Vẫn còn nhớ nhau- cuốn sách của lòng yêu thương con người


Chỉ chừng 140 trang in với 23 mẩu truyện và ký, “Vẫn còn nhớ nhau”, cuốn sách mới của nhà văn- tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu dường như “chứa đựng” nhiều hơn so với số lượng chữ và trang in vốn có. Một cách không chủ ý, người đọc vẫn có thể dễ dàng nhận ra 23 mẩu truyện và ký có mặt trong “Vẫn còn nhớ nhau” đã vẽ nên bức tranh chân thực, đầy đặn cảm xúc 3 đoạn đời của người phụ nữ Nguyễn Thị Hậu: thời thơ ấu, thời thiếu nữ và sau này, khi trưởng thành, nhìn lại đời mình.

Giống như cuộc sống khốn khó đầy khắc nghiệt của muôn ngàn người dân Hà Nội thời chiến tranh, tuổi thơ của em bé Nguyễn Thị Hậu là những ngày phải sống xa ba mẹ, sơ tán về vùng quê để tránh bom đạn Mỹ, hoang mang, lạc lõng vì cảm giác bị bỏ rơi, đêm nằm nhớ má mà không dám khóc. Một tuổi thơ có thể làm nhói lòng bất cứ bậc cha mẹ ngày nay, vốn khá xa lạ với chiến tranh, khi bắt gặp câu hỏi của cô bé năm tuổi ngày đó: “Vì sao các cô bảo mẫu có thể để chúng tôi- một lũ trẻ con như trứng gà trứng vịt, đêm nào cũng ở lại trong ngôi nhà đèn dầu leo lắt, có khi gió lùa tắt ngúm, mà không có một người lớn nào bên cạnh?”

Thời thiếu nữ của cô gái Nguyễn Thị Hậu là mùi hoa hồng thoang thoảng mong manh của mùa đông Hà Nội cũ, là bữa tiệc Noel đầu tiên chia tay với rung động đầu đời tinh khôi, là khoảnh khắc xúng xính khi tròng lên người chiếc quần âu đầu tiên được sửa từ quần bộ đội của anh trai, là chút ấm áp dịu dàng khi nghĩ về một giai đoạn đã qua, dẫu đời sống còn nhiều khốn khó.

Chiếm nhiều nhất trong nội dung cuốn sách là mảng hồi ức về những tháng ngày bao cấp mà người phụ nữ Nguyễn Thị Hậu phải bươn chải kiếm sống bằng nhiều nghề khác nhau, miễn là giữ được cho mình đời sống lương thiện, là những mảnh đời tất tả chung quanh, tuy nghèo khó những vẫn lấp lánh lòng yêu thương con người, là những ấm nồng dành cho nhau, mặc những ly tán đau lòng bởi định kiến và thời cuộc.

 “Vẫn còn nhớ nhau” còn là những ký ức sinh động và khó quên về quê hương, về gia đình yêu quý của chính tác giả, ở đó có người cha hào sảng, người mẹ tảo tần, người anh trai quảng đại, có chị gái bảo bọc, mỗi người theo một cách khác nhau đã góp phần làm nên một bức chân dung gia đình Việt trong mối quan hệ từ truyền thống bước ra hiện đại, luôn luôn dung hòa bởi được gắn kết bằng tình yêu thương, bất chấp những biến động của dòng chảy đời sống.

Bạn đọc sẽ khó lòng bỏ qua “Vẫn còn nhớ nhau”, nếu tình cờ bắt gặp.

ĐINH LÊ VŨ

Thanh Niên tuần san 17/5/2017

Trong hình ảnh có thể có: 1 người

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỖI ÁM ẢNH CỦA QUÁ KHỨ

  Trần Quốc Vượng   Nước Việt Nam ta hiện là một quốc gia kém phát triển về mọi mặt, vừa lạc hậu, vừa lạc điệu với một thế giới nhìn chung...