CHƯA BAO GIỜ THÔI LÀ THIẾU NỮ…


(Viết về tám Truyện trong cuốn sách VẪN CÒN NHỚ NHAU  của NGUYỄN THỊ HẬU- 2017)

Trong hàng vạn trang sách văn chương bay phấp phới ra khỏi nhà in mỗi ngày, thật khó cho những người muốn tìm ra những trang “có cái để đọc”, cũng như trường hợp những cuốn phim “có cái để xem”. Gần đây, do một sự tình cờ ấm áp, tôi đã có trên tay cuốn sách xinh xinh của Nguyễn Thị Hậu, có cái tên rất là gợi : Vẫn còn nhớ nhau

Cuốn sách dành 99 trang cho những hồi ức lấp loáng về cuộc sống gian khổ nhưng chưa bao giờ thôi được yêu thương của những em bé phải sơ tán xa nhà thời chống Mỹ ở miền Bắc. Vì có Hậu trong số những em bé có lúc chới với vì cô độc và sợ hãi ấy, cho nên mới có những dòng hồi ức quý báu cho tất cả mọi người hôm nay (kể cả những hồi ức “người lớn” sau-sơ tán). Nhà báo Phạm Thanh Hà đã chia sẻ những dòng thật gan ruột về hồi ức quá đẹp, nhờ tâm hồn “trong trẻo và thanh thản” của con người hôm qua còn là em bé gái trong cuộc đó. Vì vậy tôi hoàn toàn chia sẻ với Phạm Thanh Hà và xin không nói gì thêm.

Tôi đặc biệt tò mò xem tám cái truyện in tiếp ở 43 trang phần sau, vì thoáng nghĩ rằng, biết đâu, sẽ chẳng những có cái để đọc, mà còn có cái để hiểu hơn về một cây bút – nghe nói – viết về tình yêu rất lạ trong tản văn, tạp bút. Và bây giờ là một vệt truyện không có truyện, mỗi truyện đều mỏng tang vài trang giấy, nhưng phải nói thật là có những điều để khám phá.

Cách đây khoảng nửa năm, tôi đã dùng cách đọc Hai tốc độ để khám phá tập thơ của một người bạn cũ, và thấy khá là hiệu quả. Tốc độ thứ nhất là đọc thật nhanh, ào ạt, càn lướt, cốt để thấy cái toàn cảnh và cốt để chớp lấy cái thần thái chung của tác phẩm – không tìm ngay ra cái thần thái này thì khó mà đi xa hơn được, khi muốn tiếp tục phiêu lưu vào sâu các ngóc ngách của tâm hồn văn nhân. Còn tốc độ thứ hai, được sử dụng tiếp sau đó, là tốc độ cực chậm, chậm như là sống chậm ấy, rỉ rả, khề khà, để phối kiểm xem cái thần thái vừa bị tóm lấy kia có là thật không, hay chỉ là cái ảo giác của người phê bình. Nếu đó là ảo giác, thì cuộc đọc này tan vỡ, thất bại, chỉ còn biết… cuốn cờ mà chạy. Còn nếu nó đúng như cảm nhận Trời cho lúc ban đầu về cái thần thái chung đó, thì tiếp tục cuộc phiêu lưu cùng văn nhân , với tốc độ cực chậm, cho đến chữ cuối cùng. 

Bây giờ đây, tôi đem áp dụng cách đọc Hai tốc độ đó vào những truyện trong Vẫn còn nhớ nhau của Nguyễn Thị Hậu và thấy là cái method này đã không hại tôi, mà còn giúp tôi khám phá ra rằng Hậu đã làm được một việc mà ít văn nhân nào trước đây đã làm được. Không phải vì Hậu là một nhà văn quá giỏi, mà chỉ đơn giản vì Hậu đã viết trong một tâm thế quá chân thật về “vùng trời” của mình và “vùng trời” của những người đàn bà cùng trang lứa.

Viết tiểu thuyết diễm tình mà chỉ vẻn vẹn vài trang giấy thì làm gì …có cửa! Văn hào cũng chả ai dám làm. Nhưng Hậu làm nên chuyện đâu có phải do cô muốn chui vào lãnh địa của tiểu thuyết diễm tình? Cô cũng không đi vào vùng truyện ngôn tình của mấy cô văn nhân trẻ bên Tàu (viết “hay” đến nỗi mấy tay dịch sách người Việt lao vào dịch ngày đêm, có lúc quên cả chấm lẫn phẩy). Truyện của Hậu không có nhân vật; nếu có hé ra một nhân vật nào đó thì y ta cũng chẳng có tên. Vậy Hậu viết cái gì vậy? Hậu tựa vào cái khung của kiểu viết truyện, để trưng ra một cách khôn khéo những khoảnh khắc của một trạng thái rất tinh tế trong tình yêu và rất khó diễn đạt thành công trong nghệ thuật. Đó là những phút HỜN của người con gái, hay của người thiếu phụ. Hờn, chứ không phải giận, không phải căm nhé.

 Cái hay của Hậu là cô diễn đạt cái hờn, nhưng lại tìm cách giả vờ che dấu nó đi. Khi thì như một cuộc đi tìm sự cô độc chỉ có một mình mình, chứ không phải cô độc giữa nhiều người, hay bên cạnh một người. Khi thì lấy sự có mặt hay vắng mặt của hoa dã quỳ rạp mình trước gió cao nguyên để che đi cái hờn không thể lên tiếng nói… Nhân vật của Hậu hờn cái không gian đồng lõa với ai đó trong những cuộc điện thoại xuyên lục địa, nhưng nàng ấy lại lấy thời gian mà đo không gian, bằng bốn cái đồng hồ, lúc nào cũng hiển thị cái khoảng cách của những kinh tuyến xa xăm kia bằng bốn giờ khác nhau cùng lúc trên tường…Các nhân vật của Hậu hờn với người ấy, hờn với cuộc tình, và hờn với chính mình, Tôi phải nói rằng, khi người con gái hờn, là lúc nàng yếu đuối nhất, sơ hở nhất, dễ chết nhất. Đọc vào những cảnh hờn như thế, người ta có thể thoáng thấy sự can dự của cả những run rẩy nhục cảm nữa, nhưng chỉ thoáng qua thôi. May quá! Không có ai “chết” cả.

Trong văn chương Việt Nam và thế giới, tôi là người đọc ít và không biết gì về nghề phê bình văn học, nên chỉ thấy cái hờn xuất hiện thật hiếm hoi… Tôi có thấy trong một vài khổ thơ thật hay của nữ sĩ Xuân Quỳnh. Tôi thấy nó trong Tiếng chim hót trong bụi mận gai (The Thorn Birds) của nữ văn sĩ Colleen McCulough, và thấy nó ở dạng âm bản trong Les misérables của Victor Hugo. Bạn đọc tìm giúp tôi ở những văn phẩm khác nữa nhé.

 Nhưng dù thế nào thì những trang hờn của Hậu cũng là những trang khá hiếm mà ta phải trân quý, có phải không? Bởi tác giả, qua cuốn sách này, khoe với ta cả những ngày ấu thơ của nàng, cả những khoảnh khắc nàng giã từ thơ ngây để bước vào thời con gái, và cả những ngày nàng đã thành thiếu phụ vì những “lưỡng lự” nổi tiếng Made by Nguyen Thi Hau. Hình như chưa bao giờ Hâu thôi là thiếu nữ. Và như thế, ta mới có một nhà văn của những trang hờn đẹp đến thế, hôm nay…

Thôi, tôi không viết nữa đâu. Viết hoài thì bạn còn gì bất ngờ nữa khi đọc Hậu. Đọc đi! Để rất lâu sau “và nhiều năm sau nữa”, ta, vẫn còn …nhớ nhau!

                                                    Sài Gòn, tháng 4 năm 2017
                                                          Nguyễn Quang Vinh
                                   Nhà xã hội học, kiêm “lều” phê bình văn chương
Ký họa: họa sĩ Trịnh Tú

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...