TIẾNG PHONG CẦM TRÊN ĐƯỜNG PHỐ POTSDAM

Thành phố Potsdam một chiều tháng chín se lạnh nắng vàng rực rỡ.

Khu phố trung tâm tấp nập du khách, dãy cửa hàng nhộn nhịp người mua sắm, ăn uống, tán gẫu, dạo chơi… Bỗng đâu tiếng phong cầm rộn vang cả một đọan đường. Giai điệu của những bài hành khúc Liên Xô không lẫn vào đâu được. Tiếng nhạc kéo tôi đi về phía một nhóm mấy người đàn ông trung niên trong bộ quân phục Xô Viết vừa đàn vừa hát, chân dập nhịp nhàng, thân mình lắc lư theo tiếng nhạc sôi động. Lời hát tiếng Nga vừa quen vừa lạ. Lâu lắm rồi mới được nghe những giọng nam phối bè “đặc Nga” như thế.

Giai điệu làm sống lại một thời chưa xa, thời mà đối với nhiều người Việt Nam đất nước Liên Xô vô cùng thân thuộc dù có thể chưa từng đến đó. Tôi cũng chưa một lần đến nước Nga, chỉ biết và yêu mến nước Nga qua các tác phẩm văn học cổ điển và văn học Nga – Xô Viết. Rất nhiều tác phẩm đã được dịch và xuất bản tại Việt Nam, những dịch giả thời ấy thấu hiểu ngôn ngữ Nga giàu cảm xúc và đã chuyển ngữ bằng thứ tiếng Việt trong sáng, uyển chuyển và tinh tế. Qua đó “tâm hồn Nga” đến với người Việt Nam như không có khỏang cách không gian, không còn khỏang cách thời gian, chỉ còn sự đồng cảm sẻ chia của những CON NGƯỜI. Hồi nhỏ, khi biết đọc, cuốn sách đầu tiên tôi tìm thấy trong tủ sách của ba tôi là cuốn Bông Hồng Vàng của Pauxtopxki do Vũ Thư Hiên dịch. Tôi vẫn nghĩ đây là một may mắn vì số phận đã mang đến ngay cho tôi vẻ đẹp của văn học từ Bông Hồng Vàng. Cho đến bây giờ đây vẫn là cuốn sách tôi yêu qúy nhất, thường đọc lại mỗi khi muốn tìm cho mình một chốn bình yên, một niềm an ủi.

Suốt thời thanh niên, cùng nhiều bạn bè chúng tôi không ai không thuộc vài bài hát Nga, nhất là "Cachiusa" – bài hát quen thuộc đến mức mọi người đều nghĩ đây là một bài dân ca Nga. Những bài hát đến với người Việt từ những bộ phim nổi tiếng như "Pie Đại Đế", "Sông Đông êm đềm", "Khi đàn sếu bay qua", "Số phận một con người", "Bài ca người lính"... Đến những ngày đầu tháng 5/1975 thanh niên ở Sài Gòn cũng bừng bừng lời ca "Thời thanh niên sôi nổi" Lòng ta hằng mong muốn và ước mơ. Bàn tay son sắt giương cao ngọn cờ. Để ngàn đời bền vững Tổ Quốc ta. Trời cao muôn ngàn năm chói lòa... Rồi lời ca trầm hùng "Cả tình yêu trao cuộc sống có thấy chăng ơi cuộc đời tình ta thắm nồng" trong bài "Cuộc sống ơi ta mến yêu người". Vở kịch "Câu chuyện Irkust" được mọi người nhớ đến nhiều hơn từ bài hát "Xi-bê-ri nở hoa". Rồi ca khúc "Chiều Maxcơva" là một trong những bài hát trữ tình nổi tiếng chúng ta được nghe nhiều nhất mỗi năm vào những ngày lễ của nước Nga. Riêng tôi rất thích những bài hát mang âm hưởng dân ca Nga như bài “Cây liễu”, “Cánh đồng Nga”, “Tuổi 18”, “Cây thùy dương”…Còn nhớ có một thời gian tôi học tiếng Nga với một cô giáo người Nga. Ngày mùng 7 tháng 11 năm ấy trường tổ chức biểu diễn văn nghệ, khi nghe tôi hát bằng tiếng Nga “Tuyệt vời… những cánh đồng lúa nước Nga, người là tuổi trẻ là ước mơ của chính tôi…”, đôi mắt cô giáo rơm rớm. Từ đó cô luôn âu yếm gọi tôi bằng cái tên rất Nga là Natasa.

Những giai điệu Nga đã trở thành một phần ký ức tuổi trẻ chúng tôi.

Ở các thành phố châu Âu ta vẫn gặp những “nghệ sĩ đường phố”. Nhưng nhóm nhạc Nga trên đường phố Potsdam hôm nay đã cho tôi thêm một sự bất ngờ trong thời gian ngắn ngủi tôi ở nước Đức. Giữa thủ đô Berlin khu tưởng niệm các chiến sĩ Hồng quân trong thế chiến thứ 2 vẫn còn đó dù chính thể Liên Xô, Đông Đức không còn tồn tại. Và ở đây, nơi gắn liền với sự kiện Hiệp ước Potsdam lịch sử (1), những người đàn ông trong quân phục Liên Xô vẫn đàng hòang biểu diễn những bài hát Nga – Xô viết trên đường phố. Quen thuộc là thế nhưng khi nhìn những gương mặt Nga trong bộ quân phục, nghe những bài hát thân thuộc thủa nào, có gì đó như ngậm ngùi, như luyến tiếc…khiến tôi không thể dừng chân lâu hơn. Gần đó, trên ghế băng dài mấy người phụ nữ Đức ngồi nghe như đang hòa mình với bài hát, chân nhịp nhịp, đôi tay vung lên quay cùng điệu nhạc. Có lẽ họ cũng như tôi đang nhớ lại ký ức một thời đã qua.

Đi xa rồi vẫn nghe tiếng phong cầm day dứt một giai điệu thật đẹp mà cũng thật buồn “Giờ này anh về đâu, hỡi người bạn cũ cùng trung đòan, đã dấn bước cùng tôi trên chặng đường xa…”.

Trên bầu trời xanh cuối thu những đàn chim đã bắt đầu bay về phương Nam.

(1) Tháng 7 năm 1945, các lãnh tụ Đồng minh - gồm Thủ tướng Anh Wilston Churchill và người kế nhiệm Clement Attlee, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Joseph Stalin và Tổng thống Mỹ Harry Truman - đã gặp gỡ để ký kết Hiệp ước Potsdam phân chia nước Đức thời hậu chiến tại lâu đài Schloss Cecilienhof cách Potsdam không xa.



4 nhận xét:

  1. Âm nhạc Nga thật trong sáng, ngay cả những bài buồn nhưng vẫn mang lại cảm giác nhẹ nhõm cho người nghe :-)

    Trả lờiXóa
  2. Tản văn ngọt ngào mà ngơ ngác này làm em lại nhớ những băn khoăn hồi trước. Nhà em đâu có ai được đi Nga, tiếng Nga em cũng được học có 2 bài, truyền thông ngày xưa không phủ sóng nhiều như bây giờ, thế sao lại thấy mình may mắn thụ hưởng gián tiếp nền văn hóa Nga vậy ta??? có "dợ" lắm không? Cô bạn em bảo hay kiếp trước mình là người Nga nhỉ?

    Trả lờiXóa
  3. @ NLVD: chị cũng hay nghĩ như thế. Có lẽ vì hồi ấy mình ko được tiếp xúc nhiều nền văn hóa khác, văn hóa Nga nói chung và văn học Nga nói riêng lại được giới thiệu khá nhiều ở VN và cũng khá chọn lọc.

    Trả lờiXóa
  4. Địa danh này làm cho bao nhiêu người phải nhớ đến vì cái Hiệp định mà bạn vừa kể ở trên đấy!

    Trả lờiXóa

NỖI ÁM ẢNH CỦA QUÁ KHỨ

  Trần Quốc Vượng   Nước Việt Nam ta hiện là một quốc gia kém phát triển về mọi mặt, vừa lạc hậu, vừa lạc điệu với một thế giới nhìn chung...