Thỉnh thoảng tôi hay tới Đường Sách vào buổi sáng. Khoảng thời
gian trước 9g nơi đây còn yên tĩnh, những gian hàng đã mở cửa, quán cà phê đã
có người đi làm sớm ghé vô, nắng đang lên hàng me hai bên còn đọng sương lấp
lánh…
Con đường nhỏ nhắn đứng một đầu đường nhìn được tới đầu kia
dù có những pano hình ảnh hay vài kiot nhỏ dựng giữa đường vào dịp lễ lạt. Tôi
thích sự thoáng đãng của đường sách ngày thường, nó đúng là một không gian của
sách, của người đọc và những gặp gỡ thân tình. Ở đó người ta có thể ngồi thưởng
thức cà phê ngon ở những quán sách đẹp, có thể từ tốn ghé vào từng nhà sách, ngắm
nghía, cầm lên đặt xuống từng cuốn sách còn thơm mùi giấy mới, chân bước đi rồi
quay lại luyến tiếc nhìn cuốn sách chưa thể mua, hay hớn hở cầm túi xốp có cuốn
sách dù được người bán cột lại gọn gàng nhưng vừa ra khỏi quầy đã lấy ra xem lướt…
Đúng là tín đồ của “văn hóa đọc” như một thuật ngữ đang thịnh hành.
Sài Gòn xưa có những con đường sách nổi tiếng và quen thuộc
với người Sài Gòn, đa phần là bán sách cũ. Cũ mà không cũ, bởi phần lớn sách ở
đó có giá trị cao, từ sách văn chương sách nghiên cứu đến tạp chí, báo cũ… Có
thể tìm thấy ở đường sách cũ Đặng Thị Nhu, Trần Phú, Trần Huy Liệu, cuối đường
Nguyễn Thị Minh Khai… những cuốn sách xưa quý hiếm, nhiều công trình khoa học
có giá trị, tạp chí nguyên bộ… ngoài sinh viên các trường đại học hay “lùng sục”
thì sau 75 còn có các nhà sưu tầm sách đã may mắn tìm thấy “vàng” ở đó.
Từ những năm 2000 nhiều đường sách “cũ” vẫn còn hoạt động
nhưng hầu như không còn sách “quý”: nhiều nhất là sách truyện trẻ em từng bộ chất
chồng, truyện chưởng, tiểu thuyết diễm tình, truyện vụ án trinh thám… của nhà
xuất bản các tỉnh một thời “nhà nhà xuất bản”. Những năm 1990 còn có sách
“thanh lý” từ các thư viện công, các nhà sách tư nhân mà nhà nước “tiếp quản”,
tài liệu của nhiều công sở mang ra “cân ký” bán như giấy vụn. Nhưng bây giờ thì
chẳng còn, sách quý hiếm lắm vì “người ta đã bán hết rồi, những ai còn giữ lại
tức là họ sẽ không bao giờ bán” – như lời người bạn tôi chuyên sưu tầm sách.
Từ bao giờ người ta mất thói quen tặng cho nhau những cuốn
sách mới, sách hay? Từ thời “bao cấp” khốn khó nhịn mua một cuốn sách để mua được
vài mớ rau, hay khi những cuốn sách in bằng giấy đen ẩm bìa dán hồ chưa kịp xem
đã bị gián nhấm? Từ lúc TV rồi các loại phương tiện nghe nhìn phổ biến hơn, hay
lúc điện thoại thông minh lên ngôi trở thành “cái kho” chứa tất cả của mỗi người,
trừ sách?
Nhớ vậy mới biết thương quý những người đã cố gắng tạo dựng
lại tình yêu và thói quen đọc sách. Việc xây dựng Đường sách là một cố gắng như
vậy, bên cạnh những Hội Sách hàng năm vẫn có. Đường sách là không gian để thưởng
thức chứ không chỉ để mua bán, như những khu phố sách cũ ở những nước khác. Dạo
chơi ngắm nghía phố sách cũ ta như được đi ngược thời gian trở về quá khứ của
thành phố. Những năm trước có dịp qua Paris tôi luôn đến dãy kiot
bên bờ sông Seine. Một Paris cổ xưa hiện lên cụ thể và đa dạng trên từng
quầy sách mà người bán là tourguide nhiệt tình và hết lòng yêu nghề, họ say mê
tất cả những gì họ bán, một cuốn sách bán đi, một tấm bưu thiếp có người mua, một
bức tranh có ngừơi chủ mới… người bán dường như phải chia tay với người bạn
thân thiết, họ gửi gắm cho người mua cả tình yêu của mình đối với Paris, với nước
Pháp. Rất đông du khách đến đây để khi chia tay người ta sẽ nhớ mãi Paris từ
nơi bình dị này.
Người yêu sách đều mong muốn Sài Gòn, Hà Nội có nhiều
không gian như vậy.
Khi nào bạn vô Sài Gòn nhớ nhắn tôi nhé, mình sẽ hẹn
nhau ở Đường Sách, “con đường có lá me bay” rất Sài Gòn nằm kế bên Nhà Thờ
Đức Bà và Bưu điện thành phố. Đến đó mình cùng cà phê và trò chuyện, ngắm nhìn
một Sài Gòn trẻ trung năng động trên những gương mặt trẻ đang dạo chơi, chụp
hình rồi mua sách, những gia đình cùng đi lựa sách cho con, những người có tuổi
nâng niu từng cuốn sách ở sạp sách cũ… Và sách, rất nhiều sách mới từng ngày xuất
hiện ở các gian hàng, sách in đẹp và giá cũng khá mềm, mua đọc hay tặng đều xứng
đáng. Thương
và quý nhau thì tặng sách cho nhau. Tặng nhau kho tàng tri thức, tặng nhau tình
cảm không lời qua cuốn sách thì làm sao không quý…
Chúng mình cùng tham gia những buổi giới thiệu sách mới
và giao lưu với tác giả thường xuyên được tổ chức ở đây. Người hâm mộ tác giả
và người yêu sách đứng ngồi kín cả một đoạn đường…
Còn đó tình yêu dành cho sách, chung thủy và sâu lắng
trong một góc nhỏ của tâm hồn, không dễ mất đi trước những phù phiếm bởi truyền
thông đa phương tiện đang len lỏi vào từng giây phút rảnh rỗi của mỗi người.
Sài Gòn
11.4.2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét