VẺ ĐẸP CỦA SÀI GÒN CŨ ĐANG DẦN BIẾN DẠNG

(LĐ) - Với đô thị, luôn luôn tồn tại sự “ngập ngừng” giữa việc bảo tồn di sản và phát triển. Là một đô thị lớn, TPHCM càng khó khăn khi giải quyết quan hệ này.

tttt
Bà Nguyễn Thị Hậu.

Chúng tôi trao đổi với bà Nguyễn Thị Hậu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử TPHCM - về việc bảo tồn di sản lịch sử Sài Gòn - TPHCM.

Trái với những quan niệm thông thường về “tuổi” của TPHCM, bà từng lên tiếng rằng đô thị này không trẻ như người ta vẫn nghĩ. Bà có thể giải thích thêm về điều đó?

- Cho đến nay, Sài Gòn vẫn được coi là một “vùng đất mới 300 năm”, một “thành phố trẻ” hơn một thế kỷ. Tuy nhiên, những dấu tích trên vùng đất Sài Gòn đã cho biết nơi đây từng là một “cảng thị cổ” từ khoảng đầu công nguyên. Đến nay đã qua 20 thế kỷ, trong bất cứ giai đoạn nào, vùng đất Sài Gòn vẫn giữ vị thế địa lý trung tâm, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển và giao lưu kinh tế - văn hóa của vùng đất Nam Bộ.

Mặc dù số lượng di tích tiền - sơ sử khai quật còn ít, nhưng đều là những di tích tiêu biểu cho các giai đoạn phát triển của thành phố, là những mắt xích quan trọng nối liền từ khoảng 3.000 năm trước đến nay. Một trong những con đường hình thành nền văn minh Óc Eo đã thể hiện khá rõ từ các di tích khảo cổ học ở TPHCM nói riêng và miền Đông Nam Bộ nói chung. Thương cảng Sài Gòn, từ góc độ lịch sử có thể coi là đặc điểm chủ yếu của đô thị Sài Gòn.

Bà có thể cho biết sơ bộ về các dấu tích vật chất phản ánh lịch sử văn hóa vùng đất này?

- Những dấu tích vật chất phản ánh lịch sử văn hóa vùng đất này không còn nhiều. Những di tích thuộc loại hình kiến trúc - nghệ thuật thường là những công trình tôn giáo tín ngưỡng. Được xây dựng từ khoảng hơn trăm năm với vật liệu gỗ là chính, nên nhiều di tích đang xuống cấp trầm trọng, đòi hỏi cần được trùng tu ngay. So với Hà Nội hay Huế, thì loại hình này ở Sài Gòn không nhiều, niên đại muộn, đặc trưng kiến trúc - trang trí thể hiện sự giao lưu văn hóa đậm nét, nhiều chiều... Hệ thống mộ cổ ở thành phố mang tính tiêu biểu cho loại hình di tích này của cả Nam Bộ, tuy đã được khảo sát, khai quật một số di tích, nhưng nhìn chung vẫn chưa được chú ý đúng mức. Đặc biệt, quá trình chỉnh trang đô thị và đô thị hóa đang trực tiếp “đe doạ” các di tích đặc thù này.

Một loại hình di tích nữa là các ngôi nhà cổ hiện nay gần như chưa được sự quan tâm và đầu tư bảo vệ, bảo tồn từ phía các cơ quan chức năng của Nhà nước. Nhiều cá nhân sở hữu nhà cổ đã gặp rất nhiều khó khăn cả về kinh phí và phương pháp trong việc bảo tồn. Đó là chưa kể đến việc “sức ép” từ nhu cầu cuộc sống hiện đại đòi hỏi họ phải cơi nới, có khi phá bỏ để xây một ngôi nhà mới tiện nghi hơn.

Di tích “Sài Gòn 300 năm” còn có các công xưởng, nhà máy, công trình xây dựng, máy móc từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 mà ngày nay được xếp vào loại hình di tích của ngành “khảo cổ học công nghiệp và đô thị”. Vì vậy, đây cũng là một thế mạnh của di sản lịch sử thành phố.

Toàn cảnh TPHCM. Ảnh: Internet
Toàn cảnh TPHCM. Ảnh: Internet

Và chúng ta đã “tận dụng” lợi thế này ra sao, thưa bà?

- Hệ thống bảo tàng của thành phố có thể phong phú hơn nhiều địa phương, song nội dung và hình thức trưng bày chưa có sự thay đổi lớn. Tuy các bảo tàng đã tiến hành sưu tầm một con số đáng kể hiện vật, song phương thức sưu tầm, nhất là loại hình cổ vật, vẫn phổ biến cách thức mua từ các sưu tập tư nhân. Vì vậy, hạn chế lớn nhất là nguồn gốc di vật không thể rõ ràng chắc chắn, chưa kể hiện tượng nhiều di vật đã được sửa chữa, tuy “đẹp” về hình thức, nhưng giá trị nguyên gốc - giá trị quan trọng nhất cho việc nghiên cứu - đã bị mất đi ít nhiều.

Nhìn lại sự phát triển của Sài Gòn trong vài thập kỷ qua, điều dễ dàng nhận thấy là vẻ đẹp của sự quy hoạch đồng bộ, lâu dài, của phong cách kiến trúc sang trọng mà tiện dụng, của những chi tiết trang trí thanh thoát mà ấn tượng đang dần biến dạng, biến mất, do nhiều nguyên nhân. Chính vì vậy, nhiều di sản vật chất đã biến mất, hệ quả tất yếu là những di sản tinh thần cũng bị mai một, trong đó rõ ràng nhất là sự biến mất, nhạt đi của “không gian văn hóa sông nước” trong nội thành thành phố.

Và theo bà, để giữ cho tương quan phát triển - bảo tồn được cân bằng, chúng ta cần làm gì?

- Đô thị hóa đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng, lại không tuân thủ quy hoạch cũng như chưa có hoạch định rõ ràng, các vùng ngoại ô có tiềm năng về khảo cổ học cần được đặt trong bản đồ khảo cổ học chung của miền Đông Nam Bộ để thấy được mức độ quan trọng của khu vực này.

Cũng như những thành phố khác, khi giải quyết mâu thuẫn giữa việc bảo tồn kiến trúc cổ với việc phát triển công trình mới, thì phần thiệt thòi luôn về phía kiến trúc cổ. Để bảo vệ những di tích này không chỉ cần có kiến thức khảo cổ, bảo tồn nói chung, mà cần có cả một ngành “nghiên cứu khảo cổ kiến trúc” phục vụ việc bảo tồn các kiến trúc này.

Đa phần dân chúng quan tâm đến các di tích là do nhu cầu “hưởng thụ cá nhân” về tinh thần, chứ chưa phải là xuất phát từ ý thức đối với cộng đồng và xã hội. Cần có những giải pháp đẩy mạnh sự tham gia của người dân vào việc bảo vệ các di tích này một cách tích cực, như “khảo cổ học cộng đồng” chẳng hạn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...