Sài Gòn: một đô thị – thương cảng bẩm sinh

Sông Sài Gòn là giao thông đường thuỷ quan trọng nhất, cảng Bến Nghé (bến Bạch Đằng), xưởng đóng tàu Ba Son là vị trí tiền tiêu, cửa ngõ giao dịch buôn bán với tàu nước ngoài. Hệ thống kênh rạch dày đặc như rạch Thị Nghè, kênh Bến Nghé, kênh Tẻ, rạch Cầu Kho. Kênh Tàu Hũ nối liền các tỉnh miền Tây và cảng Bến Nghé, là con đường huyết mạch để vận chuyển lúa gạo và các loại nông sản, hàng hoá khác.

Thương cảng Sài Gòn, từ góc độ lịch sử có thể coi là đặc điểm chủ yếu của đô thị Sài Gòn. Khu vực đường Tôn Đức Thắng, rạch Thị Nghè, đoạn sông Bến Nghé gần Ba Son đã tìm thấy hàng ngàn hiện vật gốm gia dụng bằng đất nung của người Việt, người Hoa, người Chăm như nồi đất kiểu nồi đồng, ấm nấu nước, siêu nấu nước, nồi ơ có tay cầm, đèn tráng men trắng, bình vôi, hũ sành, ghè ống… Nhiều hơn là đồ gốm hoa văn men xanh trắng gồm gốm Bát Tràng, gốm Phúc Kiến, Quảng Đông… có cả loại gốm sứ triều Nguyễn đặt Trung Quốc làm. Khu vực này chỉ là một phần của cảng Bến Nghé xưa gồm một hệ thống các bến – chợ dọc rạch Thị Nghè từ đoạn sông Sài Gòn (quãng công xưởng Ba Son) kéo dài theo rạch Bến Nghé vào tận Chợ Lớn, có thể còn theo cả kênh Ruột Ngựa nối liền với hệ thống sông Vàm Cỏ. Là trung tâm thương mại, giao lưu của một vùng sản xuất nông nghiệp và thủ công nghiệp, hàng hoá của hệ thống thương cảng Sài Gòn gồm sản phẩm của các ngành nghề thủ công được tổ chức thành phường hội tập trung ở các khu vực nhất định như Xóm Chiếu, Xóm Chỉ, Xóm Lò Vôi, Xóm Lò Gốm… trong đó nghề làm gốm phát triển lâu dài và rực rỡ nhất (...)

Thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn được quy hoạch trở thành một đô thị – thương cảng kiểu phương Tây: từ hạ tầng cơ sở như đường bộ thay thế giao thông trên kênh rạch, hệ thống điện, đường cống ngầm thoát nước, xử lý chất thải và vệ sinh thành phố…) đến việc phát triển những ngành nghề dịch vụ, hình thành tầng lớp thị dân và lối sống, văn hoá đô thị, khu dân cư, khu thương mại, nhà thờ, quảng trường, công sở, các thiết chế văn hoá đô thị (thư viện, rạp hát, rạp chiếu phim, sân vận động…)

Những kiến trúc lớn như trụ sở công ty vận tải biển Hoàng Gia (bến Nhà Rồng), nhà thờ Đức Bà, nhà Bưu điện, nhà hát Thành phố, bảo tàng Thành phố, bảo tàng Lịch sử, trụ sở Toà án, trụ sở UBND thành phố… hợp thành khu trung tâm ngay từ khi thành phố chỉ mới có vài trăm ngàn dân, trở thành những công trình tiêu biểu cho sự phù hợp giữa kiến trúc với công năng nên không hề lạc hậu dù đã hơn một thế kỷ trôi qua.

Trong tiến trình lịch sử không thể phủ nhận một điều, với vị thế là thương cảng trung tâm kinh tế – văn hoá, có tầm giao lưu và ảnh hưởng đến khu vực rộng hơn, Sài Gòn luôn được coi là thành phố tiêu biểu và đại diện cho Nam bộ trên tất cả các lĩnh vực. Cũng cần lưu ý rằng, trong một thời gian dài Sài Gòn là thủ phủ của chính quyền thực dân và thủ đô của chính quyền miền Nam trước năm 1975, vì vậy Sài Gòn còn có đặc điểm của một thành phố từng là trung tâm chính trị. Những yếu tố trên đây hợp thành và tạo nên một đô thị cổ Bến Nghé – Gia Định, một thành phố Sài Gòn độc đáo khác với Hà Nội hay Huế – hai thành phố cũng là trung tâm của cả nước trong những giai đoạn khác nhau…

bến bình đông xưa
và nay

2 nhận xét:

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...