Như là nghe gió lao xao

Phạm Thanh Hà

Một ít truyện ngắn, tản văn và ký, nhưng về cơ bản, tất cả đều mang lại cho người đọc cảm giác đây là tự truyện… trong tập sách mới của Nguyễn Thị Hậu, “ Vẫn còn nhớ nhau”. Nhớ nhau, và nhớ chính mình.
Bởi, Nguyễn Thị Hậu viết giản dị và chân thành lắm, chị không đi xa quá trên con đường văn chương xa lạ và ghập ghềnh với mình. Cứ bình thản có gì kể nấy, những câu chuyện bé thơ thời sơ tán, những mối tình xinh xinh. Dù là  nó, cô ấy hay cô…, những đại từ ngôi thứ ba đều khiến người đọc tin rằng mình đang sống trong những mẩu hồi ức trong trẻo và thanh thản của chính người kể chuyện, đang xưng tôi, chứ không của ai khác.
Trong trẻo và thanh thản, chỉ hai từ đó thôi là đủ để nói về những câu chuyện Nguyễn Thị Hậu kể, mặc dù khi đọc kỹ sẽ thấy không chỉ như vậy. Cuốn sách mỏng, nhưng dày những kỷ niệm. Mỏng, mà thấy được sự đằng đẵng của đời một con người, từ lúc là một cô bé năm tuổi ở chỗ sơ tán, sống với một phụ nữ không phải mẹ  “Nó không ngủ thì cũng nằm im đấy, không dám nhúc nhích cục cựa vì cô khó ngủ. Nhiều đêm nó nhớ má cứ nằm im quay mặt vào vách để mặc nước mắt tràn trề không dám nấc tiếng nào…
Nhờ vậy sau này nó được nết ngủ ngoan, dù mất ngủ cũng không làm phiền ai”.
Đọc đến câu này tôi tự dưng cay mắt. Cũng không phải lần cay mắt duy nhất, những chuyện tác giả kể đi bỏ mối hàng, giúp việc gia đình, may đồ… những việc làm lụng vất vả của thời bao cấp về sau, những câu nhẹ êm như thế nhiều lắm mà đều làm cay mắt.
Rồi từ nước mắt tràn trề của cô bé năm tuổi nằm im quay mặt vào vách ấy, tôi đọc đi đọc lại những câu chuyện kể thời sơ tán của Nguyễn Thị Hậu. Những câu chuyện ấy có lẽ chỉ những đứa trẻ cùng thời mới thấm thía. Chị không có những câu chuyện gay cấn, hấp dẫn mang bóng dáng tiểu thuyết như kiểu Quân Khu Nam đồng, chỉ là thủ thỉ của một cô bé rời thành phố đi sơ tán. Nhưng trong đó những địa danh thời sơ tán, Tân Chi, Sen Hồ, Chu Minh, Lạc Đạo…rõ ràng là dấu ấn không phai mờ trong ký ức. Những bữa cháo thịt cóc, công cuộc cứu bầy chó con, hay chuyện cái Chỉ, cái Nhàn…, chuyện gia đình có ba má, có chị Hiền, đều rất thật! Những câu chuyện nhắc lại mà đôi khi chỉ việc nhớ từng chi tiết cũng khiến người đọc muốn khóc. Điều gì khiến những đứa trẻ nhỏ nhít rời thành phố trong năm tháng ấy có ký ức? Chỉ là bởi những năm tháng ấy, nỗi chia ly như dứt da dứt thịt, những kinh hoàng bom đạn dội xuống từ bầu trời, những nỗi đau thực thể, sự đói khát, thiếu thốn mọi bề khác thời sau này rất nhiều.  Văn chương đương đại Việt Nam cho đến giờ vẫn ít tác phẩm về một thời kỳ không thể quên với những người bây giờ vào tầm tuổi 60. Một thế hệ khốn đốn từ ấu thơ, được rèn luyên để đầy sức chịu đựng mà sống tiếp những tháng năm sóng gió sau đó.
Nếu không có “ Một dịp trò chuyện với nhà văn Lê Minh Hà, lỡ “xui dại” Hà và hứa sẽ cùng “viết về tuổi thơ hoang mang của chúng mình”. Vậy nhưng lu bu công chuyện và cũng làm biếng nữa, chưa kịp viết thì Hà đã xuất bản cuốn truyện CÒN NHỚ NHAU KHÔNG hay quá là hay! Chuyện của tôi thì không là truyện, nên cũng may, không làm hỏng cuốn sách của bạn. Nhưng vẫn viết lại đây, để cho mình, cho hai con. Và để bạn biết, vẫn còn nhớ nhau!”  như Nguyễn Thị Hậu kể, chúng ta sẽ không có tập sách này của chị. Ai cũng có thể kể về kỷ niệm, nhưng kể theo cách nào để khốn khó một thời nhường chỗ cho yêu thương dịu ngọt như thế, thì chỉ là Nguyễn Thị Hậu. Một chút thảng thốt khi vẫn còn nhớ nhau, sau những tháng năm đằng đẵng đời người, để cũng có lúc kỷ niệm làm nhói lòng, nhưng trước sau vẫn là một phụ nữ cực kỳ nhân hậu và hiền dịu, rất dễ cảm động, cho dù hạnh phúc không phải lúc nào cũng đến như mong đợi. Trong rất nhiều câu chuyện là những bóng dáng cô đơn. Và phải đọc tất cả tập sách, mới biết sự cô đơn ấy không ngẫu nhiên, nó là sự tự hiểu biết mình từ rất sớm, khi năm tuổi, chẳng hạn thế, những năm đi học và đi làm. Trong cái dịu mềm của tác giả có cái cứng cỏi của một nhánh dương liễu, mà những cú vụt của nó cũng có thể làm đau  (trước hết là đau chính mình).
Có thể đọc chậm hoặc đọc nhanh, nhưng tôi là người cùng thời, tôi đọc thật chậm để thấm thía những điều tương tự mà chính tôi cũng đã trải qua. Một thế hệ nhiều gian truân quá, nhưng yêu cuộc sống. Và tôi yêu cách kể của Nguyễn Thị Hậu, yêu những câu chốt tưởng nhẹ nhàng mà thấm đẫm tình người như thế này : “Bây giờ Lạc Đạo còn là nơi làm cơm nắm muối vừng mang bán khắp Hà Nội. Cứ ra Hà Nội là nó luôn tìm mua cơm nắm của các chị gánh bán rong, lần nào nó cũng nghĩ, biết đâu sẽ gặp lại cái Chỉ…”. Tôi cũng yêu những liên tưởng của chị: Thời gian trôi qua. Những ngày sơ tán bọn trẻ đã lớn lên rất nhanh, không phải chỉ thể chất mà là tinh thần, tự lập sớm hơn, học và biết được nhiều điều từ cuộc sống ở nông thôn. Thế nhưng cái cảm giác “bị bỏ rơi”, cô đơn, tủi thân khi ốm đau khi nhớ cha mẹ của những ngày sơ tán ấy dường như không phai mờ… Rất lâu sau này trong cuộc sống, mỗi khi có gì khó khăn bế tắc, nhiều người chúng tôi vẫn không thể chia sẻ với người thân, luôn co mình lại trước bạn bè… Sự tổn thương (không ai muốn) từ ngày thơ ấu đã để lại dấu ấn này, gây ra  bất hạnh cho không ít người.
Sau này trong bất cứ hoàn cảnh nào không bao giờ tôi để các con tôi phải một mình như tôi lúc ấy!”
Bởi đó là cách nói, cách nghĩ của hầu hết bạn bè thế hệ chúng tôi.
Vài ba năm là khoảng thời gian mà tác giả viết những truyện và ký này, để tập hợp nó thành cuốn sách, mà đọc nó tôi thấy cả một quãng thời gian hàng chục năm, cả một kiếp người lận đận mà nhân hậu. “Vẫn còn nhớ nhau” dường như là một thông điệp gửi thương yêu đến quá khứ , chúng ta ai cũng có lúc phải gửi cho quá khứ những thông điệp, nhưng không phải ai, như tôi nói lúc đầu, trong trẻo và thanh thản, như tác giả cuốn sách này. Đọc sách, rồi nhắm mắt lại, nghe như có lao xao gió từ xa xưa thổi đến, và trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cơn gió ấy cũng vẫn tươi mát nhẹ nhàng.
Rồi nói gì cũng không bằng chính Nguyễn Thị Hậu nói : “Trên đường thiên lý đi đến tương lai, dù chiếc thuyền từng có lúc sang trọng hữu ích nhưng không còn phù hợp với dòng chảy của dòng sông khác, không còn có ích cho một hải trình khác, cần biết để nó dừng tại một bến bờ thì mới có thể cùng chiếc tàu mới tiếp tục cuộc hành trình đến một đích mới.
Với một người cũng vậy, mà với một dân tộc hình như cũng vậy”.
Sự mẫn cảm và từng trải đã cho Nguyễn Thị Hậu sự trong trẻo và thanh thản khi nhìn về quá khứ không chỉ của mình mà còn là lịch sử của một thế hệ sinh ra trong chiến tranh và trưởng thành vào thời hậu chiến.

Hà Nội, tháng chín mùa thu 2016
Phạm Thanh Hà, nhà báo.
SÁCH ĐÃ CÓ Ở SÀI GÒN
BÁN TẠI ĐÂY CÁC BẠN NHÉ : http://kafka.vn/ 
54/2 Nguyễn Cư Trinh P. Phạm Ngũ Lão quận 1. Mở cửa từ 8g - 21g tất cả các ngày trong tuần.
https://web.facebook.com/kafkabookstore/?_rdr

 Trong hình ảnh có thể có: trong nhà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...