị Hậu
Các đô thị ngày
nay đã có nhiều thay đổi do nhịp sống công nghiệp tạo nên sự chuyển dịch từ lối
sống “truyền thống, hướng nội” sang “hiện đại, hướng ngọai”. Sự thay đổi rõ
nhất là vào dịp Tết nguyên đán. Nếu trước đây không khí Tết chỉ hiện diện rõ từ
ngày 23 tháng Chạp thì giờ đây, các hoạt động đón chào năm mới đã đến sớm hơn, từ
Giáng sinh và Tết dương lịch. Điều này có thể dễ dàng nhận thấy ở Sài Gòn – TP.
Hồ Chí Minh.
Từ lâu việc ăn Tết
và chơi Tết ở Sài Gòn đã có nhiều dịch vụ cung cấp cho người dân, từ thực phẩm,
quà bánh biếu tặng, quần áo đồ dùng sinh hoạt mới, đến tour du lịch... Người Sài Gòn “ăn Tết” nên
việc chuẩn bị thức ăn ngày tết của gia đình và để biếu tặng người thân là một
việc quan trọng. Các gia đình hầu như không phải lo lắng sắm sửa hay vất vả mua
bán những gì mình cần, rảnh rỗi thì đi siêu thị một buổi là mua sắm đầy đủ. Nhưng
người Sài Gòn còn “chơi Tết” nên từ trước Tết khá lâu nhiều gia đình đã tham
khảo các nơi vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng, các tour du lịch trong và ngoài
nước. Chỉ cần vài phút lên mạng tìm kiếm đặt tour mua vé là cả nhà sẽ có một kỳ
nghỉ như ý.
Dù hiện đại và
tiện lợi như vậy nhưng Tết ở Sài Gòn vẫn lưu giữ được ý nghĩa truyền thống: đây
là dịp sum họp gia đình, mừng thọ ông bà cha mẹ, lên chùa cầu mong một năm mới
tốt lành. Với người Sài Gòn ba ngày Tết là thời gian dành cho gia đình, bà con
và bạn bè thân thiết, nhiều gia đình về quê ở miền Tây “ăn ba ngày tết” rồi mới
lên Sài Gòn chơi Tết và đi làm. Điều đó làm cho Tết Sài Gòn luôn đáng yêu vì yếu
tố “truyền thống và hiện đại” đan xen nhuần nhuyễn.
***
Với nhiều gia
đình người Sài Gòn, dù bận rộn nhộn nhịp từ rằm tháng Chạp, hay từ
ngày đưa Ông Táo về Trời nhưng Tết thực sự là ba ngày Ba mươi, mùng Một và
mùng hai Tết. Như lệ thường, trưa ba mươi nhà nào cũng sắp đặt mâm cơm
cúng đón Ông Bà về hưởng Tết cùng con cháu. Giao thừa cúng đất trời
cầu mong mọi điều tốt lành may mắn rồi lên chùa lễ Phật. Ngày mùng Một
chúc thọ ông bà cha mẹ, mừng tuổi các con, sau đó có khi cả nhà đi chùa xin
lộc đầu năm. Ngày mùng hai thường họp mặt gia đình bà con thân thiết trong những
bữa cơm đầu năm vui vẻ, không quá trang nghiêm như bữa cơm cúng ba mươi mùng một.
“Ba ngày tết” là thời gian chuyển giao giữa năm cũ chấm dứt và năm mới
bắt đầu, là thời gian trong mỗi gia đình giữa Tổ tiên ông bà và con
cháu có một mối đồng cảm thiêng liêng, như sự giao hòa giữa trời và đất vào
thời khắc giao thừa...
Mâm cơm cúng
ngày Tết ở Sài Gòn là những món ăn được người bà, người mẹ, người chị chăm chút.
Chiều ba mươi đón ông bà thì có nồi thịt kho tàu kho bằng nước dừa, hột vịt và
từng miếng thịt màu nâu vàng, mỡ trong veo mềm rục, này đĩa thịt đầu heo ngâm dấm
trộn vài cọng dưa rau muống xanh điểm lát tỏi trắng lát ớt đỏ sợi gừng vàng,
dĩa dưa góp củ cải cà rốt mặn ngọt thơm thơm, đĩa chả giò chiên và rau sống, tô
canh khổ qua hầm thịt, tô canh măng tươi hầm chân giò… Tất nhiên không thể thiếu
đĩa bánh tét từng khoanh và những món đồ nguội như giò chả, nem, bì…
Đêm giao thừa
cùng với mâm cúng trên bàn thờ ông bà, nhiều gia đình còn sắp cúng ở bàn thờ
ông Thiên ngoài sân, gồm một trái dừa tươi, đĩa bánh kẹo, trái cây, bánh tét
bánh ít nhân ngọt (chay), bình bông, nhang đèn và giấy tiền vàng bạc. Thời khắc
giao thừa ánh nến hương thơm từ mọi nhà lan tỏa hòa quyện với không khí đất trời
vào xuân.
Ngày mùng Ba cúng đưa ông bà không thể không
có đĩa Tam sên gồm một miếng thịt ba chỉ, hai trứng luộc và ba con tôm càng
xanh, nồi cá kho và tô canh chua, rau củ Đà Lạt xào thịt bò, nấm hương, cần
tây… Vẫn biết trước cúng sau ăn, nhưng những bữa cơm đông đủ cả nhà vào dịp Tết,
lại có ông bà về chứng kiến, chắc chắn là bữa cơm ngon nhất trong năm!
Qua mùng bốn
mùng năm đường phố đã trở lại nhịp sống bình thường. Người về quê ăn tết hay những
người các tỉnh lần lượt trở lại Sài Gòn. Đây là thời gian của những cuộc vui với
bạn bè, đồng nghiệp, đi chùa... Người Sài Gòn thường hẹn nhau ở nhà hàng, quán
ăn để cùng vui xuân, lớp trẻ thì rủ nhau đi xem phim, xem ca nhạc hay đến những
khu vui chơi giải trí. Vào dịp Tết nhiều cửa hàng cửa hiệu vẫn bán suốt ngày
đêm, phục vụ người đi chơi, mua sắm đầu năm nườm nượp. Sài Gòn là đô thị rất
phát triển về dịch vụ, Tết là một dịp các dịch vụ hoạt động hết công xuất, tất
nhiên cũng thu về nhiều hơn ngày thường. Tết còn là dịp kiếm thêm thu nhập của
nhiều bạn trẻ, không thiếu việc làm và nếu chịu khó “cày” ba ngày Tết có khi kiếm
đủ tiền học phí cho năm học mới.
Những năm gần đây
dịp Tết thường được nghỉ dài ngày, nhiều khu vui chơi ở Sài Gòn đã dựng lại tục
Mùng bảy Tết hạ nêu để cho trẻ em được biết về một phong tục xưa còn lưu trong
câu đối Tết dù nhiều thứ không còn nữa:
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối
đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh
chưng xanh
Sắc đỏ của câu
đối tết trong mỗi gia đình giờ rất hiếm. Còn chăng chỉ có ở nơi đình chùa hay những
khu phố người Hoa mỗi dịp Tết đến trang trí màu đỏ tươi tắn tượng trưng cho may
mắn. Tiếng pháo báo hiệu giao thừa, mở đầu ngày mùng Một Tết cũng đã im ắng từ nhiều
năm nay, thay vào đó ở Sài Gòn – Chợ Lớn là tiếng trống múa lân tưng bừng mà
nhiều cửa hàng, công ty, thậm chí một số gia đình, đã thuê đội lân sư rồng biểu
diễn mở đầu năm mới thành công và may mắn.
***
“Nơi
tôi sinh Hà Nội”. Cho đến bây giờ ký ức những ngày Tết ở Hà Nội thời bao cấp
chưa bao giờ phai mờ trong tôi. Gần Tết là chuyện xếp hàng mua các loại thực phẩm
bánh kẹo theo tem phiếu, mỗi nhà được một túi nilon trong có hộp mứt có vẽ cành
đào và phong pháo đỏ, gói kẹo, bánh pháo, vài bao thuốc lá, miếng bóng (da lợn
khô), gói miến, gói nhỏ bột ngọt (mì chính). Chỉ thế thôi nhưng có cái túi quà
Tết trong nhà là thấy Tết đã về. Rồi xếp hàng mua đậu xanh, mua nếp, ra chợ mua
lá dong chuẩn bị gói bánh chưng. Má tôi thường ra chợ ngoại ô Hà Nội để có thể mua lá chuối về gói bánh tét Nam bộ.
Tối 29,30 Tết cả khu tập thể đỏ lửa, hai ba nhà chung nhau một nồi nấu bánh, trẻ
con thì náo nức khoe quần áo mới từ ngày được nghỉ Tết… Dịp lễ Tết chưa bao giờ
dư dả nhưng đầy ắp tình cảm gia đình, hàng xóm. Hà Nội những ngày giáp Tết luôn
là những ngày đẹp nhất trong ký ức của tôi.
Ba ngày Tết. Mưa phùn như rây, lạnh buốt, hương thơm nồi nước lá mùi già tắm
gội “tất niên”, bình hoa thược dược rực rỡ trên bàn thờ, bình hoa violet tím và
hoa lay ơn trắng trên bàn nước… những màu sắc mùi vị ấy có thể vẫn còn nhưng
khó mà tìm lại được cảm xúc như xưa. Có lẽ vì Hà Nội bây giờ đã giàu sang hơn
trước…
Bây giờ cả ở
Hà Nội và Sài Gòn, bánh chưng (và bánh tét) không còn là “đặc sản” ngày Tết. Bước
chân ra đường ở đâu cũng có thể tìm thấy nơi bán bánh chưng. Lớn có nhỏ có, gói
bằng lá dong cũng có mà bằng lá chuối cũng nhiều. Bánh vẫn xanh màu lá, nhưng
không chắc, nhân bánh vẫn có miếng thịt mỡ và đậu xanh… gọi là. Cũng phải thôi,
giờ ăn bánh chưng lấy no làm chính, mấy ai biết thưởng thức miếng ngon từ nhân
đậu xanh lựa từng hạt nấu nhỏ lửa cho thật nhừ để có thể thấm đẫm mỡ thịt tan
ra trong miệng, miếng bánh nếp chắc dẻo quánh mà ngọt ngào như lắng đọng từ
dòng nước chở nặng phù sa.
Bây giờ, bất cứ
ngày nào ta vào một quán cơm bụi hay quán cà phê bán cơm trưa văn phòng cũng có
thể ăn thịt (nấu) đông, kể cả giữa Sài Gòn nắng như đổ lửa, không cần phải có
cái giá lạnh của mùa đông miền Bắc. Giò lụa chả quế dưa hành bán quanh năm, thức
ăn ngày thường chẳng khác ngày Tết bao nhiêu, vị ngon đặc biệt của món ăn ngày
Tết theo đó cũng mất dần, chỉ còn lại trong nỗi nhớ.
Vẫn biết là khi “đặc
sản ngày Tết” chỉ còn ngon... trong ký ức, tức là cuộc sống mỗi ngày đã đủ đầy
hơn xưa, nhưng vẫn có chút ngậm ngùi. Dường như cái bận rộn của sự lo toan, cái
tình nghĩa của sự thiếu thốn, cái ấm áp của sự sum họp… ở các đô thị đang biến mất,
mang theo hoài niệm của thế hệ mà với họ, thời thơ ấu đã rất xa...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét