NHỮNG NGÀY ĐẦU TRỞ LẠI QUÊ HƯƠNG

Nguyễn Thị Hậu

Từ Hà Nội, đầu tháng 4 - 1975 ba tôi – đạo diễn sân khấu Nguyễn Ngọc Bạch – nhận được lệnh “tập trung chuẩn bị đi tiếp quản Sài Gòn”. Những ngày sau đó ba tôi cùng các đồng nghiệp như đạo diễn Lưu Chi Lăng, họa sĩ Lương Đống, giáo sư nhạc sĩ Quang Hải… vừa học chính trị “ Về tình hình – nhiệm vụ mới”, vừa làm các thủ tục giấy tờ cũng như nhận quân trang hành lý. Đã nhiều lần ba tôi đưa các đoàn văn công vượt Trường Sơn “đi B” nhưng lần nào cũng phải quay lại miền Bắc do điều kiện chưa thuận lợi, vì vậy lần này ông rất hồi hộp không biết có về được quê hương Nam Bộ – về đến Sài Gòn hay không?
Thế rồi cả Hà Nội – miền Bắc như sôi lên theo tin tức dồn dập của “chiến dịch Hồ Chí Minh”. Có lẽ không có thời gian nào khuấy động lòng người như lúc này, vừa thật vừa như mơ! Ngày lên đường của ba tôi đã đến… một sáng sớm tháng Tư má con tôi cùng nhiều cô chú trong đoàn Cải lương và Kịch Nam Bộ tiễn ba tôi “đi tiếp quản” bằng máy bay AN-24B cất cánh tại sân bay Gia Lâm. Nhìn ba tôi và các chú các bác trong bộ quân phục mới, ba lô trên vai với nào là thắt lưng, bi-đông, dao găm… dù đã lớn tuổi nhưng vẫn không dấu được vẻ náo nức rất trẻ thơ… tôi chợt nhận ra một tình cảm thiêng liêng mà tôi không biết rằng mình cũng có: đó là tình yêu đối với quê hương Nam bộ mà tôi chưa một lần được biết, vì một lẽ đơn giản, tôi thuộc thế hệ sinh ra và lớn lên trên đất Bắc, nơi mà ba má tôi cùng hàng ngàn người con miền Nam tập kết được nuôi dưỡng và đùm bọc hơn 20 năm!
Sau này ba tôi ghi lại trong Hồi ký :
Đoàn cán bộ đi tiếp quản lần này gồm nhiều ngành: Văn hóa, Giáo dục, Ngoại thương, Giao thông… khoảng 50 người. Chiếc máy bay nhỏ nhưng khá đầy đủ tiện nghi, khi bay qua Quảng Trị, Huế, đồng chí phi công đã có nhã ý hạ độ cao và giới thiệu cho anh em mình nhìn qua cửa sổ tròn để biết phong cảnh đất nước mình. Giây phút này thật bồi hồi xao xuyến, dưới kia là cột cờ Huế – nơi bao nhiêu anh em mình  đã ngã xuống trong chiến dịch Mậu Thân 1968…
Ngày 29-4-1975. Lúc 12g05- máy bay hạ cánh xuống say bay Đà Nẵng. Sân bay mênh mông. Nắng, gió, cát bụi… Mọi người mang hành lý xuống và chờ đợi… Ủy ban quân quản đang rất bận rộn, gần 1g mới bố trí xe đón và nơi nghỉ cho đoàn được. Thành phố Đà Nẵng có vẻ bừa bãi, hỗn tạp, nhưng sao tôi không có cảm giác xa lạ.
Sáng 30-4-1975 đoàn đi thăm Bảo tàng Chàm. 12g được lệnh lên đường gấp. Trong lúc ngồi ở sân bay đã nghe tin Dương Văn Minh đầu hàng. Sài Gòn đã hoàn toàn giải phóng! Chờ đợi giây phút này đã từ lâu mà sao vẫn bàng hoàng quá! Anh em khui một chai rượu, uống sương sương, lòng cứ lâng lâng… Rồi lên máy bay bay đến Phan Rang. Rồi  lên xe tải trần đi về Sài Gòn, dọc đường xe tải, xe zep, xe tăng la liệt. Cầu bị phá phải đi đường vòng, xe hư, mãi 10g đêm mới tới Xuân Lộc. Ở đây đã xảy ra chiến đấu ác liệt, không khí hoang tàn còn khắp nơi.
 Sáng hôm sau (1-5-1975) khoảng 10g về đến Biên Hòa. Thành phố đã xa lạ từ khi mình từ giã nó năm 1945. Tại Uỷ ban Quân quản, sĩ quan VNCH xếp hàng đăng ký dài dài…
11g sáng 1-5-1975 về đến Sài Gòn. Cảm giác khá ngỡ ngàng. Y phục của người Sài Gòn khác xưa nhiều quá, nhất là thanh niên: quần loe áo chẽn, áo dài hở hông, đó là nổi bật chưa kể nhiều kiểu hở hang, mini jupe, sơmi nữ lòi rún. Màu sắc đủ kiểu. Đặc điểm hóa trang: môi vàng nhợt nhạt, mí mắt xanh đen, lông mi giả dài và quớt lên… lớp già ăn mặc đứng đắn hơn…
Trong lúc chờ anh Cù Huy Cận liên hệ, mình và Chi Lăng, Lương Đống đứng ở trước cửa Toà Thị Chính ngắm dòng người ngược xuôi, người ta cũng nhìn chúng mình – những người lính Việt Cộng già - như nhìn cái gì lạ lẫm...?
Những ngày sau đó ba tôi và bộ phận tiếp quản về nghệ thuật đóng ở 5B Trần Quý Cáp (nay là sân khấu 5B Võ Văn Tần). Công việc hàng ngày đi tiếp quản nhà không chủ và xe hơi bỏ lại la liệt trong các chung cư, ngoài đường phố… Đêm về các chú các bác ngủ chung ở 5B, hùn tiền mua thức ăn, xúm nhau nấu cơm, ăn uống vui vẻ như hồi còn ở nhà tập thể miền Bắc.
Từ ngày 19-5-1975 có 16 đoàn văn công Trung ương vào Sài Gòn bằng tàu thủy. Ba tôi lại lo đón tiếp, rồi nào hợp đồng xe cộ, nào thuê khách sạn, nào lo triển khai tổ chức biểu diễn, thành lập “Ban Tổ chức biểu diễn nghệ thuật trực thuộc Bộ Văn hóa Thông tin - Chính phủ Cộng hoà miền Nam VN”. Ban Tiếp quản phải nhận thêm người làm các thủ tục giấy tờ, phân phối vé, liên lạc các đoàn, họp hành, bố trí kế hoạch, lo xin tiền, xin xăng nhớt… Những ngày ấy không khí làm việc căng thẳng nhưng rộn ràng, nhộn nhịp, nhốn nháo, ai cũng nói mệt nhưng vui! Bao nhiêu là việc mà tổ chức chính quyền chưa quy củ vì còn là Uỷ ban Quân Quản…
Những năm sau ba tôi hay kể về thời gian này. Ông nhớ lại, người dân Sài Gòn lúc đầu hưởng ứng nghệ thuật cách mạng khá tốt. Đợt diễn trong năm 1975 của các đoàn nghệ thuật Trung ương đã thành công. Sau khi các đoàn về miền Bắc thì Đoàn Kịch nói Nam Bộ diễn vở kịch Liên Xô  “Đồng hồ chuông điện Kremlin” liền một tháng cho trí thức, sinh viên được dư luận rất khen ngợi, nhưng chỉ diễn phục vụ chứ bán vé rất khó khăn...
Cách mạng mới về nhân dân rất hồ hởi, nhưng rồi những việc xấu lộ ra: đời sống khó khăn, một số cán bộ quan liêu, hách dịch, cửa quyền. Phần khác, một bộ phận quần chúng nghe tuyên truyền xuyên tạc, rồi nghi ngờ, xa lánh… Không phải ai cũng nhận ra quy luật là người ta dễ choáng ngợp vì thắng lợi quá lớn, quá bất ngờ, và hơn nữa, choáng ngợp cả vì tiền tài và địa vị nữa. Chính vì vậy nhiều cán bộ đã hành động sai trái làm cho quần chúng mất lòng tin vào cách mạng khá nặng nề.
Lúc đó ba tôi đã nói, đây là giai đoạn giao thời nên  khó mà tránh được những hiện tượng tiêu cực trên nhưng nếu cán bộ ít sai thì quần chúng đỡ thắc mắc hơn, rồi đời sống sẽ khá hơn…
Sau gần 10 năm gia đình tôi phân tán: Ba tôi thường xuyên lưu diễn ở chiến trường, anh Hai đi bộ đội lái xe ở Trường Sơn, chị Ba đi học xa, ở nhà chỉ có hai má con tôi. Từ đầu tháng 5-1975 má tôi cũng theo đoàn cán bộ Ngân hàng nhà nước vào tiếp quản và sau đó làm việc tại Ngân hàng Việt Nam thương tín. Rồi lần lượt anh em tôi trở về Sài Gòn, gia đình thực sự sum họp từ giữa năm 1975. Lúc này gia đình tôi vẫn chỉ ở một căn phòng trong “nhà tập thể” 5B Trần Quý Cáp. Ba má đưa chúng tôi về quê nội Chợ Mới-An Giang thắp nhang mộ ông bà nội, về quê ngoại Cao Lãnh-Đồng Tháp thăm ông bà ngoại và các cậu các dì… Bà con nội ngoại khi nghe tôi thưa gửi bằng giọng Hà Nội đều thắc mắc “sao nó nói tiếng gì không phải tiếng Việt mình”… Bây giờ tiếng miền Bắc, tiếng Hà Nội đã phổ biến ở nhiều tỉnh thành phía Nam.
Từ tháng 10-1975 tôi tiếp tục học lớp 12 tại trường Marie Curie, lúc này do cô Tôn Thị Tuyết Dung làm hiệu trưởng. Trong lớp tôi các bạn học sinh “trường Tây” cùng với nhiều bạn bè từ chiến khu ra, từ miền Bắc về như tôi đã nhanh chóng hoà nhập vào hoàn cảnh mới. Chúng tôi cùng sinh hoạt văn nghệ, làm báo tường, bán báo Sài Gòn giải phóng ở các khu dân cư, công sở, trường học, tham gia điều khiển giao thông trên đường phố… Tuy chỉ học với nhau một năm cuối của trường trung học nhưng cho đến nay chúng tôi vẫn nhớ đến nhau, nhớ thời gian sôi nổi và vô tư ấy, cuộc sống ở Sài Gòn sau ngày 30-4 còn nhiều bề bộn nhưng lớp thanh niên chúng tôi lúc ấy đã không phân biệt Bắc – Nam mà gắn bó với nhau bằng những tình cảm thật trong sáng.

Sài Gòn, tháng 4/2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...